VỢ HAY NGƯỜI TÌNH
Bước xuống xe ghép sau hơn hai giờ đồng hồ từ Hà Nội về, ông Chung lật đật xách đồ, mở cổng bước vào. Mảnh sân rộng rãi phơi đầy lúa, trời nắng to, hơi nóng bốc lên làm ông hơi choáng váng. Nặng nhọc xách từng túi to túi nhỏ vào nhà, ông Chung quát tháo inh ỏi.
– Cái nhà này không có ai à, đi đâu hết cả rồi?
Từ dưới bếp, bà Nụ tất tả chạy lên, giọng luống cuống:
– Ông về rồi đấy à, về sớm thế? Sao không gọi tôi ra xách đồ cho. Ông mang gì về mà lắm thế?
– Nắng thế này bà bảo tôi chờ ngoài đường à – ông cáu giận – Quà cáp bạn bè tôi gửi về, không biết ơn thì thôi còn cằn nhằn.
Bà Nụ biết ý, đành chuyển hướng câu chuyện:
– Thôi, ông ngồi nghỉ đi, tôi đi lấy cho ông cốc nước rồi chuẩn bị ăn cơm.
Ông Chung ngồi xuống ghế, bật cái quạt to chiếu thẳng vào người cho đỡ nóng. Mình mẩy ông đau ê ẩm. Thực ra, đợt vừa rồi ông lên Hà Nội thăm người tình – bà Hạnh. Mỗi lần lên thăm, ông lại tranh thủ tỏ ra bản thân nhanh nhẹn tháo vát. Bà Hạnh cũng thừa lúc nhờ ông khuân vác đồ đạc, dọn nhà, lau chùi tủ rượu, thay bóng đèn. Tuổi đã cao, nhưng vốn tính sĩ diện, ông Chung không nề hà việc gì. Đến hôm nay về tới nhà, cơ thể mới thấm thía sự đau nhức.
Ông Chung là cán bộ cấp cao của một công ty lớn, làm việc tại Hà Nội. Nhưng ông để vợ con ở quê, một mình sống tại nhà riêng trên thủ đô. Nay đã về hưu được vài năm, nhưng ông Chung vẫn đều đặn một năm đôi ba lần lên thủ đô nghỉ dưỡng. Ông bảo mình đi khám sức khỏe, đi thăm nom bạn bè đồng nghiệp cũ. Bà Nụ và các con ai cũng biết ông có người tình ở đó. Nhưng bà chỉ là một phụ nữ nông thôn sống phụ thuộc vào chồng. Hơn nữa, khi còn đương chức, ông Chung gửi về rất nhiều tiền.
Bao nhiêu năm công tác, ông Chung kiếm ra tiền nhưng chỉ gửi về cho vợ con một nửa. Còn một nửa thì lo cho người yêu là y sĩ tên Hạnh, rồi ông cũng nhậu nhẹt, cờ bạc không thiếu thứ gì. Về phần bà Nụ, tiền gửi về được bà cất giữ, chi tiêu cẩn thận. Bà làm mấy sào ruộng, nuôi dăm con lợn, đàn vịt đàn gà. Vườn rau ao cá không ngơi tay. Đến khi ông Chung nghỉ hưu, bà đã cất được căn nhà lớn nhất thôn, xây được nhà riêng cho hai con trai, một con gái. Ông Chung nghỉ hưu, lương tháng chỉ được vài t.ri.ệu, đưa cho vợ một nửa cũng chẳng đủ chi tiêu. Lúc nào cũng cảm thấy bí bách khó chịu.
Lần này lên Hà Nội, bà Hạnh thấy ông “khó khăn” liền dúi cho vài trăm. Giọng ngán ngẩm:
– Vợ gì mà đẽo hết tiền của chồng. Bao nhiêu năm anh kiếm tiền về xây nhà xây cửa, đắp vào thân bà ấy hết. Anh cầm lấy ít tiền mà chi tiêu.
Ông Chung cũng muốn cầm, nhưng sĩ diện:
– Thôi, anh có tiền mà. Kệ bà ấy, cái con mụ nhà quê.
Thấy vậy, bà Hạnh nhất quyết bảo ông Chung đưa đi mua quà đem về cho vợ con. Mua dăm hộp bánh, thùng sữa, mấy gói lạc rang húng lìu.
– Anh mang về cho mọi người ở nhà ăn. Gớm, cái xó quê ấy thì làm gì có mấy thứ này.
– Đúng là chỉ có em chu đáo.
Ông Chung mỗi lần về nhà lại khoe khắp xóm làng là có bạn ở Hà Nội gửi quà về. Bạn ông rất chu đáo, cẩn thận và hào phóng. Bà Nụ biết đồ của ai gửi, chỉ biết thở dài. Con cháu ông bà khi đã biết chuyện không ai chịu ăn những đồ ông mang về. Ông ăn chán chê rồi lại mang sang hàng xóm, không quên khoe mẽ về “người bạn” đảm đang nơi thủ đô.
Hôm nay, như mọi lần đi Hà Nội về, ông bắt đầu ngồi xếp quà ngay ngắn. Bỗng thấy hơi chóng mặt, chồng bánh cốm trước mặt nhoè đi. Bà Nụ cầm nước lên, thấy chồng gục xuống kinh hãi thét lớn. Bà nhanh chóng đỡ ông và lấy điện thoại gọi con đưa ông đi bệnh viện.
Tỉnh dậy thấy bản thân nằm trong phòng bệnh, vợ và con ở xung quanh, ông Chung biết mình còn chưa tận số. May mà đi bệnh viện kịp thời, ông được chạy chữa không còn nguy hiểm. Nhưng ông sẽ phải ở lại bệnh viện trong khoảng một tháng.
Cậu con trai cả vốn luôn bất mãn việc bố có người tình nên rất thương mẹ. Cậu lên giọng nói:
– Mẹ cứ về nhà ăn cơm, con thuê y tá chăm sóc bố. Hoặc bố gọi được “ai đó” đến chăm thì tốt quá.
– Thôi con – bà Nụ thở dài – mẹ ở đây chăm bố con. Mẹ ăn cơm dưới nhà ăn cũng được, con bảo vợ con nấu giúp mẹ nồi cháo gà cho bố nhé.
– Vậy để con nói vợ con gói hộp cơm, con mang cho mẹ.
Thế là, bà Nụ ở lại viện chăm ông Chung suốt một tuần trời. Thỉnh thoảng bà về lấy đồ đạc, thuốc men của bà rồi lại đến. Con gái, con dâu thay phiên nhau nấu cơm tươm tất mang lên cho bố mẹ. Ông Chung được ở phòng dịch vụ, cơm nước ngon lành, có người chăm sóc tận tình nên có phần thích thú.
Hôm nay, nhân lúc bà Nụ ra ngoài lấy cơm, ông bèn lấy điện thoại gọi video cho người tình. Sau một hồi hỏi han sức khỏe, ông Chung chép miệng:
– May mà anh ngã đúng lúc bà ấy lên, đi viện luôn. Không thì chẳng biết thế nào.
– Ôi giời, anh mà ngã ở chỗ em thì còn may hơn. Nhà em đầy thuốc, em còn biết sơ cứu. Ngồi dậy khoẻ phăm phăm chả cần đi viện. Cái bệnh viện quê đấy, chạy chữa thế nào mà bắt nằm đến một tháng trời.
Hai người cười sằng sặc cùng nhau qua màn hình điện thoại. Bà Nụ đứng ngoài cửa đã nghe hết toàn bộ câu chuyện. Bà mở cửa bước vào, ông Chung bình tĩnh chào tạm biệt “người bạn” của mình rồi tắt máy. Ông lại nhìn sang vợ với thái độ trịch thượng:
– Hôm nay ăn cái gì đây, thịt lợn nữa là tôi không ăn đâu nhé.
Bà Nụ chán nản đặt túi đồ ăn xuống bàn. Lấy cơm cho chồng, rồi bà quay sang một bên thu dọn đồ đạc. Ông Chung chẳng quan tâm, chỉ cắm đầu vào bát cơm ăn ngấu nghiến. Bà Nụ sau khi thu dọn xong đồ đạc bèn nhìn ông dặn dò.
– Tôi xuống thuê một cô y tá chăm ông. Cần ăn gì, uống gì thì bảo họ mua cho nhé. Đây, cầm lấy thêm ít tiền.
– Thế bà đi đâu?
– Tôi đi về, ăn cơm với các con tôi.
Nói rồi, bà Nụ quay lưng xách túi đi thẳng, ông Chung gọi với theo:
– Này, thế mấy giờ bà lại vào?
– Tôi không vào nữa, hôm nào ông về, gọi cho thằng Kiên vào đón. Thế nhé.
Bà thong thả bước xuống cầu thang, rồi ra sân lấy xe để về nhà. Trưa nắng gay gắt, một cơn gió nhẹ thổi qua vuốt nhẹ lên má người phụ nữ chịu thương chịu khó. Vài giọt nước lăn dài không biết là mồ hôi hay nước mắt.
A.C.T