Catarina – Nữ giảng thuyết khó nghèo
Trong Sứ điệp gửi Hội nghị quốc tế về “Các Thánh nữ Tiến sĩ Hội thánh và Bổn mạng Châu Âu”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cao phẩm giá và sự tận tâm của các thánh nữ tiến sĩ trong việc phục vụ Chúa, Giáo hội và xã hội. Đức Thánh Cha khẳng định: “Gương sống của các vị thánh này làm nổi bật một số yếu tố cấu thành nữ tính vốn rất cần thiết cho Giáo hội và thế giới: sự can đảm đương đầu với những khó khăn, những khả năng và tầm nhìn xa trông rộng có đặc tính ngôn sứ về thế giới và lịch sử đã làm cho các thánh nữ trở thành những người gieo rắc hy vọng và xây dựng tương lai.”[1] Trong số những thánh nữ tiến sĩ được Giáo hội tuyên phong, chúng ta phải kể đến thánh Catarina Siena, ái nữ của Cha Thánh Đa Minh. Chị đã mang lại sắc thái riêng cho người nữ Đa Minh trong việc phục vụ Chân Lý và tình yêu đặc biệt đối với người nghèo và người đau khổ. Là một nữ giảng thuyết, Catarina đã thi hành việc rao giảng LỜI một cách trung thực, nghĩa là từ chính kinh nghiệm thường ngày của chị trong thân phận một người nghèo, một phụ nữ thất học. Nhân dịp mừng lễ Thánh Catarina – Bổn mạng của Hội dòng, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm chân dung thánh Catarina Siena để nêu bật phẩm giá người nữ, đặc biệt người nữ tu Đa Minh trong việc sống chứng tá khó nghèo Tin Mừng trong thời đại hôm nay.
1. Catarina – Khó nghèo là “biết Chúa và biết mình”
Từ một thiếu nữ nghèo nàn thất học tại thành Siena nước Ý vào thế kỷ XIV, Catarina được Thiên Chúa tuyển chọn, biến đổi và ban sức mạnh để trở thành một nhà ngoại giao, một nhà thần bí và tiến sĩ Hội thánh. Với tâm hồn tự do thanh thoát, Catarina đã vét rỗng chính mình, trở nên nghèo khó để Thiên Chúa chiếm hữu hoàn toàn và hoạt động nơi Chị. Suốt cuộc đời, Catarina hăng say truy tìm Chân lý về Thiên Chúa và về con người. Theo Catarina, nền tảng của sự trọn lành là “biết Chúa và biết mình.” Về điểm này, Cha Raymonđô, linh hướng cho Catarina kể rằng, ngay từ lúc Catarina bắt đầu đi vào con đường tâm linh khổ hạnh, một ngày nọ Chúa đã hiện ra với Chị và nói: “Con có biết con là ai và Ta là ai không?” – và chính Chúa đã trả lời: “Con là kẻ không hiện hữu, còn Ta là Đấng Hằng Hữu.”[2]
Đối với Catarina, “biết Chúa” và “biết mình” là hai mặt của một thực tại bổ túc cho nhau. “Biết Chúa” mà không ý thức về sự mỏng giòn, thiếu thốn của mình sẽ khiến chúng ta kiêu ngạo và tự đắc; ngược lại, “biết mình” mà không “biết Chúa” chỉ làm cho chúng ta hoang mang, bi quan và chán nản vì thấy mình bất toàn. Chính nhờ “biết Chúa,” chúng ta mới hiểu con người thực của mình, biết mình được Chúa yêu vô điều kiện vì tìm thấy chính Thiên Chúa trong chúng ta. Catarina nhận thức rằng tự bản thân, chúng ta không thể đạt tới sự hiểu biết mình phong phú và sâu sắc nếu không nhìn vào “tấm gương hoàn hảo của Chúa.”[3] Chúng ta sẽ nhìn thấy chúng ta trong Chúa bởi vì chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài. Tự mình chúng ta không là chi cả, nhưng khi nhìn ngắm công trình tạo dựng của Chúa nơi mỗi người và trong thế giới, chúng ta sẽ khám phá ra tình thương vô biên của Chúa – Đấng đã nâng chúng ta từ tro bụi lên hàng nghĩa tử.
Khi sống chân lý “biết Chúa” và “biết mình,” Catarina chia sẻ chính sự hiện hữu của Thiên Chúa. Chị ý thức thân phận hư vô của mình và tín thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa. Chị chỉ muốn những điều Chúa muốn và yêu những điều Chúa yêu. Chị đặc biệt nhấn mạnh đến việc hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa bằng việc vét rỗng bản thân, từ bỏ ý riêng để thuận theo ý Chúa. Là một thiếu nữ quyết đoán và bướng bỉnh, chị đã rất nỗ lực chiến đấu với bản thân, kiên trì luyện tập và thanh luyện chính mình hầu từ bỏ tính khí nóng nảy, cứng cỏi, hay phê phán và tham vọng để lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa. Dù rất thích đời sống cô tịch trầm lắng, Catarina đã phải từ bỏ ước muốn này để bước ra chốn đô hội giữa lòng thế giới để rao giảng LỜI. Theo Catarina, càng hiểu biết Thiên Chúa thì chúng ta càng muốn nên một với Ngài. Vì thế, trong mọi cảnh huống, Chị hoàn toàn buông bỏ, vét mình trống rỗng, chiêm ngắm Chúa trên thánh giá để Ngài cảm hóa và dẫn dắt Chị theo ý Ngài muốn.
2. Catarina – Khó nghèo là phục vụ Đức Kitô nơi người nghèo
Từ khi khám phá ra chân lý “biết Chúa, biết mình”, đời sống Catarina được biến đổi tận căn. Chị xác tín rằng chị không thể yêu Thiên Chúa, Đấng vô hình, nếu không yêu mến anh chị em hữu hình (1 Ga 4, 20). Được tình yêu Chúa thúc bách, Catarina đã bước ra khỏi cuộc sống ẩn dật và lên đường phục vụ người nghèo, người bất hạnh của thành phố Siena và những vùng lân cận. Chị dấn thân vào việc chăm sóc người phong cùi, những nạn nhân bệnh dịch và những người vô gia cư ở thành phố vì chị nhìn thấy gương mặt Đức Kitô nơi họ. Chị thâm tín rằng những gì Chị làm cho người nghèo thực ra là làm cho chính Đức Kitô. Tình yêu Thiên Chúa không cho phép Chị thờ ơ với người nghèo, vì, “như mọi mối tương quan dựa trên sự ích kỷ rốt cuộc sẽ tiêu tan, thì đức ái không vươn tới người nghèo cuối cùng sẽ trở thành lời nói dối.”[4]
Càng kết hiệp mật thiết với Chúa, Catarina càng nhạy bén trước nỗi thống khổ của người nghèo. Mang trong mình trái tim “chạnh thương” của Chúa, Chị vươn ra khỏi mái ấm gia đình để cùng Chúa lên đường canh tân Giáo hội và phục vụ những người bất hạnh. Việc phục vụ của Catarina chứng minh rằng Thiên Chúa đang dang rộng vòng tay yêu thương chăm sóc những chi thể đau khổ của Ngài. Vì nhìn thấy Chúa nơi người đau khổ, Catarina dốc toàn tâm toàn lực cho việc phục vụ tha nhân. Chị đến với những người cùng khổ bị bỏ rơi, những bệnh nhân không được ai chăm sóc bằng trái tim chạnh thương và cảm thông. Chị thăm viếng những tù nhân, những tử tội để tận tình giúp đỡ, an ủi và khuyên nhủ họ hoán cải trở về với Chúa.
Dù bận rộn với những công việc bác ái xã hội, chị Catarina vẫn dành giờ để tâm giao với Chúa. Chính nhờ đời sống cầu nguyện, chiêm niệm đã tiếp sức cho mọi hoạt động của Chị và giúp Chị có sáng kiến tìm ra những phương thế để phục vụ tha nhân. Chị được nhiều ơn lạ, có khả năng tiên đoán tương lai và đọc được tâm tư của người khác. Catarina nhận thấy tình yêu của Chị đối với tha nhân trở thành phương tiện hữu hiệu để Thiên Chúa quan phòng chăm sóc Chị. Vì được tạo dựng bởi tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, Catarina xác tín rằng Chị được hiện hữu cho tình yêu, một tình yêu cần đến tha nhân và chăm lo cho tha nhân.
3. Catarina – Lời mời gọi sống khó nghèo Tin Mừng
Thiên Chúa đã tuyển chọn thánh Catarina Siena cho sứ vụ giảng thuyết Tin Mừng hầu canh tân Giáo hội và đưa con người trở về với Thiên Chúa. Từ một thiếu nữ nghèo nàn, thất học, chỉ quanh quẩn làm những việc vặt trong gia đình, nhưng với sức mạnh của Chúa, Chị nổi danh là một nữ giảng thuyết, một nhà ngoại giao, một nhà thần bí, một tiến sĩ tâm linh, và đồng thời cũng là một hiền mẫu của những người con tinh thần đã được chị phục vụ, yêu mến và cảm hóa. Vì Giáo hội và vì tha nhân, Catarina đã vét rỗng chính mình, sống thân phận của một người nghèo để Thiên Chúa dùng Chị cho chương trình cứu độ của Ngài. Bị thiêu đốt bởi ngọn lửa tình yêu của Chúa, Catarina muốn toàn thể nhân loại cũng cảm nhận và đáp trả tình yêu ấy như Chị.
Là những hậu duệ của thánh Catarina, chúng ta được mời gọi họa lại gương sống khó nghèo của Chị thánh cho thời đại hôm nay. Khó nghèo Tin Mừng không chỉ giới hạn trong lãnh vực sử dụng của cải, nhưng quan trọng hơn, đó là tinh thần “biết Chúa, biết mình.” Trong mọi hoạt động, từ việc ăn uống, ngủ nghỉ cho đến những việc hãm mình, đánh tội, thăm viếng chăm sóc bệnh nhân, tù nhân, đàm phán với các lãnh đạo các quốc gia, hay các vị lãnh đạo của Giáo hội…., thánh nữ không bao giờ tìm sự vui thích riêng hay vinh dự cho mình, nhưng đã quy tất cả về Chúa; cũng vậy, trong mọi hoạt động, chúng ta phải chọn quy hướng về Chúa và theo thánh ý Ngài. Trong thực tế, chúng ta học với thánh Catarina sống khó nghèo cụ thể như:
Biết Chúa và biết mình: Đây là chân lý nền tảng chi phối cuộc đời Catarina. Chị muốn biết Thiên Chúa như “Chúa là” và biết mình như “mình là” – một thụ tạo được dựng nên giống hình ảnh Chúa. Chị đã đạt tới chân lý “biết” này nhờ đã để cho mình được ngụp lặn trong ánh sáng và tình yêu của Chúa qua đời sống gắn bó mật thiết với Chúa. Noi gương thánh Catarina, giữa cuộc sống ồn ào và xao động, chúng ta hãy xây cho mình một “căn phòng nội tâm” vững chắc bằng việc nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng (hồn của đời tu) qua việc yêu mến và trung thành với các cử hành phụng vụ và cầu nguyện hay bằng sự kết hợp liên lỉ với Chúa trong mọi hoạt động. Chính nơi “căn phòng nội tâm” này, chúng ta sẽ gặp được Chúa, gặp được chính mình và anh chị em; được ân sủng Chúa lấp đầy những giới hạn và yếu đuối bản thân, giúp chúng ta hoàn thiện chính mình và khiêm tốn đón nhận anh chị em.
Lòng trắc ẩn đối với những người đau khổ: Catarina có một lòng trắc ẩn sâu sắc, một trái tim chạnh thương đối với tha nhân. Chị nhạy bén với nhu cầu của những người bất hạnh, người nghèo túng, đau bệnh và vô gia cư. Chị sẵn sàng để mình bị quấy rầy, bị sỉ nhục, khinh khi để đến với những chi thể Chúa Kitô đang bị bỏ rơi. Như Catarina đã cúi mình xuống chăm sóc vết thương cho người đau bệnh, chúng ta cũng được mời gọi để cúi xuống lau rửa vết thương tinh thần và thể lý cho chị em trong cộng đoàn và của những ai chúng ta được sai đến phục vụ. Chúng ta học nơi Chị thánh tinh thần phục vụ vô vị lợi, nhận ra gương mặt Chúa Giêsu nơi mọi người, nhất là những người nghèo. Mong sao sự hiện diện và cung cách phục vụ của chúng ta trở thành niềm hy vọng và chữa lành cho một xã hội trong đó người nghèo chiếm đa số bởi cán cân công bằng và công lý nghiêng về thiểu số người giàu.
Tham gia sứ vụ giảng thuyết lưu động: Catarina, mẫu gương người nữ giảng thuyết thức thời, đã rao giảng ở mọi nơi và mọi lúc: trong phòng giam của Nicholas khi anh đang chờ để bị xử tử; với Đức Giáo hoàng Gregory XI khi ngài đang do dự dời Avignon để trở về Roma; với Palmira đang hấp hối trên giường bệnh hay với John Hawkwood, người lính đánh thuê người Anh, khi anh đang nghiên cứu trận chiến tiếp theo của mình.[5] Là những người nữ Đa Minh, chúng ta được mời gọi sống đặc sủng Giảng Thuyết của Dòng bằng việc tìm ra những biên cương và “bục giảng” mới một cách linh hoạt và sáng tạo. Với sứ vụ giảng thuyết lưu động, chúng ta được tự do để trở thành người có lòng trắc ẩn, biết đồng hành với người khác tại một thời điểm cụ thể trên hành trình cuộc đời họ. Nói khác đi, lòng trắc ẩn và sự liên đới với người nghèo chính là trách nhiệm, sứ mạng và đặc quyền của nhà giảng thuyết lưu động Vì thế, trong sứ vụ và hoàn cảnh hiện tại, mỗi chúng ta cần tìm ra những phương thế mới để có thể tiếp cận gần hơn, thấu cảm hơn và có những trợ giúp thiết thực hơn cho những đối tượng nghèo đói, đau khổ dưới nhiều dạng thức trong cộng đoàn, giáo xứ, xã hội. Quả vậy, trong một thế giới đang bị đe dọa bởi nền văn minh sự chết, tha hóa, đổ vỡ và mất phương hướng, người nữ Đa Minh được mời gọi trở thành người giảng thuyết lưu động với lời rao giảng mang tính ngôn sứ, lòng trắc ẩn của Tin Mừng và trao ban sự sống, niềm vui và hy vọng.
*****
Ơn gọi của thánh Catarina không như Chị dự định ban đầu, nhưng là tất cả những gì Thiên Chúa đã hoạch định nơi Chị. Được thiêu đốt bởi Tình Yêu là Thiên Chúa, Chị buông bỏ ý riêng hầu thánh ý Chúa được thành toàn nơi Chị. Chị can đảm rời khỏi chốn cô tịch để đến rao giảng giữa lòng một thế giới đương thời đang đau khổ bởi chiến tranh, nghèo đói và dịch bệnh. Giữa những khủng hoảng xâu xé Giáo hội, sự hiện diện của Catarina là tiếng nói của Chân Lý và Tình Yêu, là bảo chứng Thiên Chúa đang hoạt động và xót thương thế giới này.
Là nữ tu Đa Minh Tam Hiệp, chúng ta hãy theo gương Chị thánh Catarina qua việc sống khó nghèo Tin Mừng để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô – Đấng đã trở nên nghèo khó để làm cho chúng ta trở nên giàu có (x. 2Cr 8,9). Đồng thời chúng ta phải khiêm tốn đặt mình trước mặt Chúa và tự hỏi: Chúa là ai? Tôi là gì? Tôi có lòng trắc ẩn đối với người nghèo, người đau khổ không? Tôi đã, đang và sẽ thi hành sứ vụ giảng thuyết lưu động của tôi như thế nào? Nếu cuộc sống chúng ta là câu trả lời khả tín cho những câu tự vấn trên, chúng ta sẽ nhìn thấy mình trong diện mạo của một Catarina thời đại, nhiệt thành xây dựng cộng đoàn, Hội dòng và Giáo hội cũng như toàn tâm toàn ý cho sứ mệnh sống nghèo để đem Tin Mừng cho người nghèo.
Xin Chúa, qua lời chuyển cầu của thánh Catarina, chúc lành cho những khát vọng và nỗ lực tự huấn luyện mình trở nên nữ giảng thuyết khó nghèo theo gương thánh Catarina.
____________________________
[1] Đức Thánh Cha Phanxicô, “Sứ điệp video gửi Hội nghị quốc tế về các Nữ Tiến sĩ Hội thánh” ngày 8/3/2022, trích tại: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-03/dtc-phanxico-nu-tinh-giao-hoi-the-gioi.html.
[2] Raymond Capua, The Life of Catherine of Siena, dịch và biên tập Conleth Kearns O.P, lời nói đầu Mary Ann Fatula O.P (Washington: Dominicana, 1994) 92, trích dẫn Suzanne Noffke. Catherine of Siena: Vision through a Distant Eye (Collegeville, MN: Liturgical Press, 1996), 11.
[3] Catherine of Siena, The Dialogue, Suzanne Noffke O.P., dịch và biên tập (New York: Paulist Press, 1980), no.13.
[4] Mary Ann Fatula, Catherine of Siena’s Way (Đôi Cánh Tình Yêu), Nguyễn Văn Chữ, OP. chuyển ngữ (London: Darton, Longman and Todd / Wilmington, DE: Michael Glazier, 1987), 162.
[5] Mary O’Driscoll, Dominican Women In Today’s World, (Người nữ Đa Minh trong thế giới hôm nay, Anna Ngọc Diệp lược dịch). Trích tại http://daminhthanhtam.org/ Sr. Maria Đinh Thị Thu Hà, OP