Kỹ năng sống

CHỮA LÀNH HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA TRONG TÂM HỒN

CHỮA LÀNH HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA TRONG TÂM HỒN

Để có thể thật sự hiểu được Chúa là ai, trước hết, chúng ta phải hiểu được chính mình là ai. Nhưng để hiểu được mình là ai, chúng ta cần phải đối diện và làm việc với rất nhiều khía cạnh trong con người mình, với những tổn thương, những kinh nghiệm đã làm nên con người chúng ta ngày hôm nay. Và điều kỳ lạ là: những gì làm nên con người chúng ta hôm nay cũng chính là những gì hình thành nên hình ảnh của Chúa trong tâm trí chúng ta. Hai hình ảnh đó luôn song hành: “Tôi là ai” sẽ quyết định cách tôi nghĩ về “Chúa là ai”. Và ngược lại, “Chúa là ai đối với tôi” sẽ quyết định cách tôi tương quan, đối xử với những người xung quanh.

Chúng ta thấy điều này rất rõ trong Tin Mừng. Chúa Giêsu luôn hỏi các môn đệ về nhận định của họ. Chúng ta nhớ có lần Chúa Giêsu hỏi: “Người ta nói Thầy là ai?”. Sau khi nghe các môn đệ thuật lại ý kiến của dân chúng, Ngài quay lại hỏi thẳng các ông: “Còn anh em? Anh em nói Thầy là ai?”.

Xin được mượn câu hỏi đó để hỏi quý ông bà và anh chị em: “Hãy bắt đầu với từ Thiên Chúa. Khi nhắc đến Chúa, hình ảnh nào xuất hiện ngay lập tức trong đầu bạn?”. Xin quý vị thử nhắm mắt lại một chút, và khi tôi nói từ “Thiên Chúa”, những hình ảnh nào gợi lên trong tâm trí của quý vị?

Tiếp theo, từ những hình ảnh đó, cảm xúc gì đã ở lại trong lòng quý vị? Khi nhắc đến Thiên Chúa, hình ảnh gì gợi lên trong tâm trí? Và khi hình ảnh đó gợi lên, cảm xúc gì đọng lại trong chúng ta?

Hãy thử nhớ lại hình ảnh đầu tiên bạn có về Chúa từ thời thơ ấu. Chúa là ai? Ai đã giới thiệu Chúa cho bạn? Và hình ảnh đó hôm nay có thay đổi không? Tại sao lại thay đổi hoặc không thay đổi? Đây là một hiện tượng mà tôi mời gọi tất cả chúng ta cùng suy gẫm.

Có một nghiên cứu tại Hoa Kỳ đã chỉ ra một thực trạng đáng báo động: có tới 80% thiếu niên không còn đến nhà thờ trong vòng 10 năm kể từ ngày lãnh nhận Bí tích Thêm Sức. Nghĩa là, những em đã học giáo lý, đã được chuẩn bị và lãnh nhận Bí tích quan trọng này, nhưng chỉ trong vòng 10 năm sau đó, phần lớn các em đã rời xa nhà thờ. Thậm chí, một nghiên cứu khác còn cho thấy khoảng 60% sinh viên đại học bỏ nhà thờ, và họ chỉ quay lại khi có việc hệ trọng như kết hôn hay tang lễ.

Chúng ta cũng cần tự hỏi: Đây có phải là hiện tượng mà chúng ta đang đối mặt trong môi trường giáo dục đức tin của mình không? Và nếu có, chuyện gì đang thực sự xảy ra với những nỗ lực loan truyền Tin Mừng và dạy giáo lý của chúng ta?

Nguyên nhân từ đâu? Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra một vài nguyên nhân chính:

Gương xấu của cha mẹ: Đây là điều dễ thấy nhất. Nhiều bậc cha mẹ không tham dự Thánh Lễ, không lãnh nhận các Bí tích cách đều đặn. Tôi nghĩ các sơ chăm sóc người nghèo sẽ hiểu rõ điều này hơn ai hết. Có những gia đình, họ gửi con đến các sơ để học giáo lý, nhưng bản thân họ lại không bao giờ đi lễ. Hoặc có những phụ huynh cho con đi học giáo lý chỉ để con đủ điều kiện lãnh nhận các Bí tích Khai tâm, xong rồi coi như hết trách nhiệm. Đáng buồn hơn, cách sống trong nhiều gia đình ngày nay còn đi ngược lại chính hình ảnh Thiên Chúa mà chúng ta rao giảng trong lớp giáo lý. Khi cha mẹ sống một đàng, con cái học một nẻo, thì những điều các em học được sẽ trở nên vô nghĩa.

Giáo lý sai lầm: Dù chúng ta có giáo trình đầy đủ, bài vở phong phú, nhưng đôi khi vẫn có những sai lầm trong cách chúng ta dạy các em. Lát nữa, tôi sẽ nói rõ hơn về điều này.

Ảnh hưởng của các vụ bê bối trong Giáo Hội: Đây là một sự thật đau lòng mà chúng ta phải đối diện. Không ít những sự kiện tiêu cực liên quan đến hàng giáo sĩ, tu sĩ, linh mục, hay ngay trong môi trường giáo xứ, đã làm cho nhiều người thất vọng, mất niềm tin vào Chúa, thậm chí những người theo Chúa bấy lâu cũng không muốn đến nhà thờ nữa.

Không tạo cơ hội ý nghĩa cho người trẻ tham gia: Đây là một thách đố lớn đối với chúng ta. Một số phụ huynh than phiền rằng họ đưa con đến giáo xứ, nhưng cách dạy dỗ hay truyền đạt khiến các em một là sợ hãi, hai là chán nản. Nhiều khi, các em đã biết hết những điều được dạy, và việc phải ngồi nghe lại những điều cũ kỹ, khô khan khiến các em không còn hứng thú đến nhà thờ nữa.

Đây là một vài nguyên nhân và hiện tượng mà chúng ta cần nhìn nhận. Dĩ nhiên, ngoài những lý do nội tại này, còn có những lý do bên ngoài như sức cám dỗ của đời sống vật chất, lối sống thế tục, áp lực mưu sinh, hay môi trường học đường đã khiến giới trẻ ngày nay ngày càng xa rời nhà thờ.

Ba Tiến Trình Thay Đổi Giá Trị và Cách Sống

Nhưng từ đó, chúng ta cũng phải quay lại tự hỏi chính mình: “Còn tôi thì sao? Tôi có đang truyền đạt hình ảnh Chúa thật sự không? Hay chính tôi có đang sống nhất quán với những gì tôi nói về Chúa cho những người tôi hướng dẫn, cho những học sinh của tôi không? Hay trong con người tôi vẫn còn những điều cần suy nghĩ, cần điều chỉnh?”.

Chúng ta có biết rất nhiều về Chúa: chúng ta học 10 Điều Răn, chúng ta dạy 10 Điều Răn. Các tu sĩ chúng tôi thì khấn lời khấn khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục. Nhưng rồi chúng ta vẫn liên tục vi phạm những lời khấn đó. Chúng ta khấn thề long trọng, nhưng rồi chúng ta vẫn lỗi lời khấn như thường. Chúng ta biết mình là Kitô hữu, là tu sĩ thì phải tha thứ, nhưng rồi chúng ta vẫn không thể tha thứ được cho ai đó. Chúng ta biết mình phải bao dung, quảng đại, nhưng rồi chúng ta vẫn thấy mình nhỏ nhen, ích kỷ. Chúng ta biết mình phải nhân từ, nhưng cách mình dạy các em đôi khi lại không nhân từ. Hoặc nhiều khi, chúng ta rất nhân từ khi rao giảng ở lớp giáo lý, nhưng khi về nhà, về gia đình, chúng ta lại sống một cách trái ngược hoàn toàn với những gì mình đã nói.

Để lý giải điều này, tôi xin mượn nghiên cứu của ông Herbert Kelman, một học giả từ rất lâu rồi nhưng những điều ông ấy nói vẫn còn rất đúng. Ông ấy mời gọi chúng ta suy tư xem đây có phải là cách chúng ta đang hướng dẫn các em và cách chúng ta đang sống đời sống đức tin của mình không. Ông ấy cho rằng, để con người chúng ta thay đổi một giá trị, một cách sống, hay nói cách khác là để giữ vững một niềm tin, đi theo một lối sống nào đó, chúng ta thường trải qua ba tiến trình:

  1. Sự Tuân Phục (Compliance)

Tiến trình đầu tiên và là điều chúng ta thường được dạy nhiều nhất, đó là sự tuân phục. Tuân phục rất dễ hiểu: “Khi anh làm theo lời tôi, tôi sẽ thưởng cho anh. Khi anh không làm theo lời tôi, tôi sẽ phạt anh”.

Đây là hình ảnh về Chúa mà chúng ta thường nói đến nhiều nhất, dễ nhất, và dùng nhiều nhất để dạy các em trong lớp giáo lý. Có lẽ, đây cũng là hình ảnh về Chúa mà nhiều người trong chúng ta đang mang trong tâm hồn: “Con làm đúng thì Chúa sẽ thưởng. Con làm sai thì Chúa sẽ phạt”.

Ví dụ cụ thể: Hồi nhỏ, tôi còn nhớ có một người dạy giáo lý đã nói với tôi (tôi không dám nói tên vì người đó vẫn còn sống!): “Con mà nói dối là Chúa sẽ phạt con xuống hỏa ngục, ma quỷ sẽ cắt lưỡi con!”. Nghe đáng sợ không ạ? Sai là bị phạt! Và tôi còn nhớ, mỗi lần trả lời đúng câu hỏi giáo lý thì được thưởng. Ngày xưa, được mấy cục kẹo thôi cũng thích lắm. Vậy thì, theo Chúa nghĩa là gì? Mình sẽ được lên thiên đàng – đó là phần thưởng. Mình không nghe lời Chúa, mình sẽ bị xuống hỏa ngục – đó là hình phạt.

Từ đó, chúng ta thấy tâm thế của mình là gì? Chúng ta thay đổi một cách hời hợt những giá trị về Chúa. Chúng ta làm điều thiện chủ yếu là để Chúa ban cho mình miếng cơm, manh áo, sức khỏe, để mình thi đậu, để mình được lãnh Bí tích. Ví dụ, “Nếu tham dự Thánh Lễ đầy đủ sẽ được lãnh Bí tích Thêm Sức”. Có một thời gian, ở mái ấm của tôi, các em phải đi lễ hàng ngày và có chị giáo lý viên điểm danh. Nếu không điểm danh, vắng mấy ngày sẽ không được Thêm Sức. Thế là các em tan học về, vứt cặp trước cửa mái ấm rồi chạy vội qua nhà thờ để “đi lễ”, nhưng thực chất là chỉ để chị giáo lý viên đánh dấu một cái, rồi ra phía sau nhà thờ ngồi chơi, tán dóc. Miễn là được đánh dấu thôi! Cha phó nhiều khi phải đi vòng vòng phía sau nhà thờ để lùa tụi nó vào, nhéo tai tụi nó, rồi gọi điện thoại cho tôi: “Cha coi kìa, con cái của cha đi lễ mà trốn ngoài nhà thờ đấy!”.

Khi chúng ta tạo ra một giá trị và nói rằng: “Bạn thay đổi đi. Nếu bạn thay đổi thì bạn sẽ được thưởng. Và nếu bạn không làm theo, bạn sẽ bị phạt”, chuyện gì sẽ xảy ra? Chúng ta sẽ luôn phải là người đe dọa, luôn phải có phần thưởng. Nhưng một khi chúng ta lớn lên rồi, chúng ta có còn cần viên kẹo nữa không? Không cần nữa! Phần thưởng đó không còn quan trọng nữa. Khi chúng ta lớn lên, chúng ta không còn cần Bí tích Thêm Sức đó nữa vì đã được lãnh nhận rồi, thế là chúng ta không đến nhà thờ nữa.

Đó là cách chúng ta thường thực hành sự tuân phục. Chúng ta làm điều này ở khắp mọi nơi: trong gia đình, trong nhà dòng, trong huấn luyện, trong lớp dạy giáo lý và trong cách chúng ta được giáo dục. “Con không đến nhà thờ, con có tội. Con vô nhà thờ mà con ngủ gục, con có tội”. Và vì thế, chúng ta nhìn Chúa như một quan tòa, chúng ta bắt đầu có hình ảnh về một Chúa thích nhìn thấy tội của mình, thích vạch tội người khác. Và chúng ta làm cho mọi người nghĩ rằng theo Chúa thì sẽ được thưởng. Nhưng một ngày nào đó, nếu không được thưởng thì sao? Theo làm gì nữa? Tại vì không được thưởng!

Đây là nguy cơ thường xuyên mà chúng ta gặp phải trong giáo dục và trong cách chúng ta được giáo dục. Sự tuân phục ở đây có nghĩa là gì? Nó bao gồm việc công khai đồng ý hoặc hành động theo một yêu cầu đòi hỏi, nhưng trong thâm tâm vẫn giữ nguyên thái độ ban đầu. Động lực chính là được khen thưởng hoặc tránh bị phạt. Một khi phần thưởng và hình phạt không còn giá trị nữa, chúng ta sẽ không còn tuân phục nữa.

Vậy, từ điểm đầu tiên này, tôi muốn hỏi quý vị: đây có phải là cách chúng ta đang dạy các em không? Các em có đến nhà thờ, học giáo lý vì sợ chúng ta, sợ bị phạt, sợ Chúa, hay là vì các em thực sự yêu mến Chúa, vì thích thú được lắng nghe Lời Chúa?

  1. Sự Đồng Hóa (Identification)

Hình ảnh thứ hai là sự đồng hóa. Tôi nghĩ sự đồng hóa này rất dễ hiểu.

Ví dụ cụ thể: Vào một buổi trưa trời nóng 40 độ, mùa tháng tư, tôi thấy mấy đứa học sinh mặc áo hoodie (áo khoác có mũ) của nhóm nhạc BTS. Tôi thấy nó mặc, tôi đổ mồ hôi thay cho nó. Tôi hỏi: “Ủa sao con không thấy nóng hả?”. Nó trả lời: “Không. Cha không thấy đẹp hả? Cha cha cha không thấy đẹp?”. Tôi nói: “Cha thấy giống như cái mền con trùm lên người vậy đó”. Nó hỏi: “Sao con thích mặc vậy?”. “BTS mặc mà cha!”. Ủa, BTS ở Hàn Quốc, trời rất lạnh, mặc áo đó là bình thường. Còn ở Việt Nam mình, tại sao phải mặc áo đó? Vì thần tượng mình, BTS, mặc áo đó.

“Tôi thích cái đó. Tôi làm cái điều đó vì có ai đó nổi tiếng làm cái điều đó”. Người ta còn phát hiện ra rằng, sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhậm chức, tỷ lệ người Công giáo trở lại đạo, đặc biệt là các bạn trẻ, đã tăng lên. Người ta hỏi tại sao? Vì người ta thích hình ảnh Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Khi Ngài được chọn làm Giáo Hoàng, quầy giới thiệu ơn gọi của dòng Tên (dòng của Ngài) dài gấp năm lần các quầy khác. Tại sao? Vì Đức Giáo Hoàng Phanxicô là dòng Tên!

Bây giờ, câu trả lời cho sự đồng hóa này là gì? “Tôi chạy theo giá trị đó. Tôi tin Chúa, tôi trở về với Chúa vì người nổi tiếng đó theo Chúa. Vì người nổi tiếng đó là Giáo Hoàng nên tôi tham gia vào đó, tôi cảm thấy mình được chia sẻ sự nổi tiếng đó. Tôi thuộc về nhóm đó. Tôi chia sẻ được hạnh phúc vì thuộc về nhóm đó”.

Nguy cơ là gì ạ? Khi người đó không còn thì sao? Tôi không theo nữa. Khi người đó thay đổi thì sao? Tôi thay đổi luôn. Vậy thì, toàn bộ cuộc sống của tôi, giá trị của tôi, lại tùy thuộc vào một người nổi tiếng nào đó.

Quay lại với cách sống của chúng ta. Chúng ta nhớ mỗi lần tổ chức các buổi hội thảo lớn hay sự kiện giới trẻ, chúng ta thường mời ca sĩ nổi tiếng về, mục đích là gì? Để thu hút người ta tới. Chúng ta phải làm những tấm banner, những vật phẩm gần gũi với giới trẻ, hợp “trend” để mọi người được check-in, thích thú khi tới. Ví dụ, có những chuyến hành hương, người ta chỉ cần có con dấu chứng nhận hành hương thôi, chứ không nhất thiết phải vào nhà thờ tham dự thánh lễ. Họ chỉ cần tới hiệu sách đóng dấu “cụp” cái là xong, “tôi đã đi hành hương rồi đó”. Nghĩa là, cầm cuốn sổ hành hương đó xong rồi đi tới các điểm hành hương chỉ cần có con dấu thôi, còn vào nhà thờ thì không cần. “Đó tôi đi theo, nhưng không quan trọng là tôi theo cái gì, mà quan trọng là tôi hưởng được gì từ hình ảnh đó”. Đây chính là sự đồng hóa.

Sự đồng hóa này cũng rất gần gũi với chúng ta. Ví dụ, khi mình muốn giới thiệu một hình ảnh nào đó, chúng ta làm gì? “Bắt chước người đó đi. Bắt chước người đó đi, bạn sẽ được cái này, bạn được cái kia. Bắt chước người đó đọc kinh đi, bạn sẽ được cái này, bạn được cái kia”. Đó là một dạng đồng hóa. Nhưng dạng đồng hóa này có hai kiểu: một là tôi đồng hóa chỉ để được hưởng lợi cho bản thân; hai là tôi đồng hóa, tôi bắt chước để học theo nhân đức của người khác. Kiểu thứ hai này vẫn tốt hơn. Học theo nhân đức là gì? Chúng ta thường dùng các câu chuyện về các Thánh, hạnh các Thánh để giới thiệu với các em, để qua các Thánh đó, các em thấy được, học được nhân đức và bắt chước nhân đức đó, từ từ nhân đức đó trở nên của chính mình.

  1. Sự Nội Tâm Hóa (Internalization)

Và cuối cùng là bước thứ ba, tiến trình thứ ba, gọi là nội tâm hóa. Nội tâm hóa ở đây nghĩa là gì? “Tất cả những gì về Chúa bây giờ là của tôi. Tôi theo Chúa không phải vì người nổi tiếng đó theo Chúa. Tôi theo Chúa không phải vì tôi được thưởng. Tôi theo Chúa không phải vì tôi sợ hỏa ngục. Tôi theo Chúa vì Chúa quan trọng trong cuộc đời tôi. Tôi theo Chúa vì tôi kinh nghiệm được niềm vui có Chúa. Tôi kinh nghiệm gặp gỡ Chúa và tôi biết Chúa quan trọng với tôi. Chết cũng được!”.

Và chúng ta thấy đây chính là câu nói bất hủ của Thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi sống, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Chúa đã trở nên một với người đó. Thánh Phaolô thậm chí còn nói: “Bây giờ tôi không màng đến bất cứ điều gì nữa, danh vọng cái gì cũng không cần nữa. Bây giờ Chúa Giêsu là đủ với tôi”.

Tôi nghĩ đây là điểm mà chúng ta cần phải đạt đến khi giới thiệu Chúa cho người khác. Nhưng trước khi nghĩ rằng mình phải giới thiệu được Chúa cho người khác, chúng ta hãy quay lại đặt câu hỏi với chính mình: “Bao nhiêu những điều mà tôi tin Chúa bấy lâu nay, bao nhiêu giá trị về đời sống Kitô hữu mà tôi có trong mình, có liên quan đến sự tuân phục, đến sự đồng hóa, hay đã thực sự là sự nội tâm hóa?”.

Bây giờ chúng ta hãy thử lượng giá lại: bao nhiêu giá trị, bao nhiêu lệnh truyền của Chúa mà tôi đang giữ đó là vì tôi sợ bị phạt hoặc tôi mong được Chúa thưởng?

Ví dụ: Có người mẹ nói với con: “Thôi, con đi học dạy giáo lý đi!”. Hỏi: “Tại sao phải đi dạy giáo lý?”. “Tao thấy mày ở nhà cứ bấm điện thoại. Cứ bấm điện thoại hoài là ế nha con! Đi dạy giáo lý đi, gặp đứa này đứa kia, rồi còn có thể yêu nhau cùng môi trường!”. Hay đẩy đứa con vào sinh hoạt huynh trưởng, thiếu nhi Thánh Thể, hy vọng nó sẽ tìm được bạn gái cùng đạo, không phải bạn gái ngoại đạo. Đó là gì ạ? Đó là sự tuân phục! Làm theo lời mẹ đi dạy giáo lý để được “thưởng”. Mà phần thưởng là gì? Có tình yêu đó, theo ý mẹ! Đơn giản vậy thôi, nhưng chúng ta cũng có thể hình dung ra được.

Vậy thì, chúng ta phải đặt câu hỏi lại: những điều tuyệt vời về Chúa mà tôi đang giữ đó, bao nhiêu điều thật sự đã là nội tâm hóa, là tôi giữ nó bất chấp mọi hoàn cảnh, dù sống hay chết tôi cũng giữ? “Tôi đi lễ Chúa Nhật vì yêu mến Chúa, không phải đi lễ để không phạm tội”.

Chúng ta thấy ba điểm đầu tiên này giúp chúng ta hình dung ra. Nhiều khi mình cũng giới thiệu Chúa như thế cho các em. Và cách mình sống với Chúa cũng như thế. Mình theo Chúa vì Chúa nổi tiếng như các môn đệ ngày xưa. Chúa chữa được nhiều người bệnh nên Phêrô muốn giữ Chúa lại bên mình để mọi người tiếp tục ca tụng và khen ngợi. Hay là mình nghĩ rằng theo Chúa thì Chúa sẽ bảo vệ mình. Nên Phêrô cũng ngăn cản Chúa: “Đừng có lên Giêrusalem chịu chết. Thầy là Con Thiên Chúa, Chúa không để chuyện đó xảy ra với thầy đâu!”. Hay như Gioan và Giacôbê chạy tới nói với Chúa: “Thầy có muốn con kêu lửa từ trời xuống trừng phạt đám người đó vì họ không tiếp đón thầy không?”. Trừng phạt!

Hình Ảnh Thiên Chúa Trong Tâm Hồn Chúng Ta

Từ đó, tôi xin mời chúng ta đi đến điểm kế tiếp: khi trong nội tâm chúng ta hình thành hình ảnh của Chúa như thế nào? Đó là cách thái độ của chúng ta. Bây giờ, hãy quay lại bên trong con người chúng ta. Khi chúng ta gọi Chúa là Cha, là Mẹ, điều gì xảy ra? Người đầu tiên chúng ta liên tưởng tới sẽ là cha mẹ ruột của mình. Khi chúng ta gọi Chúa là Cha, chúng ta đâu có thấy Thiên Chúa đâu. Chúng ta phải liên tưởng đến một hình ảnh cụ thể, và hình ảnh cụ thể đó chính là cha của mình.

Nhưng quý vị thử tưởng tượng xem, những em mồ côi không có kinh nghiệm về người cha, người mẹ trong gia đình, liệu các em đó có liên tưởng được hình ảnh Chúa là Cha hay không? Thứ hai, những người lớn lên trong gia đình mà cha mình nghiện rượu, hay đánh đập vợ con, hay bỏ bê gia đình. Vậy thì hình ảnh của Chúa là Cha trong đầu của người đó sẽ như thế nào? Thực sự, tôi đã gặp rất nhiều bệnh nhân tâm lý đến gặp tôi vì không thể kết nối với Chúa là Cha, và đáng nói hơn, những người đó lại chính là tu sĩ. “Con không thể gọi Chúa là Cha được. Con không thể kết nối với Chúa là Cha được. Con có sai không cha? Con có thể coi Chúa Giêsu, gọi Chúa Giêsu. Nhưng mà khi con gọi Chúa Thiên Chúa Cha tự nhiên trong tâm hồn con nó mệt mỏi, nó căng thẳng”. Vì sao vậy? “Vì thời thơ ấu con từng bị cha con đánh đập. Cha con đuổi mẹ con ra khỏi nhà trong trời mưa. Thiên Chúa Cha là như vậy hả cha?”. Đó là hình ảnh đầu tiên.

Vậy thì chúng ta thấy rằng khi chúng ta lớn lên với khái niệm về Chúa, vốn được học từ chính cha mẹ mình, từ cách cha mẹ mình sống, thực hành đức tin, và xa hơn nữa là từ cách cha mẹ mình tương quan với nhau. Nếu chúng ta nói Thiên Chúa là tình yêu, Thiên Chúa là Cha yêu thương chúng ta, nhưng trong gia đình chúng ta không kinh nghiệm, không nhìn thấy được mối tương quan yêu thương thật sự, chuyện gì sẽ xảy ra?

Kế đến, có phải từ đó chúng ta sẽ thấy rằng không phải tất cả các bậc cha mẹ đều trưởng thành không? Và nếu họ không trưởng thành, vậy thì hình ảnh của Chúa trong các em là gì? Ở đây, điều tôi muốn chia sẻ là: một là những hình ảnh mà tôi có về Chúa, cách tôi kinh nghiệm được từ cha mẹ tôi. Nhưng kế đến, những hình ảnh của các em được gửi đến tôi. Không phải các em đến với tôi để học giáo lý đều có một hình ảnh trong sáng về Chúa, và hình ảnh đó rất khác nhau. Một lớp giáo lý 50 em thì có những em có kinh nghiệm tốt với Chúa vì cha mẹ yêu thương, quan tâm. Nhưng cũng có những em bị bỏ bê, có những em bị cha mẹ đánh đập. Vậy thì, Chúa sẽ như thế nào trong đầu các em? Và chúng ta có biết hình ảnh của Chúa trong đầu các em là gì không?

Từ đó, tôi xin mượn thuyết của bà Lindsay Gibson, một nhà tâm lý học. Đây là tiến trình mà tôi mời gọi chúng ta cùng suy tư. Bà ấy viết một cuốn sách tựa đề là Adult Children of Emotionally Immature Parents (Những người trưởng thành là con của các bậc cha mẹ chưa trưởng thành về mặt cảm xúc). Nghĩa là gì? Trong quá trình trị liệu, bà ấy khám phá ra rằng mỗi chúng ta, khi là người lớn, đều mang trong mình hình ảnh của người cha, người mẹ chưa trưởng thành. Hình ảnh đó ảnh hưởng lên cách chúng ta sống, ảnh hưởng lên cách chúng ta làm cha làm mẹ. Và qua đó, nó cũng ảnh hưởng lên cách chúng ta giới thiệu Chúa cho người khác.

Bà ấy viết rất nhiều, nhưng tôi xin được tóm gọn lại bằng bốn kiểu hình ảnh mà chúng ta thường gặp về cha mẹ chưa trưởng thành về mặt cảm xúc:

  1. Cha Mẹ Thiên Về Cảm Xúc (Emotionally Immature Parents)

Đây là những bậc cha mẹ bị chi phối bởi cảm xúc, dễ nóng giận, dễ bực tức, dễ cáu gắt với con cái. Người cha mẹ này thường bất ổn, làm cho đứa con sợ hãi. Nghĩa là, vì mình lớn lên trong gia đình mà thấy ba mẹ lúc nào cũng quát tháo mình, nếu mình làm không đúng ý ba mẹ, ba mẹ sẽ la mắng, hoặc có những lúc ba mẹ lạnh lùng với mình, không trả lời mình nhiều ngày.

Ví dụ: Một là quá nóng giận, la mắng, quát tháo. Hai là từ sự nóng giận đó chuyển sang thinh lặng, không đáp lại lời nói, nhu cầu của con. Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình này thường bị choáng ngợp bởi nỗi lo lắng của chính mình. Chúng coi những vấn đề nhỏ nhặt là một thảm họa hoàn toàn, vì cha mẹ chúng cũng vậy. Chỉ cần thấy con sai là la, là quát. Tôi từng đi ngoài đường, thấy một người mẹ đứa con khóc vì lý do gì đó. Người mẹ gằn tay một cái, vứt nó ra đường: “Mày khóc nữa tao bỏ luôn ngoài mày luôn!”. Người mẹ không quan tâm tại sao đứa con khóc, quan trọng là nó phải nín và đẩy nó ra, thậm chí dọa bỏ rơi nó.

Vậy thì, những đứa trẻ lớn lên trong gia đình như thế, kinh nghiệm người cha người mẹ như thế, chúng phải luôn dè dặt. Chúng sợ gây ra tiếng ồn, sợ sẽ làm cho cha mẹ nổi nóng với mình, nên chúng co mình lại. Và hồi nãy cha Phêrô có nói, nhiều khi chính chúng ta cũng có những lúc khép mình lại. Tại sao chúng ta khép lại? Đa phần là vì sợ, vì bất an, sợ cha mẹ nổi nóng với mình. Và khi cha mẹ nổi nóng với mình, trong tâm hồn mình hình thành hình ảnh là gì? Những người có quyền, những người ở trên mình, hay cha mẹ mình, là những người mình không thể làm tổn thương họ. Họ có thể lấn át mình và mình không thể diễn tả cảm xúc, nhu cầu của mình cho họ. Chỉ làm sao để cho họ yên, làm sao để cho họ hài lòng mà thôi.

  1. Cha Mẹ Bị Thúc Đẩy (Driven Parents)

Nhóm cha mẹ thứ hai mà chúng ta hay gặp, và là kiểu không trưởng thành phổ biến nhất ở Việt Nam, đó là cha mẹ bị thúc đẩy (driven parents). Kiểu cha mẹ này bị ám ảnh bởi mục tiêu.

Ví dụ: “Con phải học giỏi, con phải vô trường hạng nhất, con phải vô trường điểm, con phải vô trường công, con phải vô trường Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai! Lớp hai, lớp ba là con phải đạt IELTS 6.0!”. Thậm chí, nhiều em bây giờ nói tiếng Anh còn rõ hơn nói tiếng Việt. Cha mẹ luôn bận rộn, thúc ép con học, thúc ép con tham gia tất cả các lớp học thêm để con trở thành thiên tài.

Chúng ta thấy, chúng ta cũng thường mệt mỏi với những bậc cha mẹ này. Khi họ đưa con mình tới học giáo lý, họ sẵn sàng bỏ giáo lý chỉ để con tham gia lớp học thêm, để con học giỏi, để con thi đậu.

Từ đó, đứa trẻ lớn lên với điều gì? Nó chỉ có thể làm cho cha mẹ vui khi nó đạt thành tích. Cha mẹ không đồng cảm với con. Nghĩa là gì? Con chỉ có thể làm cho cha mẹ vui khi con làm tốt, khi con hoàn hảo, khi con đạt thành tích cao và cao hơn tất cả mọi người. Cha mẹ không có sự đồng cảm với con.

Thử tưởng tượng chúng ta lớn lên với hình ảnh cha mẹ như thế thì điều gì xảy ra với cách chúng ta tương quan với Chúa? “Chúa không quan tâm con như thế nào, miễn là con không phạm tội. Chúa không quan tâm con như thế nào, miễn là con phải đọc kinh sáng tối. Chúa không quan tâm con thế nào, miễn là con phải làm được cái này, làm được cái kia”. Từ đó, người đó sẽ mang trong tâm thế con người đầy sự sợ hãi, nghĩ rằng Chúa quá xa cách. Và tất cả những gì Chúa muốn là gì? Là mình phải thành đạt, mình phải đạt mục tiêu mà Chúa đề ra.

Những bậc cha mẹ này lại thích kiểm soát hoàn toàn cuộc sống của con cái mình vì muốn nó đạt những gì mình muốn. Ví dụ: Lên lớp 12 vẫn còn đưa con đi học, thậm chí lên đại học vẫn còn đưa đi học. “Con phải đưa con vô đại học, con chở nó lên đại học chứ không lỡ mà con không chở nó tới trường. Nó đi về nó đi chơi với bạn, nó chơi với bạn xấu. Uổng biết bao nhiêu năm con dạy nó”. Nên nhiều em bây giờ học đại học năm hai mà ba mẹ vẫn chở tới trường.

  1. Cha Mẹ Thụ Động (Passive Parents)

Kiểu thứ ba, ngược lại với driven parents, là cha mẹ thụ động (passive parents). Cha mẹ thụ động ở đây là gì? Những bậc cha mẹ này áp dụng phong cách tương tác tự do, nghĩa là gì? “Thôi, muốn làm gì làm”. Xu hướng trong gia đình của người cha, người mẹ lúc này là gì? Để một người khác lấn át mình luôn. Tại vì mình thụ động. Mà trong cái người thụ động này là gì? Vì không muốn làm phiền, không muốn gây tổn thương, không muốn căng thẳng, chỉ muốn bình an nên không tham gia vào cuộc đời của con. Không những không tham gia, mà “con muốn cái gì để cho nó làm theo, con muốn cái gì để cho nó làm” vì muốn con nó thấy mình thương nó theo kiểu là gì? Nó muốn cái gì mình cho nó cái đó.

Đối với người cha mẹ thụ động, họ cố gắng hết sức để tránh bất cứ điều gì có thể khiến họ buồn lòng. Họ thường sẵn sàng nhường chỗ cho một người bạn đời có quyền lực hơn. Điều này đôi khi có thể dẫn đến bạo hành thể chất và tinh thần cho cả họ và con cái. Ví dụ: Chúng ta thấy trong một số gia đình có người vợ hoặc người chồng thụ động, người vợ quyết định hết hoặc người chồng quyết định hết, thậm chí lạm dụng về lời nói mà không phản ứng, không đáp lại. Người cha thụ động: “Thôi, mẹ muốn quyết định gì mẹ quyết đi. Mẹ mày nói gì mày nghe theo đi. Tao không có liên can”.

Đứa con nó thấy người cha, người mẹ như thế không liên quan đến cuộc đời của nó. Không muốn tham gia, không muốn gây hứng, không muốn đứng lên tạo chính kiến. Nó cảm thấy sự xa cách. Và khi sự xa cách như vậy, nó cảm thấy có nói cái gì cũng không thay đổi được.

Trong hình ảnh của đứa con lớn lên với cha mẹ thụ động như vậy thì sao ạ? Nó sẽ có khuynh hướng nhìn Chúa như là một người thụ động. “Chúa không quan tâm về cuộc đời con đâu. Chúa để cho những người hung dữ gây hấn. Chúa vẫn để cho người ta gây chiến tranh với nhau. Chúa vẫn để cho người ác hiện diện. Chúa không quan tâm đến cuộc đời của con”.

  1. Cha Mẹ Chối Bỏ (Rejecting Parents)

Cuối cùng là hình ảnh cha mẹ chối bỏ (Rejecting parents). Cha mẹ chối bỏ là gì? Là những bậc cha mẹ này không có bất cứ chút gần gũi nào về mặt tinh thần và tình cảm với đứa con. Như các sơ thường nói với tôi: “Cha mẹ bỏ bê tụi nó”. Nghĩa là, đi làm về rồi quăng cho con cục tiền, rồi nó nói cái gì “thôi kệ nó không quan tâm”. Thậm chí, cha mẹ bỏ con cho người khác nuôi, rồi khi nó lớn lên mới đem về chẳng hạn. Kết quả là họ tương tác với các thành viên trong gia đình thường chỉ là nổi giận, ra lệnh cho người khác, hoặc cô lập bản thân. Vì người cha mẹ chối bỏ nghĩa là gì? Là đứa con nó muốn cái gì cũng không được hết. Luôn luôn là coi nó không có hiện hữu, hoặc cùng lắm chỉ cho nó theo ý thích của mình thôi. Nhưng đứa con cảm thấy nó ở trong gia đình không biết nó tại sao nó được sinh ra.

Và không ít những đứa bé trong gia đình của chúng ta ngày hôm nay gặp trường hợp đó. Thậm chí ngày hôm nay, tỷ lệ đó còn tăng hơn khi cha mẹ bắt đầu nghiện điện thoại, nghiện internet. Đi làm về rồi cứ ôm điện thoại, ôm internet, đứa con nó tới nó nói gì “kệ nó đẩy nó ra để cho mình yên”. Đó là kiểu cha mẹ chối bỏ. Kiểu cha mẹ này làm suy yếu cảm giác an toàn của đứa con.

Cả bốn kiểu cha mẹ này đều làm cho con cái cảm thấy sợ hãi, mất niềm tin, không an toàn và cảm thấy mình phải đối phó để lấy lại được sự bình an và an toàn của mình. Và có hai cơ chế đối phó thường gặp mà các nhà tâm lý chỉ ra, đó là kiểu đối phó hướng nội và đối phó hướng ngoại.

Đối phó hướng nội: Khi gặp khó khăn quá lớn, đến một lúc nào đó, họ nói với mình: “Tôi tự lo bản thân là được. Tôi không cần ai hết. Tôi tự lo”. Giống như một chiếc xe điện có sẵn cục pin, leo lên là chạy thôi.

Đối phó hướng ngoại: “Người khác phải giúp đỡ tôi, ai đó phải giúp tôi”. Giống như một thiết bị điện phải luôn nối vào nguồn điện thì mới hoạt động được. Ví dụ: Chúng ta thấy xe điện, xe tram ở nước ngoài hay xe metro của mình luôn phải nối vào dây điện để chạy được.

Tại sao chúng ta dùng hai hình ảnh đó để hiểu như thế này? Khi một người đối phó hướng ngoại, khi họ gặp chán nản, lo lắng, thất vọng, họ tìm ai đó để giúp đỡ họ. Họ luôn luôn phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài để nâng đỡ, hỗ trợ họ. Yếu tố hướng ngoại này cũng ảnh hưởng đến cách chúng ta đến với Chúa. Chúng ta chạy đến nhiều hội đoàn, chúng ta chạy đến nhiều phương thế khác nhau để tham gia, để cảm thấy mình yên tâm.

Còn đối phó hướng nội là gì? Người khép lòng lại. “Tôi tự lo cho bản thân rồi. Chúa sẽ không bao giờ cảm thông cho tôi. Chúa không hiểu tôi đâu. Tôi tự lo. Tôi sẽ là người giải quyết khó khăn của chính tôi”. Những người hướng nội tìm kiếm giải pháp từ bên trong vì họ phụ thuộc vào nguồn lực nội tại của mình. Những người hướng nội thường dường như ít cần sự quan tâm hơn. “Tôi không quan tâm đến người khác”, tuy nhiên, cho dù họ rất nhạy cảm nhưng họ không biết cách mở ra với người khác.

Vậy thì, câu hỏi đặt ra là hướng nào tốt nhất? Thưa, cả hai đều không tốt. Hướng ngoại khiến bạn quá phụ thuộc vào bên ngoài, không thể tự chủ, không thể đứng một mình. Bạn luôn luôn phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài để níu kéo bạn. Trong khi đó, hướng nội lại khiến bạn không cần ai hết, bạn đẩy mọi người khác ra, bạn đứng một mình, cho dù bạn vẫn cần sự quan tâm và giúp đỡ. Người quân bình là người được mời gọi đứng ở giữa, là biết lúc nào mình cần sự hỗ trợ của người khác, cần sự giúp đỡ, và biết lúc nào mình cần đứng một mình.

Từ đó, chúng ta chuyển thể qua cách mình tương quan với Chúa. Tại sao? Vì có những lúc chúng ta cần Chúa, xin Chúa giúp chúng ta. Nhưng có những lúc Chúa muốn chúng ta phải đi một mình. Chúa muốn chúng ta tự chủ, tự đứng lên, tự đi hành trình đức tin của mình. Không phải lúc nào chúng ta cũng bám lấy Chúa.

Từ đó, tôi muốn hỏi quý anh chị em: Có bao nhiêu lời kinh mà chúng ta đọc trong ngày hôm nay và trong suốt tuần vừa rồi không có chữ “xin”? Có ai đọc kinh gì mà không có chữ “xin” trong đó từ Chúa Nhật đến hôm nay, từ hôm qua đến hôm nay không? Có đó, nhưng nhiều khi mình không nhớ! Kinh Tin Kính không có chữ “xin”. Tôi có hỏi lớp thần học liên dòng, hỏi các thầy, hỏi nhiều người cùng một câu hỏi này: “Bao nhiêu người trong chúng ta đọc kinh mà không có chữ ‘xin’ trong đó?”. Mà khi chúng ta đọc kinh mà vẫn còn chữ “xin” trong đó, chúng ta là gì ạ? Chúng ta vẫn là người chỉ phụ thuộc. Chúng ta đến với Chúa như một người lợi dụng Chúa. Chúng ta không lớn lên trong tình bạn với Chúa. Chúng ta chỉ là những người chỉ muốn Chúa phải làm cái này, làm cái kia cho mình, hay một cách nào đó chúng ta là người thụ động trong tương quan với Chúa.

Nếu một người bạn của Chúa, nếu mình có một người bạn, mà mỗi lần bạn tới với mình chỉ xin thôi, nói câu trước câu sau là xin, thậm chí có thể làm tuần cửu nhật trước mặt mình để xin, mình có chơi với nó không? “Đồ thứ lợi dụng” đúng không?

Nhưng chúng ta phải hiểu: khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ, “Thầy không gọi anh em là tôi tớ, thầy coi anh em là bạn hữu”. Chúa muốn nói điều gì? Chúng ta không phải là những người chỉ xin. Chúa sai các môn đệ đi. Chúa rút lui.

Từ đó, chúng ta thấy khi chúng ta giới thiệu về Chúa cho người khác và chúng ta nhìn vào cách mình tương quan với Chúa, mình sẽ hiểu: nếu tôi có hình ảnh lệch lạc về Chúa, nhiều khi tôi chỉ đến với Chúa bằng cách “xin cho” thôi. Tôi không có trưởng thành trong mối tương quan với Chúa. Và khi Chúa im lặng, tôi không chấp nhận. Nhưng nếu một người trưởng thành, người đó sẽ hiểu rằng có những thứ mình phải tự lo.

Và điều đáng sợ ngày hôm nay là nhiều khi các bậc cha mẹ không quen để con tự lo. Con cái 20, 21, 22, 23, 24, 25 tuổi vẫn còn ở với ba mẹ, vẫn còn ăn cơm gia đình, không đóng tiền nhà. Tất cả mọi thứ là bố mẹ phải lo. Nhưng nếu bố mẹ không lo nữa thì sao? Bỏ rơi bố mẹ, bỏ rơi Chúa. Đó.

Từ đó, chúng ta thấy có bốn cách giáo dục của cha mẹ có thể ảnh hưởng đến cách mình tương quan với chính mình. Tôi trở nên thụ động, tôi trở nên sợ hãi, tôi trở nên người khép kín, hoặc tôi phải bám vào ai đó để cảm thấy an toàn.

Chữa Lành Những Hình Ảnh Về Chúa Bị Đầu Độc

Do đó, chúng ta sẽ hiểu được rằng trong chúng ta sẽ có rất nhiều những hình ảnh của Chúa bị lệch lạc. Và cha Henri Nouwen nói: “Đôi khi chính chúng ta đã bị đầu độc hình ảnh lệch lạc về Chúa” hay người ta nói là “hình ảnh Chúa bị đầu độc”. Nghĩa là mình không trao cho một người hình ảnh thật về Chúa mà là hình ảnh giả tạo về Chúa. Hoặc là chính bản thân chúng ta cũng không được nhận hình ảnh thật về Chúa mà là hình ảnh giả tạo, hình ảnh bị đầu độc.

Ví dụ: Sáng hôm nay, có một thầy cầm cho tôi một chai thuốc, nói là thuốc chữa bệnh gút. Tôi cầm chai thuốc đó lên và nói với thầy: “Thuốc giả!”. Tại sao vậy? Vì tôi làm việc trong ngành y nên tôi quen rồi. Tôi nhìn thuốc là tôi biết, tôi nhìn cái hộp thôi là tôi có thể hình dung ra được là thuốc thật hay thuốc giả. Tôi nói: “Thầy mà đi ra ngoài bãi rác, thầy sẽ thấy cái hộp thuốc này đầy đường. Người ta mới vứt đó mà thầy còn ôm cái hộp thuốc này. Thầy có biết là thuốc giả không?”. Ông sợ quá nói: “Em tính uống mà nghe anh nói vậy thôi vứt luôn”.

Nhưng mà anh chị em thấy đó, chính chúng ta khi uống thuốc để khỏe mà còn bị độc. Vậy thì, vô hình chung, không ít lần chính chúng ta cũng bị đầu độc bởi hình ảnh lệch lạc về Chúa. Và nếu mình không thoát ra khỏi hình ảnh đó, coi chừng chính chúng ta cũng đầu độc hình ảnh đó lên những em học sinh của mình. Do đó, bước tiếp theo là chúng ta cần nhận diện đâu là những hình ảnh Chúa có thể đã bị đầu độc trong tâm trí mình. Đó gọi là chữa lành những hình ảnh về Chúa bị đầu độc.

  1. Hình Ảnh Chúa Tiêu Cực (The Toxic God Image)

Thứ nhất là hình ảnh Chúa tiêu cực. Đây là hình ảnh mà tôi nói ở đây không phải để chê trách các bậc cha mẹ, nhưng đây là điều chúng ta phải nhận diện. Cha mẹ hay dùng Chúa để hù dọa con cái.

Ví dụ: “Nếu con không ngoan, Chúa sẽ phạt con!”. Cha mẹ muốn con mình ngoan, nhưng lại đầu độc bằng cách nói: “Con mà không ngoan, Chúa sẽ phạt con”. Nghĩa là mình không phải là người làm chuyện đó, mà là Chúa làm. “Nếu con hư, Chúa sẽ phạt xuống hỏa ngục!”. Kế đến: “Nếu con không vâng lời cha mẹ, Chúa sẽ không cho con lên thiên đàng!”.

Từ đó, chúng ta thấy hình ảnh của Chúa trong đứa trẻ là gì? Từ một Chúa yêu thương, hình ảnh đó biến thành một Chúa thích trừng phạt, thích rình rập tội của chúng ta. Đứa trẻ lớn lên với trí tưởng tượng rằng Chúa đang ở đâu đó, chờ phát hiện nó phạm tội và trừng phạt nó. Sau này, chính hình ảnh đó ảnh hưởng đến cách mình nhìn và đối diện với đau khổ trong cuộc sống. “Tôi bị đau khổ, tôi bị bệnh, tôi đã làm sai cái gì mà tại sao Chúa phạt tôi?”. Từ đó, chúng ta không dám đối diện với đau khổ. Vì khi mình đau khổ, khi mình bệnh, mình cho rằng Chúa đang phạt mình.

Từ đó, chúng ta lại có một hình ảnh rất lệch lạc về Chúa, giống như Chúa thích đem đau khổ đến cho chúng ta. Hoặc là chúng ta thấy ai bị bệnh, chúng ta cho rằng người đó đã bị Chúa phạt.

Tuy nhiên, nếu chúng ta lắng nghe Kinh Thánh, chúng ta sẽ hiểu điều gì? “Ai muốn theo thầy, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo thầy” (Mt 16,24). Chúa không sợ cái chết. Chúa đi qua nó. Chúa dạy chúng ta: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, nó sẽ trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Chúng ta vô hình trung lại dạy con cái mình hình ảnh ngược lại: sợ cái chết, không đón nhận những cái chết như là chuyện phải xảy ra trong cuộc sống để đem lại sự sống cho người khác.

Hình ảnh tiêu cực này còn bao gồm cả việc đứa trẻ lớn lên thường bị đầu độc rằng “Chúa biết hết mọi sự. Nên nếu con có suy nghĩ tiêu cực về Chúa, Chúa sẽ biết và trừng phạt con”.

Ví dụ khác: Ngày xưa, chúng ta thường được dạy rằng phải giữ sự trong sạch, không được nuốt nước bọt khi rước lễ. Thậm chí có những người còn được dạy là không được nhai bánh thánh. Hồi nhỏ, tôi được một sơ dạy rằng: “Không được nhai bánh thánh. Nếu nhai là mình làm cho Chúa đau, tội Chúa!”. Tôi còn nhớ, lúc đó tôi đang giúp lễ cho một cha, cha bẻ một nửa bánh thánh rồi đút vào miệng tôi. Tôi ngậm luôn, không dám nhai. Khi cha hỏi: “Sao con không trả lời?”, tôi chỉ ú ớ: “Bánh…”. Mãi sau này, tôi mới được một cha khác giải thích: “Trời ơi con ăn bánh Chúa, con ăn bánh mì con có nhai không? Có! Đây là bánh mà!”. Từ đó, hình ảnh đó mới thay đổi được.

Một trong những suy nghĩ về sự trừng phạt của Chúa còn liên quan đến tính dục. Đây là hình ảnh méo mó mà chúng ta hay gặp nhiều nhất. Từ nhỏ, chúng ta thường được dạy rằng “nhìn cái đó, thấy cái đó là dơ bẩn, cái đó là xấu, Chúa phạt đó!”. Từ đó, trong thâm tâm chúng ta, nhiều bạn trẻ và cả người lớn nữa lớn lên với ý tưởng rằng bất cứ cái gì liên quan đến tính dục là Chúa thấy, Chúa phạt, nguy hiểm, sợ hãi. Nhưng khi chúng ta sợ như vậy thì chính mỗi người chúng ta sống trong đời sống đó, đặc biệt là người có gia đình, sẽ luôn luôn coi tính dục là một cái gì đó taboo (điều cấm kỵ), không coi đó là một ân sủng, là món quà của Thiên Chúa. Vậy thì, đứa trẻ trong chúng ta thường bị gieo rắc nỗi sợ hãi về tính dục và coi đó là một cái gì đó tội trọng.

  1. Đầu Độc Chúa Bằng Sự Thất Vọng (The Disappointing God Image)

Sự đầu độc thứ hai mà chúng ta hay gặp đó là đầu độc Chúa bằng sự thất vọng. Tôi xin giải thích một cách rất đơn giản, dễ hiểu. Khi chúng ta đến với nhà thờ, chúng ta tham gia, chúng ta muốn xây dựng cộng đoàn, chúng ta nỗ lực, nhưng rồi chúng ta thấy mình không được đón nhận. Khi chúng ta vào trong nhà thờ, chúng ta tham gia hội đoàn này, hội đoàn kia, nhưng lại đối diện với sự đố kỵ, đặc biệt là trong các hội nhóm như ca đoàn, hay các hội nhóm khác. Rồi khi chúng ta thấy sự tranh giành vị trí, quyền lực, rồi chúng ta thấy các cha nhiều khi đứng về phe này, hay các sơ đứng về phe kia, chúng ta cảm thấy bất mãn. Chúng ta thấy tại sao những người theo Chúa lại như vậy, chúng ta cảm thấy thất vọng.

Ví dụ: Hình ảnh của Chúa bị đầu độc ở điểm nào? Là những người đại diện cho Chúa làm cho chúng ta cảm thấy thất vọng. Nhiều khi có nhiều người đi đến nhà thờ với hy vọng sự đóng góp của mình sẽ thay đổi được điều gì đó, nhưng nó không thay đổi. Những người giáo dân ở phương Tây, họ đến nhà thờ, cố gắng giữ nhà thờ với hy vọng người ta sẽ đến nhà thờ trở lại, nhưng không ai đến. Chính điều đó là một sự thất vọng lớn. Và hình ảnh thất vọng đó làm cho họ cảm thấy họ không muốn ở lại với Chúa nữa. Họ cảm thấy rằng Chúa không can dự, giống như những nỗ lực của mình để đóng góp cho Giáo Hội không có ý nghĩa gì hết.

Chúng ta thấy đây là một hiện tượng phổ biến ngày nay. Nhiều người bỏ đạo vì cảm thấy giống như Chúa không quan tâm, liên quan đến hình ảnh Chúa thụ động với những gì đang xảy ra. Thất vọng với giáo sĩ, linh mục không trân trọng sự đóng góp về sức lực của mình. Cảm thấy vô ơn. Thất vọng khi thấy người ta bỏ Chúa, thấy những hứa hẹn đổi mới không thay đổi thực trạng nhà thờ ngày càng vắng. Đây là hình ảnh Chúa bị đầu độc bằng sự thất vọng.

  1. Đầu Độc Chúa Bằng Chủ Nghĩa Cực Đoan và Cuồng Tín (The Idolatrous God Image)

Hình ảnh đầu độc thứ ba của Chúa là đầu độc Chúa bằng chủ nghĩa cực đoan và cuồng tín. Chúng ta thấy ngày hôm nay tại sao càng ngày càng có nhiều người thích lao vào các giáo phái, các nhóm cực đoan? Vì những giáo phái này dùng Chúa để gây chiến tranh, để khủng bố, bởi vì nó đáp ứng nhu cầu “gây hứng”, đáp ứng sự nóng giận, sự tức giận bị kìm nén bấy lâu của người ta. Hoặc một cách nào đó, những người tìm cách đối phó hướng ngoại, tìm cách “đắp” Chúa vào để thỏa mãn sự thiếu thốn trong cuộc đời mình, họ dùng Chúa để lập giáo phái, để đặt tay trừ quỷ.

Tại sao vậy? Bởi vì đó là nguy cơ của việc chối bỏ trách nhiệm đối diện với cuộc sống của chính mình. Và nhìn Chúa như một người phải được chiều chuộng và dâng tiến đúng cách để được hài lòng và ban ơn. Ví dụ: Ngày hôm nay, nhiều người thích làm như vậy: “Đi theo các giáo phái, các nhóm đó để dâng tiến một cái gì đó để như vậy thì Chúa sẽ hài lòng, Chúa sẽ ban ơn cho mình”. “Đi theo cái nhóm đó đi rồi đi theo cái đoàn thể đó đi để mình làm thực hành những cái điều này Chúa sẽ ban ơn nhiều cho mình hơn tại vì nếu cái đi theo cái kia thì không được”. Dẫn đến một hình ảnh Thiên Chúa thiên vị, không lắng nghe lời cầu xin của mình hoặc Chúa như một ông thần đèn phải đọc đúng câu thần chú để được giúp đỡ. Đây là một hình ảnh rất lệch lạc về Chúa, anh chị em ạ, và nhiều khi nó ăn sâu trong nhiều người chúng ta. Chúng ta nghĩ rằng phải đọc đúng cái thần chú đó, đọc đúng cái kinh đó thì Chúa sẽ đáp trả mình. Rồi chúng ta lập nên những cái nhóm mà cho rằng chỉ cái nhóm mình mới tiếp cận được Chúa mà thôi. Từ đó, nó tạo ra chủ nghĩa cực đoan và cuồng tín.

  1. Đầu Độc Chúa Bằng Việc Lạm Dụng Trong Đời Sống Thiêng Liêng (Spiritual Abuse)

Kế đến, thứ tư là đầu độc Chúa bằng việc lạm dụng trong đời sống thiêng liêng. Cái này đáng sợ hơn và thường gặp nhiều ở tu sĩ và linh mục, nhưng dần dà nó cũng bắt đầu xuất hiện ở các giới huynh trưởng và những người giáo lý viên cũng có thể thỉnh thoảng xảy ra. Đó là khi họ xây dựng mối quan hệ thiêng liêng: cha linh hướng, sơ linh hướng, người đồng hành, người giúp đỡ thiêng liêng, nhưng qua mối quan hệ đó để làm gì? Để thao túng người ta, để kiểm soát cuộc sống của người khác, bắt người đó phải thông qua mình để đưa ra quyết định. Người này giờ đây giống như là thay mặt Chúa điều khiển cuộc đời của người kia để người kia làm theo ý mình và thao túng cuộc sống người kia. Thậm chí sau này có thể dẫn đến lạm dụng tính dục trong một số mối tương quan từ linh hướng thiêng liêng đến mối tương quan thể xác. Đó là người ta gọi là spiritual abuse, dùng Chúa để thao túng người khác, dùng Chúa để thay đổi cách sống của người khác theo ý của mình.

  1. Đầu Độc Chúa Bằng Lạm Dụng Tính Dục Trong Giáo Hội (Sexual Abuse within the Church)

Và điểm cuối cùng là đầu độc Chúa bằng chính sự lạm dụng tính dục trong hàng ngũ tu sĩ, linh mục và những người cộng tác. Đây là hiện tượng mà có lẽ quý anh chị em chúng ta ai cũng biết. Có nhiều người mất đi hình ảnh của Chúa. Tại vì sao ạ? Vì nơi một số ít các giáo sĩ, một con sâu làm rầu nồi canh, đã lạm dụng các em. Chính cái đó nó làm thay đổi cái nhìn của người ta về Chúa. “Tại sao Chúa để chuyện đó xảy ra? Tại sao linh mục là người đại diện của Chúa lại làm những điều tồi tệ như vậy với các em thiếu niên?”.

Ví dụ: Thậm chí, tôi có gặp cả nữ tu từng bị lạm dụng từ nhỏ bởi linh mục. Và mỗi lần nhắm mắt lại, khi nhìn lên bàn thờ thấy vị linh mục, là thấy hình ảnh lạm dụng đó. Mỗi giờ vị linh mục đó giơ bánh thánh lên, lại thấy hình ảnh mình bị lạm dụng trong đầu, không bao giờ gặp được Chúa. Tại vì tất cả những gì mà mình kinh nghiệm được là ngang qua sự việc linh mục đó đến với mình, lạm dụng mình.

Từ điều đó, người nạn nhân cảm thấy bị phản bội và cho rằng Chúa cũng phản bội họ. Hình ảnh của Chúa vốn được nhìn thấy ngang qua những thừa tác viên trong Hội Thánh này trở nên méo mó, đầy ham muốn và lợi dụng. Ám ảnh của những sang chấn và nỗi đau khiến chính nạn nhân xa Chúa, không thể đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ.

Đó là những hình ảnh mà tôi gợi lên để chúng ta thấy Chúa bị đầu độc như thế nào: Thứ nhất là cha mẹ dùng Chúa để hù dọa con trừng phạt. Cái thứ hai là chúng ta bị đầu độc bằng sự thất vọng. Thứ ba là chủ nghĩa cực đoan và cuồng tín. Thứ tư là lạm dụng đời sống thiêng liêng. Và cuối cùng là lạm dụng tính dục trong môi trường Giáo Hội.

Làm Sao Để Chữa Lành?

Vậy làm sao để chữa lành những hình ảnh lệch lạc này?

Thứ nhất là chúng ta phải đặt câu hỏi: “Tôi có từng có những ảnh hưởng tiêu cực về Chúa khi tôi lớn lên hay không? Hình ảnh của tôi về Chúa như thế nào?”. Đó là câu hỏi mà tôi đã hỏi chúng ta lúc đầu.

Dưới đây là những bước tôi gợi ý để chúng ta suy tư, để chúng ta chữa lành vết thương, tổn thương về hình ảnh Chúa trong tâm hồn chúng ta:

Chấp nhận sự giới hạn trong hiểu biết về Chúa: Chúng ta cần hiểu rằng không ai trong chúng ta có đủ sự hiểu biết trọn vẹn về Chúa. Những gì chúng ta nói về Chúa luôn chỉ là một phần nhỏ, một chút, và thậm chí không đầy đủ. Chúa của chúng ta vĩ đại và lớn lao hơn mọi sự chúng ta có thể hình dung. Không ai dám vỗ ngực xưng tên nói mình biết hết về Chúa. Nếu mình nói mình biết hết về Chúa, nghĩa là mình đã lệch lạc. Chúa luôn luôn lớn hơn những gì mình có thể hình dung. Và những gì mình rao giảng về Chúa phải là kinh nghiệm thiêng liêng của chính mình. Chúng ta chỉ rao giảng kinh nghiệm thiêng liêng mình có về Chúa cho tha nhân. Do đó, chúng ta phải ý thức được điều đó.

Nhận thức giới hạn của người truyền đạt đức tin: Chúng ta nhận thức được rằng những gì chúng ta có về Chúa là một phần của giới hạn của mình, của cha mẹ mình. Cha mẹ chúng ta không được dạy về Chúa như mình mong đợi. Chúng ta thấy chương trình giáo lý của chúng ta phải cập nhật thường xuyên, phải thay đổi, phải làm mới thường xuyên để phù hợp với ngôn ngữ, cách hiểu hiện tại. Huống gì ông bà, cha mẹ mình ngày xưa với đức tin bình dân, nhiều khi chính họ cũng nhận được những thông tin không trọn vẹn. Họ đã cố gắng hết sức để trao cho chúng ta sự hiểu biết về Chúa. Nhiều khi nó rất tuyệt vời, rất thiêng liêng, nhưng không bao giờ là trọn vẹn. Do đó, không phải chúng ta quay lại đổ lỗi họ đã dạy sai mình về Chúa. Họ đã dạy mình rất nhiều điều tốt về Chúa. Nhưng có những điều không phù hợp, mình phải chấp nhận và can đảm bao dung, thông cảm cho họ.

Lối sống quan trọng hơn lời nói: Chúng ta hiểu được rằng cách chúng ta hay một người nói về Chúa không quan trọng bằng cách người đó sống. Tôi nghĩ điều này chúng ta dễ hiểu. Nhiều khi mình nói thì rất dễ, nhưng làm thì rất khó. Nhưng giới trẻ ngày hôm nay, người ta không quan trọng mình nói cái gì, mà quan trọng là mình làm cái gì. Và chính chúng ta cũng thế thôi. Tại sao vậy? Vì ngày hôm nay, nếu muốn biết một bài thần học hay muốn viết một bài giảng thật hay, chỉ cần lên AI là ra hết. AI có thể cho một bài giảng hay hơn tôi soạn, đầy đủ hơn, đúng hơn với công nghệ AI ngày hôm nay. Nên kiến thức không còn là điều quan trọng nhất nữa. Mà là mình sống mối tương quan với Chúa như thế nào?

Từ đó, “Chúa là ai” sẽ quyết định cách mình tương quan với Chúa. Vậy thì, mình phải đặt câu hỏi: khi tôi đến với Chúa, tôi đến với tha nhân, tôi dạy giáo lý, tôi nói về kinh nghiệm tương quan của tôi với Chúa như thế nào qua cách sống của tôi? Bởi vì sách giáo lý có đó, vở có đó, AI có đó, các em bây giờ chúng biết hết. Nhưng chúng sẽ quan sát cách mình sống với Chúa như thế nào trước mặt chúng. Và đó cũng là cách chúng ta phải suy nghĩ lại trong tương quan gia đình, với bạn bè và những người xung quanh.

Nhận diện và buông bỏ hình ảnh lệch lạc: Chúng ta cần chỉ ra được những hình ảnh nào khiến chúng ta có cái nhìn lệch lạc về Chúa mà chúng ta từng có, và cách hình ảnh đó đã ảnh hưởng lên chúng ta. Bây giờ chúng ta hiểu được có những hình ảnh lệch lạc, ảnh hưởng tiêu cực lên cách mình tương quan với Chúa, cách mình nhìn nhận về Chúa, vết thương của mình, thì bây giờ mình phải đặt câu hỏi: làm sao để mình buông bỏ những hình ảnh đó?

Từ đó, tôi đi đến điểm cuối của bài chia sẻ. Từ tổn thương đến hy vọng, chúng ta cần làm việc thường xuyên với bản thân về hình ảnh của Chúa và hình ảnh của chính mình. “Tôi là ai với chính tôi?”. Điều này mới quan trọng nữa. Tôi có nhìn nhận con người của tôi với những điểm yếu và điểm tốt, cái xấu của chúng ta hay không? Chúng ta cần nhớ rằng bạn không bao giờ đạt được một hình ảnh trọn hảo về Chúa và thậm chí cả về bản thân bạn.

Quý vị có biết mình không thể biết hết chính mình không? Mình muốn gì, mình không bao giờ biết hết con người của mình. Sự thật là như vậy. Mình biết nhiều, nhưng chưa chắc biết hết. Ví dụ: Đâu có ai biết được mình có cái nốt ruồi ở sau gáy không? Không thấy đâu. Người khác chỉ ra mình mới thấy. Mình không biết hết được. Nên con người chúng ta, Giáo Hội dạy là một huyền nhiệm. Nghĩa là gì? Luôn luôn tiếp tục khám phá ra chính mình và không bao giờ biết hết được chính mình. Từ đó, nó cho chúng ta hy vọng là những quá khứ của mình, những tổn thương của mình không phải là thứ định nghĩa mình. Tổn thương của mình là một phần của cuộc đời mình, không phải quyết định mệnh của mình, không quyết định mình là ai và không quyết định tương lai của mình. Tương lai của mình phụ thuộc vào lựa chọn của mình và ơn Chúa trên cuộc đời của mình.

Thứ hai, chúng ta không biết hết về Chúa. Khi mình chấp nhận chuyện đó, mình sẽ không tuyệt đối hóa Chúa là Đấng trừng phạt như chúng ta đã từng. Nếu chúng ta từng nghĩ Chúa là Đấng trừng phạt, rất có nhiều người tuyệt đối hóa là Chúa là Đấng trừng phạt. Chỉ có thế thôi. Khi mình tuyệt đối hóa như vậy, mình không cho Chúa, không cho phép Chúa khác đi với hình ảnh đó. Nên Chúa tha thứ, mình không chấp nhận.

Ví dụ: Giống như khi Chúa cúi xuống rửa chân cho Phêrô, Phêrô từ chối: “Thầy là Chúa, thầy là Chúa mà thầy rửa chân cho con sao?”. Phêrô không chấp nhận một hình ảnh Chúa như thế. Một cách nào đó, Phêrô đã tuyệt đối hóa hình ảnh về Chúa trong đầu mình khác. Và Chúa phải làm nhiều lần để Phêrô nghiệm ra, đến mức độ Phêrô phải chối Chúa.

Từ đó, chúng ta phải nghiệm ra điều gì? Là chúng ta không bao giờ được tuyệt đối hóa hình ảnh về Chúa. Mà là gì? Chúa luôn luôn tiếp tục mặc khải với chúng ta bằng tình yêu của Chúa, qua ơn của Chúa Thánh Thần và qua tha nhân. Kế đến, Chúa mặc khải với chúng ta qua chính lời dạy của Giáo Hội. Mình phải tiếp tục lắng nghe Giáo Hội hướng dẫn mình để mình khám phá.

Thứ ba, có thể nói từ đó chúng ta nghiệm ra điều gì? Mình không phải bỏ hình ảnh cũ về Chúa vốn mình không làm được. Nếu mình từng có hình ảnh về Chúa là Đấng hay trừng phạt, mình nói mình bỏ rất khó, thưa anh chị em, và thậm chí không làm được. Nhưng có thể người ta gọi là gì? “Bạn nhìn Chúa bằng cái lăng kính này nó bị mờ. Cách tốt nhất là bạn lau cái kính để nhìn rõ hơn”. Nhưng mà cái kính không phải là Chúa, nhưng ngang qua đó bạn có cái lăng kính mới để nhìn Chúa tốt hơn. Ok. Vậy thì bạn chỉ có thể lau kính cho nó trong hơn và sạch hơn để nhìn thấy Chúa và bạn rõ hơn. Nhưng Chúa không phải là cái kính và Chúa vẫn lớn hơn những gì chúng ta có thể hình dung được. Ý tôi nói ở đây là sao? Chúng ta không thể nào từ bỏ những hình ảnh cũ về Chúa vì hình ảnh đó nói lên một phần sự thật về Chúa, không phải tất cả. Ví dụ như sự trừng phạt.

Chúa có trừng phạt mình không? Thật sự, cái trừng phạt đó có thể hiểu ở góc độ khác. Ví dụ: Tôi là người ở tuổi 50, tôi cần phải tiết chế trong cách ăn uống. Nhưng mà mỗi ngày tôi vẫn ăn thịt mỡ, tôi vẫn uống nhiều đường, tôi ăn không kiểm soát. Tôi sẽ bị béo phì, tôi sẽ bị tiểu đường, cơ thể của tôi sẽ chống lại tôi. Vậy thì, việc tôi không kiểm soát chính mình để rồi cuối cùng tôi bị bệnh nhiều, có phải là Chúa phạt tôi không? Thưa không. Nhưng trừng phạt đây có thể hiểu là gì? Là cơ thể tôi phản ứng lại cách sống thiếu tiết độ của tôi. Đúng không?

Ví dụ khác: Trái đất này đang bị bào mòn, tài nguyên bị tận dụng, cây cối bị chặt hết. Ngày xưa, khí hậu mát mẻ trong lành, mọi người có sức khỏe. Và bây giờ mọi người bị ô nhiễm, thay đổi khí hậu và bão lụt thường xuyên. Có phải Chúa trừng phạt không? Thưa không. Cái trừng phạt nó đến từ đâu? Vì tôi đã tận dụng hết tài nguyên mà Chúa cho tôi. Vậy trừng phạt ở đây cũng có thể hiểu là gì? Đó là hệ quả của những việc tôi làm mà không có sự phân định, không có công lý, không có tôn trọng thiên nhiên và chính bản thân mình và người khác. Vậy thì, trừng phạt có thể hiểu bằng lăng kính mới. Trừng phạt có thể hiểu bằng lăng kính mới để chúng ta không nhìn Chúa như là một Đấng sẽ canh coi mình có sai hay không để phạt mình hay yêu thích trừng phạt mình.

Kế đến, Bí tích Hòa Giải là một liều thuốc trị liệu để chúng ta hòa giải. Và chúng ta nhớ rằng từ “tội” (sin) trong tiếng Do Thái là miss the mark, nghĩa là bắn trật cung, bắn trật điểm đến. Như vì một cách nào đó, mình hướng về Chúa nhưng mình hướng chật mục đích. Bí tích Hòa Giải giúp chúng ta ngắm lại đúng mục đích. Bí tích Hòa Giải là gì? Để chúng ta hiểu rằng qua việc đến với linh mục, chúng ta được trị liệu trong tâm hồn về cách chúng ta hiểu sai về Chúa. Một cách nào đó, Bí tích Hòa Giải huấn luyện mình để mình nhìn nhận lại tương quan của mình với chính mình và với Chúa, những điều lệch lạc, để mình chỉnh lại.

Kế đến, chúng ta cũng cần vượt lên trên tâm thế của một nạn nhân trong vấn đề lạm dụng. Tôi gặp rất nhiều nạn nhân lạm dụng bởi giáo sĩ. Những người đó họ mất niềm tin vào Giáo Hội, mất niềm tin vào Chúa. Nhưng mà họ lấy lại niềm tin vào Chúa khi nào? Khi họ kinh nghiệm rằng Chúa cũng đau khổ với họ. Khi họ cảm nghiệm được rằng Chúa không muốn họ là nạn nhân, Chúa muốn họ đứng lên nói lên tiếng nói để bảo vệ Giáo Hội và bảo vệ người khác. Và nhiều khi trong chúng ta, chúng ta luôn luôn sống trong tâm thế của nạn nhân.

Giúp một người vượt lên tâm thế của nạn nhân là gì? “Tôi là nạn nhân trong bạo hành gia đình. Tôi là nạn nhân của việc cha mẹ bỏ rơi tôi. Tôi là nạn nhân của việc lớn lên trong gia đình không ai thương tôi. Vì thế Chúa cũng không thương tôi”. Tất cả những yếu tố đó nói lên tâm thế nạn nhân. Mà tâm thế nạn nhân làm cho chúng ta luôn luôn nhìn Chúa như là một người không quan tâm đến nỗi đau của mình. Vượt lên trên tâm thế nạn nhân là gì? Là chúng ta giúp mình đứng lên hiểu được rằng Chúa cũng ở đó với mình. Chúa cũng đau khổ với mình. Chúa giang tay chịu chết để chia sẻ gánh nỗi đau của nhân loại. Nên mình trong nỗi đau của mình, mình cũng có thể đứng lên được, mình cũng có thể tha thứ được và thậm chí mình có thể lên tiếng để chuyện đó không xảy ra nữa.

Và cuối cùng, chúng ta cần ý thức Chúa cũng muốn chúng ta trưởng thành trong tình bạn với Ngài. Nghĩa là gì? Có những lúc mình cảm thấy mình một mình, mình đơn độc. Có những lúc mình cảm thấy mình không gặp được Chúa. Có những lúc tại sao mình dạy về Chúa nhiều quá nhưng mình cầu xin Chúa, mình đến cầu nguyện với Chúa, mình không gặp Chúa. Thưa, có những lúc chúng ta phải đi qua đêm tối của tâm hồn. Tại sao vậy? Vì lúc đó Chúa mời gọi chúng ta lớn lên trong tình bạn với Chúa. Mình không còn là một người phải phụ thuộc nữa. Mình phải là người anh em của Chúa. Mình là người sẵn sàng đi cùng Chúa chia sẻ sứ mệnh với Chúa. Và đó là những gì Chúa mời gọi chúng ta. Chúa sai chúng ta đi rao giảng Tin Mừng. Nghĩa là chính mình cũng là người mang hình ảnh của Chúa và người tự chủ trên hành trình đức tin của mình, trưởng thành trong hành trình đức tin của mình.

Tôi xin kết thúc với hình ảnh đặc biệt của một người trong Kinh Thánh mà chưa bao giờ xin Chúa điều gì đối với mọi người. Người đó là ai? Trong Tân Ước, một người không bao giờ xin Chúa cái gì hết. Gioan Tẩy Giả không nói gì hết nên mình không biết. Thưa, đó là Mẹ Maria. Có thể quý vị sẽ nói: “Xin vâng” phải không? “Xin vâng” không phải là “xin” đâu ạ. Đức Mẹ nói với Chúa: “Này tôi là tôi tớ Chúa. Xin hãy làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc 1,38). Đó không phải là một lời “xin”. Có người nói Đức Mẹ xin rượu, không có đâu. Đức Mẹ tới nói với Chúa: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3). Chấm hết, không có xin.

Tôi nghĩ đây là một hình ảnh của một người đã đem Chúa đến cho nhân loại. Mẹ đã đứng với Chúa ở thập giá, đã đi cùng với Chúa trên nhiều nẻo đường, không bao giờ xin Chúa bất cứ điều gì. Tất cả những gì Mẹ làm là gì? Để cho Chúa được sinh ra ngang qua cuộc đời của mình và để cho thánh ý Chúa được thực hiện ngang qua cuộc đời của mình.

Tôi nghĩ đó là hình ảnh của một người môn đệ trưởng thành, một người mang Chúa đến cho người khác và một người chưa bao giờ xin Chúa bất cứ điều gì ngoài việc để cho Chúa thực hiện ý của Chúa trên chính con người của mình.

Tại sao chúng ta không muốn dùng hình ảnh đó? Vì chính chúng ta, khi lớn lên, một cách nào đó, chúng ta cũng mang trong tâm hồn mình một hình ảnh nào đó về Chúa mà mình thất vọng. Một hình ảnh nào đó về Chúa mà mình sợ hãi như một đứa trẻ, Chúa sẵn sàng phạt mình. Một hình ảnh nào đó về Chúa mà lờ đi lời cầu xin của mình. Một hình ảnh về Chúa mà bỏ rơi mình trong lúc mình bị lạm dụng, mình bị coi thường, mình bị loại trừ.

Nhưng mà ngang qua Đức Mẹ, chúng ta thấy Đức Mẹ đã cưu mang Chúa, Đức Mẹ đã đi cùng Chúa, Đức Mẹ đã đứng bên thập giá với Chúa trong im lặng. Và chúng ta có thể từ đó xin Đức Mẹ giúp chúng ta chữa lành hình ảnh bị lệch lạc về Chúa trong đời mình. Bởi vì chỉ có Chúa mới hiểu được Mẹ mình và Mẹ Maria mới là người biết Chúa trọn vẹn nhất và hơn ai hết.

Do đó, trên thập giá, Chúa mới nói với môn đệ yêu quý của mình: “Đây là mẹ con và đây là con bà” (Ga 19,26-27). Tôi nghĩ Mẹ Maria là người Mẹ tốt nhất có thể giúp chúng ta chữa lành vết thương, tổn thương mà mình có về Chúa trong cuộc đời mình, do mình không được dạy đúng theo những gì mà mình mong đợi hoặc là đúng theo hình ảnh mà mình phải có về Chúa.

Khi mình được chữa lành hình ảnh đó, tôi tin rằng chúng ta cũng có thể là người chữa lành, mang thương tích, mang hình ảnh thật về Chúa đến cho tha nhân.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!