Tài liệu JraiThư viện

Điểm tựa tâm linh (8)

Điểm tựa tâm linh (8)

– Gia Lai – Ở Krông Pa có tất cả bảy điểm làm lễ cho người Jrai, mỗi điểm ở một buôn khác nhau, nằm rải rác khắp huyện. Ngày chủ nhật, một mình ama Gioan không tài nào dâng lễ ở tất cả các điểm được, nên thường có một ama ngoài trung tâm Ayunpa vào giúp. Lần này tới lượt ama Phêrô.

Ama Phêrô mới thụ phong linh mục, dáng người thấp tròn vững chắc, da dẻ hồng hào, tính tình vui vẻ hòa đồng. Ama Gioan sẽ làm lễ ở ba điểm. Ama Phêrô ba điểm. Còn lại một điểm sẽ dâng lễ vào sáng thứ ba. Để làm lễ trong Krông Pa, ama Phêrô phải vào từ chiều thứ bảy, để sáng chủ nhật kịp dâng lễ lúc năm giờ sáng trong buôn Djêck xã Chư Ngọc, cách Ayunpa khoảng 60 cây số. Đây là điểm làm lễ xa nhất trong bảy điểm. Tôi xin đi cùng Ama Phêro cho biết dân tình thế thái ra sao.

Đường vào buôn Djêck đi về hướng thị trấn Phú Túc, gần giáp với Phú Yên. Trên đường đi, ama Phêrô kể tôi nghe vụ mì vừa rồi thất bát mà lái buôn còn ăn chặn đầu đuôi. Một hôm, họ vào cân mì nhà ama Wiêng. Đứa con trai của ama Wiêng đang học lớp 12 ngoài Ayunpa mới về đang ngồi chơi ngoài sân. Cân mì xong, họ viết cho ama Wiêng một cái hóa đơn với nhiều con số lằng nhằng. Ama Wiêng không biết chữ, cầm tờ hóa đơn hỏi đứa con trai. Đứa con trai xem xong cũng không hiểu bèn ra hỏi lại:

 

–       Những con số này từ đâu ra?

Người lái buôn ngạc nhiên hỏi lại:

–       Mày biết đọc à?

–       Biết chứ. Đi học phải biết chứ.

Thế là hắn ta buộc phải giải thích. Kể ra để thấy người Jrai sẽ dễ bị bắt nạt nếu không biết chữ. Họ vốn thật thà, chẳng biết tính toán, cứ thấy cục tiền to là khoái, chẳng cần biết người ta trả mình có đủ hay không. Họ dùng tiền đó ăn chơi, mua sắm thoải mái cho kỳ hết thì thôi. Hoàn toàn không có khái niệm tích trữ để đầu tư cho mùa sau, nên mới có chuyện thu cả trăm triệu tiền mì mà vẫn đi vay như thường.

Chúng tôi ở nhờ nhà một người dân, sợ làm phiền gia chủ, tôi đem theo vài gói mì tôm như lời ama Gioan dặn. Gia đình này thuộc loại khá giả trong làng, nên xây riêng cho các ama một căn phòng để nghỉ ngơi khi tới làm lễ. Phòng có hai cái giường đơn, chăn mền đầy đủ, thích nhất là có quạt bàn và bình nước bên cạnh, nhưng không có toilet. Ama Phêrô dặn tôi nếu có đi vệ sinh thì tranh thủ lúc đêm khuya hoặc khi trời chưa sáng, kẻo mấy con heo nó rượt. Người Jrai  gọi heo là un, ăn thịt rất ngon. Nó thính mùi lắm, mà đã đi ăn là kéo theo cả đàn. Tôi nghe nhiều người nói khi vào buôn muốn đi vệ sinh, nên nhờ một người cầm cây đứng canh, hoặc leo lên cây cao ngồi cho an toàn. Tôi không thích cảnh ấy tí nào, nên chỉ ăn uống cầm chừng.

Cơm nước xong, một chị trong nhà rủ tôi đi tập hát bên nhà thờ. Thấy tối trời, ama Phêrô đưa cho tôi một chiếc đèn pin. Ánh đèn trắng lấp lóa trên đường làng ngập cát. Vài chú chó thấy ánh đèn lạ chạy ra sủa váng lên. Trời về đêm mát mẻ dễ chịu hẳn đi chứ không nóng bức như ban ngày. Chúng tôi vòng vèo quanh mấy căn nhà sàn, rồi cuối cùng dừng lại trước một ngôi nhà gỗ ở giữa buôn. Nếu đi qua đây mà không có người chỉ, thì tôi không thể nào biết được đây là giáo đường. Nhìn bề ngoài, nó giống hệt những ngôi nhà khác, chỉ khi bước vào bên trong mới thấy sự khác biệt. Trong nhà thờ không có bàn ghế, con chiên tới dự lễ cứ ngồi bệt xuống nền xi măng. Bàn thờ làm bằng gốc cây, chính giữa có tượng Chúa Giêsu chịu nạn, bên trái có nhà tạm để mình thánh Chúa và bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Chỉ vậy thôi. Trông đơn sơ nhưng cảm giác ấm cúng.


Giới trẻ vùng Ia R’sai tập hát


Giới trẻ Ia R’sai đánh chiêng tập hát

Khi tôi tới, có khoảng 20 bạn cả nam lẫn nữ đang ngồi quây quần bên nhau tập hát. Sự xuất hiện của tôi làm mọi người im bặt. Tôi cảm giác người Jrai như chiếc lá trinh nữ, người ngoài đụng vào là khép hết lại, nhưng sẽ từ từ mở ra khi biết nhau. Sau này có dịp đi nhiều buôn khác, tôi cũng thấy tình trạng tương tự. Có thể vì nền văn hóa cộng đồng làm cho người Jrai chỉ thực sự năng động, sôi nổi khi ở giữa anh em của mình, cũng có thể vì tôi là người Kinh nên mọi người dè dặt. Giữa lúc tôi không biết phải làm thế nào thì anh trưởng nhóm đứng dậy mời tôi vào. Tôi bước vào và chào mọi người bằng tiếng Jrai, tự nhiên không khí như giãn ra. Đến khi tôi cầm quyển thánh ca Jrai hát cùng, thì các bạn nhìn tôi bằng con mắt thiện cảm hơn.

Anh trưởng nhóm xếp cho tôi ngồi giữa một nhóm bạn gái. Tôi chưa bao giờ ở trong khung cảnh này, tức là ngồi giữa buôn làng Jrai, hát thánh ca bằng tiếng Jrai cùng những người bạn Jrai, và nhất là được đắm chìm trong tiếng cồng chiêng dập dìu. Dường như tiếng hát Jrai chỉ thật sự vút cao khi hát với cồng chiêng. Cũng như chiếc cồng chiêng kia, dù được người Lào chế tác, người Bahnar gò, nhưng phải để người Jrai chơi thì mới có hồn. Những bài thánh ca Jrai dù được phổ lại của người Kinh thì vẫn mang một âm điệu khác. Âm điệu réo rắt như lời tự tình về dòng dõi Jrai, về thuở đi chinh phục tự nhiên, về kiếp sống lầm than cơ cực và một niềm tín thác vào Ơi Adai (Chúa Trời). Lúc mới theo đạo, có một người Jrai nói với vị thừa sai rằng: “Khi tôi nghe cha bảo đức tin của người Jrai phải thấm vào máu Jrai, tôi không hiểu lắm. Nhưng khi tôi nghe nhạc cồng chiêng trong thánh lễ, tôi thấy tim tôi rộn ràng, lông tóc như dựng đứng, tôi tự hỏi không biết đó có phải là đức tin bắt đầu thấm vào máu Jrai chưa?”[1]. Tiếng cồng chiêng chính là một thứ ngôn ngữ khác của người Jrai, một tiếng nói vô ngôn nhưng có thể làm rung động mọi con tim Jrai. Đêm nay, tôi là người khách lạ giữa những người anh em Jrai, nhưng lại được diễm phúc hít thở bầu khí của âm vang núi rừng.


Thánh lễ Chúa nhật tại buôn Djeck


Mặc đồ truyền thống đi lễ tại Plei Athai (Phú Thiện)

Thánh lễ bắt đầu lúc năm giờ sáng, khi những ngôi sao còn lấp lánh trên trời và màn đêm còn giăng mắc khắp nơi. Nhưng trước đó cả tiếng đồng hồ, mọi người đã lục tục kéo nhau tới nhà thờ. Ở giữa làng, tiếng cồng chiêng rộn rã như thúc giục, như mời gọi mọi con chiên mau chân bước tới giáo đường. Đàn ông, đàn bà, con trai, con gái đều mặc quần áo Jrai truyền thống, hoa văn đỏ trắng nổi bật trên nền vải đen. Lạ một điều là dù có cách điệu thế nào, thì người ngoài chỉ nhìn qua một cái là biết ngay đồ đồng bào. Họ chỉ mặc đồ truyền thống đi nhà thờ, hoặc trong những dịp quan trọng mà thôi. Và dường như, chỉ khi mặc đồ của người Jrai, trông họ mới đẹp rạng ngời. Từ mọi nẻo đường trong buôn, người ta đổ tới nhà thờ đông như trẩy hội, ai tới trễ hết chỗ phải đứng ở ngoài, nên người ta đi lễ trước cả tiếng đồng hồ. Ngoài việc sử dụng ngôn ngữ Jrai trong thánh lễ, người ta còn làm cho thánh lễ trở nên sinh động bằng những điệu nhảy suang nhịp nhàng, những cái vỗ tay phụ họa thánh thi, lúc đọc tin mừng thì cả nhà thờ đều đọc cùng. Mọi người đều thấy mình đang góp phần vào thánh lễ, chứ không thụ động ngồi nghe như lễ của người Kinh. Đặc biệt, lễ của người Jrai có nhiều khoảng thời gian thinh lặng để mỗi người cầu nguyện riêng. Đức tin của người Jrai mãnh liệt không có gì phải bàn. Trong suốt thời gian tôi ở với họ, chính nhờ những người anh em Jrai mà đức tin của tôi được củng cố và vững mạnh lên. Một hôm dự lễ sáng, thấy ama H’noel đứng lên ngồi xuống có vẻ khổ sở, tan lễ tôi lại hỏi thăm:

–       Sao mấy bữa nay không thấy ama H’noel đi lễ vậy?

–       Ừ, mình bị đau dạ dày mấy bữa nay, không đi lễ được.

–       Thế đã đi khám bệnh chưa?

–       Mình không đi bác sĩ đâu. Giờ mình cứ đi nhà thờ cầu nguyện xin Chúa là khỏi thôi.

Anh nói hồn nhiên đến mức tôi giật mình. Nếu tôi trong hoàn cảnh của ama H’noel, thì việc đầu tiên là tôi đi tới bác sĩ, khám bệnh bốc thuốc trước đã. Sau đó nếu không đỡ thì tôi lại đi bác sĩ khác cao tay hơn, tới bệnh viện khác giỏi giang hơn, và cứ thế, cho đến khi không còn ai có thể chữa trị được cho tôi nữa, thì tôi mới nhớ tới Chúa. Đó là suy nghĩ của tôi và cũng của rất nhiều người khác. Chúng ta xếp Chúa sau cùng. Còn ama H’noel xếp Chúa trước tiên. Anh tin rằng Chúa sẽ chữa lành cho anh, và chẳng phải cuộc sống này đầy rẫy những phép màu đó sao. Chúng ta không bàn tới chuyện phân loại đức tin ở đây, tôi chỉ thấy rằng, cuộc sống càng hiện đại, tiện nghi bao nhiêu thì con người ta càng rời xa Chúa bấy nhiêu. Con người tự hào vỗ ngực cho rằng mình có thể làm được tất cả mọi sự và gạt Chúa qua một bên. Nhưng con người dù con người có tài giỏi thế nào đi nữa cũng chỉ là cát bụi mà thôi.

Trước khi Kitô giáo đến với người Jrai thì họ đã có một tín ngưỡng khả dĩ của mình theo cơ cấu nước – lửa – gió rồi. Mọi hoạt động sống của họ đều quy chiếu về đó, từ việc thiết lập ba vị potao, đến cách đựng nhà theo hướng bắc nam, cách sắp xếp từng khu vực ăn,ở, ngủ nghỉ trong nhà…. Họ ý thức môi trường sống của họ là một môi trường toàn linh, đâu đâu cũng có yang, có thần, làm gì cũng cầu cúng xin thần phù hộ, chở che. Trên tất cả các yang, họ có một vị thần tối cao là Ơi Adai. Tôn giáo trở thành văn hóa, luật tục. Họ đã sống như thế hằng ngàn năm. Vững bền và ổn định.

Khi người Pháp tới, rồi người Mỹ vào, nền tôn giáo nguyên sơ ấy bắt đầu bị lung lay. Cho tới khi người Kinh ồ ạt lên tây nguyên từ năm 1975, thì tôn giáo của người Jrai bị bật gốc thảm hại. Pơtao chỉ còn là hữu danh vô thực. Nhà sàn cất vô phương hướng. Rừng bị tàn phá. Tục hóa thần linh. Thêm vào đó, chính quyền cấm cản đi lại, làm cho đời sống cộng đồng khô héo. Những lễ hội, lễ nghi bị chê là mê tín dị đoan. Đứng trước sự tiến bộ hiện đại của người Kinh, người  Jrai thấy mình lạc hậu, thua kém rồi sinh ra tự ti, mặc cảm. Cơ cấu nước – lửa – gió không còn nhìn trong đời sống của người Jrai nữa. Mất chỗ dựa tâm linh, họ trở nên bơ vơ vất vưởng không nơi nương tựa.

Giữa lúc đó, họ tìm thấy nước – lửa – gió trong các bí tích Kitô giáo. Trong Thánh Kinh, nước – lửa – gió đều là những hình ảnh của Thần Khí. Khi lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy, họ được thổi hơi (gió). Đối với người Jrai,việc thổi hơi sẽ làm họ liên tưởng tới nghi thức “bhet tơngia” (mở tai) cho em bé một tháng tuổi. Khác với người Âu – Á quan niệm trí khôn là ở nơi đầu óc, người Jrai cho rằng sự khôn ngoan, thông minh nằm ở lỗ tai. Linh mục cũng sẽ trao nến sáng (lửa) với ý nghĩa hãy “Trở nên ánh sáng Chúa Kitô”. Người Kinh gọi bí tích Thanh Tẩy là bí tích Rửa Tội. Khi nhắc đến bí tích này người ta nghĩ ngay đến việc dội nước lên đầu em bé. Nhưng các vị thừa sai trên Tây Nguyên xem đây là Phép dìm với ý nghĩa người lãnh nhận bí tích sẽ được dìm trong ngôi Cha, ngôi Con và ngôi Thánh Thần. Vị linh mục sẽ cử hành bí tích này bên cạnh một đoạn sông, một con suối (nước), sau đó lấy nước đổ lên đầu người chịu phép. Người  Jrai còn thấy nước – lửa – gió trong bí tích Thêm Sức, bí tích Thánh Thể, trong cuộc khổ nạn – phục sinh của Chúa Giêsu, và trong suốt đời sống Kitô hữu của họ[2] Điều hết sức thú vị là Thiên Chúa của người công giáo lại chính là Ơi Adai của người Jrai, vị thần tối cao nhất mà tổ tiên họ luôn phụng thờ. Nếu trước đây, người ta không dám gọi tên Ơi Adai, (phải đốt heo, đốt trâu mới được gọi) thì nay, họ có thể gọi tên Thiên Chúa (dịch sang tiếng Jrai là Ơi Ama Adai) như gọi một người Cha, trâu bò xưa đã được thay bằng chính Thân Thể Chúa Yêsu.

Nhưng để người Jrai nhận ra Thiên Chúa, các vị thừa sai đã phải chờ đợi gần 30 năm, kể từ vị thừa sai đầu tiên là cha Jacques Dournes (1955). Năm 1985, những người Jrai đi học tập cải tạo lục tục trở về và bắt đầu làm chứng cho Chúa. Thời gian học tập của họ đều từ 10 năm trở lên. Trong 10 năm đó, chính quyền ra sức dạy dỗ để họ trở nên vô thần, nhưng họ lại thay đổi theo hướng hoàn toàn ngược lại. Phần lớn những người đi cải tạo theo đạo ngay trong tù. Đây là điều chính quyền không hề mong muốn nhưng lại vô tình tạo ra, vì đa số người người Jrai bị nhốt chung với các linh mục linh hướng quân đội.


Điểm làm lễ Plei Blok, giáo dân ngồi tràn ra ngoài

Đến năm 1988, năm tôn vinh các thánh tử đạo Việt Nam, thì người Jrai trở lại đạo như một trận cuồng phong không có vách ngăn nào cản trở được nữa[3]. Cứ như thế, số người tin theo Chúa ngày một tăng. Đến năm 2009, đã có khoảng 37 ngàn giáo dân Jrai[4]. Một con số ấn tượng không chê vào đâu được. Người Jrai đã nhận thấy Thiên Chúa sẽ trở thành chỗ dựa vững chắc cho họ, sẽ phục hồi lại nền văn hóa cho họ, sẽ là lá chắn cho họ trước sự tấn công của cuộc sống hiện đại. Thời của những Pơtao, già làng đã qua rồi. Giờ đây, họ trao phó vận mệnh dân tộc họ vào tay Giáo Hội như người con phó thác linh hồn trong tay cha.

Amai H’ Blan

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!