ĂN CHAY LÀ KHỔ HẠNH?…
Con người hiện đại, ngoài một số ít ăn chay do nhận thức về vấn đề môi trường (ô nhiễm do chăn nuôi), còn hầu hết “thành tâm” ăn chay là do vấn đề …sức khỏe.
#- Ăn chay vì lý do tôn giáo
Ăn chay vì lý do tôn giáo đã có từ ngàn xưa. Mỗi tôn giáo có mục đích về ăn chay, và quy định riêng tùy theo tôn giáo.
Các tu sĩ Phật giáo hay Phật tử trai trường ăn chay với tâm nguyện rõ rệt. Ăn chay để tránh sát sanh, dứt lòng tham trần tục, để thân tâm được nhẹ nhàng thực hành trên đường tu.
Bên đạo Công giáo, ăn chay thoải mái hơn, chỉ phải kiêng thịt, còn trứng sữa tôm cá nghêu sò ốc hến thì …vô tư. Nhưng lạt mềm buộc chặt, một ngày hai bữa, chỉ được ăn một bữa no, hai bữa kia ăn đói. “Ăn chay” theo Công Giáo, hiểu là “ăn kiêng” thì đúng hơn. Một năm vài ngày ăn tiết chế lại để tưởng nhớ sự khổ nạn của Chúa, để chia sẻ với người nghèo khó…
Thằng bạn tôi theo đạo Chúa than thở “Nhiều khi bận việc từ sáng đến chiều không nhét cái gì vô bụng cũng chẳng sao, nhưng cứ đến ngày chay, là thấy đói ngay từ sáng sớm”.
Dù là ăn chay theo tôn giáo nào đi nữa, đều có những giá trị riêng mà chỉ những tín đồ đứng trong niềm tin đó thấu hiểu.
#- Ăn chay vì lý do sức khỏe
Nhưng mấy ông Tây bà đầm thời nay bỗng nhiên ùn ùn ăn chay mới là chuyện đáng nói.
Con người hiện đại, ngoài một số ít ăn chay do nhận thức về vấn đề môi trường (ô nhiễm do chăn nuôi), còn hầu hết “thành tâm” ăn chay là do vấn đề …sức khỏe.
Thống kê cho biết, 43% nhân loại ngày nay đang giảm ăn thịt, trong số này 51% là qúy bà, 31% là quý ông, còn lại là trẻ em. Ước tính có khoảng 5% dân Mỹ và Anh ăn chay thường xuyên, nhưng ăn chay theo kiểu gì thì không thấy nói tới.
Một thăm dò của công ty Harris Interactive (Hoa Kỳ) cho biết, khoảng 6-8 triệu người Mỹ không ăn thịt cá và thịt gia cầm. Chỉ khoảng 2 triệu người không chỉ bỏ thịt mà còn bỏ luôn những thứ liên quan tới động vật như trứng , sữa, bơ, phó mát,..
#- Cấp độ ăn chay
Tây phương phân loại thành 6 cấp độ ăn chay, từ dễ tới khó theo thứ tự từ trên xuống:
1- Không ăn thịt đỏ như thịt heo, bò, cừu,…(semi vegetarian), nhưng có thể ăn thủy hải sản, gà, vịt và thủy sản, trứng sữa,…
2- Không ăn thịt (pesco-vegetarian), nhưng có thể ăn thủy sản, trứng, sữa,..
3- Không ăn thịt và thủy sản (lacto-ovo vegetarian), nhưng có thể ăn trứng và sữa.
4- Không ăn thịt, thủy sản và các sản phẩm từ sữa (ovo-vegetarian), nhưng có thể ăn trứng.
5- Không ăn thịt, thủy sản và trứng (lacto -vegetarian), nhưng có thể ăn sản phẩm từ sữa (bơ, phó mát,…).
6- Không ăn bất cứ thứ gì có nguồn gốc từ động vật (vegan-vegetarian), nghãi là ăn chay tuyệt đối.
#- Ăn chay- rủi ro bệnh mãn tính thấp hơn, nhưng có điều kiện
Điều kiện đó là, khẩu phần ăn thích hợp, hay nói khác khác, ăn uống cân bằng.
Những nghiên cứu gần đây cho thấy, chế độ ăn nhiều thịt đỏ có liên quan đến việc gia tăng chứng béo phì, ung thư đại tràng và tim mạch. Tỉ lệ rủi ro trên lại thấp hơn ở những người ăn chay.
Theo Hiệp hội Ăn kiêng Hoa Kỳ (American Dietetic Association), ăn chay tương đối hay tuyệt đối đều có lợi cho việc giảm rủi ro các bệnh mãn tính, với điều kiện khẩu phần ăn phải thích hợp. Chẳng hạn, dù không ăn thịt, nhưng tiêu thụ quá nhiều thực phẩm gốc thực vật như bánh kẹo, nước ngọt có gas,… thì rủi ro béo phì, tim mạch chẳng những không giảm mà còn tăng.
Nên hiểu cho đúng là, ăn chay hay không ăn chay đều có thể bị rủi ro tim mạch, béo phì,.. nhưng ăn chay với khẩu phần cân bằng thì rủi ro thấp hơn.
Thế còn những người ăn mặn, nhưng với khẩu phần cân bằng thì sao? Chưa có nghiên cứu nào đối chiếu giữa hai đối tượng ăn uống cân bằng này.
#- Đôi chút trở ngại với ăn chay tuyệt đối
Những người ăn chay tuyệt đối đa số là các bậc tu hành, hoặc những người tu tại gia. Trở ngại đôi chút về dinh dưỡng là điều có thể vì tiêu thụ thuần túy thức ăn gốc thực vật trường kỳ… Xin gợi ý một chút về vấn đề này.
– Protein của người không chỉ là da thịt, là cơ bắp, mà quan trọng hơn protein còn là các enzyme, hormones…Thiếu mấy thứ này thì sức khỏe sẽ kém, sức đề kháng bệnh tật cũng kém. Các loại acid amin sẽ cấu tạo thành protein, trong đó có 9 loại acid amin thiết yếu, là những acid amin mà cơ thể không thể tổng hợp, phải lấy từ nguồn thực phẩm. Ăn chay tuyệt đối thì nguồn protein chủ yếu đến từ các loại đậu. Trừ đậu nành, các loại đậu khác đều không đủ 9 loại acid amin thiết yếu. Đậu này thiếu loại acid amin kia, đậu kia lại thiếu loại acid amin này. Do đó nên ăn đủ loại đậu, nay đậu này, mai đậu khác để có đủ loại acid amin thiết yếu.
– Acid béo omega-3 loại DHA và EPA, hầu như không có trong rau củ quả. DHA và EPA cần thiết cho sức khỏe của não, thần kinh, mắt và các vấn đề tim mạch. Có thể bổ sung loại chất béo này bằng cách thỉnh thoảng ăn rong biển.
– Vitamin B12: có nhiều trong thịt, gan động vật, nhưng ít có trong thực vật. Thiếu vitamin B12 có thể gây rối loạn hệ miễn dịch. Một vài loại rau quả chứa vitamin B12 dù không nhiều như cải bó xôi, rau dề, nấm hương, ngũ cốc nguyên cám.
– Khoáng sắt: Thiếu sắt gây thiếu máu do sắt. Sắt trong thực vật chủ yếu là sắt vô cơ, nên hấp thu kém. Nên ăn cùng với các loại trái cây giàu vitamin C như ổi, cam, chanh, bưởi để cải thiện hấp thu khoáng sắt.
#- Ăn chay tài tử
Ăn chay tài tử được hiểu là những người thỉnh thoảng cao hứng ăn chay cho lành mạnh. Cũng có nhiều ông đôi khi bị “nội nhân” ép ăn chay vì lý do nào đó.
Loại bỏ thói quen ăn thịt đâu phải chuyện dễ, một khi động cơ ăn chay chẳng liên quan gì đến đạo đức hay tôn giáo, thì tội vạ gì phải ép xác khổ hạnh. Con giun xéo mãi cũng oằn! Khi động lòng trần, mấy ông chồng cũng phản ứng và quay về với thịt, nhưng chỉ đôi khi thôi, và họ ngầm thỏa thuận với nhau, nên giảm bớt thịt hơn là bỏ hẳn. Đó là tâm sự của những quý ông bên Tây mà tôi đọc được trên mạng xã hội.
Một khảo sát thú vị mới đây ở Anh Quốc đặt câu hỏi thăm dò, nếu tận thế sắp tới, bạn sẽ làm gì trong 60 phút cuối đời mình. Người thì muốn nói chuyện với người thân, kẻ muốn sex, hay một ly champagne, nhưng có 2% cho biết họ sẽ ăn món ăn ngậy mỡ mà bình thường họ phải kiêng. Loại bỏ món khoái khẩu cũng dễ bị stress lắm chứ đâu phải chơi.
Ngoại trừ ăn chay vì lý do tôn giáo, còn ăn chay ngủ mặn, hay ăn mặn ngủ chay cũng chỉ là xu hướng thời đại thôi. Vấn đề là khẩu phần ăn cân bằng thích hợp.
VŨ THẾ THÀNH trích từ bộ sách “Ăn để sướng hay ăn để sợ?”