PHỤC VỤ NGƯỜI CÙNG KHỐN
(LỄ THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ 27/09)
Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Vinhsơn Phaolô hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã ban cho thánh Vinhsơn Phaolô linh mục mọi đức tính xứng bậc tông đồ, để thánh nhân phục vụ người cùng khốn và đào tạo hàng giáo sĩ. Xin Chúa cho chúng ta biết nghe lời người dạy, bắt chước việc người làm mà xả thân vì bác ái. Thánh nhân sinh năm 1581 tại Gátcôn, nước Pháp. Người làm linh mục rồi đi Pari phục vụ một giáo xứ. Người sáng lập tu hội Thừa Sai để giúp đào tạo các giáo sĩ và nâng đỡ những người nghèo. Được thánh nữ Luy Marilắc cộng tác, người đã lập tu hội Nữ Tử Bác Ái. Người là gương mẫu hoàn hảo về việc sống đức bác ái như Chúa Kitô dạy, luôn sẵn sàng cứu giúp những người cùng khốn. Người nhận ra khuôn mặt của Chúa Kitô nơi bất cứ ai đang gặp đau khổ. Người qua đời tại Pari năm 1660.
Phục vụ người cùng khốn, như Chúa luôn từ ái một niềm, xót thương Dân Người đang bị lưu đày vì tội phản nghịch, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Êdêkien cho thấy: Trong một thị kiến hùng vĩ, Ítraen được tái thiết: đất nước được dành riêng cho một dân tộc toàn thiện chu toàn nghĩa vụ tôn thờ Thiên Chúa một cách toàn hảo. Sự thật mới chỉ là bản phác thảo của lý tưởng này thôi, nhưng việc Thiên Chúa trở lại Đền Thờ của Người là nét đặc thù chính yếu: ơn Chúa đang tác động trong chúng ta, Nước Người đang hình thành, chương trình cứu độ của Người đang được thực hiện. Vinh quang Đức Chúa tiến vào Đền Thờ qua cổng quay về phía Đông, và này vinh quang Đức Chúa tràn ngập Đền Thờ.
Phục vụ người cùng khốn, bởi vì, chính Chúa đã tự đồng hóa mình với những người bé nhỏ nghèo hèn, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Vinhsơn Phaolô với các Nữ Tử Bác Ái rằng: Khi thăm nom người túng thiếu và nghèo khổ, chúng ta hãy cố gắng hiểu hoàn cảnh của họ mà thông cảm với họ sao cho tâm hồn chúng ta cũng rung động trước những ưu tư và khốn cùng của tha nhân… Tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người. Tôi đã trở nên yếu với những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả để hòa mình với mọi người, hầu cứu được một số người… Tôi nên mắt cho kẻ mù lòa, thành chân cho người què quặt, là cha của người nghèo túng.
Phục vụ người cùng khốn, bởi vì, cho dù, thân phận con người bọt bèo, mỏng manh, mau qua, chóng tàn, chẳng đáng chi, nhưng, Chúa hằng để tâm nhìn đến, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Giảng Viên nói: Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 143, vịnh gia cũng đã cho thấy: Chúc tụng Chúa là núi đá cho tôi nương ẩn. Lạy Chúa, con người có là chi, mà Chúa cần biết đến? Phàm nhân đáng là gì, mà Chúa phải lưu tâm? Ấy con người khác chi hơi thở, vùn vụt tuổi đời tựa bóng câu.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Con Người đến để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy. Con người có là chi mà Chúa cần nhớ đến, mà Chúa phải chịu nhiều đau khổ, bị loại bỏ, bị giết chết, để cứu độ con người? Vì loài người khốn cùng, Thiên Chúa đã muốn là người cùng khốn, chẳng còn dáng vẻ của một con người, bị coi là điên rồ, ngu dại. Người tự xưng là Đấng loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo khó, khốn cùng. Khi yêu thương những người khốn cùng, thì Chúa cũng yêu thương cả những kẻ thương yêu họ, vì khi ai thân thiết với người nào, thì cũng yêu thương cả bạn hữu của người ấy hoặc những kẻ giúp đỡ người ấy. Thánh Vinhsơn Phaolô đã phục vụ người cùng khốn và đào tạo hàng giáo sĩ, ước gì chúng ta biết nghe lời người dạy, bắt chước việc người làm mà xả thân vì bác ái. Ước gì được như thế! Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB