Mục vụ gia đình

Gia đình bền vững: 13 lời khuyên của Đức Giáo hoàng Phanxicô

Gia đình bền vững: 13 lời khuyên của Đức Giáo hoàng Phanxicô

Mặc dù vẫn có nhiều dấu chỉ cho thấy có khủng hoảng trong đời sống gia đình, khát vọng có được một mái ấm gia đình vẫn còn rất mạnh mẽ và vẫn đang là cảm hứng của Hội Thánh.

Đức Giáo hoàng chúc phúc cho các đôi tân hôn.

Trong Tông huấn Amoris Laetitia – Niềm vui của tình yêu, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đưa ra 13 lời khuyên dành cho những người đang sống trong đời sống hôn nhân gia đình, cho một cuộc hôn nhân bền vững. Những lời khuyên này được cảm nghiệm từ Bài ca đức mến của thánh Phaolô trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô.

1. Yêu thương là nhẫn nhục

Nhẫn nhục không có nghĩa là cho phép mình thường xuyên bị xử tệ, hoặc dung túng cho những bạo hành trên thân xác, hay cho phép người khác đối xử với mình như một đồ vật. Vấn đề xảy ra khi chúng ta đòi các mối tương quan phải êm ả hay người ta phải hoàn hảo, hoặc khi chúng ta đặt mình ở trung tâm và mong đợi duy nhất một điều là mọi sự đi theo ý muốn của mình. Nếu chúng ta không vun xới thái độ nhẫn nhục, chúng ta sẽ luôn luôn phải hối tiếc vì cư xử giận dữ và rốt cuộc chúng ta sẽ không thể sống chung với nhau, gia đình sẽ biến thành bãi chiến trường.

Tình yêu luôn luôn bao hàm một ý thức thương cảm sâu xa dẫn tới việc chấp nhận người khác như một phần của thế giới này, ngay cả khi người ấy hành động khác với kỳ vọng của mình.

2. Yêu thương là nhân hậu, là phục vụ

Qua thư của Thánh Phaolô, tình yêu không chỉ là một cảm xúc thuần túy mà đúng hơn nó phải được hiểu theo động từ “yêu” của tiếng Hípri – nghĩa là “làm điều tốt”.

Như thánh Inhaxiô Loyola nói: “Tình yêu phải được thể hiện bằng việc làm nhiều hơn bằng lời nói”. Như thế nó cho thấy tất cả sự phong phú của nó và giúp ta cảm nghiệm niềm hạnh phúc của việc trao ban, sự cao quý và vĩ đại của việc dâng hiến chính mình một cách hào phóng, vô lượng, không đòi được đền đáp, chỉ vui qua trao ban và phục vụ.

3. Yêu thương chữa lành ghen tị

“Tình yêu không có chỗ cho sự khó chịu trước điều may mắn tốt lành của người khác” (Cv 7,9; 17,5). Trong tình yêu không có chỗ cho sự khó chịu trước điều may mắn tốt lành của người khác. Ghen tị là buồn bực trước một điều thiện hảo của người khác, nó chứng tỏ ta không quan tâm đến hạnh phúc của người khác mà chỉ tập chú vào lợi ích của ta.

Tình yêu đích thực thì quý trọng sự thành công của người khác, không xem điều ấy như một sự đe dọa đối với mình, giải thoát ta khỏi vị đắng cay của ghen tị. Nó nhìn nhận mỗi người có những ân ban khác nhau và những lối đường khác nhau trong cuộc sống.

4. Không vênh vang, không tự đắc

Người yêu thương thì không những biết tránh không nói quá nhiều về chính mình, mà hơn nữa, vì tập chú vào người khác, người ấy biết đặt mình vào vị trí của người khác, không đòi làm trung tâm của mọi sự chú ý.

Một số người nghĩ rằng họ cao trọng vì họ hiểu biết hơn những người khác nên ra sức đòi hỏi và khống chế những người khác, trong khi điều thực sự làm ta cao trọng chính là một tình yêu biết cảm thông, quan tâm, nâng đỡ những người yếu đuối.

“Tất cả anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Pr 5,5).

5. Không khiếm nhã

Yêu thương cũng có nghĩa là làm cho mình đáng yêu. Rằng tình yêu thì không hành động thô lỗ, khiếm nhã, không cư xử gay gắt.

Yêu thương thì không muốn làm cho người khác đau khổ. Hòa nhã là một trường học dạy sự mẫn cảm và tinh thần vô vị lợi, nó đòi người ta phải vun xới tâm tư và tình cảm của mình, học biết lắng nghe, ăn nói và có những lúc cũng biết thinh lặng.

Để sẵn sàng đón nhận một cuộc gặp gỡ đích thực với người khác, đòi hỏi phải có một cái nhìn nhân hậu đối với người ấy. Ai yêu thương thì có khả năng nói những lời động viên có sức vỗ về, trợ lực, an ủi, khích lệ. Đó không phải là những lời hạ giá người ta, gây buồn phiền, chọc tức hay khinh dễ.

6. Quảng đại, không tìm tư lợi

Bài ca đức mến quả quyết rằng yêu thương thì “không tìm tư lợi”, hoặc “không tìm kiếm điều thuộc về mình”.

Đức ái hệ tại ở ước muốn yêu thương hơn là ước muốn được yêu thương. Tình yêu có thể vượt lên trên sự công bằng và tuôn tràn một cách vô cầu mà không hề hy vọng được đền đáp.

7. Không nóng giận, không nuôi hận thù

Tin Mừng mời gọi chúng ta tốt hơn hết hãy nhìn cái xà trong mắt mình (Mt 7,5) và với tư cách là Kitô hữu chúng ta không thể không biết đến Lời Chúa hằng mời gọi đừng nuôi cơn giận: “Đừng để cho sự ác thắng được mình” (Rm 12,21). “Đừng nản chí vì làm điều thiện” (Gl 6,9).

Nếu chúng ta phải chiến đấu chống lại sự dữ, thì hãy chiến đấu, nhưng chúng ta phải luôn luôn nói không với bạo lực trong gia đình.

8. Yêu thương là dung thứ

Nếu chúng ta cho phép một tâm tình xấu ngấm sâu vào trong lòng mình, tức là chúng ta đã dành chỗ cho sự oán hận làm tổ trong lòng chúng ta. Khi chúng ta bị xúc phạm hay bị lừa dối, thì sự tha thứ là điều có thể và đáng mong ước, nhưng không ai có thể nói đó là điều dễ dàng.

Nếu chúng ta không tha thứ cho người khác ngay cả khi họ cư xử bất công với chúng ta, cuộc sống gia đình chúng ta sẽ không còn là một nơi của cảm thông, đồng hành và khích lệ, thay vào đó sẽ là một nơi thường xuyên căng thẳng và công phạt lẫn nhau.

9. Vui với cái vui của người khác

Chúng ta vui mừng về điều tốt lành của người khác, khi phẩm giá của họ được nhìn nhận, khi các khả năng và các việc tốt của họ được trân trọng.

Đức Giêsu nói: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Gia đình phải luôn là nơi mà bất cứ ai ở trong đó làm được điều gì tốt đẹp trong cuộc sống, đều biết rằng ở đó mọi người cũng sẽ mừng về điều ấy với mình.

10. Tha thứ, chịu đựng tất cả

Tình yêu là “tha thứ tất cả”, nghĩa là nó không chấp nhận sự dữ, không nói lời lên án nghiệt ngã và bất nhân: “Đừng xét đoán thì anh em sẽ không bị xét đoán” (Lc 6,37).

Tình yêu sống chung với sự bất toàn, dung thứ tất cả và biết im lặng trước những giới hạn của người mình yêu.

11. Yêu thương là tin tưởng tất cả

Vì sao yêu thương là tin tưởng nhau tất cả? Ta không cần phải kiểm soát người kia, bám theo từng bước chân của người ấy để không cho người ấy thoát khỏi tay ta. Tình yêu thì tin tưởng, để cho nó tự do, từ chối kiểm soát mọi sự, chiếm hữu, thống trị.

Một người mà biết người khác luôn nghi ngờ mình, xét đoán mà không chút cảm thương, không yêu thương mình vô điều kiện, thì người đó sẽ có khuynh hướng giữ kín các bí mật của mình, che giấu các tội lỗi và yếu đuối của mình và sống giả dối.

12. Yêu thương là hy vọng

Tình yêu không thất vọng về tương lai. Ở đây niềm hy vọng đạt mức trọn vẹn nhất của nó, vì nó hiểu chắc chắn về sự sống bên kia cái chết.

Hy vọng là biết chấp nhận rằng, dù mọi sự có thể không xảy ra như ta mong ước, Thiên Chúa vẫn hoàn toàn có thể uốn thẳng những đường cong của người đó và rút ra điều tốt lành nào đó từ sự dữ mà chúng ta phải chịu trong thế giới này. Bởi vì con người được mời gọi đạt đến sự sống viên mãn trên Thiên quốc.

13 . Chịu đựng tất cả

Tình yêu bất chấp tất cả, ngay cả trong những lúc hoàn cảnh lôi kéo sang hướng khác.

Trong đời sống gia đình, cần vun xới sức mạnh của tình yêu này, điều giúp chúng ta chiến đấu chống lại sự dữ đe dọa gia đình. Tình yêu không để mình bị khống chế bởi lòng oán hận, bởi sự coi thường người khác, bởi ước muốn gây tổn thương hoặc trả thù.

Tình bác ái phu phụ vốn vượt qua cảm tính, họ vẫn cố gắng giúp đỡ người bạn đời, dù qua trung gian nhờ một người khác, trong những khi người bạn đời bệnh tật, gặp đau khổ hay hoạn nạn.

XUÂN THÁI

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!