Trong xã hội, cần lắm sự công bằng bởi lẽ có sự công bằng thì sẽ bớt đi những rạn nứt giữa người với người. Hơn nữa, là kitô hữu được mời gọi sống bác ái yêu thương bởi lẽ bác ái yêu thương là là bài học, là lời mời gọi của Thầy Chí Thánh Giêsu.
Một lần nọ trên lớp học, cha giáo Giuse Nguyễn Trọng Viễn Dòng Đa Minh khi nói về đời sống công bằng và bái ái trong cộng đoàn, cha Giuse mời gọi học trò của mình trước khi nghĩ đến chuyện bác ái thì hãy sống công bằng với nhau. Cha kể ra những ví dụ minh họa hết sức sống động cho đời sống công bằng. Những câu chuyện minh họa của cha rất rõ ràng khi người ta sống chung với nhau nhưng chẳng có một chút gì công bằng chứ đừng nói gì đến bác ái.
Cha nói rằng ở cộng đoàn, những người khéo léo thì thường được phụ trách thương riêng, từ cái thương riêng đó thì sẽ xảy ra bất công. Có những người được những đặc ân riêng của phụ trách bởi vì người đó khéo ăn khéo nói, còn những kẻ thấp cổ bé họng thường được “chiếu cố” một cách khác. Dù không nói ra nhưng cộng đoàn đều nhận ra rõ cách hành xử bất công của phụ trách. Nói ra cũng chẳng được gì bởi lẽ phụ trách vẫn là phụ trách và xấu xố cho kẻ nào lên tiếng thì bị liệt vào hàng ngũ “chống đối bề trên” …
Sau nhiều năm tháng rời xa mái trường, đặc biệt không thể nào quên những bài học hết sức thực tế và giá trị của cha giáo Giuse. Cha giáo vạch mặt chỉ tên lối sống đoàn lũ và dúm dó trong cộng đoàn. Vì sống đoàn lũ và dúm dó nên đã chặn đứng sự phát triển của con người. Có những người có những năng lực đặc biệt nhưng không dám xuất hiện vì khi xuất hiện thì được bề trên chú ý. Và như vậy, cứ dúm dó và đặc biệt là xu nịnh cho an toàn.
Ngày nay, lớn lên một chút và con mắt nó to ra một chút để nhìn đời. Nhìn đời để thấy những gì cha giáo Giuse truyền đạt quả là không sai. Vì lợi nhuận, vì lợi ích cho cá nhân hay phe nhóm của mình, người ta đã đối xử bất công với anh em mình.
Người ta vẫn hô thật to khẩu hiệu công bằng nhưng ngược lại, trong đời sống của họ thì sự công bằng mà họ phân xử như thế nào thì chắc có lẽ lòng và lương tâm của họ. Nhìn thật là nực cười bởi lẽ những kẻ thấp cổ bé họng không nói lên được tiếng nói của mình thì đành phải chịu thân phận nhỏ bé. Ngược lại những người khác ngang nhiên sống thoải mái vô kỷ luật, chẳng giờ giấc thì chẳng bị ai lên tiếng cả. Phải chăng là công bằng ?
Hơn nữa, trong những khoản luật hay đi xa hơn một tí về gương mù gương xấu. Vì lợi nhuận, vì quyền lợi họ đã không ngần ngại để thốt lên rằng người này có công nên được hưởng, người kia có quyền nên được hưởng … Hóa ra là có công và có quyền nên được quyền sống tự do thoải mái đến độ không còn lề giới nào hay sao ?
Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ giành phần ai … Lời bài hát để lại nhiều suy nghĩ.
Người ta vẫn thường nói với nhau “mồm mép đỡ chân thay” … để nói lên rằng kẻ nào khéo mồm, khéo xu nịnh thì đỡ phải làm những việc nặng nhọc.
Đâu đó chúng ta vẫn nghe hô hào “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Hô hào thì vẫn hô hào nhưng thực chất có sống hay không mới là chuyện quan trọng.
Dĩ nhiên, lòng người thì ai cũng muốn xã hội, con người được đối xử công bằng nhưng vẫn có sự giằng co nội tâm của con người để rồi còn quá nhiều bất công. Chỉ tội cho những con người nhỏ bé sống thân phận chịu đối xử bất công mà không được nói lên tiếng nói của mình.
Nếu đối xử với con người tốt thì mọi việc khác ta rất dễ thương lượng. Và ngược lại, khi người ta hành xử bất công thì đừng mong có sự hiện diện của hiệp nhất và yêu thương.
Khoan hãy nói đến bác ái, hãy xem lại công bằng trước đã.
“Người ta sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy”. (Lc 6, 38).
Lời mời gọi, lời nhắc nhở hãy sống công bằng của Chúa Giêsu vẫn bỏ ngõ cho mỗi người chúng ta khi chúng ta hành xử với anh chị em đồng loại.
Lm. Anmai, CSsR