Mục vụ gia đình

GIA ĐÌNH KITÔ HỮU LÀ HỘI THÁNH TẠI GIA

GIA ĐÌNH KITÔ HỮU LÀ HỘI THÁNH TẠI GIA

I. NHẬP ĐỀ

Có nhiều định nghĩa về Gia đình Kitô hữu. Nhưng có một định nghĩa gây xốc mạnh nhất và gây xốc cả những người sống đời sống gia đình, những người xưa nay vẫn đề cao và bênh vực gia đình. Đó là định nghĩa: “Gia đình Kitô hữu là Hội Thánh tại gia, là Hội Thánh nhỏ” Không phải Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II là người đầu tiên có sáng kiến gọi gia đình Kitô hữu như thế (xem Tông huấn “Đời sống Gia đình” tức Familiaris Consortio, 21) mà chính là Công đồng Vatican II đã ví gia đình Kitô hữu như một Hội Thánh nhỏ (xem Hiến chế “Aùnh sáng muôn dân”, 11).

Chúng ta có thể coi đề tài “Gia đình Kitô hữu là Hội thánh tại gia” là chóp đỉnh của 12 đề tài về Gia đình mà Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình đề nghị chúng ta suy tư và trao đổi.

Vậy hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu (1) Thế nào là “Hội Thánh tại gia”? (2) Xác định “Gia đình Kitô hữu là Hội Thánh tại gia” là có ý nói gì? (3) Để trở thành Hội Thánh tại gia, gia đình Kitô hữu phải thể hiện mình như thế nào?

II. TRÌNH BÀY

1. Thế nào là ‘Hội Thánh tại gia’ (Ecclesia domestica)?

1.1 Trước hết chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa nói về sự kiện có một không hai trong lịch sử: Thiên Chúa đầu thai làm người trong lòng Trinh nữ Maria, trong khung cảnh của một gia đình:

“Bà Eâlizabeth có thai được sáu tháng thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nazareth, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Nghe lời ấy, bà rất bối rối và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao, Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,26-33).

1.2 Thế nào là Hội Thánh? – Hội Thánh thường được hiểu là cộng đoàn những kẻ tin vào Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Lời và là Con Một Thiên Chúa đã được gửi đến trần gian để bộc lộ Thiên Chúa là Tình Yêu Cứu Độ và đưa con người vào mối hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa và với nhau. Vì thế Hội Thánh được hiểu là cộng đoàn hiệp thông, xuất phát từ mầu nhiệm hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đồng thời Hội Thánh còn được hiểu là cộng đoàn Dân Chúa, có một lịch sử riêng bắt nguồn từ lịch sử Ítraen là dân riêng của Giavẹ Thiên Chúa thời Cựu Ước trải dài suốt lịch sử nhân loại. Hội Thánh ấy có một đời sống riêng biệt và đặc thù là đời sống Tin Cậy Mến được thể hiện trong việc cử hành phụng vụ và bí tích và việc bác ái phục vụ. Hội thánh ấy có sứ mạng làm chứng cho Tin Mừng, là dấu chỉ và công cụ của Nước Trời.

1.3 Thế nào là Hội Thánh tại gia?- Hội Thánh tại gia là Hội Thánh thu nhỏ về mặt số lượng, về thời gian và không gian hoạt động của các thành viên, nhưng không thu nhỏ hay giảm thiểu về bản chất và sứ mạng. Thật vậy Hội Thánh có đời sống thế nào thì gia đình có đời sống thế ấy; Hội Thánh có sứ mạng gì thì gia đình cũng có sứ mạng y như thế. Ngoài ra gia đình là trường học đức tin đầu tiên, là môi trường sống các Bí tích và thực hành các nhân đức Kitô giáo.

Đoạn Thánh Kinh trên cho thấy Chúa Giêsu Kitô đã muốn sinh ra và lớn lên trong gia đình Nazareth của Thánh Giuse và Mẹ Maria. Hội Thánh không gì khác hơn là “Gia đình của Thiên Chúa”. Trong lịch sử Kitô giáo ngay từ đầu, hạt nhân của các cộng đoàn tín hữu đầu tiên thường được cấu thành bởi những người “cùng với tất cả nhà mình” trở thành các tín hữu (xem CV 18,8).

2. Khẳng địnhø ‘Gia đình Kitô hữu là Hội Thánh tại gia’ là có ý nói gì?

Khẳng định ‘Gia đình Kitô hữu là Hội thánh tại gia’ có nhiều ý nghĩa:

2.1 Gia đình là cộng đoàn hiệp thông và liên đới chặt chẽ giữa các ngôi vị. Theo Tông huấn “Đời sống Gia đình” thì một trong bốn bổn phận trọng yếu của gia đình Kitô hữu là đào tạo một cộng đồng hiệp thông giữa các ngôi vị, tức giữa các thành viên của gia đình với nhau, được coi là bình đẳng về phẩm giá và ơn gọi trước mặt Chúa và trước mặt nhau. Sự hiệp thông mẫu của gia đình cũng như của Hội thánh là Mầu Nhiệm Thông Hiệp của Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng thượng trí, toàn năng, cực thánh và yêu thương tột cùng (ĐSGĐ, 18-27). Vì thế nét nổi bật của gia đình Kitô hữu phài là một cuộc sống thuận hòa, yêu thương, đầm ấm, san sẻ, giúp đỡ, hy sinh quên mình vì nhau và vì hạnh phúc của nhau.

2.2 Gia đình là cộng đoàn thờ phượng Thiên Chúa: Nhờ Bí tích Phép Rửa mà mọi người trong gia đình được chia sẻ chức vụ tư tế cộng đồng của Chúa Kitô, và gia đình trở thành cộng đoàn thờ phượng Thiên Chúa thông qua đời sống cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích. Một gia đình như thế sẽ tỏa sáng sự bình an, phó thác, cách sống siêu thoát, không chạy theo danh vọng, của cải, lạc thú mà luôn tìm kiếm những giá trị nhân bản và tâm linh chân chính.

2.3 Gia đình là cộng đoàn đón nhận, sống và làm chứng Tin Mừng: Nhờ Bí tích Thêm Sức, Thánh Thể và Hôn Phối mà các thành viên của gia đình được kết hợp mật thiết hơn với Chúa Kitô và được mời gọi đón nhận, sống và làm chứng cho Tin Mừng Tình Yêu cũng là Tin Mừng Thập Giá. Gia đình sống như thế sẽ thể hiện tính sinh động, lạc quan, sáng tạo và luôn luôn đổi mới, tạo nên sự thu hút mạnh mẽ đối với những ai gần gũi tiếp xúc.

2.4 Gia đình là cộng đoàn phục vụ con người và xã hội: Bí tích Truyền Chức thánh và Hôn Phối là hai Bí tích có mục đích phục vụ cộng đoàn tức phục vụ xã hội và cộng đồng nhân loại. Chính vì thế mà Đức Gioan Phaolô II đã xác định gia đình Kitô hữu có bổn phận phải tham gia vào việc phát triển xã hội và gia đình là cộng đoàn phục vụ con người (xem Tông huấn “Đời sống gia đình”, 42-48 và 63-64). Như vậy gia đình không chỉ biết lo cho bản thân mình mà còn phải biết lo cho người khác và cho xã hội được phát triển hài hòa và đúng đắn theo Ý muốn của Thiên Chúa.

3. Để trở thành Hội Thánh tại gia, các gia đình Kitô hữu phải thể hiện mình như thế nào?

3.1 Để trở thành ‘Hội Thánh tại gia’, điều đầu tiên gia đình phải có là ý thức mạnh mẽ và sâu sắc về căn tính cao cả và chức năng trọng đại của mình. Căn tính và chức năng ấy xuất phát từ Kế hoạch Tạo Dựng và Cứu Độ của Thiên Chúa là Tình Yêu. Vì thế mỗi thành viên và cả gia đình phải biết trân trọng căn tính cao cả và chức năng trọng đại của mình và phải nỗ lực hết sức mình để bảo vệ căn tính và thực thi chức năng ấy.

3.2 Tiếp đến, gia đình phải mỗi ngày một thể hiện rõ nét hơn những tính chất căn bản của một Hội thánh tại gia là một cộng đoàn hiệp thông liên đới trong yêu thương, một cộng đoàn thờ phượng Thiên Chúa, một cộng đoàn gắn bó chặt chẽ với Lời Chúa (đón nhận, sống và làm chứng) và một cộng đoàn vì người khác, vì xã hội và vì thế giới cũng như Hội Thánh được Chúa Giêsu lập nên để phục vụ ơn cứu rỗi của con người và sự hoàn thành của Nước Trời nơi trần gian.

3.3 Nhất là trong bối cảnh của xã hội và thế giới hôm nay, trong đó con người có đang xu hướng hạ thấp phẩm giá của hôn nhân và gia đình, coi thường đời sống và các giá trị tâm linh, sống theo chủ nghĩa cá nhân ích kỷ mà quên đi tình liên đới giữa người với người, giữa cộng đồng với cộng đồng, thì gia đình Kitô hữu càng phải nêu cao căn tính cao cả và chức năng trọng đại của mình là một gia đình của Chúa, là một Hội thánh tại gia. Cũng trong bối cảnh xã hội và thế giới hôm nay, tính cộng đoàn được đề cao hơn bao giờ hết ở ngoài đời cũng như trong Đạo, thì gia đình Kitô hữu càng phải làm nổi bật tính “tập thể gia đình” trong mọi chọn lựa và dấn thân. Không phải chỉ một cá nhân của gia đình mà cả gia đình chọn lựa và dấn thân theo Tin Mừng: sống trong sạch, thanh bần, siêu thoát, bác ái, yêu thương và phục vụ.

III. KẾT LUẬN

Nếu các gia đình Kitô hữu thực sự là Hội thánh nhỏ, Hội Thánh tại gia thì con người, Giáo hội và xã hội sẽ mau chóng được đổi mới, không chỉ cách hời hợt bên ngoài mà cách thâm sâu bên trong. Vì chưng khi các gia đình Kitô hữu ý thức về căn tính cao cả và chức năng trọng đại của mình và nỗ lực thể hiện sự ý thức ấy bằng lời nói việc làm cụ thể, thì các gia đình sẽ tạo nên một thế giới mới trong một nhân loại mới.

IV. CHIA SẺ

4.1 Nhìn vào gia đình của ông bà anh chị, bạn bè và người xung quanh có đánh giá như thế nào? Bản thân ông bà anh chị có dám cho rằng gia đình mình đã xứng danh là một Hội Thánh nhỏ, Hội Thánh tại gia không?

4.2 Để gia đình ông bà anh chị thực sự là một Hội Thánh nhỏ, Hội Thánh tại gia, ông bà anh chị thấy gia đình mình cần phải làm gì hơn nữa?

V. THỰC HÀNH

Ngày hôm nay, trong tuần này gia đình tôi quyết tâm thực hiện việc này….. (nói rõ việc ấy) để thể hiện gia đình tôi là một Hội Thánh nhỏ, Hội Thánh tại gia.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!