Dấu ấn các thừa sai M.E.P. tại Giáo phận Qui Nhơn
Năm 2023, hai nước Việt – Pháp có nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023). Trong tinh thần hữu nghị này, cùng với truyền thống uống nước nhớ nguồn, bài viết sau đây muốn khái quát nêu lên dấu ấn các thừa sai MEP[1] trên phần đất giáo phận Qui Nhơn ngày nay, gồm 03 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên. Với khuôn khổ hạn hẹp, chúng tôi chỉ nêu lên một vài nhân vật và công việc tiêu biểu như Dấu ấn về bác ái xã hội, Dấu ấn về Chữ Quốc ngữ, Dấu ấn về một số công trình kiến trúc.
Trại phong Qui Hòa năm 1936 |
- Dấu ấn về bác ái – xã hội
Theo lịch sử truyền giáo của giáo phận Qui Nhơn, cha Antoine Hainques (sinh ngày 25 tháng 01 năm 1637, tại giáo xứ Saint-Etienne, miền Beauvais – Oise) là vị thừa sai Pháp đầu tiên đặt chân lên đất Bình Định vào năm 1666, cụ thể là tại Nước Mặn, nay thuộc thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Tại đây, cha Antoine Hainques đã thiết dựng một bệnh xá để chăm sóc các bệnh nhân trong vùng.[2] Đây là công trình bác ái xã hội đầu tiên của MEP trên phần đất giáo phận Qui Nhơn, mở màn cho các công trình bác ái xã hội khác.
Thời Đức cha Cuênot Thể (sinh 08.02.1802 tại Bélieu, Pháp) đặt Tòa Giám mục tại Gò Thị (1840-1862), Đức cha lập nhiều Cô nhi viện tại Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên.[3]
Cuối năm 1879, cha Phanxicô Marie Geffroy (sinh ngày 04.07.1843 tại Tremel, giáo phận de St. Brieuc- Pháp), được bổ nhiệm về Gia Hựu, nay thuộc thôn Qui Thuận, xã Hoài Châu Bắc, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Ngài đối diện với nạn đói do hậu quả những trận lụt năm 1878. Ngài viết: “Mỗi sáng, dưới những tán me trên đường từ nhà thờ đến Phước viện, có ba – bốn – năm em bé được đặt nằm ở đó từ trong đêm, trong tình trạng lâm tử ”.[4] Đứng trước tình cảnh ấy, ngài củng cố Cô nhi viện Gia Hựu, phân lập nhà cho trẻ nam, nhà cho trẻ nữ, tổ chức khai khẩn đất sản xuất, tạo nghề cho các em làm ăn sinh sống. Các em nam lo việc trồng trọt, nhất là dừa, mía đường, dâu tằm, đào và lúa ruộng. Bên cạnh đó, các em nữ lo việc nuôi tằm, dệt vải, nhuộm, may vá.[5]
Các Cô nhi viện trong vùng được thành lập từ thời Đức cha Cuênot Thể cũng được tái lập:
– Cô Nhi viện Thác Đá, ngày nay thuộc thôn Định Bình, phường Hoài Đức, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, do cha François-Xavier Barrat (sinh 18.8.1853 tại Rougé, Loire Atlantique).
– Cô Nhi viện Nước Nhỉ, ngày nay thuộc thôn Chánh Khoan, xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ, do cha Auguste Macé (sinh ngày 19.06.1844 tại Bazoges en Paillers) thành lập.
– Cô Nhi viện Gò Thị là một cơ sở từ thiện có gốc gác từ thời Đức cha Cuênot Thể, được tái thiết sau năm 1871 nhằm đáp ứng nhu cầu cho nhiều trẻ mồ côi trong vùng. [6]
– Bệnh viện Kim Châu do cha Jean-Baptiste Solvignon (sinh ngày 20.6.1873 tại Montusclat, một ngôi làng nhỏ thuộc dãy núi Mezenc, giáo phận Puy) khởi công xây dựng vào năm 1912 và chính thức mở cửa năm 1914. Đây là bệnh viện thứ hai trong tỉnh Bình Định. Trước đó, trong tỉnh chỉ có Bệnh viện Qui Nhơn,[7] tiền thân của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định hiện nay. Bệnh viện Kim Châu hiện nay là Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội Bình Định, địa chỉ 78 Ngô Đức Đệ, thị trấn Bình Định, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Lúc ban đầu Bệnh viện Kim Châu được giao cho hai nữ tu người Pháp: Casimir và Mechtilde thuộc Tỉnh dòng Dòng Thánh Phaolô Hà Nội phụ trách.
Trong các dấu ấn Bác ái xã hội tiêu biểu của các thừa sai Pháp ở Bình Định, đặc biệt đáng chú ý Trại phong Qui Hòa do cha Paul Maheu (sinh ngày 24 tháng Giêng năm 1869, tại Paris) và bác sĩ Marcel Le Moine (sinh ngày 30.8.1896 tại làng Binic, Côtes-d’Armor- Pháp),[8] thành lập.
Trại phong Qui Hòa năm 1935 |
Tháng 7 năm 1904, cha Maheu tiếp quản việc quản lý viện in ấn của nhà in Làng Sông. Ngoài công việc in ấn của mình, cha Maheu đã thành lập một nhà tế bần tại Làng Sông dành cho người già neo đơn, khổ nghèo, không lương thực, không có giường chiếu, không có gì để “đỏ lửa” hằng ngày. Cha tổ chức một trạm y tế tại Làng Sông, dựng những túp lều tranh để đón nhận những bệnh nhân nội trú. Đó là trước mùa mưa, nhưng khi trận lụt hằng năm ập đến, lũ cuốn trôi tất cả, trừ những người ở trọ.[9]
Thua keo này gầy keo khác, năm 1929, bác sĩ Marcel Le Moine, Giám đốc bệnh viện Qui Nhơn, biết ở Bình Định và các tỉnh lân cận có nhiều bệnh nhân phong đang trong tình trạng không được chăm sóc y tế, nên muốn lập một bệnh viện để chữa trị cho họ. Ông đã gặp Đức cha Damien Grangeon (sinh 27.9.1857 tại Gelles – Clermont, Puy de Dôme, Pháp) để trình bày nguyện vọng của mình. Đức cha ủng hộ dự án, giới thiệu địa điểm và một linh mục cộng tác, đó là linh mục Paul Maheu.
Hai con người – một tấm lòng quan tâm đến số phận của các bệnh nhân phong. Họ cùng nhau xin chính quyền cấp đất để lập trại phong Qui Hòa. Sau khi được cấp đất, bác sĩ Le Moine mô tả việc cha Maheu đến Qui Hòa như sau: “Một buổi sáng đẹp trời (1929), chúng tôi thấy trong một chiếc thuyền mành cập bờ biển một mớ đồ lỉnh kỉnh: một chiếc giường gỗ, vài cái ghế, một cái bàn, một máy quay đĩa, nhiều sách, một nhà tu khổ hạnh với đôi mắt sáng ngời. Đó chính là cha Maheu, người sẽ cống hiến cuộc đời mình cho những người phong cùi…”[10]
Cha Maheu phụ trách việc vận động kinh phí, xây dựng cơ sở vật chất. Bác sĩ Marcel Le Moine phụ trách chuyên môn y khoa. Một thầy thuốc Đông y có bài thuốc gia truyền chữa bệnh phong cùi cộng tác với bác sĩ. Ngoài ra còn có các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn giúp băng bó, lau rửa vết thương… Đây là một bài báo ghi lại thông báo về cuộc vận động gây quỹ cho Trại phong Qui Hòa: “Tòa thị chính gởi thông báo chấp thuận đề nghị của chúng tôi, nhưng cho chúng tôi biết rằng cuộc vận động sẽ diễn ra tại rạp chiếu phim Eden chứ không phải tại nhà hát thành phố. Thị trưởng thành phố Sài Gòn trân trọng thông báo cho cư dân Sài Gòn biết rằng ông Rigaux, đại diện cho An Nam trong Hội đồng Thượng thẩm các thuộc địa, cha Paul Maheu và bác sĩ Marcel Le Monine sẽ thuyết trình vào Thứ Hai, ngày 03 tháng 3, lúc 6 giờ chiều, tại Éden-cinéma, rue Catinat, về Trại phong Qui Hòa, gần Qui nhơn. Sẽ rất vui nếu quý vị ủng hộ càng nhiều càng tốt về buổi thuyết trình, rất mong quý vị thể hiện tấm lòng đối với công việc từ thiện xã hội này để tiếp tục sứ mệnh văn minh và nhân đạo của Pháp ở Đông Dương. Vào cổng miễn phí”. [11]
Nhờ được các tổ chức, các nhà hảo tâm ủng hộ qua các cuộc vận động, trại phong được hoạt động và mở rộng cơ sở để đón nhận thêm những bệnh nhân ngoài tỉnh Bình Định. Để có nhân sự chuyên môn phục vụ bệnh nhân hiệu quả, nhân chuyến đi Roma năm 1930, Đức cha Augustin Tardieu, Giám mục giáo phận Tông tòa Qui Nhơn, được Đức Giáo Hoàng Piô XI chúc lành dự án Trại phong Qui Hòa và giới thiệu cho Bề trên Tổng quyền dòng Phan sinh Thừa sai Đức Mẹ ở Roma.[12] Tháng 12.1930, Đức cha Tardieu nhận được thư Bề trên Tổng quyền quyết định cho sáu nữ tu ở Pháp đến làm việc tại Trại phong Qui Hòa vào khoảng mùa Thu năm 1932.[13] Đây là danh sách 06 nữ tu Phan Sinh đầu tiên đến Qui Hòa vào ngày 24.10.1932: Marie Gisèle (tên khai sinh Andrée Rivier, quốc tịch Pháp); Marie de St. Foulques (Jeanne Martinet, Pháp); Marie de St. Venant (Marie Gaussin, Bỉ); Marie de la Résurrection (Elisabeth de Vathaire, Pháp); Marie Walberta (Germaine Bruneel, Bỉ); Marie Martia du Sacré Coeur (Angèle Bouteiller, Pháp).
Trại phong Qui Hòa năm 1965 |
“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” đã được một nữ tu trong đoàn ghi lại: “Ai chẳng não lòng khi thấy những khuôn mặt biến dạng xù xì bừng lên niềm vui phấn khởi lúc đám rước đến gần. Chúng tôi đi qua một nghĩa trang nhỏ, ở đó đã có nhiều ngôi mộ vây quanh bia đá tưởng nhớ cha Maheu, người bạn chân tình của các bệnh nhân, linh hồn của công cuộc thành lập Trại phong Qui Hòa, ngài mất ở Pháp năm 1930. Chúng tôi xuống kiệu trước nhà thương, hai bệnh nhân, đại diện cho các bạn bệnh nhân, lần lượt đứng ra đọc diễn văn chúc mừng, một bài bằng tiếng Pháp, một bài bằng tiếng Việt. Thật đau lòng khi nghe họ tự xưng là những “thân tàn ma dại”…”[14]
Có một biến cố xảy ra: Khoảng 02 giờ sáng ngày 01.01.1933, một trận bão lớn cùng với cơn sóng thần đã tàn phá một số cơ sở của trại phong.[15] Nhờ sự giúp đỡ của các ân nhân, cơ sở vật chất được tái thiết. Trong đó ngôi nhà thờ được khởi công sau cùng, có sự đóng góp công sức và tiền bạc của các bệnh nhân,[16] được khánh thành ngày 08.12.1936, hiện nay vẫn còn.[17]
Trong thời gian dài phục vụ tại Qui Hòa (1955-1975), nữ tu Charles Antoine (tên khai sinh là Jeanne Montagne, sinh ngày 22.5.1908, tại Pháp), là một kiến trúc sư, đã cùng các nữ tu Phan Sinh góp nhiều sáng kiến để tổ chức đời sống cho bệnh nhân: Xây cơ sở mới gồm các phòng cho bệnh nhân nặng, phòng chỉnh hình làm tay chân giả. Những căn nhà tranh vách đất dành cho bệnh nhân đã lành bệnh được làm từ thập niên 1930 đã xuống cấp, nay được thay thế khoảng 250 căn nhà xinh xắn, lát gạch, lợp ngói, mỗi nhà một vẻ, với vườn hoa trước thềm.[18] Trại phong lúc này trở thành một khu phố nhỏ, có đường ngang dọc ngăn nắp, nhà cửa khang trang. Trại phong được quy hoạch, tổ chức có chợ, có xích lô, xe đạp, có trường học,[19] có hội trường, có sân bóng giải trí. Ngoài ra còn có các cơ xưởng ngành nghề như rèn, mộc, hàn xì, hồ, đúc gạch bông, đá mài granitô; các ngành thủ công như dệt vải, dệt chiếu, đan, may, thêu, vẽ, làm nước mắm, sản xuất dầu dừa, làm xà phòng…, vừa giúp anh chị em bệnh nhân thêm thu nhập, vừa giúp phát huy khả năng, gây niềm tự tin và vui sống trong xã hội.
Nghĩ đến các nữ tu một đời hy sinh phục vụ bệnh nhân phong, các bệnh nhân thường gọi các nữ tu là các Mẹ.
Thi sĩ Hàn Mặc Tử, một bệnh nhân phong mang số thứ tự 1.134 của trại phong, cảm kích tấm lòng của các nữ tu, đã bộc bạch qua bài thơ bằng tiếng Pháp “Pureté de L’âme”, xin trích đoạn và tạm dịch như sau: “Hỡi các Thiên Thần của trời, của Chúa, của hòa bình và hoan lạc, xin hãy vỗ tay lên: Bởi vì đó là các Mẹ, các chị dòng Thánh Phanxicô d’Assisi xuống cõi trần để an ủi những đau khổ, những lo âu của các bệnh nhân tàn tật, của những kẻ phong hủi là chúng tôi đây…”. Chung Nhi, tác giả bài báo Người Bác sĩ 40 năm chung sống cùng bệnh nhân phong đã viết: “Tôi được nghe các bệnh nhân kể về sơ Charles Antoine, Giám đốc cũ của viện, đêm đêm ngồi trực bên giường bệnh nhân, sẵn sàng tận tay dọn cả nhà vệ sinh nếu gặp thấy bẩn”. [20] Còn Bác sĩ Trần Hữu Ngoạn, Giám đốc Bệnh viện phong Qui Hòa (1987-1997),[21] đã tâm sự về các nữ tu Phan Sinh phục vụ tại Qui Hòa : “Nhờ có dịp gần gũi những người sống hết lòng vì người khác, những người hy sinh cả cuộc đời không đắn đo tính toán cho người đau khổ, tôi tìm được chân lý của yêu thương”. [22]
-
Dấu ấn về Chữ Quốc ngữ
Trong tiến trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ, Bình Định là nơi nợ duyên nặng tình với chữ Quốc ngữ. Nước Mặn là nơi phôi thai chữ Quốc ngữ.[23] Nhà in Làng Sông là nơi phát triển văn học Quốc ngữ. Năm 1927, Bình Định là tỉnh có trường Quốc ngữ nhiều nhất 31/57 trường trong 06 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận. Đồng thời, số học sinh ở Bình Định cũng đông nhất, có 939/1.576 của 06 tỉnh.
– Nhà in Làng Sông (thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định):
Nhà in được thành lập vào hậu bán thế kỷ 19, chủ yếu để in và phổ biến sách nhà đạo. Năm 1904, cha Paul Maheu được giao trách nhiệm Giám đốc nhà in, từ đó nhà in bắt đầu đánh dấu bước phát triển. Từ năm 1904 đến 1945, ngoài cha Paul Maheu, còn có các cha kế tục điều hành nhà in là cha Perreaux (1929-1935), cha Charles Dorgeville (1936-1945). Thống kê năm 1910, nhà in Làng Sông đã in 36 đầu sách gồm các thể loại, trong đó 25 đầu sách chữ Quốc ngữ, có 07 đầu sách thuộc thể loại phục vụ học đường như Tập đánh vần (in lần thứ 5); Con nít học nói (in lần thứ 3) ; Ấu học (in lần thứ 3)…
Vua Khải Định ban Dụ số 123 ngày 28.12.1918, bãi bỏ khoa cử Hán học. Theo đó, chữ Quốc ngữ và chữ Pháp được sử dụng trong chế độ khoa cử và thể chế hành chính. Ngày 13.5.1924, Đức cha Damien Grangeon ra Thư chung về việc mở trường học Quốc ngữ trong giáo phận,[24] đồng thời có văn bản hướng dẫn về quy cách phòng lớp và các môn học.[25] Thực hiện Thư chung của Đức cha, các trường học Quốc ngữ được mở ra từ miền núi heo hút xa xôi đến miền biển và các vùng nông thôn hẻo lánh. Các sách phục vụ học đường được nhà in Làng Sông xuất bản rất phong phú. Ngoài ra, nhà in còn xuất bản các thể loại sách Quốc ngữ để phục vụ việc nâng cao dân trí như Tiểu thuyết, Tuồng, Kịch nói, Nông nghiệp… Đáng chú ý là quyển “Hai chị em lưu lạc” được xuất bản năm 1927, hiện nay được ghi nhận là tiểu thuyết dành cho thiếu nhi đầu tiên của văn chương Nam Trung Bộ.
Ngoài ra, trong “Mémorial Mission de Quinhon – Bản ghi nhớ sự kiện và sinh hoạt của giáo phận được nhà in Làng Sông xuất bản hằng tháng” có sưu tập của hai cha Henri Denis [26]và Victor Barbier[27] về những thành ngữ dân gian nói lên ý nghĩa cực cấp của tiếng Việt. Sưu tập có hai cột Việt – Pháp, tiếng Việt được sắp xếp theo thứ tự a,b,c. Ví dụ:
Ăn như mèo: manger peu et lentement
Buồn như thua kiện: très triste
Chua như khế: très acide
Dễ như chơi, như không, như uống nước: très facile
Đẹp như vẽ: très beau
Giống như in, như đúc: très resemblant
Khô như rơm: très sec
Nóng như lửa : très chaud
…
Cho đến nay, sau gần 100 năm mới có một vài tác giả người Việt nghiên cứu về cách diễn tả ý nghĩa cực cấp nơi thành ngữ Quốc ngữ và đối chiếu giữa Quốc ngữ với các ngôn ngữ khác, và số lượng thành ngữ được đối chiếu không nhiều hơn.[28] Trong khi đó, nhà in Làng Sông đã để lại cho đời sau công việc thu thập, so sánh, và mô tả của hai cha thừa sai người Pháp về cách diễn tả này giữa hai ngôn ngữ Việt – Pháp ngay từ đầu thế kỷ XX. Sưu tập của hai cha mặc dù ít (139 thành ngữ) nhưng cho thấy kiến thức và sự hiểu biết khá sắc sảo của một người Pháp về chữ Quốc ngữ và văn hóa Việt Nam. Đó chẳng phải là một dấu ấn đáng trân trọng sao?
-
Dấu ấn về kiến trúc
Trải qua thời gian và những biến động xã hội, ngày nay trên phần đất của giáo phận Qui Nhơn còn lại một số công trình kiến trúc mang dấu ấn của các thừa sai Pháp.
3.1. Làng Sông
3.1.1. Nhà nguyện Chủng viện Làng Sông
Chiều cao mặt tiền 14m65; chiều ngang 15m8; chiều dài 40m6; đỉnh mái 12m.
Đức cha F.X. Van Camelbecke xây dựng năm 1892. Hệ thống cửa, cột kèo, rui mè đều bằng gỗ. Bàn thờ, cửa tiền, tán hoa trên đầu trụ đều được chạm trổ.
Nhà nguyện Làng Sông năm 1938 |
3.1.2. Chủng viện Làng Sông
Về Chủng viện Làng Sông, Đức cha F.X. Van Camelbecke Hân viết trong báo cáo năm 1891: “…Trong những thời gian đầu, chúng tôi thật hài lòng về nhà cửa được tái thiết vội vàng và đơn giản nhất, nhằm đủ che nắng mưa. Ngày hôm nay, bốn ngôi nhà lớn, gồm những nhà cho các cha và những công trình phụ đã được hoàn thành. Ngôi nhà nguyện sẽ được hoàn thành và khánh thành cùng với công trình xây dựng tốt đẹp của chúng tôi trong nay mai”. [29]
Năm 1892, sau khi nhà nguyện được xây dựng xong, 14 cây sao hai bên đường từ cấp sân nhà nguyện dẫn ra đến cổng cũng được trồng, cộng thêm 2 cây trước mặt ngôi nhà phía Tây và 2 cây trước mặt ngôi nhà phía Đông. Tất cả những cây sao này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Đức cha Damien Grangeon Mẫn cho xây mới Tiểu chủng viện Làng Sông để thay cho những gian nhà tranh vách đất cũ kỹ đã được tái thiết thô sơ sau phong trào Văn Thân. Công trình mới chủ yếu là hai dãy nhà lầu (một trệt, một lầu) tọa lạc phía đông và phía tây nhà nguyện.
– Dãy nhà phía đông nhà nguyện: dài 47m; rộng 17m, đỉnh mái 12m.
– Dãy nhà phía tây nhà nguyện : dài 41m; rộng 17m5; đỉnh mái 12m.
Ngày Chúa nhật 30.8.1925, Đức cha Damien Grangeon Mẫn làm phép tầng trệt của Chủng viện. Ngày 21.9.1927, Tiểu chủng viện được khánh thành, đồng thời mừng Ngân khánh Giám mục của Đức cha Damien Grangeon Mẫn, và mừng 25 năm cha Jean François Gagnaire làm Giám đốc Chủng viện.[30]
Công trình kiến trúc do cha Dorgeville thiết kế; ông Đoàn Văn Thi, người gốc Huế thầu; Thầy Hòa (thầy giảng) giám sát thi công.
3.2. Nhà thờ Kim Châu
Số 2 Lâm Văn Thạnh, phường Bình Định, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.
Cha Louis Julien Marie Blais – Cố Lực (sinh ngày 13.7.1863 tại Joué-sur- Erdre, giáo phận Nanté, Pháp). Cha làm cha sở Kim Châu (1897-1907). Năm 1900, cha khởi công xây dựng nhà thờ Kim Châu, với sự trợ giúp của thầy Bốn Chiếm. [31] Qua dòng thời gian, nhà thờ đã có tu sửa, tuy nhiên phần lớn kết cấu nhà thờ như ta còn thấy ngày nay. Nhà thờ Kim Châu được thiết kế bằng nhiều gỗ quý, các cửa chính, cửa sổ, các cột, và khung trần đều được chạm trổ rất nghệ thuật và hết sức tinh vi, trên cửa chính nhà thờ có khắc dòng chữ “Reginae Rosarii”. Cha Blais Lực dâng hiến nhà thờ cho Nữ Vương Mân Côi nên chọn Mẹ Mân Côi (07.10) làm Bổn Mạng.
3.3. Nhà thờ Nam Bình
Thôn Hữu Thành, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Cha Gustave Paul Dubulle – Cố Phương (sinh ngày 07.4.1865 tại Besançon, Pháp) làm cha sở giáo xứ Nam Bình hai giai đoạn : 1898-1908; 1914-1920.
Năm 1905, cha chuẩn bị nền móng cho ngôi nhà thờ rộng rãi thoáng mát tại Nam Bình.[32] Công việc đang tiến hành, nhưng vì nhu cầu mục vụ, năm 1908 cha Dubulle được bổ nhiệm làm cha sở Truông Dốc. Năm 1914, cha Dubulle Phương về lại Nam Bình. Cha tiếp tục xây dựng nhà thờ Nam Bình như ngày nay, hoàn thành năm 1918. Có hai tháp cao, tháp phía Đông ngày nay còn hai chuông, chuông lớn do ông Thông Nhơn cúng, chuông nhỏ hơn do cha Dubulle Phương mua từ Pháp. Sau khi về Pháp, cha Dubulle đã gởi tặng nhà thờ Nam Bình một đồng hồ lớn đánh điểm mỗi đầu giờ, được gắn trên tháp nhà thờ. Nay đồng hồ này không còn.
Qua dòng thời gian, nhà thờ đã được tu sửa nhiều lần, tuy nhiên phần lớn kết cấu nhà thờ như vẫn giữ nét cổ kính như ta thấy hiện nay.
Nhà thờ Nam Bình |
3.4. Nhà thờ Mằng Lăng
Thôn Hội Tín, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên
Sau ngày 10.4.1888, cha Joseph Lacassagne – Cố Xuân (sinh ngày 06.12.1856 tại Tarn et Garonne, Pháp) được bổ nhiệm đến Phú Yên với chức năng quản nhiệm toàn vùng truyền giáo Phú Yên, ngài được tự do chọn Hoa Vông hoặc Mằng Lăng làm trụ sở. Ngài đã chọn Mằng Lăng.
Đến Mằng Lăng năm 1888, ngài vừa ổn định đời sống giáo dân vừa lo công việc truyền giáo, xây dựng lại Phước viện Mằng Lăng, lập Cô nhi viện giao cho 2 nữ tu người bản xứ chăm sóc. Năm 1892, cha Lacassagne khởi công xây dựng ngôi thánh đường Mằng Lăng hiện nay. Khi công việc xây dựng ngôi thánh đường còn đang dang dở, cha Lacassagne bất ngờ lâm trọng bệnh và qua đời tại bệnh viện Quân Đội ở Đà Nẵng vào ngày 01.8.1900, lúc 44 tuổi. Cha an nghỉ chờ ngày phục sinh tại nhà thờ Mằng Lăng.
Cha Antoine Wendling – Cố Linh (sinh ngày 23.3.1869 tại Neuf Brisach, Pháp) được bổ nhiệm làm cha sở Mằng Lăng vào năm 1901. Ngài tiếp tục công trình xây dựng nhà thờ của cha Lacassagne, khánh thành vào ngày 14 tháng 4 năm 1907. Nhà thờ có hai tháp chuông với 03 chuông lớn nhỏ. Ngày 30.5.1905, thầy Cách đã đến cửa biển Tiên Châu đưa chuông lớn, quà tặng từ Marseille, về Mằng Lăng. Đức cha Grangeon đến khánh thành, Đức cha ngỏ lời khen ngợi “ước gì đem được về Bình Định để làm nhà thờ Chánh tòa cho giáo phận… ”. [33]
Năm Giáp Tý (1924), có trận bão lớn làm sụp đổ tầng mái cổ lầu nhà thờ, cha Marius Julien Jean – Cố Gioan, cha sở Mằng Lăng (1919-1926), làm lại phần mái, hạ mái thấp xuống gần 2m như hiện nay (dấu vết mái cũ hiện nay vẫn còn nhìn thấy nơi phía sau hai tháp) .
3.5. Nhà thờ Chánh tòa Qui Nhơn
122 Trần Hưng Đạo, thành phố Qui Nhơn, tỉnh Bình Định
Sau khi hoàn thành Tòa Giám mục, Đức cha Tardieu cho xây dựng nhà thờ Chánh tòa Qui Nhơn. Công trình được khởi công ngày 01 tháng 10 năm 1938 do hội kiến trúc SIDEC [34] thực hiện. Cha Dorgeville – Cố Sĩ thay mặt giáo phận giám sát việc thực hiện hợp đồng. Công trình đã được hoàn thành ngày 10.11.1939 và lễ khánh thành nhà thờ đã được cử hành ngày 10.12.1939. Nhà thờ được dâng kính Đức Mẹ Mân Côi.
Kiến trúc: nhà thờ hình thánh giá, dài 57,5m, rộng 22,6m, hai hàng cột đúc ximăng cốt thép, phân chiều ngang nhà thờ thành ba gian. Gian giữa rộng 8m; Cung thánh rộng 8m, dài 14,5m. Sau cung thánh có 5 bàn thờ phụ. Nhà thờ có một tháp nhọn cao 47,2m tại cửa tiền. Trong Bulletin MEP tháng 2-1940 có ghi vài nét về nhà thờ: “Qui Nhơn chưa có nhà thờ Chánh tòa. Trong 10 năm qua đã kiến thiết Đại Chủng viện, Tòa Giám mục. Sự chờ đợi đã kéo dài, dù sao ngày nay đã có kết quả, gây thán phục chung trước một ngôi thánh đường đẹp, tháp nhọn bắn vút lên nền trời Qui Nhơn. Bên trong bài trí tuy giản dị, song gây một ấn tượng hùng tráng và tỉnh mịch” .
3.6. Đại Chủng viện Qui Nhơn
Qui Nhơn đang trên đà phát triển, Đức cha Augustin Tardieu Phú đã quyết định xây dựng Đại Chủng viện tại Qui Nhơn để thay thế cho Đại Chủng viện Đại An được xây dựng từ năm 1893, cơ sở đã cũ nát, phương tiện giao thông trắc trở, thiếu nước sinh hoạt vào mùa nắng.[35] Cha Charles Dorgeville được giao vẽ thiết kế và tổ chức xây dựng công trình, khởi công từ tháng 3 năm 1931, khánh thành ngày 28 tháng 9 năm 1932.
Quần thể kiến trúc gồm ngôi nhà nguyện ở giữa dài 33m, rộng 12m; hai khối nhà 3 tầng, rộng 12m, khối nhà phía đông nhà nguyện dài 30m, khối nhà phía tây nhà nguyện dài 27m5. Ngôi nhà nguyện được thiết dựng lại ở đây chính là nhà nguyện cũ của Chủng viện Đại An. Bàn thờ chính, bàn ghế, cột kèo, đòn tay, rui mè, xuyên trính, cửa ra vào và cửa sổ đều được chuyển từ Đại An về Qui Nhơn bằng đường thủy.
Theo chính sách chung của Nhà nước, ngày 06.4.1978, Tòa Giám mục Qui Nhơn đã bàn giao đất đai, cơ sở Đại Chủng viện Qui Nhơn cho Ty Giáo dục Nghĩa Bình. Riêng nhà nguyện Đại Chủng viện được dùng làm ngôi thánh đường của giáo xứ Qui Hải, vì là nơi thờ tự nên Tòa Giám mục yêu cầu được đóng cửa và đặt dưới sự bảo quản của UBND tỉnh Nghĩa Bình, Ban Quản trị trường Đại học Sư phạm và Tòa Giám mục Qui Nhơn.
Nay, cơ sở này được trường Đại học Quy Nhơn dùng làm Thư viện Đại học Quy Nhơn (Trung tâm Thông tin Tư liệu Đại học Quy Nhơn), 170 An Dương Vương, thành phố Qui Nhơn.
3.7. Tòa Giám mục Qui Nhơn
116 Trần Hưng Đạo, phường Hải Cảng, thành phố Qui Nhơn, tỉnh Bình Định.
Trước 1930, Tòa Giám mục được đặt tại Làng Sông. Sau khi Đức cha Tardieu được bổ nhiệm làm Giám mục Tông tòa Qui Nhơn, ngài quyết định dời Tòa Giám mục về Qui Nhơn. Thiết kế đồ án và chủ trì xây dựng được giao cho cha Dorgeville. Cuối tháng 12.1935, Tòa Giám mục được khánh thành.[36]
Tòa Giám mục được thiết kế theo hình khối chữ U với tổng diện tích mặt bằng 669m2, gồm một trệt một lầu, mặt lưng chữ U là mặt tiền hướng về đường Trần Hưng Đạo ngày nay. Sau khi đưa vào sử dụng, những hàng me được trồng đều khắp trong khuôn viên Tòa Giám mục. Ngày nay, những tán me già cỗi vừa phủ mát khuôn viên Tòa Giám mục vừa tăng thêm vẽ cổ kính cho ngôi nhà giáo phủ của giáo phận Qui Nhơn.
Tòa Giám mục Qui Nhơn |
-
Thay lời kết:
Một vài nét tiêu biểu về những con người và những công việc được nêu trên đây như một cố gắng tổng hợp của con cháu trong đức tin nhìn về cha ông, để nhớ ơn chứ không để tự hào, để “nhâm nhi” tấm lòng của cha ông đối với Hội Thánh và các linh hồn. Cha ông có chết đâu. Các ngài đang sống. Các ngài là những con người làm nên lịch sử Hội Thánh, cách riêng Hội Thánh tại giáo phận Qui Nhơn. Hội Thánh là Dân Thiên Chúa, một dân bao gồm cả người sống lẫn kẻ đã qua đời, mà người sống chỉ là một nhóm ít ỏi trong một tập thể rất đông đảo đã qua đời từ bao thế kỷ. Qua đời rồi, nhưng tập thể ấy có bao giờ mất đâu. Cho dù các ngài đã qua đời nhưng không mất để cho người sống chúng ta được còn. Hạt lúa phải mục nát mới sinh được nhiều bông hạt. Trong lòng Hội Thánh, định luật ấy luôn được tiếp diễn từ thế hệ này đến thế hệ kia, muôn đời cho đến ngày xác loài người được sống lại.
Lm Gioan VÕ ĐÌNH ĐỆ
- MEP = Missions Étrangères de Paris, Hội truyền giáo được thành lập tại Pháp, có trụ sở tại Paris, để đi truyền giáo ở các nước, đặc biệt các nước vùng châu Á.
- AMEP. Notice biographique 0006. https://irfa.paris/missionnaire/0006-hainques-antoine/
- Xem R.P. TARDIEU, Hạnh Đức cha Thể, Imp. Làng Sông 1907, trang 43.
- AMEP. Notice biographique 1062. https://irfa.paris/missionnaire/1062-geffroy-francois/
- AMEP. Mgr. Van Camelbeke, Rapport Annuel de Cochinchine Oriental de 1884.
- AMEP. Rapport annuel des évêques,1881
- Hiện chưa tìm được tài liệu cho biết chính xác thời điểm Bệnh viện Qui Nhơn được thành lập. Trong một tài liệu nói về Camille Paris (1856-1908), một nhà khảo cổ học, khi ông bị kiết lỵ tại Cam Ranh, ông không chịu về Bệnh viện Qui Nhơn chữa trị. Căn cứ theo tài liệu này thì Bệnh viện Qui Nhơn có trước năm 1889. (Xem Comité d’érection et d’inauguration du monument Camille Paris, Imp. d’Extrême-Orient 1909, trang 11.)
- https://www.entreprises-coloniales.fr/inde-indochine/Leproserie_de_Qui-hoa.pdf
- AMEP. Notice biographique 2170. https://irfa.paris/missionnaire/2170-maheu-paul/
- AMEP. Notice biographique 2170. https://irfa.paris/missionnaire/2170-maheu-paul/
- L’Écho annamite, 1er mars 1930.
- Trụ sở lúc bấy giờ tọa lạc tại số 12 Via Giusti, Roma, Italia.
- Mgr Tardieu, AMEP. Rapport annuel des évêques,1931.
- Kỷ yếu 70 năm Dòng hiện diện tại Việt Nam (1932-2002), trang 128.
- Nhà các bệnh nhân vào năm 1932 là nhà tranh vách đất. Sau khi các nữ tu Phan Sinh đến Qui Hòa, các cơ sở được các nữ tu xin kinh phí và quy hoạch, xây dựng lại theo bản vẽ của cha Jean Baptiste Nicolas, Tuyên úy Trại phong (1931-1943). (Xem Lịch sử Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ tại Việt Nam 1932-1975, tự xuất bản, trang 249).
- Số tiền bà con bệnh nhân đóng góp khoảng 150 đồng tiền Đông Dương do nhịn hút thuốc, chặt củi bán, nhịn tiền quà… (Xem Lịch sử Dòng Phan Sinh Đức Mẹ Thừa Sai tại Việt Nam 1932-1975, trang 255-256).
- Có một số tài liệu ghi là các công trình xây dựng này do nữ tu Marie Ozithe, một kiến trúc sư, tổ chức quy hoạch và xây dựng. Tuy nhiên theo sử dòng, nữ tu Gisèle, bề trên nhà Qui Hòa đi Đà Nẵng vào ngày 12.11.1935 đón nữ tu Ozithe và nữ tu Elvold từ Pháp sang để thành lập Cộng đoàn ở Vinh. Ngày 17.9.1938, nữ tu Ozithe khấn trọn tại nhà nguyện cộng đoàn ở Vinh. (Xem Lịch sử Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ tại Việt Nam 1932-1975, trang 270-276). Suy ra nữ tu Ozithe không có mặt ở Qui Hòa trong thời gian xây dựng, tái thiết cơ sở ở Qui Hòa từ sau bão 1933. Cũng theo sử liệu này, nữ tu Ozithe ở Vinh cho đến năm 1954. Ngày 06.7.1955, nữ tu Charles Antoine về Qui Hòa cùng với các nữ tu, trong đó có nữ tu Ozithe (trang 326-342). Như vậy nữ tu Ozithe làm việc ở Qui Hòa cùng thời với nữ tu Charles Antoine, Bề trên cộng đoàn Qui Hòa.
- “Vì các nhà này được xây bằng con tim chứ không phải bằng tiền bạc. Người ta có thể đổ hàng triệu mà không đạt được thành quả như thế nầy đâu”- Lời của ông Tỉnh trưởng nói với ông Phó Tỉnh trưởng. (Xem Annales des FMM tháng 7.1959).
- Nữ tu Carmel Duran làm Hiệu trưởng. Một thầy giáo “trụ cột” ở đây là một bệnh nhân phong 29 tuổi, nguyên là một cử nhân khoa học, được học bổng du học ở Đức. Anh chưa xuất ngoại thì bệnh phong xuất hiện nơi anh. Anh tìm đến Qui Hòa và được chữa lành. Anh ở lại Qui Hòa phục vụ với vốn kiến thức anh đang có.
- Chung Nhi, Báo Gia Đình và Xã Hội, số 19, ngày 05.3.2002.
- – Thời gian nầy theo bài viết của Bs. Trần Hữu Ngoạn trong Kỷ yếu Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ mừng 70 năm hiện diện tại Việt Nam, tr. 199.
– Theo https://bvquyhoa.vn/so-luoc-su-hinh-thanh-va-phat-trien-benh-vien-phong-da-lieu-quy-hoa/
thì Bs. Trần Hữu Ngoạn làm Giám đốc từ năm 1985-1994.
– Theo https://vi.wikipedia.org/ thì Bs. Trần Hữu Ngoạn làm Giám đốc từ tháng 5 năm 1984 đến tháng 5 năm 1994.
- Kỷ yếu Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ mừng 70 năm hiện diện tại Việt Nam, tr. 199.
- Nước Mặn ngày nay thuộc thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
- Xem Mémorial Mission de Quinhon, Imp. Làng Sông, Mai 1924, trang 67-69.
- Xem Mémorial, sđd, Juin 1927, trang 64-68; Juillet 1927, trang 74-82.
- Xem Mémorial , sđd, Oct. 1911, trang 106-111.
- Xem Mémorial, sđd, Nov. 1911, tr. 116 -121
- Xem: Phạm Hùng Dũng, Thành ngữ biểu hiện ý nghĩa cực cấp trong tiếng Việt, Tạp chí Khoa học ĐHSP TP.HCM số 9 năm 2006, trang132-140. Ý nghĩa cực cấp trong tiếng Việt và tiếng Anh , Ngôn ngữ & Đời sống 9 (179)-2010, trang 22-30.
- Mgr Van Camelbeke, AMEP. Rapport annuel des évêques, 1891.
- Xem Mémorial, sđd, Août – Sept. 1927, trang 106-109.
- Thân sinh của cha Chương Quảng Ngãi
- Lần đầu tiên tên ‘Nam-Rinh’ được thấy ghi trong tiểu sử cha Dubulle. Trước đó, trong các bản báo cáo và tiểu sử các thừa sai đều ghi ‘Xóm Nam’. Kể từ đây tên gọi Nam Bình được thay cho tên gọi Xóm Nam.
- Mémorial Mission de Qui Nhơn, tháng 04/1907. trang 34
- Société Indochinoise D’études Et Construction.
- Nay thuộc thôn Đại Ân, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
- Xem AMEP. Notice biographique 2304. https://irfa.paris/missionnaire/2304-tardieu-augustin/