Mục vụ gia đình

HÔN NHÂN : TÌNH YÊU “HAI-TRONG-MỘT”

HÔN NHÂN :

TÌNH YÊU “HAI-TRONG-MỘT”

***

KHỞI HÀNH : từ những gợi ý…  

“Nhờ tính cách bí tích của hôn nhân, đôi bạn được liên kết với nhau một cách chặt chẽ không thể tháo gỡ được. Khi người này thuộc về người kia, họ thực sự biểu lộ tương quan giữa Đức Kitô với Hội Thánh của Ngài, qua dấu chỉ bí tích” (ĐGH Gioan Phaolô II – Tông Huấn về những bổn phận của gia đình Kitô hữu – Roma 2002 – số 13)”.

“Chính sự hiệp thông mật thiết trong gia đình Kitô giáo là hình ảnh sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa : Yêu nhau và nên một với nhau mà vẫn hoàn toàn tôn trọng sự khác biệt giữa các ngôi vị” (HĐGMVN – Thư Mục Vụ năm 2002 về Thánh hóa Gia đình – số 6)”.

 MỘT THOÁNG SUY TƯ : chia sẻ và đồng hành

Hôn nhân là một công trình luôn khởi đầu bằng hai và diễn tiến trong một. Hai con người, hai trái tim, hai tình yêu, hai khối óc, hai huyết thống, hai nhân cách…Và một “thân xác”, một lòng yêu thương chung thủy, một bí tích, một ơn gọi, một lý tưởng, một mái ấm gia đình, một trách nhiệm, một cuộc sống, một định mệnh…

Lý tưởng “nên một” của hôn nhân có lúc xem như một nghịch lý ! Thực tế này – với nhiều người – đã là điều khó thành hiện thực. Chính vì vậy mà đã xảy ra hiện tượng ly hôn ly dị. Đó là hình ảnh mà John Davies đã ví như một bữa tiệc hấp dẫn, nhưng khi đã bước chân vào, người ta lại muốn cao bay xa chạy :

“Chuyện hôn nhân ví như bữa tiệc

“Có đông người gặp gỡ xôn xao

“Kẻ ngoài muốn bước chân vào

“Người trong ước có ngày nào thoát ra…”

Tuy nhiên, việc “nên một” trong hôn nhân – dù có khó khăn đến mấy – vẫn là một đòi hỏi không thể thiếu của hôn ước bền vững. Nó vừa là một nhu cầu của tình yêu, lại vừa là nền tảng giúp thăng tiến hạnh phúc của vợ chồng, cha mẹ, con cái trong gia đình…

Quả vậy, trong hôn nhân, hai người phối ngẫu sẽ trải nghiệm cuộc sống lứa đôi như một huyền nhiệm : chấp nhận hai như một và sống một trong hai, cho đến suốt đời.

 Hôn nhân : chấp nhận hai như một

Để có một cuộc hôn nhân bền vững và hạnh phúc, chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận một sự biến đổi do tình yêu lứa đôi và sứ mệnh hôn ước đòi hỏi. “Người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt” (St 2,24 ; x.Mt 19,5-6)

Sự biến đổi kỳ diệu ấy, nhìn bề ngoài, sẽ không thấy được. Nhưng từ bên trong, phép lạ sẽ xảy ra khi hai bạn nam nữ cầm tay nhau nói lời tuyên thệ trong giây phút họ cử hành bí tích hôn phối. Có thể hình dung cả thiên đàng vui mừng khi giờ phút linh thiêng khởi đầu : “Họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mt 19,6).

Khi bắt đầu sống đời hôn nhân, thì “Cuộc đời người đàn bà chính là người đàn ông” (Ngạn ngữ) và “Ta với mình tuy hai mà một…”. Việc nam nữ yêu nhau, đến với nhau, quấn quít bên nhau, thề non hẹn biển với nhau…chỉ mới là bình minh tình yêu. Và nếu như họ yêu nhau thực tình, thì chắc chắn sẽ đi đến việc tự nguyện kết hôn với nhau. Cái kết cục trọn vẹn, tốt đẹp nhất vẫn là hôn nhân. F. Engels đã phát biểu : “Tình yêu chân chính là tình yêu dẫn đến hôn nhân”.

Nhưng hôn nhân không phải là ghép hai cá thể sát cạnh nhau, ở vị trí tương cận. Trái lại, trong đời sống hôn nhân, người nam người nữ sẽ sống với nhau và nên một với nhau giống như là hai bông hoa cắm trong cùng một lọ hoa. Mỗi bông hoa sẽ lan tỏa mùi thơm trong sự hòa quyện hương thơm của lọ hoa. Và vẻ đẹp của từng bông hoa cũng sẽ chìm ẩn trong dáng vẻ hòa điệu hấp dẫn của cả lọ hoa. Lúc đó, người ta sẽ nhìn ngắm và đánh giá cái đẹp tổng thể của lọ hoa, chứ không của từng đoá hoa một.

Nét đẹp linh thiêng, sâu xa, thầm kín và độc đáo nhất của hôn nhân chính là sự nên một trong tình yêu và trong cuộc sống của lứa đôi. Văn hào V. Hugo đã nói : “Khi tình yêu hòa tan hai hữu thể thành nhất thể thần thánh và thiêng liêng thì bí quyết của cuộc sống đã được tỏ bày cho họ. Khi ấy họ chỉ còn là hai số hạng của một số kiếp, hai cánh cửa của một vị thần linh. Yêu đương là bay vút lên cao !”

Phép lạ tình yêu đã thăng hoa cuộc hôn nhân đến độ người ta “chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc của chính mình trong hạnh phúc của người yêu” (Leibnitz).

Nhưng mầu nhiệm nên một trong hôn nhân không phải một sự “hòa tan”, trái lại đó sự tương hợp, tương thích và hòa điệu kỳ diệu giữa hai con người, hai thân xác, hai tâm hồn, hai tính cách…Kỳ diệu đến nỗi họ sống như một nhưng vẫn là hai.

 Hôn nhân : sống một trong hai

Nếu nói : “Ta với mình tuy hai mà một…” thì cũng cần nói thêm vế tiếp theo : “Mình với ta tuy một mà hai…”. Vẻ đẹp nên một trong hôn nhân không làm mất đi tính độc đáo của mỗi nhân vị. Vẫn còn đó cái “tôi” của tôi và cái “tôi” của người bạn đời. Thực vậy, nếu hôn nhân làm mất đi bản ngã của mỗi con người thì đó là một thảm họa ! Tạo hóa sẽ mắc sai lầm rất lớn nếu như Ngưới dựng nên con người có nam có nữ để rồi sau đó bắt họ phải “tan biến” đi trong cuộc sống lứa đôi !?…

Trở lại hình ảnh lọ hoa. Nét đẹp của lọ hoa không đem đến một sự đồng diệu nhàm chán, trong đó bông hoa nào cũng phải giống hệt nhau và hoàn toàn chịu  “lép vế”. Trái lại hôn nhân là một bức họa sinh động “trăm hoa đua nở”. Mỗi bông hoa có nét đặc thù riêng của nó. Những khác biệt, riêng lẻ, đơn độc – khi kết hợp trong một tổng thể – sẽ tạo nên một dáng vẻ hài hòa, thanh thoát, kỳ diệu. Và cái đẹp chung không làm mất đi cái đẹp riêng. Thử lấy đi một bông hoa, thì tức khắc lọ hoa sẽ không còn giữ được vẻ đẹp ban đầu nữa !…

Thực tế đã chứng nghiệm rằng trong hôn nhân, mỗi người vẫn duy trì nguyên vẹn cái bản ngã độc đáo riêng của mình. Sự hòa hợp trong hôn nhân chính là điều kiện để thăng tiến mỗi cá nhân, chứ không tiêu diệt nhân vị hay hủy hoại nhân cách con người.

Trong hôn nhân, người ta sẽ nói “Chúng mình, chúng ta, chúng tôi, bọn mình…” như để khẳng định mối tương-tác-liên-hợp của đôi bạn chứ không biến hai cá thể thành một nhân vị khác. Dĩ nhiên, trong mối tình cộng hưởng ấy, đôi bạn vừa là người cho vừa là người nhận. Vừa là người yêu vừa là người được yêu. Vừa là người hưởng hạnh phúc vừa là người kiến tạo hạnh phúc cho bạn đời, cho con cái, cho gia đình…

Tính chất “hai như một” và “một trong hai” của hôn nhân Kitô giáo, đã diễn tả ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm hiệp thông tình yêu giữa Ba Ngôi Vị Thiên Chúa, như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông huấn về những bổn phận của gia đình Kitô hữu đã nêu rõ: “Thiên Chúa là Tình yêu và nơi chính mình Người, Người đang sống mầu nhiệm hiệp thông yêu thương giữa các ngôi vị. Khi tạo dựng nhân tính của người nam và người nữ theo hình ảnh Người, và liên lỉ bảo toàn cho nhân tính ấy được hiện hữu. Thiên Chúa ghi khắc vào đó ơn gọi cũng như khả năng và trách nhiệm tương ứng, mời gọi con người sống yêu thương và hiệp thông. Tình yêu là ơn gọi căn bản và bẩm sinh của mọi người”. ( )

Chấp nhận sống hôn nhân theo như ý Thiên Chúa là một phấn đấu và nỗ lực bền bỉ trong việc hoàn thiện sự hiệp thông tình yêu, nhờ đó hai người hợp nhất nên một và trở nên dấu chỉ sống động về tình yêu hiệp thông giữa  Ba Ngôi Thiên Chúa, giữa Thiên Chúa và loài người, giữa Đức Kitô và Hội thánh, hiền thê của Ngài.

Tóm tắt : Để sống hòa hợp và nên một với nhau một cách bền vững, lâu dài, xin đề nghị một số nguyên tắc thực hành sau :

* Duy trì và phát triển không ngừng một tình yêu quảng đại, chân thành, bao dung như tình yêu hiến dâng phục vụ của Đức Kitô đối với Hội thánh (x.Eph 5,21-33).

* Tự rèn luyện và giúp nhau rèn luyện tinh thần và khả năng hợp tác hỗ tương : trong suy nghĩ, trong hành động, trong hoạch định và giải quyết vấn đề. Vì “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn” (Tục ngữ VN).

* Tôn trọng sự khác biệt của nhau, luôn biết lắng nghe và bày tỏ cảm thông với nhau ;

* Hãy luôn nhớ rằng “Nhân vô thập toàn”, không bao giờ đòi hỏi người khác phải toàn bích hoặc phải giống như mình, trái lại hãy tích cực bổ sung cho nhau, học hỏi lẫn nhau ;

* “Yêu nên tốt, ghét nên xấu”, phải tránh thái độ chủ quan và định kiến thành kiến về người bạn mình ; hãy luôn sáng suốt trong phán đoán và bình tĩnh trong phản ứng…;

* Đừng bao giờ coi người bạn đời thấp hơn hoặc cao hơn mình; tránh mọi thứ mặc cảm; hãy vui vẻ, can đảm đồng hành, đồng cảm, đồng xử với nhau như một người bạn,  luôn “Tương kính như tân” !…

 PHÚT DỪNG CHÂN : bạn có đồng ý không ?

…”Yêu ai là yêu trọn vẹn con người đó y nguyên như trong thực tế, chứ không phải như trong ước muốn của ta” (Leon Tolstoi).

 

…”Mức độ của tình yêu là yêu không mức độ” (Thánh Augustinô).

…”Đừng bao giờ nói yêu, nếu bạn không chịu đựng hết lỗi lầm của người đàn ông” (T. Camplon).

 ĐỘNG NÃO : thảo luận vấn đề của chúng ta

…1- Anh chị có kinh nghiệm gì về mầu nhiệm nên một giữa hai vợ chồng không ? Kể vài ví dụ minh họa.

…2- Đối với Anh chị, khó khăn lớn nhất trong việc sống hòa hợp là những khó khăn nào ? Nếu có, thì là những gì ? Và Anh chị đã giải quyết ra sao ? Kết quả thế nào ?

 CAM KẾT : lời nguyện của gia đình

“Lạy Thánh Gia Nazareth, là gương mẫu của đời sống thánh thiện, công bình và yêu thương, xin cho gia đình chúng con trở nên nơi đào tạo nhân đức, trong hiền hòa, phục vụ và cầu nguyện. Xin cho chúng con xây dựng gia đình, thành nơi an ủi cho cuộc đời đầy thử thách. Xin cho chúng con biết làm cho mọi người trong gia đình được thăng tiến để góp phần vào việc phát triển xã hội, và cộng tác trong việc xây dựng Giáo Hội.

“Xin Ba Đấng luôn hiện diện trong gia đình chúng con, khi vui cũng như lúc buồn, khi làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi, khi lo âu cũng như lúc hi vọng, khi sinh con cũng như lúc có kẻ qua đời, để khi trải qua mọi thăng trầm của cuộc sống, chúng con luôn luôn chúc tụng Chúa, cho đến ngày được sum họp với Ba Đấng trong Nước Trời. Amen. “

(Trích trong Thư Mục Vụ về Thánh hóa Gia đình – HĐGMVN – 2002).

Aug. Trần Cao Khải – Gx TMT – Tp HCM

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!