Chuẩn Bị Tâm Lý Quyền Lợi Vợ Chồng Trong Hôn Phối
Cầu nguyện: Thư thứ nhất của thánh Phaolô tông đồ gửi giáo dân Côrinhtô (1 Cr 7, 1-5):
- Trình bày đề tài:
Truyện mở đầu: Lại tràn đầy hạnh phúc.
Thành hôn với nhau trên 20 năm, ba năm đầu, đời sống gia đình thật êm đềm hạnh phúc. Chúng tôi có được một cháu gái gần 2 tuổi, và vợ chồng hân hoan chờ đón tặng vật quý báu thứ hai mà Chúa trao ban. . .Nhưng có thêm một đứa con là cả một hy sinh cho chúng tôi về mọi phương diện, như lo cho ăn, cho tắm, thay tã, dỗ con ngủ, săn sóc con khi đau yếu. Về tài chánh, gia đình phải tốn kém thêm. . .ngoài ra còn lo cơm nước cho chồng, đủ thứ việc không tên, không thể nào đếm xuể, ngày nào cũng vậy, từ sáng tới đêm khuya, bận rộn và bận rộn. . .chính vì vậy mà tôi chẳng thiết tha gì việc chăn gối. Mỗi tối ông xã cần tới, tôi thường hay từ chối, viện cớ cả ngày làm việc mệt quá rồi. Tôi tiếp tục cho chàng “ăn chay trường”. . . Từ đó chàng bất mãn, bực bội và cau có với tôi, mặc kệ tôi làm gì thì làm, chê bai đủ thứ. Phần tôi, tôi bắt đầu qui lỗi về chàng. Hố ngăn cách giữa chúng tôi ngày càng sâu. Tình trạng đau khổ này kéo dài cả năm.
Một ngày Mùa Chay, tôi cầu nguyện, xin Chúa soi sáng. Ngày nào tôi cũng dành nửa giờ để cầu nguyện. Tôi cảm động thấy Chúa yêu thương, hy sinh cả chính mình cho tôi. . .Tôi giật mình, thấy không làm tròn bổn phận người vợ.
Tôi đã tìm gặp một linh mục để tâm sự. Ngài đã nhắc lại cho tôi ý nghĩa Bí tích Hôn nhân Công giáo, việc chăn gối, hiến thân cho nhau.
Tôi trở về nhà, quyết định thi hành điều đã hứa. Dọn dẹp cửa nhà sạch sẽ, cắm bông thật đẹp để trên bàn thờ, dọn bữa cơm ngon lành, trang điểm đợi chàng về. Tôi ra đón chàng. . . chúng tôi đã cầu nguyện trước bàn thờ. Tối hôm đó, chúng tôi ăn bữa cơm ngon hơn bao giờ hết.
Cuộc đời tôi từ ngày đó lại tràn trề hạnh phúc. Tôi không còn cho việc chăn gối là xấu xa, nhưng là một việc cao quý mà Chúa muốn chúng tôi có với nhau. . .để cả hai được hạnh phúc.
(Tóm tắt bài Ðừng Từ chối nhau của Sương Mai, NS. TTÐM, tháng 8/91, trang 41)
1.1. Giáo huấn của thánh Phaolô: 1 Cr 7,1-5
- Bây giờ tôi xét tới điều anh em đã viết hỏi tôi. Người nam không đụng tới người nữ là điều tốt.
- Nhưng để tránh dâm ô, người nam hãy có vợ, người nữ hãy có chồng.
- Chồng hãy trả nợ cho vợ, và vợ cho chồng.
- Vợ không có quyền trên xác mình, nhưng là chồng. Cũng thế, chồng không có quyền trên xác mình, nhưng là vợ.
- Ðừng từ chối nhau, trừ khi là đồng ý tạm thời, để cầu nguyện. Rồi lại cùng ăn ở với nhau, kẻo vì tiết dục, mà Satan cám dỗ anh chị em. (Theo bản Hy ngữ)
1.2. Nam nữ: Từ đầu tiên, Thiên Chúa dựng nên loài người có nam, có nữ, và Chúa chúc phúc cho họ sinh sản đầy mặt đất (St 1,27-28).
Thiên Chúa dựng nên người nam người nữ khác biệt về thể xác, tâm tình. . . để đôi bên trợ giúp nhau. . .
Nơi người đàn ông, cơ quan sinh dục gồm bộ phận sản xuất tinh trùng, khi được kích thích, bộ phận này sẽ xuất ra từ 300 tới 500 triệu tinh trùng mỗi lần và bộ phận đưa tinh trùng vào âm đạo phụ nữ.
Nơi người phụ nữ, cơ quan sinh dục gồm hai buồng trứng (noãn sào), bộ phận để nuôi bào thai (tử cung), bộ phận tiếp nhận tinh trùng và đưa hài nhi ra khỏi lòng mẹ (âm đạo). Người nữ từ ngày còn nhỏ đã có sẵn từ 300 tới 500 trứng nằm trong buồng trứng. Trong thời gian thụ thai (khoảng 12 – 50 tuổi), mỗi tháng một trứng từ buồng trứng rụng xuống, qua ống dẫn trứng đi vào tử cung.
Nếu trứng của người nữ được phối hợp với tinh của người nam, gọi là đậu thai (conception). Trứng đậu thai mất độ 3, 4 ngày để di chuyển từ ống dẫn vào tử cung để phát triển thành thai nhi. Ngược lại, nếu trứng không phối hợp được với tinh trùng, sau 24 giờ cả hai loại sẽ tự diệt trở thành kinh. Kinh này phải được tống ra ngoài theo chu kì kinh nguyệtđ.
1.3. Giao hợp vợ chồng (sexual intercourse) được coi như tác động yêu thương chính yếu của đời sống hôn nhân.
– Chúa Kitô đã phán: “Từ ban đầu, Thiên Chúa đã dựng nên người nam và người nữ. Vì lẽ đó, đàn ông sẽ rời bỏ cha mẹ mà quyến luyến vợ mình, họ sẽ không còn là hai, nhưng là một thân xác” (Mc 10, 7).
1.4. Giao hợp vợ chồng là một ân huệ Chúa ban cho bậc gia đình. Tác động này cần được cả hai đồng ý thể hiện cách yêu thương, tương kính. Làm sao cho “Những tác động kết hợp phu thê trong tình thân mật và thanh khiết, là những tác động cao quý và đáng trọng” (noble and honorable) (MV 49).
– Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã viết trong Thông điệp Sự Sống Con Người về việc vợ chồng như sau:
“Ðó là những tác động hợp pháp, ngay cả trong trường hợp hai vợ chồng có thể đoán trước được là chúng sẽ không có hiệu năng sinh sản vì những lý do ngoài ý muốn của mình, những động tác ấy vẫn có mục đích biểu lộ và làm cho sự liên kết của đôi vợ chồng thêm bền chặt” (SSCN 11).
Vì có những khác biệt thể lý và tâm lý giữa người nam và người nữ, nên mỗi bên cần được trau dồi qua việc học hỏi, để không ai có cảm tưởng mình bị lạm dụng, làm bên kia nhàm chán, bất bình.
Muốn được vậy, cần chuẩn bị khung cảnh, tâm lý và sinh lý: Từ phòng ngủ, giường nệm sạch sẽ, bầu khí riêng tư an toàn, công việc xong xuôi, thân thể sạch sẽ, mát mẻ. . . những lời nói yêu đương chân thành cộng với những cử chỉ thân mật để đi vào những giai đoạn khởi đầu, cao điểm, suy tànđ.
1.5. Lợi ích: Nhờ những dấu yêu thương, vợ chồng nuôi dưỡng tình yêu “một vợ một chồng” và “mãi mãi có nhau”. Sự thoả mãn tình dục giúp đôi hôn nhân phấn khởi đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống lứa đôi.
Ngược lại, thiếu sự thoả mãn này, tâm lý đôi bên sẽ bị khủng hoảng không ít, nhiều khi đưa đến tật thủ dâm hoặc ngoại tình để giải quyết sinh lý cách bất hợp pháp.
1.6. Những khó khăn có thể xảy ra trong việc vợ chồng yêu thương như: Say sưa rượu chè, mệt mỏi, lo âu, tức giận,. . . lãnh cảm, ít thích thú, đau đớn vì bộ phận nhiễm trùng, sợ thụ thai khi không muốn.
1.7. Có thể tạm ngưng quyền lợi vợ chồng vì những lý do sau:
- Lý do thể xác: Những ngày kinh nguyệt, trước và sau kỳ sinh nở, khi đau bệnh.
- Lý do tinh thần: Ðồng ý hãm mình để cầu nguyện xin ơn.
- Ðồng ý kiêng cữ theo kế hoạch gia đình.
- Bị đòi hỏi vô lý, ví dụ, đang bận rộn, lộ liễu trước con cái.
- Bị đòi hỏi, sau khi đã đi ngoại tình.
- Thảo luận:
* Anh chị hiểu thế nào về thanh khiết vợ chồng? Tại sao gọi là bổn phận, quyền lợi vợ chồng? Khi nào được từ chối nhau, khi nào không?
- Câu hỏi ôn
- Chúa dựng nên người nam người nữ khác biệt để làm gì? (1,2).
- Giao hợp có giá trị thế nào trong đời sống vợ chồng? (1,3).
- Chúa Giêsu nói gì về người nam khi thành hôn? (1,3).
- Ðức Giáo hoàng Phaolô VI qua Thông điệp Sự sống Con người đã nói gì về vấn đề quyền lợi vợ chồng? (1,4).
- Những ích lợi của việc “chăn gối” vợ chồng? (1,5).
- Những khó khăn nào có thể xảy ra? (1,6).
- Những trường hợp nào được từ chối việc “chăn gối”? (1,7).
Ðề nghị
– Mời một bác sĩ nói thêm về kế hoạch gia đình theo tinh thần Công giáo.
Bài Ðọc Thêm
Khởi Ðầu Và Tiếp Diễn Hành Vi Tính Dục
(Theo Lm. Vũ Hùng Tôn, Chuẩn Bị Sống Ðời Sống Hôn Nhân Công giáo, trang 37)
Giai đoạn một được gọi là giai đoạn khởi đầu, hoặc gợi tình. Trong giai đoạn này vợ chồng phải làm sao tạo được bầu khí thích hợp để cả hai cùng hứng thú đi vào cuộc tình. Ðiều cần thiết nhất là cả hai người cùng phải bằng lòng, thích thú, để rồi giao hoan mới trở thành một hành động trao đổi tình yêu thực sự và đem đến khoái lạc thoả mãn chung. Nếu một người muốn, một người không, thì không thể nào tình yêu được trao đổi, và chưa chắc đã có ai được thoả mãn. Trong những ngày tháng mới cưới, có thể vì mới lạ chưa quen, đôi tân hôn dễ cảm thấy hứng thú, do đó gợi tình là một việc dễ. Nhưng rồi năm này qua năm khác, vì quen quá hoá ngán, vợ chồng có thể khinh thường giai đoạn khởi đầu này, và không ý thức nổi việc gợi tình là cần thiết nữa. Có thể là chồng không để ý xem vợ có vui vẻ khoẻ mạnh hay không, để rồi cứ đòi hỏi cho được hoặc cũng có thể là vợ không tìm hiểu xem tại sao hôm này chàng cau có, khó chịu, để rồi cứ nhất mực từ chối. Cả hai thái độ đều thiếu thông cảm, tìm hiểu nhau.
Khi một người muốn giao hoan, một người không muốn thì sao? Dĩ nhiên người muốn sẽ dùng tất cả tình thân mật âu yếm mà làm cho cả hai có cùng một ý muốn.
Vấn đề khó ở đây là khi hai vợ chồng cùng bận rộn tối ngày với con cái, với công ăn việc làm, họ không còn giờ nghĩ tới đời sống tính dục nữa để rồi đêm đến, hoặc sáng dậy, họ chỉ còn đủ thì giờ để giao hợp với nhau trong vài phút như một tác động sinh hoạt thường ngày cũng giống như rửa mặt, chải đầu, chứ không mảy may ý thức được rằng họ phải cùng một tâm tình, một ý nghĩ, một rung cảm trong việc trao đổi tình yêu. . . Ðây là một vấn đề khó khăn và tế nhị. Trong điểm này, chúng ta nên nhớ “nhai kỹ, no lâu” còn hơn “ăn mau, chóng đói”. Nhiều vợ chồng dễ ngoại tình cũng chỉ vì điểm tế nhị này. Họ ngoại tình, vì khi giao hoan với một người khác, họ đã có đủ thời giờ để được gợi tình và có nhiều hứng thú, trong khi giữa vợ chồng, họ chỉ làm một việc cho qua lần. Do đó, thà giảm bớt lần giao hoan để diễn tiến hành động được trọn vẹn trong một hành động, còn hơn!
Khi giai đoạn đầu đã tạo được bầu khí thích hợp, vợ chồng sẽ dìu nhau vào ngay cảnh ái ân, với những nụ hôn, những vuốt ve âu yếm, những vòng tay siết chặt. Ðây là giai đoạn mà mỗi người có cảm tưởng như mình được yêu bởi vì mình đáng yêu, đáng mến, do con người toàn diện của mình, chứ không phải vì mình là một dụng cụ thoả mãn khoái lạc cho người khác. Chồng sẽ nhờ cảnh ái ân này mà giúp cho vợ được hạnh phúc thoả mãn, cũng như vợ tìm cách đáp ứng với những thân mật ân ái của chồng để tạo cho chồng được khoái lạc, thoải mái.
Khi thấy người vợ đã được chuẩn bị cả tâm hồn và thể xác để kết hợp nên một với chồng, người chồng sẽ dìu vợ vào phần giao hợp với nhau.
Sau khi chấm dứt giao hợp, người chồng biết điều sẽ tiếp tục mơn trớn để tạo cho vợ được cảm giác yêu thương.