Ai là chủ, bình sành hay thợ gốm?
Dòng lịch sử cho thấy hiện tượng đời sống tâm linh là nét riêng của loài người. Theo chiều kích này thì người ta có thể nói con người là sinh vật có “tín ngưỡng – tôn giáo”. Vào thời đại sơ khai, khi đối diện với các mãnh lực của thiên nhiên thì con người ít nhiều mặc lấy sợ hãi. Vì thế đã nảy sinh nhiều hình thức kính tôn, sùng bái bằng các lễ vật dâng tạ, có khi bằng cả mạng sống con người. Bên cạnh đó, việc xây đền đài, tạc tượng ảnh thần minh cũng dần phát sinh. Chuyện gì đến rồi sẽ đến. Có lễ vật lấy lòng thần minh thì muốn chiếm luôn lòng của thần đã hưởng lộc của mình. Tạc tượng ảnh thần minh và xây đền cho thần ngự thì lại dần muốn “nhốt” thần, sở hữu thần và điều khiển thần.
Chước cám dỗ này hiện rõ trong lịch sử dân được tuyển chọn, Israel. Khi Môsê lên núi thì dân đã yêu cầu Aaron tạc tượng con bê vàng. Không phải Dân Chúa đang tâm bỏ Chúa mà đi thờ bò vàng. Thực ra họ muốn làm một cái ngai để Thiên Chúa ngự. Thiên Chúa đã ngự trên cái ngai “con bò vàng” này thì họ sẽ nắm giữ được Thiên Chúa, và dĩ nhiên sẽ điều khiển được Người theo ý họ. Sau khi vào hứa địa, Dân Chúa lại sử dụng hòm bia thánh và qua đó muốn buộc Thiên Chúa phải phục vụ cho lợi ích của họ. Hai người con của tư tế Êli là Khópni và Pinkhát dù cũng là hàng tư tế nhưng thiếu phẩm hạnh. Lần kia khi giao chiến với quân Philitinh, hai ông đem hòm bia thánh ra trận, một cách nào đó muốn bắt Thiên Chúa đánh giặc cho mình. Ai ngờ quân Israel hôm ấy thảm bại và mất luôn cả hòm bia thánh vào tay quân Philitinh (x.1Sm 4,1-11).
Chiếc bình sành mà muốn làm chủ người thợ gốm là chước cám dỗ muôn thuở của kiếp người. Là tạo vật thì phải thần phục Đấng Sáng Tạo. Thế mà khi các lễ nghi, kinh kệ ra đời, khi các đền đài được xây, khi các ảnh tượng được làm thì con người dễ lầm tưởng rằng mình đã nắm được các thần minh. Luật Cựu Ước cấm Dân Chúa không được tạc vẽ hình tượng Thiên Chúa là tránh cho dân khỏi rơi vào chước cám dỗ này. Chúa Giêsu đã từng căn dặn là khi cầu nguyện chớ có nhiều lời như dân ngoại vì họ lầm tưởng rằng đọc đủ đầy các kinh kệ thì thần mình phải thực hiện ý nguyện của mình (x.Mt 6,7).
Trong Tin Mừng, câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành cho một người bệnh phong (x.Mc 1,40-45) cho thấy lời van xin của người bệnh với Chúa Giêsu thật đẹp: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch”. “Nếu Ngài muốn”, một lời tuyên xưng đức tin thật rõ ràng. Người bệnh phong nhìn nhận Chúa Giêsu mới thực sự là người chủ có quyền năng và không ai có thể bắt Người làm những gì nếu Người không muốn.
Ranh giới giữa việc xin Chúa ban ơn lành và việc bắt Chúa ban ơn lành quả thật rất mỏng manh. Một lòng đạo đức mà thiếu ý thức và sự trưởng thành thì sự lấn ranh rất dễ xảy ra. Điều đáng cẩn trọng hơn, đó là nhiều tâm tình phó thác những tưởng rằng tốt nhưng thực ra là lỗi “đức trông cậy”, vì thụ động, quá ỷ lại, vì lười biếng hoặc sợ hãi mà chờ hoặc bắt Thiên Chúa phải ra tay. Vẫn có đó nhiều lời than thở như trách cứ: “Tại sao Chúa lại để cho sự dữ lan tràn?”. Nhưng Thiên Chúa sẽ trả lời: “Ta đã dựng nên ngươi. Ngươi là chiếc bình sành. Ta là người thợ gốm. Hãy làm điều Ta muốn!”. st