Ghè rượu cần ở làng Plei Breng – Đức Cơ
Làng Breng nơi chúng tôi đến là một ngôi làng nhỏ nhưng quang cảnh trong làng rất thoáng đãng, đường lối ngay ngắn, thẳng tắp, rộng rãi, hầu hết là đường cấp phối, chỉ có các trục đường chính được láng nhựa.6 phút
Chúng tôi đến làng Plei Breng
Nhân một chuyến đi thực tế sáng tác tại Đức Cơ, tôi tranh thủ rẽ ngang vào Pleiku, nơi có 3 đồng nghiệp của tôi ở đó. Bác sĩ Phạm Minh Bình hăng hái đèo tôi vượt qua nhiều đồi dốc, chừng gần 30 phút chạy xe máy đến làng Plei Breng.
Khu vực ngày nay là TP. Pleiku vốn là một vùng rộng gồm nhiều plei (làng) của người Jrai, trong đó Pleiku là rộng và đông dân nhất.
Theo tục lệ người Jrai, trong dịp cúng Giàng, plei nào giành được cái đuôi (Ku) của con vật tế sống (trâu, bò) được coi là một vinh dự lớn. Cuối cùng, plei đông dân nhất giành được, từ đó plei này được đặt tên là Pleiku (làng được cái đuôi hay làng đuôi).
Làng Plei Breng nơi chúng tôi đến là một ngôi làng nhỏ nhưng quang cảnh trong làng rất thoáng đãng, đường lối ngay ngắn, thẳng tắp, rộng rãi, hầu hết là đường cấp phối, chỉ có các trục đường chính được láng nhựa.
Nhà dân xây không cao, hầu hết lợp tôn, vườn trồng cà phê, tiêu. Nhờ vậy, theo R’Com Ur, đời sống vật chất tạm ổn.
Câu chuyện bên ghè rượu cần làng Plei Breng
Biết tin chúng tôi đến chơi, vợ chồng Ksor An rất vui mừng, bắt ngay một con gà chuẩn bị cho một bữa tiệc nho nhỏ đầm ấm.
Lúc ban chiều đã lỡ cụng ly hăng hái với 3 cặp vợ chồng, anh em của đồng nghiệp đến tận 17 giờ thì “công lực” đã giảm nhiều rồi, còn đâu để chiến đấu tiếp với các tửu sĩ đang vẹn nguyên khao khát, đầy khí thế.
Cuối cùng ngại mất lòng, chúng tôi chấp nhận ở lại vui chung một bữa nhậu với bà con. Ngay lập tức, con gà được hóa kiếp. Một lúc sau, bác ruột của Ksor An cùng người con rể-Ksor Huar hào hứng bưng sang một cái ghè rượu cần do chính gia đình tự làm để uống.
Gọi là tự sản tự tiêu, chỉ đem ra mời khách quý tới nhà. Thôi, tiêu rồi! Tôi thầm nghĩ khi nhìn cái ghè rượu tự sản tự tiêu.
Cách uống rượu ghè rượu cần làng Plei – Breng
Tôi đã từng uống rượu cần Tây Bắc và vài nơi khác nhưng chưa có nơi nào uống giống như ở đây. Thứ nhất, người Jrai gọi cái đựng rượu là ghè, như cách gọi của dân Thừa Thiên quê tôi, chứ không gọi là ché hay chóe.
Thứ hai, chỉ có một cái cần ngắn chừng 50 cm, khác với ché rượu cần nơi khác có nhiều cần dài cả mét. Thứ ba, mỗi người khi đã nhập cuộc đều phải tuân thủ luật uống theo ngấn (cách nói của tôi).
Để định mức ngấn mỗi lần uống cho mỗi người, gia chủ-hay chủ xị, theo cách gọi của người Kinh dùng một dụng cụ gọi là cang. Uống hết ngấn tức uống hết cang (cách nói kết hợp tiếng Kinh và tiếng Jrai).
Cang gồm một thanh tre nhỏ cỡ lóng tay, dài hơn miệng ghè, chẻ giữa một đoạn, ở đó lắp vào một que tre nhỏ vuông góc với thanh ngang, tôi gọi là que đo.
Trước khi uống, chủ nhà dự kiến độ cao mức rượu cần mời khách-và cũng là thử sức khách uống hết bao nhiêu để lắp que đo vào. Phần que đo dư ra bên dưới thanh ngang là độ cao mức rượu mà mỗi người tham dự phải uống.
Khi uống, dùng miệng hút rượu từ cần sao cho mức rượu hạ xuống để lộ hẳn phần dưới của que và phải dứt hẳn với mức rượu bên dưới. Nếu còn dính dấp tý chút với rượu trong ghè là không được.
Tôi phải xin phép chủ nhà cho hạ độ cao que chỉ còn gần 2 cm, vậy mà vẫn… lật.
Lâng lâng rượu ghè làng Plei Breng
Anh R’Com Ur uống đầu tiên, sau đó đến lượt tôi được mời, không chỉ vì tôi là khách mà còn vì là người lớn tuổi thứ hai trong cuộc nhậu gia đình. R’Com Ur cười khà khà nhìn tôi ráng hết sức hút cho hết mức rượu.
Mới một lần đã “xoay nòng” rồi. Tôi ráng ăn vội hai chén cơm để mong dằn bụng mà chơi đến cùng, nhưng cũng chỉ được đến lần thứ tư là đầu hàng. Đành năn nỉ anh R’Com Ur: Bác tha cho thằng em đi! Đuối quá rồi.
Người em trai, R’Com Ơih, cha của Ksor An chỉ tủm tỉm cười, không uống vì có bệnh. Nghe tôi xin tha, chú chàng cũng chỉ tủm tỉm cười nhìn anh cả. Giả bộ làm khó một lúc, R’Com Ur làm mặt nghiêm tuyên bố:
THÔI, ANH MIỄN CHO EM. XONG, ANH VỖ VAI TÔI CƯỜI KHÀ VÀ DẶN: LẦN SAU!
Tất nhiên, không thể để mất mặt anh hùng hay đúng hơn là lộ mặt say xỉn, sau khi đã được sự đồng ý của anh R’Com Ur, tôi giục Bình cố gắng chạy xe ra xa khỏi nhà chừng 500 mét rồi mới dừng lại cho tôi làm đẹp, tức biu-ti… phun. Chạy gắng thêm chút nữa chắc chắn lưng áo của bác sĩ Bình sẽ đẫm mùi đau khổ!
Dù vậy, về đến phòng trọ sau khi nhét thêm hai ổ bánh mì cho chắc bụng, đầu óc tôi vẫn cứ lâng lâng cho đến sáng.
Trong cái lâng lâng bồng bềnh ấy không chỉ có men rượu cần mà còn do ngấm cái tình đơn sơ nhưng rất đỗi nồng say của chủ nhà, những người đồng bào dân tộc Jrai mới lần đầu gặp gỡ mà tưởng như thân thiết tự bao giờ. Hẹn gặp lại nhé, Breng! st