CÙNG NHAU VUI SỐNG
Ngày xưa với đại gia đình, con trẻ bị cưỡng bách bỡi môi trường phải dựa vào nhau để có niềm vui. Truyền thống đó đã được lưu truyền từ thế hệ nầy đến thế hệ khác và tiếp tục mãi cho tới khi có sự giải trí tập thể qua truyền thanh và truyền hình. Chúng ta hoàn toàn thích thú với những câu chuyện mô tả tình thân thiện của gia đình qua những điều họ cùng nhau thực hiện. Một trong những cảnh hấp dẫn nhất đó là cảnh cả con trẻ lẫn người lớn cùng nhau vui nhảy vũ điệu dân tộc trong những ngày Lễ, Hội của Đình Làng hay những ngày Tết dân tôc. Thật thảm não khi nhìn thấy có nhiều gia đình hôm nay đã tách lìa đến nỗi con cái đi tìm cái vui riêng với những phương tiện được cung cấp mà không thích có sự cùng nhau tham dự. Tình trạng nầy xảy ra, một phần vì có sự thay đổi văn hóa khiến con trẻ chống lại người lớn, một phần vì chúng ta thiếu sự khéo léo trong việc sống chung một cách dân chủ.
Một yếu tố khác là sự mất đi sở thích chung giữa cha mẹ và con cái khơi nguồn từ sự khước từ thế giới người lớn của con trẻ và sự mất khả năng đi vào thế giới của con trẻ một cách bình đẳng của người lớn.
Trong nhiều gia đình, con trẻ không muốn người lớn chơi với chúng. Một khi có tình trạng chiến tranh lạnh trong gia đình, không thể có niềm vui chung với nhau. Khi cha mẹ và con cái cùng chơi chung với nhau, sự hận thù giảm và sự hài hòa có cơ hội.
Nuôi dưỡng bầu khí thân mật qua trò chơi là tùy thuộc vào cha mẹ. Trong cách thế đó, chúng ta có thể thay đổi hình ảnh người lớn chống lại con trẻ. Hãy chọn lấy một nhóm người có cùng mục đích và cùng sở thích.
Khi đứa trẻ còn bé, chúng ta cảm thấy dễ chơi; nhưng khi nó lớn lên rồi, chúng ta xem ra không còn sự thích thú chơi với nó như ngày xưa nữa. Tuy nhiên, đứa trẻ một cách thất vọng ước mong có được hình thức tham dự nầy. Giờ chơi có thể trở thành một điểm mốc cho sự hài hòa và cảm thông giữa bố mẹ và con cái. Trò chơi ở nhà có thể là nguồn của niềm vui hơn là sự cạnh tranh. Ở đây đứa trẻ có thể học được bài học: người ta chơi không phải vì sự thắng- thua mà còn vì niềm vui chung với nhau nữa. Thật vậy, đây là một bài học không dễ, vì hầu hết những người lớn không nhận thấy rằng nhiều đứa trẻ thích thắng trong bất cứ cái gì chúng làm. Mọi gia đình nên có trò chơi hợp với trình độ tuổi của con trẻ. Cũng nên có một thời gian xác định cho trò chơi gia đình vì đó là một phần của thói quen hàng ngày. Dĩ nhiên, giờ giấc được thay đổi để cho những phần tử khác của gia đình có thể tham dự.
Một người cha có 5 con: 3 trai và 2 gái, là người rất thích chơi banh chày và nhập đội banh của địa phương cách tài tử. Mỗi mùa xuân khi thời tiết cho phép, ông bắt đầu thực tập với các con. Ngay cả đứa con trai 3 tuổi cũng có câu lạc bộ tầm cỡ cho nó. Ông bố ném những trái banh một cách rất dễ thành công trong cuộc chơi. Khi con trẻ khôn lớn hơn, ông ném banh trong cách thế để thõa đáp sự khéo léo đang tăng dần của chúng. Những đứa trẻ lớn hơn chấp nhận thái độ nhẫn nại đối với những đứa nhỏ hơn và ít khéo léo hơn, và cùng chơi chung trò chơi để không ai bị loại trừ. Chúng vui thích với sự khéo léo đang lớn dần của đứa nhỏ nhất giống như bố nó vậy. Ông không bao giờ phê bình trận chơi không hay hoặc để mất banh. Ông luôn tỏ ra khích lệ. Rõ ràng là ông có một thời giờ tuyệt đẹp, và các con ông cũng vậy.
Đức Huy 8 tuổi rất mê banh chày. Nếu có trận nào ở gần đó, nó chắc chắn có mặt. Bố mẹ nhấn mạnh nó phải xin phép để bố mẹ biết nó ở đâu. Một buổi chiều kia, mọi người không biết nó ở đâu để tìm. Trời bắt đầu tối, và khi ông bố muốn gọi cảnh sát thì cậu bé đi vào hoàn toàn không quan tâm chút nào. Lo lắng đưa đến giận dữ, ông bố muốn đập nó. “Bố ơi, chờ một chút, cậu bé van xin. Để con nói điều gì xảy ra. Đoạn nó cắt nghĩa: nó đi với nhóm thanh niên lớn hơn nó đến chỗ chơi banh cách khoảng 10 cây số. Bố ơi, bố không bao giờ chở con đi chơi banh. Con xin bố cả trăm lần . Bố đều nói bố bận và có nhiều chuyện khác phải làm.”
Đây là sự mặc khải cho ông bố. Nó muốn bố nó chia xẻ với nó niềm vui. Ông bố đã nhận thức được điều đó và đã hành động theo nhận thức. Cả bố mẹ bây giờ tham dự một cách thích thú thật sự vào những trận banh ở địa phương, và cả ba đã cùng đi chung với nhau để thưởng thức những trận đấu banh.
Tất cả trẻ con đều mê thích đóng kịch hoặc một trò chơi nào đó. Bố mẹ không phải luôn luôn là khán giả. Đôi khi họ cũng có thể đóng kịch. Trẻ con đặc biệt thích đóng vai người lớn trong khi bố mẹ đóng vai con trẻ trong một câu chuyện. Một câu chuyện thần tiên được mọi người biết có thể trở thành một vở kịch không cần chuẩn bị, không cần khán giả, chỉ cần diễn xuất.
Có nhiều dự phóng cho sinh hoạt của gia đình. Trước giáng sinh, cả gia đình dành những buổi tối đến trang hoàng cây giáng sinh. Tối trước ngày lễ Các Bà Mẹ hoặc những ngày đặc biệt trong gia đình, những giỏ bằng giấy đẹp được làm và chưng dọn trên bàn ăn. Mỗi dịp như vậy, chúng ta có cơ hội để cùng nhau làm việc và cùng nhau thưởng thức niềm vui chung của gia đình.
Những lúc khác thì giả vờ đi du lịch toàn thế giới. Mọi người đều cố gắng thu thập dữ kiện, thông tin, và những tờ quảng cáo về mỗi nước. Mỗi mùa nghỉ hè đều có một đề tài để nghiên cứu cho toàn gia đình.
Những dự phóng như thế tùy thuộc vào sở thích của gia đình. Sự nhiệt tâm của bố mẹ có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt, và con trẻ rất nhiều lần cho thấy sự thông minh sáng tạo của chúng. Một gia đình kia cho mở một bảo tàng viện sau khi con cái họ tham gia chuyến quan sát học hỏi của nhà trường. Bất cứ một món đồ gì gợi lên một cái gì từ văn hóa cổ đều được dán nhãn hiệu và đặt trên giá trong phòng bảo tàng. Mọi người trong gia đình trố mắt nhìn những mẫu mảnh nhỏ mà vẫn được dùng và gợi lên những ý nghĩa của nó về một hiện tượng đã xảy ra trong quá khứ. Một mảnh gỗ, một viên đá, một mảnh da có liên quan đến những sự kiện lịch sử đều được góp nhặt. Đôi khi có cả những con búp bê, những đồ chơi mà trẻ con thích.
Ngoài ra, kàraokê, cùng hát với nhau cũng là những giây phút luôn mang lại sự đoàn kết lạ lùng cho gia đình. Sau giờ ăn tối, có thể là một giờ kàraokê rất vui cho gia đình vì giờ hát đó mọi người đều có thể tham dự. Con trẻ có thể học những bài hát ở nhà và cũng có thể dạy lại những bài hát mà chúng học được từ trường. Khi chúng lớn, chúng bắt đầu hợp ca và có thể làm được những điều lạ lùng bằng cách chia bè và hát hợp bè với nhau.
Nếu bố mẹ biết lắng nghe và tĩnh táo, họ sẽ khám phá ra những loại giải trí nào làm chúng thích và với sự tưởng tượng họ có thể cho phát triển những loại sở thích cũng như những loại tài năng đó của con trẻ.
Cái người ta cùng thích sẽ khiến người ta cùng tìm lại với nhau. Qua trò chơi và dự phóng mà mọi người cảm thấy thích thú, một cảm giác của tình thân thiện trong nhóm phát triển. Tình thân hữu thì cần thiết cho sự bình đẳng, cho bầu khí hài hòa và thoải mái, là những điều rất cần cho sự an vui và hạnh phúc của cuộc sống gia đình chúng ta.
Lm. Lê Văn Quảng