Phụng vụSuy niệm ngày thường

CHIÊM NGẮM ĐẤNG CHỊU ĐÓNG ĐINH

CHIÊM NGẮM ĐẤNG CHỊU ĐÓNG ĐINH

Từ cạnh sườn bị đâm thâu, với trái tim rộng mở, máu và nước chảy ra khai sinh Hội
Thánh, và 7 nguồn ơn Bí Tích. Do đó, chúng ta phải quay trở về nguồn cội của mình, để kín
múc từ nơi đó: nguồn sức sống dồi dào, và để nghe lại những tiếng lòng thổn thức từ Bảy Lời
Cuối Cùng của Đức Giêsu trên Thánh Giá, được phát ra từ Thánh Tâm rực cháy lửa yêu
thương, tha thứ.
1. Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm. Ngay từ buổi sơ khai, trong
Hội Thánh, đã có ít nhiều rạn nứt, mà thánh Phaolô đã nặng lời quở trách. Trong các thời đại
kế tiếp, phát sinh nhiều phân rẽ trầm trọng hơn, và nhiều cộng đoàn đã ly khai khỏi sự hiệp
thông với Hội Thánh. Những đoạn tuyệt này đã làm tổn thương sự hiệp nhất của Nhiệm Thể
Đức Kitô. Để có thể chữa lành, và hòa giải, chúng ta phải luôn yêu thương, kính trọng, những
anh chị em ly giáo, lạc giáo, và luôn sẵn sàng tha thứ, và đối thoại với bất kỳ cá nhân, cũng
như tập thể nào thường xuyên quấy rối và bách hại Hội Thánh. Mối bận tâm tái lập tình hiệp
nhất là ý nguyện thánh thiện, nhưng, đó lại là điều vượt quá sức lực và khả năng của chúng
ta. Chúng ta phải đặt hết hy vọng vào lời nguyện hiệp nhất của Đức Giêsu, vào tình thương
của Chúa Cha, và vào quyền năng của Chúa Thánh Thần.
2. Quả thật, Ta bảo anh: Hôm nay anh sẽ được ở với Ta trong thiên đàng. Đức Kitô
thánh thiện, tinh tuyền, không hề phạm tội; còn Hội Thánh, vì ôm ấp trong lòng những kẻ tội
lỗi, nên vừa thánh thiện, vừa phải luôn thanh luyện chính mình. Do đó, một mặt chúng ta phải
luôn nỗ lực sám hối và canh tân, mặt khác, chúng ta phải tỏ lòng bao dung, tha thứ, và cảm
thông với các chi thể còn yếu đuối tội lỗi. Trong tất cả mọi người, cỏ lùng tội lỗi còn lẫn lộn
với lúa tốt của Tin Mừng. Vì thế, Hội Thánh cũng quy tụ những con người tội lỗi, đã được
lãnh nhận ơn cứu độ của Đức Kitô, nhưng, vẫn còn đang trên đường thánh hóa. Quả thế, sự
thánh thiện là nguồn mạch bí ẩn và là khuôn vàng thước ngọc cho các hoạt động tông đồ và
nhiệt tình truyền giáo của Hội Thánh. Nơi Ðức Maria, Hội Thánh đã đạt tới sự toàn thiện, trở
nên không vết nhăn, không tì ố, nhưng, về phần chúng ta, chúng ta vẫn còn phải cố gắng
chiến thắng tội lỗi, để tiến lên trên con đường thánh thiện.
3. Thưa Bà, đây là con Bà – Đây là Mẹ của con. Sự liên kết của Mẹ với Đức Kitô
trong công cuộc cứu độ, được biểu lộ từ lúc: Mẹ thụ thai Chúa, cho đến lúc, Người chịu chết
trên Thập Giá. Biến cố Truyền Tin đánh dấu một khởi đầu; biến cố Thánh Giá báo hiệu một
kết thúc: Lời Truyền Tin thứ nhất do sứ thần đem đến: báo cho Mẹ biết: Mẹ sẽ làm Mẹ Thiên
Chúa; lời Truyền Tin thứ hai do chính Ngôi Lời Thiên Chúa trăn trối cho Mẹ biết: Mẹ sẽ làm
Mẹ Hội Thánh, Mẹ của toàn thể nhân loại. Vào những giây phút khởi đầu của biến cố Nhập
Thể, Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa; vào những giờ phút cuối cùng của biến cố Thập Giá, Mẹ
đã trở thành Mẹ Hội Thánh, Mẹ của toàn thể loài người. Trong Mầu Nhiệm Truyền Tin, Mẹ
đã trao dâng cung lòng trinh trong cho Con Thiên Chúa ngự vào; nơi Mầu Nhiệm Thập Giá,
Mẹ đón nhận toàn thể nhân loại vào trong tâm hồn. Trong Vườn Địa Đàng, bên cây Trái
Cấm, bà Evà đã đánh mất quyền làm mẹ chúng sinh; trên đồi Canvê, dưới chân Thánh Giá,
Mẹ đón nhận quyền làm Mẹ của toàn thể nhân loại. Ước gì chúng ta biết bắt chước Mẹ: bước
đi cùng với Đức Kitô từ khởi đầu cho đến lúc kết thúc dưới chân Thập Giá.
4. Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài nỡ bỏ rơi con! Khi cử chính Con
Một đến trong thân phận tôi đòi, thân phận loài người sa đọa và phải chết vì tội lỗi, Thiên
Chúa vì loài người chúng ta, đã coi Ðức Kitô, Ðấng không hề biết tội là gì, như hiện thân của
tội lỗi, để trong Người, chúng ta được trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Vì không hề
phạm tội, Ðức Giêsu không bao giờ bị Thiên Chúa ruồng bỏ, nhưng, vì Ðức Giêsu đã đón

2

nhận chúng ta trong tình yêu cứu chuộc và liên kết Người với chúng ta, cho đến độ: Người
xem như bị tách lìa khỏi Thiên Chúa vì tội lỗi của chúng ta, nên Người thay chúng ta mà thốt
lên: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài nỡ bỏ rơi con!”. Mầu nhiệm thập giá
đã cho thấy tình yêu tự hiến của Thiên Chúa dành cho loài người chúng ta: Người đã chẳng
dung tha, nhưng đã trao nộp chính Con Một của Người vì hết thảy chúng ta, để chúng ta được
hòa giải với Người, nhờ cái chết của Con Một Người.
5. Ta khát. Bởi vì, Hội Thánh là bí tích cứu độ của Thiên Chúa, nên Hội Thánh phải
có nghĩa vụ mang ơn cứu độ đến cho tất cả mọi người. Nỗi khắc khoải mang ơn cứu độ đến
cho tất cả mọi người, bắt nguồn từ chính tình yêu vĩnh cửu của Ba Ngôi Chí Thánh. Nghĩa là,
từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, theo ý định của Chúa Cha. Ước gì Hội
Thánh luôn ghi nhớ: Mục đích tối hậu của Hội Thánh là làm cho mọi người được hưởng ơn
cứu độ. Ước gì Hội Thánh biết noi gương Đức Kitô, Đấng đã thực hiện công trình cứu độ của
mình trong nghèo khó và bị bách hại, để rồi, Hội Thánh cũng được mời gọi dấn bước trên con
đường ấy: mang những thành quả của ơn cứu độ đến cho mọi người. Chúng ta nhận thấy: có
một khoảng cách giữa sứ mạng của Hội Thánh và sự yếu hèn của những con người được ủy
thác cho sứ mạng đó. Chỉ trên con đường sám hối, canh tân, và qua cửa hẹp Thập Giá, Hội
Thánh mới có thể chu toàn sứ mạng: mang ơn cứu độ đến cho tất cả mọi người.
6. Mọi sự đã được hoàn tất. Khi Chúa Con hoàn tất công trình Chúa Cha trao phó cho
Người ở trần gian, Chúa Thánh Thần được cử đến trong ngày lễ Ngũ Tuần, để thánh hoá Hội
Thánh luôn mãi. Bấy giờ, Hội Thánh được công khai giới thiệu cho nhân loại, và Tin Mừng
bắt đầu được rao giảng cho muôn dân. Bởi Hội Thánh là cuộc “triệu tập” tất cả mọi người để
hưởng ơn cứu độ, nên Hội Thánh tự bản chất là “sứ mạng”, được Đức Kitô cử đến với muôn
dân, để làm cho tất cả mọi người trở thành môn đệ. Để giúp Hội Thánh thi hành và hoàn tất
sứ mạng của mình, Chúa Thánh Thần đã trang bị và điều khiển Hội Thánh bằng nhiều ân huệ
phẩm trật và các đặc sủng khác nhau. Ước gì Hội Thánh biết chăm chú trung thành để hoàn
tất sứ mạng của mình, với lòng bác ái, và khiêm nhường, ngõ hầu, Nước Thiên Chúa được
thiết lập nơi mọi dân tộc, và để Hội Thánh trở thành mầm mống và khai nguyên của Nước
Chúa trên trần gian này.
7. Lạy Cha, con xin phó thác: linh hồn con trong tay Cha. Ý Cha được thực hiện
trọn vẹn và một lần dứt khoát trong Ðức Kitô và qua ý muốn nhân loại của Người. Khi vào
trần gian, Ðức Kitô nói: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Trong giờ
hấp hối, Người cũng hoàn toàn vâng phục ý Cha: Xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý
Cha, và khi hoàn tất công việc mà Chúa Cha trao phó, Người đã hoàn toàn phó thác linh hồn
trong tay Chúa Cha. Ðức Giêsu, dù là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ
mới học được thế nào là vâng phục, phương chi chúng ta là những thụ tạo và là tội nhân.
Ước gì ý muốn của chúng ta được nên một với ý muốn của Chúa Cha. Về việc này, chúng ta
hoàn toàn bất lực, nhưng, nhờ kết hiệp với Ðức Giêsu và nhờ quyền năng của Chúa Thánh
Thần, chúng ta có thể nên một lòng một ý với Người.
Nếu không có Thánh Giá, thì Đức Kitô đã không bị đóng đinh, máu cùng nước thanh
tẩy thế giới cũng không vọt ra từ bên sườn Người, văn khế tội nợ cũng không bị xé. Thánh
Giá vừa là đau khổ, vừa là chiến tích của Thiên Chúa. Là đau khổ, bởi vì, Người đã tự
nguyện chết trên đó; là chiến tích, bởi vì, ma quỷ đã bị trọng thương và bị đánh bại ở đó, thần
chết cũng đã bị thua cùng với nó; then sắt hỏa ngục bị đập tan và Thánh Giá trở thành nguồn
ơn cứu độ cho toàn thế giới. Thánh Giá là vinh quang của Đức Kitô, Thánh Giá nâng Người
lên cao. Thánh giá là chén đắng Người khát khao, là bản thâu tóm mọi cực hình Người đã
chịu vì chúng ta. Ước gì chúng ta luôn biết nhìn lên Thánh Giá Chúa, học lấy sự khôn ngoan

3

từ Thánh Giá, để tất cả những gì chúng ta làm đều mang những thương tích tình yêu của
Đấng đã yêu thương và hiến mạng vì chúng ta. Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!