ĐỨC TIN ĐẾN RỒI ĐI
Tuyên xưng đức tin về mặt tri thức là một chuyện, nhưng tuyên xưng chuyện đó trong đời sống của mình lại là một chuyện khác.
Rumi, nhà thần nghiệm Sufi và thi sĩ người Ba Tư ở thế kỷ 13 từng nói đức tin chuyển động trong đời chúng ta: Chúng ta sống trong một bí mật thâm sâu mà đôi khi chúng ta biết, rồi không biết, rồi lại biết.
Nhà báo David Brooks cũng nói tương tự. Trong quyển sách Ngọn núi thứ hai (The Second Mountain), ông chia sẻ về cách mình cố sống vừa đức tin kitô giáo vừa đức tin do thái giáo. Ông cho biết gần như lúc nào cũng hiệu quả. Xét cho cùng, Chúa Giêsu đã thử chuyện này rồi. Tuy nhiên có một câu hỏi khó mà thỉnh thoảng ông bị đặt ra là: Ông có tin vào sự phục sinh của Chúa Giêsu, tin rằng thân thể Chúa Giêsu ba ngày sau khi chịu đóng đinh đã ra khỏi mồ không? Ông đã trả lời: “Niềm tin đó đến rồi đi. Kẻ đi giữa lằn ranh như tôi vẫn còn mạnh lắm”.
Nếu hầu hết chúng ta, những người nhận mình là tín hữu kitô chân thành, thì tôi nghĩ chúng ta cũng sẽ trả lời như vậy cho câu hỏi thực tế về việc Chúa Giêsu phục sinh. Chúng ta có tin chuyện đó đã thực sự xảy ra không? Niềm tin đó đến rồi đi. Có lẽ không phải về mặt tri thức, nhưng về mặt hiện sinh.
Tuyên xưng đức tin về mặt tri thức là một chuyện, nhưng tuyên xưng chuyện đó trong đời sống của mình lại là một chuyện khác. Chính Chúa Giêsu đã đưa ra sự phân biệt này trong dụ ngôn về người cha có hai con trai và ông bảo chúng ra đồng làm việc. Người con cả thưa vâng, nhưng không đi. Người con thứ bảo không, nhưng cuối cùng lại đi. Vậy, chính Chúa Giêsu hỏi, trong hai người, ai là đứa con đích thực?
Câu trả lời của Brooks bao gồm cả hai, kiểu một người đi giữa hai lằn ranh. Sự thật, chúng ta là cả hai người con đó, nói có rồi lại nói không, rồi lại nói có lại. John Shea, khi bình luận về sự thăng trầm của các môn đệ đầu tiên của Chúa và sự dao động của họ giữa nhiệt tâm theo Chúa và từ bỏ giấc mơ đức tin của mình, ông gọi đây là cuộc đấu tranh (đối với họ và với chúng ta) giữa lời mời gọi thần thánh và phản ứng của con người, giữa một quả quyết vô cùng và một dao động lớn lao.
Và không đâu cho chúng ta thấy rõ ràng hơn là cách chúng ta dao động giữa liệu mình có thật sự tin vào lời mời gọi trọng tâm của kitô giáo dành cho tất cả mọi người, cụ thể là chúng ta có xem trọng sự phục sinh của Chúa Giêsu đủ để thật sự tái định hình bản thân, tái định hình ý nghĩa cuộc đời và biến đó thành một lăng kính để định hình cách chúng ta sống hay không? Liệu chúng ta có tin đủ mạnh vào sự phục sinh của Chúa Giêsu để đưa ra những quyết định liều lĩnh triệt để và bất chấp thường thức trong đời mình không? Nếu chúng ta thật sự tin Chúa Giêsu đã phục sinh, thì nó phải tái định hình đời sống chúng ta.
Tôi chắc chắn rằng, hầu hết chúng ta đều quen thuộc với câu nói trứ danh của thánh Julian thành Norwich. Khi suy ngẫm về ý nghĩa của sự phục sinh của Chúa Giêsu, ngài nói, nếu đúng là thế, nếu Chúa Giêsu thật sự sống lại từ cõi chết, nếu Thiên Chúa thật sự cho một người chết từ mồ trỗi dậy, vậy thì chúng ta có sự bảo đảm tuyệt đối (và đi kèm là sự tự tin) để tin rằng “Cuối cùng, tất cả sẽ tốt đẹp, và tất cả sẽ tốt đẹp, mọi sinh linh sẽ tốt đẹp”.
Phương trình của ngài đúng, nếu sự phục sinh thật sự đã xảy ra, thì những chuyện tiếp theo, cái kết cho câu chuyện đời chúng ta và thế giới đã được viết sẵn rồi, và chúng ta được bảo đảm tuyệt đối rằng đó là một cái kết có hậu.
Nhưng chúng ta có tin như vậy không? Với đa số chúng ta, nếu thành thật như David Brooks, thì câu trả lời hiện sinh của chúng ta cũng sẽ như ông: niềm tin đó đến rồi đi. Cứ cho là thừa nhận như vậy là khiêm nhượng, nhưng sự thừa nhận đó có thể giải thoát chúng ta khỏi sự trốn tránh, giúp chúng ta hiểu hơn về động lực của đức tin, và hướng chúng ta đến nơi chúng ta cần đến trong hành trình hoán cải tiếp diễn.
Có lần ở một hội nghị tôn giáo nọ, tôi nghe câu này từ một diễn giả chính, một phụ nữ như Dorothy Day, đã làm việc với người nghèo trên đường phố nhiều năm. Cụ thể bà nói: “Tôi là tín hữu kitô và tôi làm việc trên đường phố với người nghèo. Xét cho cùng, Chúa Giêsu là lý do để tôi làm việc này. Nhưng tôi có thể làm việc trên đường phố nhiều năm mà không nhắc đến danh Chúa Kitô vì tôi tin rằng Thiên Chúa đủ trưởng thành để không đòi hỏi phải luôn mãi là trọng tâm sự chú tâm có ý thức của chúng ta”. Bạn có thể hình dung nhận định này gặp phải nhiều phản ứng trái chiều.
Nhưng xét cho cùng, bà nói đúng, và điều mà bà chia sẻ không phải là kiểu hàng hai không lành mạnh, cũng không phải kiểu trải nghiệm của Brooks và Rumi về cách đức tin chuyển động trong đời sống hiện sinh. Niềm tin đó đến rồi đi. Điều mà bà chia sẻ có thể giúp chúng ta giải thoát khỏi mặc cảm tội lỗi sai lầm mà chúng ta cảm nhận khi đức tin dường như phải ra đi và chúng ta cảm thấy hiện thực trần gian của đời mình quá hữu hình và hiện sinh đến nỗi trong khoảnh khắc đó dường như chúng ta không biết bí mật của đức tin và có vẻ dao động trước một bảo đảm vô cùng. Niềm tin đó đến rồi đi. Quả vậy. Chúng ta sống trong một bí mật thâm sâu mà đôi khi chúng ta biết, rồi không biết, rồi lại biết.
Ronald Rolheiser
J.B. Thái Hòa dịch