Phụng vụSuy niệm ngày thường

CHIÊM NGẮM ĐẤNG ĐỨNG KỀ BÊN THẬP GIÁ

CHIÊM NGẮM ĐẤNG ĐỨNG KỀ BÊN THẬP GIÁ

Sự liên kết của Mẹ với Đức Kitô trong công cuộc cứu độ, được biểu lộ từ lúc: Mẹ thụ
thai Chúa, cho đến lúc, Chúa chịu chết trên Thập Giá. Biến cố Truyền Tin đánh dấu một khởi
đầu; biến cố Thập Giá báo hiệu một kết thúc: Lời Truyền Tin thứ nhất do sứ thần đem đến:
báo cho Mẹ biết: Mẹ sẽ làm Mẹ Thiên Chúa; lời Truyền Tin thứ hai do chính Ngôi Lời Thiên
Chúa trăn trối cho Mẹ biết: Mẹ sẽ làm Mẹ Hội Thánh, Mẹ của toàn thể nhân loại. Do đó, Mẹ
luôn đồng hành với chúng ta trong cuộc lữ hành đức tin: từ khởi sự cho đến hoàn thành.
Vào những giây phút khởi đầu của biến cố Nhập Thể, Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa;
vào những giờ phút cuối cùng của biến cố Thập Giá, Mẹ đã trở thành Mẹ Hội Thánh, Mẹ của
toàn thể loài người. Trong Mầu Nhiệm Truyền Tin, Mẹ đã trao dâng cung lòng trinh trong
cho Con Thiên Chúa ngự vào; nơi Mầu Nhiệm Thập Giá, Mẹ đón nhận toàn thể nhân loại vào
trong tâm hồn. Trong Vườn Địa Đàng, bên cây Trái Cấm, bà Evà đã đánh mất quyền làm mẹ
chúng sinh; trên đồi Canvê, dưới chân Thánh Giá, Mẹ đón nhận quyền làm Mẹ của toàn thể
nhân loại. Ước gì chúng ta cũng biết bắt chước Mẹ: bước đi cùng với Đức Kitô từ khởi đầu,
cho đến lúc, kết thúc dưới chân Thập Giá.
Vì hoàn toàn tin tưởng vào Chúa, nên Mẹ hoàn toàn bình tâm trước mọi thử thách.
Không gì có thể ràng buộc Mẹ, ngoài một mình Chúa là tự do của đời Mẹ. Vì hoàn toàn tin
tưởng, nên Mẹ hoàn toàn hạnh phúc, và được gọi là Đấng Toàn Phúc. Mẹ thật sự có buồn rầu,
nhưng không phải buồn rầu cho mình, mà cho số kiếp tội nhân. Mẹ thật sự có đau lòng,
nhưng không phải đau lòng cho mình, mà đau nỗi đau của Đức Giêsu trước sự cố chấp của
loài người chúng ta. Trong cuộc sống, sẽ có biết bao điều chúng ta không thể nào hiểu được,
thậm chí, có những điều vô lý, trái ý nghịch lòng. Ước gì chúng ta có được một đức tin vững
mạnh để đón nhận Thánh Ý Chúa, ngay cả khi, chúng ta không thể nào hiểu được. Ước gì
chúng ta biết tin tưởng, phó thác cuộc đời trong tay Mẹ, như Mẹ vẫn hằng luôn tin tưởng,
buông mình trong tay Thiên Chúa toàn năng.
Trong cuộc sốnng, chúng ta sẽ gặp nhiều thử thách về niềm trông cậy: có những điều
quá buồn, sẽ làm tinh thần chúng ta suy sụp; có những cái quá cực, sẽ làm chúng ta ngã quỵ;
có những thứ quá đau, sẽ làm chúng ta điêu đứng; có những việc quá lo, sẽ làm chúng ta chán
nản; có những tình cảnh quá đáng sợ, sẽ làm chúng ta bồn chồn thao thức… Mẹ cũng đã từng
trải qua những điều quá buồn, quá cực, quá đau lòng, và quá đáng sợ. Thế nhưng, Mẹ đã cậy
trông vào Thiên Chúa để sẵn lòng đón nhận tất cả và hiến dâng tất cả cùng với Con của Mẹ,
để đem ơn cứu độ đến cho loài người chúng ta. Xin Mẹ cho chúng ta có được một Đức Cậy
vững vàng, để bền đỗ đến cùng trên cuộc lữ hành đức tin này.
Sự hiện diện đầy can đảm của Mẹ dưới chân Thập Giá cũng gợi lên cho chúng ta biết
bao khổ đau của phận người. Bóng thập giá bao phủ khắp nơi, khổ đau không miễn trừ bất cứ
một người nào. Ước gì chúng ta biết cùng với Mẹ, đứng dưới chân Thập Giá, để chúng ta
cũng cảm nhận được bao nỗi khổ đau của những người xung quanh, và để chúng ta cảm nhận
được một sự sống mới mà Đức Kitô đã mang lại cho loài người chúng ta. Xin cho chúng ta
luôn can đảm đón nhận và vượt qua mọi trở ngại, để vững bước trên hànhh trình đức tin với
nhiều thử thách, cam go.
Dưới chân thập giá, Mẹ sầu bi, nhưng Mẹ vẫn đứng vững, chứ không ngã qụy. Dưới
chân thập giá, Mẹ vẫn im lặng, sự thinh lặng đầy can đảm thấu tận trời cao: Không một tiếng
rên la, than vãn, nhưng là một sự hiệp thông sâu xa để chuyển thành ơn cứu độ cho toàn thể
nhân loại chúng ta. Dưới chân thập giá, Mẹ đã trở thành Mẹ của tất cả nhân loại. Vì thế, Mẹ

luôn đứng bên cạnh tất cả chúng ta, nhất là, trong những thời điểm đen tối nhất của cuộc
sống. Ước gì chúng ta luôn vững vàng, vì biết rằng: Mẹ luôn âm thầm chia sẻ và chịu đựng
nỗi đau khổ của từng người chúng ta như thể của riêng Mẹ.
Nhìn ngắm Mẹ dưới chân Thập Giá, chúng ta nhận ra một gương mẫu đức tin tuyệt
hảo: Mẹ được gọi là Đấng Đầy Ơn Phúc, nhưng chẳng thấy phúc, chỉ thấy họa. Là người có
Thiên Chúa ở cùng, nhưng chỉ thấy khốn khó và đau thương. Được bà Isave tuyên xưng là
Mẹ Thiên Chúa, nhưng thực tế trước mắt người Dothái, Mẹ chỉ là mẹ của một tên gian phi.
Mẹ được ơn vô nhiễm và trọn đời đồng trinh, nhưng những hậu quả mẹ gánh chịu như là một
người tội lỗi, vì đối với người đời, không có nhân thì sao lại có quả. Ước gì chúng ta biết noi
theo lòng tin của Mẹ, bởi vì, nếu chúng ta muốn hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa trong
cuộc đời chúng ta, thì chúng ta phải có một đức tin ngày càng lớn mạnh: Sẽ không có gì cho
ngày mai, nếu đức tin không sáng lên từ hôm nay. Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!