Bài giảng trong Thánh lễ: Khía cạnh pháp lý và mục vụ
MỞ ĐẦU
Trong Giáo Hội có nhiều văn kiện đề cập đến việc rao giảng Lời Chúa mà đặc biệt là giảng trong thánh lễ. Trong tông huấn Evangelii Gaudium (24.11.2013) Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bàn khá nhiều về bài giảng và đây được xem như sự tổng hợp quan trọng có hệ thống về vấn đề giảng lễ[1]. Không lâu sau đó Bộ Phụng tự và Kỷ luật các bí tích cũng ra văn kiện «Homiletic Directory – Kim Chỉ nam Giảng lễ» do Đức Hồng Y bộ trưởng Antonio Cañizares Llovera ký ngày 29.6.2014 và được Nhà xuất bản Vatican phát hành vào 2015. Ngoài tông huấn Evangelii Gaudium, Kim chỉ Nam giảng lễ đã sử dụng rất nhiều nguồn tài liệu khác nhau đề cập đến bài giảng[2], chẳng hạn văn kiện Sacrosanctum Concilium và Dei Verbum của Công đồng Vaticanô II, Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, Ordo Lectionum Missae, Praenotanda (Dẫn nhập sách Bài đọc Thánh lễ, 1981), Institutio Generalis Missalis Romani (Quy Chế Sách Lễ Rôma, 2000), hai tông huấn của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI: Bí tích tình yêu Sacramentum Caritatis (22.2.2007) và Lời của Thiên Chúa Verbum Domini (30.9.2010).
Bài giảng trong thánh lễ luôn là mối bận tâm của người tín hữu. Không chỉ các Giám mục, linh mục hay phó tế mà người giáo dân cũng chú ý nhiều đến chất lượng bài giảng lễ. Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét rằng: «Chúng ta biết các tín hữu rất coi trọng bài giảng, và cả các tín hữu lẫn các thừa tác viên có chức thánh đều khổ sở vì các bài giảng: giáo dân vì phải nghe các bài giảng, còn các giáo sĩ vì phải giảng bài!»[3]. Giảng lễ là điều mà hầu hết chính linh mục đều thừa nhận “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Tuy nhiên không thể không nói vì đó là một bổn phận chính yếu gắn liền với chức thánh mà các giáo sĩ đã lãnh nhận và là quyền lợi của người tín hữu.
Chỉ cần nhìn thoáng qua một số văn kiện được “Kim chỉ nam Giảng lễ” sử dụng, chúng ta cũng phần nào thấy được giảng lễ là một vấn đề rộng lớn và phong phú về nhiều phương diện. Ở đây chúng ta chỉ xét vấn đề giảng lễ theo khía cạnh pháp lý với đôi điều nhận xét về mục vụ. Bài giảng lễ là một hình thức của giảng thuyết. Bởi vậy trước tiên chúng ta sẽ tìm hiều về bổn phận và quyền giảng thuyết nói chung, rồi sau đó sẽ đề cập vấn đề bài giảng trong thánh lễ với những nét đặc trưng của nó.
- Giảng thuyết (praedicatio)
1.1. Ý nghĩa từ ngữ
Giáo Hội có nhiều phương thế khác nhau để thực thi nhiệm vụ giáo huấn của mình (Quyển III của bộ giáo luật): rao giảng Lời Chúa và huấn giáo; các hoạt động truyền giáo; hệ thống giáo dục công giáo (trường học, đại học, học viện công giáo); phương tiện truyền thông và sách báo. Trong những phương thế đó thì việc rao giảng Lời Chúa mà nói chung là giảng thuyết (praedicatio) và huấn giáo (catechetica institutio) được đặt lên hàng ưu tiên (điều 761).
Giảng thuyết nói ở đây là một phương thế loan báo Lời Chúa bằng lời nói, nó có nghĩa thông thường là giảng giải, diễn giải, giảng dạy tức là trình bày bằng lời nói cho người khác hiểu rõ. Hạn từ giảng thuyết trong tiếng latin là praedicare, (= prae + dicere), nó có thêm nghĩa khác nữa là nói to tiếng, nói công khai trước nhiều người, loan báo[4].
Tóm lại, giảng thuyết là một trong những cách (phương tiện) để thực thi nhiệm vụ loan báo học thuyết Kitô giáo bằng lời nói và có một vị trí chủ yếu (điều 761).
1.2. Quyền và bổn phận giảng thuyết
Giáo luật khẳng định việc giảng dạy là bổn phận và quyền bẩm sinh (ius nativum) của Giáo Hội (điều 747 §1). Hạn từ bẩm sinh nói ở đây có ý nhấn mạnh rằng việc rao giảng thuộc về bản chất của Giáo Hội chứ không phải do một cơ quan chính quyền trần thế ban cấp. Tự bản chất Giáo Hội được thiết lập để thực thi công việc rao giảng Tin Mừng. Đó là lẽ sống còn của Giáo Hội. Mọi thành phần dân Chúa, tùy theo bậc sống của mình mà tham gia vào nhiệm vụ giảng dạy của Giáo Hội, cách riêng là việc rao giảng Lời Chúa.
Đối với những thừa tác viên có chức thánh, giáo luật điều 762 khẳng định rằng: «Vì đoàn dân Chúa được quy tụ trước hết nhờ Lời Chúa hằng sống, cho nên việc chờ đợi Lời Chúa từ môi miệng các tư tế là điều chính đáng, và các thừa tác viên có chức thánh phải coi trọng trách nhiệm giảng thuyết, bởi vì việc loan báo Tin Mừng của Chúa cho mọi người là một trong những bổn phận chính của các ngài». Điều này cho thấy bổn phận rao giảng Lời Chúa cực kì quan trọng đối với hàng giáo sĩ. Khác với trước đây trong lịch sử Giáo Hội[5], quyền rao giảng Lời Chúa của hàng giáo sĩ theo giáo luật hiện hành là nhờ bí tích truyền chức thánh chứ không phải do Giám mục hay bề trên ban cho. Nói cách khác quyền rao giảng của giáo sĩ thuộc quyền thánh chức (potestas ordinis) chứ không phải quyền tài phán (potestas jurisdictionis). Giáo luật phân biệt phạm vi hành sử quyền rao giảng của Giám mục, linh mục, phó tế.
– Đối với Giám mục, các ngài «có quyền giảng Lời Chúa khắp mọi nơi, kể cả trong các nhà thờ và nhà nguyện của các hội dòng thuộc luật giáo hoàng, trừ khi Giám mục địa phương đã minh nhiên cấm giảng trong những trường hợp đặc biệt» (điều 763). Vậy ai có chức Giám mục thì có quyền giảng Lời Chúa khắp nơi không phân biệt là Giám mục chính tòa hay phó, hoặc phụ tá hay đã nghỉ hưu.
Quyền (ius) rao giảng của một Giám mục có thể bị Giám mục địa phương nào đó (chứ không phải cha Tổng Đại diện) minh nhiên cấm không cho hành sử và cũng chỉ cấm trong trường hợp đặc biệt và cụ thể chứ không phải ra lệnh cấm chung chung đối với bất cứ Giám mục nào.
Hơn nữa, Giám mục giáo phận «buộc phải năng đích thân giảng dạy để trình bày và giải thích cho các tín hữu những chân lý đức tin họ phải tin và phải áp dụng vào cuộc sống» (đ. 386§1).
– Còn đối với linh mục và phó tế, thì họ «có năng quyền giảng khắp mọi nơi, với sự đồng ý, ít là được suy đoán, của cha quản nhiệm nhà thờ, trừ khi Đấng Bản Quyền có thẩm quyền đã hạn chế hoặc đã rút lại năng quyền ấy, hoặc trừ khi luật địa phương đòi phải có phép minh nhiên» (điều 764).
Giáo luật không phân biệt cấp độ trong tác vụ rao giảng Lời Chúa giữa linh mục và phó tế, cả hai có năng quyền (facultas) như nhau.
Năng quyền này có thể bị giới hạn trong một số trường hợp, chẳng hạn như năng quyền đó có thể bị Bản quyền hợp pháp đặt ra giới hạn hay rút lại (ví dụ Giám mục giáo phận hay cha Tổng đại diện cấm một linh mục hay phó tế giảng thuyết một thời gian); luật địa phương có thể đòi buộc phải có phép minh nhiên và sau nữa là có sự đồng ý, ít là được suy đoán của cha quản nhiệm nhà thờ hay bề trên tu viện (điều 764).
Đặc biệt, luật chỉ đích danh «cha sở buộc phải liệu sao để Lời Chúa được rao truyền cách toàn vẹn cho những người đang sinh sống trong giáo xứ, vì thế, ngài phải lo giảng dạy giáo dân về các chân lý đức tin, (điều 528§1). Đây là một bổn phận quan trọng của cha sở đối với «mọi người đang sinh sống trong giáo xứ», không phân biệt lương giáo.
– Đối với tu sĩ, «để giảng trong các nhà thờ hay trong các nhà nguyện của họ, thì phải có phép của Bề Trên có thẩm quyền chiếu theo quy tắc của hiến pháp» (điều 765).
– Đối với giáo dân, giáo luật nói rõ «có thể chấp nhận cho giáo dân giảng trong một nhà thờ hay một nhà nguyện, nếu nhu cầu đòi hỏi điều đó trong một số hoàn cảnh nhất định, hoặc nếu điều đó hữu ích trong những trường hợp đặc biệt, theo những quy định của Hội đồng Giám mục, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 767§1» (điều 766).
Như vậy người giáo dân, dù là nam hay nữ, để có thể giảng trong nhà thờ hay nhà nguyện, cần giữ qui định của điều 766 đặt ra: cần có phép hay được mời bởi người có thẩm quyền (Giám mục, cha sở, cha quản nhiệm nhà thờ); hoặc có lý do đúng đắn xuất phát từ nhu cầu cần thiết, chẳng hạn không có thừa tác viên có chức thánh và sau cùng cần giữ những quy định của Hội đồng Giám mục theo cách phù hợp với hoàn cảnh, đồng nhất với tiêu chuẩn và hướng dẫn chung[6].
Chú ý rằng, đối với giáo dân, giáo luật nói về việc giảng thuyết nói chung, dù ở trong nhà thờ hay nhà nguyện, nhưng đó không phải là giảng lễ (homilia) và đó cũng không phải là một năng quyền thực sự của giáo dân, mà đơn giản đó là một sự chấp nhận (cho phép) của người có thẩm quyền. Quy định của điều 766 chỉ áp dụng đối với giáo dân khi «giảng trong nhà thờ hay nhà nguyện» mà thôi.
Giáo dân ở đây được hiểu là những người không có chức thánh dù là đó là tu sĩ hay chủng sinh. Giáo luật phân biệt, đối với giáo dân phải được phép, có thể chấp nhận (admitti possunt) để có thể giảng thuyết trong nhà thờ, nhà nguyện, trong khi Giám mục có quyền (ius) còn linh mục và phó tế thì có năng quyền (facultas) giảng thuyết khắp nơi.
- Giảng lễ (homilia)
2.1 Ý nghĩa và tầm quan trọng của giảng lễ
2.1.1 Ý nghĩa từ ngữ homilia
Trong những hình thức giảng Lời Chúa, giáo luật đặc biệt lưu ý giảng lễ (điều 767) và giảng tĩnh tâm hoặc tuần đại phúc (điều 770). Giảng lễ là một hình thức giảng thuyết nhưng không phải bất cứ sự giảng thuyết nào cũng là giảng lễ.
Homilia theo nguyên ngữ Hy lạp để chỉ một sự đàm thoại, cuộc nói chuyện thân mật. Trước đây, homilia còn để chỉ lời cầu nguyện hoặc bài giảng của Giám mục[7].
Trong một số văn kiện của Giáo Hội, homilia được dùng để chỉ bài giảng trong khung cảnh cử hành phụng vụ nói chung[8] mà đặc biệt để chỉ bài giảng trong thánh lễ, là một phần không tách rời của thánh lễ và cần thiết để nuôi dưỡng đời sống kitô hữu. Ở đây theo mạch văn của điều 767 và nhiều văn kiện khác, chúng ta chỉ giới hạn xét homilia là bài giảng sau khi công bố Tin mừng trong khung cảnh Thánh lễ và có thể gọi tắt là giảng lễ[9].
Giảng lễ là gì? Dường như không có một định nghĩa ngắn gọn nào nhưng có những cách diễn tả về giảng lễ[10]. Chẳng hạn theo Hiến chế về Phụng vụ Thánh, «bài giảng căn cứ vào Thánh Kinh để trình bày các mầu nhiệm đức tin và những qui tắc cho đời sống Kitô giáo trong suốt chu kỳ năm phụng vụ, rất đáng được coi như một phần của chính Phụng vụ»[11]. Theo Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (Institutio Generalis Missalis Romani)[12], «bài giảng lễ (homilia) là thành phần của phụng vụ và rất được khuyến khích, vì cần thiết để nuôi dưỡng đời sống kitô hữu. Bài này phải diễn giải hoặc một khía cạnh nào của các bài đọc Thánh Kinh, hoặc một bản văn khác thuộc phần Thường Lễ hay phần Riêng của Thánh Lễ ngày đó, đồng thời lưu ý đến mầu nhiệm được kính nhớ, hay nhu cầu riêng biệt của thính giả»[13].
Như vậy, bài giảng lễ phải «phản chiếu ý nghĩa của các bài đọc và các lời nguyện của việc cử hành phụng vụ dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua; bài giảng lễ dẫn đưa cộng đoàn đến việc cử hành bí tích Thánh Thể nơi đó mọi người hiệp thông với nhau trong chính mầu nhiệm Vượt Qua»[14].
Dễ thấy vài điểm đặc trưng của giảng lễ so với các hình thức giảng thuyết khác: giảng lễ là một phần không tách biệt của phụng vụ, được thực hiện trong Thánh lễ sau bài Tin mừng và đồng thời bài giảng lễ phải dựa vào chính các Bài đọc Sách thánh trong cử hành phụng vụ đó.
2.1.2 Tầm quan trọng của giảng lễ
Như đã nói bài giảng lễ (homilia) có một vị trí ưu tiên có lẽ vì tầm quan trọng của nó trong đời sống tín hữu[15]. Thật vậy, chúng ta thấy một số điểm nổi bật như sau:
– Bài giảng lễ là một phần của hành động phụng vụ;
– Bài giảng lễ giúp cộng đoàn hiểu biết Lời Chúa rộng rãi hơn và hữu hiệu hơn trong đời sống.
– Bài giảng lễ làm hiện tại hóa sứ điệp Kinh Thánh, giúp tín hữu khám phá ra sự hiện diện và tính hiệu năng của Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày của họ.
– Bài giảng còn giúp cộng đoàn chuẩn bị tuyên xưng đức tin, cầu nguyện và cử hành phụng vụ Thánh Thể, nhờ đó họ hiểu Mầu nhiệm đang được cử hành đồng thời mời gọi họ dấn thân cho sứ mạng của người Kitô hữu.
2.2 Một số qui định về giảng lễ
2.2.1 Giảng lễ được dành riêng cho tư tế hoặc phó tế
Điều 767§1: Trong các hình thức giảng, bài giảng lễ giữ một vị trí trổi vượt, là một phần của chính phụng vụ và được dành riêng cho tư tế hoặc phó tế…
Như trên đã nói, trong nhiều hình thức giảng thuyết, giảng lễ là một hình thức đặc biệt trổi vượt và là một phần của chính phụng vụ xét vì «phần Phụng vụ Lời Chúa và phần Phụng vụ Thánh Thể. Hai phần này được liên kết chặt chẽ đến nỗi tạo thành một hành vi phụng thờ độc nhất»[16]. Hơn nữa «Thánh Thể là nguồn mạch và tuyệt đỉnh của toàn thể công việc rao giảng Phúc Âm»[17].
Bởi đó, chỉ có tư tế hoặc phó tế mới do tác vụ đặc trưng của mình mà được giảng trong thánh lễ mà thôi[18]. Quy chế sách lễ Rôma số 66 nói rõ, vị giảng lễ trong thánh lễ không bao giờ là một giáo dân.
Như vậy, bài giảng lễ được hiểu theo nghĩa chặt của giáo luật chỉ dành riêng cho người có chức thánh, giáo dân không được giảng lễ. Tuy nhiên luật không cấm giáo dân có những lời diễn giải dẫn nhập vào các bài đọc, một vài lời giải thích hay nêu lên chứng từ cá nhân, hoặc trong khi giảng lễ có thể cũng có sự đối đáp qua lại giữa vị giảng lễ và giáo dân tham dự… Trong thánh lễ dành cho thiếu nhi, thì luật cũng minh thị cho phép giáo dân giảng nếu vị giảng lễ gặp khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ thích hợp cho lứa tuổi thiếu nhi (Directorium de Missis cum pueris, ngày 1.11.1973, số 24)[19].
Ủy ban Giáo hoàng Giải thích Luật đã nói rõ (26.5.1987) là giáo dân không được giảng trong thánh lễ. Chỉ có Tòa Thánh mới có thể chuẩn chước cho phép giáo dân giảng lễ mà thôi, Giám mục giáo phận không có có quyền chuẩn chước luật nầy xét vì đây là luật có tính cấu thành bản chất chứ không phải có tính kỷ luật[20].
Ở đây chúng ta nói về việc giảng trong khung cảnh cử hành thánh lễ, còn trong buổi cử hành phụng vụ Lời Chúa ngoài thánh lễ (điều 1248§2), thì có lẽ luật không cấm giáo dân giảng[21].
2.2.2 Buộc giảng lễ vào Chúa Nhật và ngày lễ buộc
Thánh lễ Chúa Nhật đặc biệt quan trọng vì «Thánh lễ Chúa Nhật đặt nền tảng và xác định toàn bộ cuộc sống người tín hữu»[22]. Chúa Nhật là ngày cử hành mầu nhiệm vượt qua (điều 1246§1). Giáo luật cũng khuyên cử hành một số bí tích vào Chúa Nhật (Rửa tội, điều 856; Truyền chức thánh, điều 1010). Chính vì tầm quan trọng nói trên, nên luật buộc các tín hữu tham dự thánh lễ Chúa Nhật, lễ buộc chính yếu và những lễ buộc khác (điều 1246 và 1247).
Như một hệ luận, giáo luật diều 767§2 quy định rằng «trong mọi Thánh Lễ được cử hành vào các ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc với sự tham dự của dân chúng, thì buộc phải giảng lễ và không được bỏ bài giảng lễ, nếu không có một lý do nghiêm trọng».
Đặc biệt giáo luật minh nhiên chỉ đích danh cha sở buộc phải giảng lễ vào các ngày Chúa Nhật và lễ buộc (điều 528§1).
Ngoài thánh lễ Chúa Nhật, còn có những lễ buộc chính yếu khác, theo điều 1246§1 là:
– lễ Sinh Nhật Đức Giêsu Kitô Chúa,
– lễ Hiển Linh,
– lễ Thăng Thiên,
– lễ Mình và Máu rất Thánh Đức Kitô,
– lễ Thánh Maria Mẹ Thiên Chúa,
– lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm
– lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời,
– lễ Thánh Giuse,
– lễ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô,
– lễ các thánh nam nữ.
Giáo luật còn cho phép các Giám mục giáo phận có thể ấn định các ngày lễ buộc trong giáo phận hay một vài nơi trong giáo phận, nhưng chỉ từng lần mà thôi (điều 1244§2).
2.2.3 Khuyến khích giảng lễ ngày thường và dịp đặc biệt
Điều 767§3: «Khuyến khích nên giảng lễ, nếu có khá đông dân chúng tham dự, kể cả trong các Thánh Lễ được cử hành trong tuần, nhất là trong Mùa Vọng và Mùa Chay, hoặc vào một dịp lễ, hoặc khi có một biến cố đau thương». Không bó buộc như Chúa Nhật và lễ buộc, giáo luật chỉ khuyến khích giảng lễ hàng ngày nếu có “khá đông giáo dân tham dự”. Hạn từ định lượng “khá đông” ở đây chỉ có tính tương đồi, tùy thuộc nhận xét của vị chủ sự thánh lễ và tùy giáo xứ lớn hay nhỏ, tùy hoàn cảnh…
Thực tế hiện nay nhiều giáo xứ ngày càng ít giáo dân tham dự thánh lễ ngày thường và thường cũng chỉ một số người quen thuộc nào đó nhất định dự lễ. Vì vừa ‘ít” vừa “quen” và có khi cho rằng những người đó đạo đức, không lo họ bỏ đạo, nên việc giảng lễ ngày thường, dù ngắn gọn lại dễ dàng bị bỏ qua. Dù ít dù quen đi nữa, như trên đã nói, người tham dự thánh lễ vẫn có nhu cầu và quyền lợi được Lời Chúa nuôi dưỡng đặc biệt qua bài giảng lễ. Bởi vậy người mục tử không chỉ có quyền mà còn có bổn phận phải giảng lễ để đáp ứng nhu cầu chính đáng và hợp pháp của người tham dự thánh lễ (giáo luật điều 762). Hơn nữa, việc giảng lễ ngày thường không chỉ đem lại lợi ích thiêng liêng cho người tham dự thánh lễ mà còn cho cả vị giảng lễ nữa. Do đó, «cần đặc biệt chăm sóc bài giảng Chúa Nhật và các lễ trọng; nhưng trong các lễ cum populo trong tuần, nếu có thể, xin cũng đừng bỏ cung cấp những suy tư vắn tắt hợp thời giúp các tín hữu đón nhận và làm sinh hoa kết quả Lời họ vừa lắng nghe»[23].
Trong những dịp đặc biệt hay biến cố đau thương cần có giảng lễ, Quy chế sách lễ Rôma số 282 đề nghị «trong thánh lễ an táng thường nên có bài giảng ngắn, những phải tránh mọi loại điếu văn ca tụng». Giảng lễ trong thánh lễ an táng không chỉ là chu toàn bổn phận giảng lễ mà còn vi đó là dịp tốt truyền giáo cho lương dân và đem lại niềm an ủi cho gia đình người quá cố.
2.2.4 Giám sát và nghiêm túc giữ quy định về giảng lễ
Giám mục giáo phận vừa có bổn phận đích thân giảng dạy Lời Chúa và đồng thời «ngài phải liệu sao để cho kỷ luật của Giáo Hội không bị lạm dụng, nhất là trong những điều liên quan đến tác vụ Lời Chúa (đ. 392§2).
Giám mục giáo phận cũng có quyền ấn định những quy định liên quan đến việc giảng thuyết trong giáo phận của mình (điều 772§1).
Tương tự, các cha sở hoặc cha quản nhiệm nhà thờ có trách nhiệm phải liệu sao cho các quy định về giảng lễ được tuân giữ một cách trang nghiêm (điều 767§4).
2.3 Một vài quy định khác
Ngoài những quy định trong giáo luật, Quy chế sách lễ Rôma còn đưa ra một số hướng dẫn chi tiết hơn về việc giảng lễ.
Phải cử hành Phụng vụ Lời Chúa thế nào tạo thuận lợi cho việc suy gẫm, vì thế tuyệt đối tránh mọi hình thức vội vã, ngăn trở việc hồi tâm. Những lúc nên giữ thinh lặng là sau bài đọc thứ nhất và thứ hai, cũng như sau bài giảng[24].
Vị giảng lễ thông thường là chính vị chủ tế hay một trong các vị đồng tế được vị chủ tế nhờ, hay đôi khi, tuỳ nghi, là phó tế. Trong những trường hợp đặc biệt và có lý do chính đáng, một Giám mục hay một linh mục hiện diện trong buổi cử hành mà không đồng tế có thể đảm trách việc giảng lễ này[25].
Trong khi giảng lễ, vị chủ tế có thể đứng ở giảng đài, hoặc tại ghế chủ tọa hay một nơi nào khác thuận tiện và xứng hợp[26]. Như vậy, bài Tin Mừng phải luôn luôn được công bố tại giảng đài, còn bài giảng tốt nhất nên thực hiện ở giảng đài, nhưng cũng có thể tại bàn thờ, giữa cung thánh, hay một chỗ khác thích hợp miễn là không ra ngoài cung thánh.
Khi gặp trường hợp cùng một bài đọc nhưng có hình thức dài và hình thức ngắn hơn, vị chủ sự có thể chọn một hình thức theo tiêu chuẩn mục vụ. Cần lưu ý đến khả năng của người tham dự nghe bài đọc dài hay bài đọc ngắn sao cho có kết quả tốt hơn. Bên cạnh đó cũng chú ý đến khả năng của họ khi nghe bài đọc đó và được bổ túc, làm rõ nghĩa nhờ bài giảng[27].
2.4 Nội dung chính yếu của bài giảng
Theo điều 767§1, trong suốt năm phụng vụ, phải dựa vào bản văn Thánh Kinh để trình bày các mầu nhiệm đức tin và các quy tắc của đời sống kitô giáo trong bài giảng lễ. Quy định này cho thấy nội dung bài giảng cần phù hợp và thống nhất với những điều căn bản trong sứ vụ giảng dạy của Giáo Hội (điều 747). Dựa vào nội dung các bài đọc trong thánh lễ, bài giảng lễ, một mặt phải quy về kho tàng đức tin của Giáo Hội và mặt khác phải áp dụng vào đời sống (khía cạnh luân lý).
Về khía cạnh đức tin, điều 768§1 xác định rằng «những người giảng Lời Chúa trước hết phải trình bày cho các Kitô hữu biết những điều phải tin và những việc phải làm vì vinh quang của Thiên Chúa và phần rỗi loài người».
Về khía cạnh luân lý đời sống xã hội, điều 768§2 nêu ra các điểm cần đề cập trong bài giảng:
– phẩm giá và tự do của con người,
– về sự duy nhất, sự vững bền và các trách nhiệm của gia đình,
– về những nghĩa vụ liên quan đến những người được liên kết với nhau trong xã hội,
– về việc tổ chức các việc trần thế theo trật tự Thiên Chúa đã thiết lập.
2.5 Tính sư phạm của bài giảng
Điều 769: «Học thuyết kitô giáo phải được trình bày một cách thích hợp với hoàn cảnh của các thính giả và phù hợp với các nhu cầu của thời đại».
Bài giảng lễ được thực hiện trong bối cảnh phụng vụ nhưng không vì thế mà xa rời hoàn cảnh của người tham dự và nhu cầu hiện tại. Bài giảng phải diễn giải hoặc một khía cạnh nào của các bài đọc Thánh Kinh, hoặc một bản văn khác thuộc phần Thường Lễ hay phần Riêng của Thánh Lễ ngày đó, đồng thời lưu ý đến mầu nhiệm được kính nhớ, hay nhu cầu riêng biệt của những người tham dự[28].
Trong phần 2 của Kim Chỉ nam Giảng lễ trình bày nghệ thuật giảng thuyết (art praedicandi), trong đó nêu lên cách giải quyết những câu hỏi cơ bản về phương pháp và nội dung mà vị giảng lễ cần phải biết và xét đến khi chuẩn bị và trình bày bài giảng, đồng thời giới thiệu những chủ đề chính và quan trọng trong suốt chu kỳ năm phụng vụ. Các chủ đề giảng lễ mang tính gợi ý được đề xuất theo chu kỳ các Chúa Nhật và ngày lễ, bắt đầu từ trọng tâm của năm phụng vụ (Tam Nhật Thánh và Mùa Phục Sinh, Mùa Chay, Vọng, Giáng Sinh và Mùa Thường Niên), và theo các Thánh Lễ ngày thường, hôn phối và an táng[29].
Thông thường hoàn cảnh của thính giả rất khác nhau và vị giảng lễ cần phân định để chọn lựa cách diễn giải sao cho họ có thể hấp thụ được bài giảng. Điều này đòi hỏi vị giảng lễ có sự chuẩn bị chu đáo. Ngoài việc nắm vững đạo lý, kiến thức vững vàng các môn học thánh, vị giảng lễ cũng cần được đào tạo về phương pháp sư phạm, khoa hùng biện, sự hiểu biết về tâm lý, lịch sử và văn hóa… Liên quan đến nội dung, sự chuẩn bị bài giảng có chất lượng và cách trình bày bài giảng có thể xem trong tông huấn Evangelii Gaudium từ số 135 đến số 159.
Với sự chính chắn và tinh thần trách nhiệm, vị giảng lễ cần phải tránh xuyên tạc, bớt xén, bóp méo hay “tham lam” quá đáng chủ đề đang “hot” trong cuộc sống xã hội mà làm mờ nhạt nội dung sứ điệp của Chúa[30]. Cần hết sức «tránh những bài giảng mơ hồ và trừu tượng, che giấu mất tính đơn giản của Lời Thiên Chúa, cũng như phải tránh những kiểu nói lan man lạc đề vô bổ rất có thể lôi kéo chú ý đến người giảng hơn là chú ý đến trọng tâm của sứ điệp Tin Mừng. Các tín hữu phải thấy rõ ràng rằng điều mà vị giảng thuyết đang bận tâm, đó là cho thấy Chúa Kitô, trung tâm của mọi bài giảng»[31].
Một thực trạng đáng báo động là có vị giảng lễ dùng tòa giảng như “tòa án”, tức là dùng để lên án, kết án, bài bác, phê bình, chỉ trích ai đó, hoặc có khi trút cơn giận của mình bằng những từ ngữ khó nghe, không xứng hợp với người có chức thánh. Điều này gây tổn thương rất lớn không chỉ đối với người bị “kết án” (họ không thể biện hộ) mà còn cho cộng đoàn nữa. Cũng có trường hợp bài giảng toàn nhiều câu chuyện hay sự việc có tính tiêu cực gợi lên sự sợ hãi, lo âu, buồn bực hay tức giận. Bài giảng cần ưu tiên nêu những gương sáng lành thánh gợi lên niềm vui, bình an và sự hăng say dấn thân. Bài giảng phải làm sao đem đến cho người nghe một sự thôi thúc thực hiện những việc tốt tích cực thay vì chỉ thụ động tìm cách tránh những việc xấu mà thôi. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc rằng, trong bài giảng «bất luận thế nào… cũng phải cố gắng vạch ra một giá trị tích cực và hấp dẫn, nếu không nó sẽ bị mắc kẹt giữa những lời phàn nàn, than vãn, phê bình và trách móc. Giảng tích cực luôn luôn cống hiến hi vọng, vạch ra tương lai, không để chúng ta mắc kẹt trong tiêu cực»[32].
Để có những vị mục tử tương lai có khả năng giảng thuyết tốt, giáo luật điều 248 lưu ý rằng «việc đào tạo về đạo lý phải được truyền đạt để giúp các chủng sinh có một nền đạo lý sâu rộng và vững chắc trong các môn học thánh, được kết hợp với một kiến thức tổng quát phù hợp với những nhu cầu của mỗi thời và mỗi nơi; khi đức tin của họ đã có nền tảng và được nuôi dưỡng như thế, họ có thể loan báo giáo huấn Phúc Âm một cách thích hợp cho người đương thời, phù hợp với não trạng của những người này». Bên cạnh đó, cần đào tạo chu đáo cho các ứng sinh linh mục về nghệ thuật giảng thuyết (điều 256§1). Việc đào tạo này cần được nối tiếp qua các cuộc thường huấn sau khi đương sự đã chịu chức linh mục.
KẾT LUẬN
Mọi tín hữu có quyền được lắng nghe, suy niệm và được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa. Mọi thành phần Dân Chúa đều được mời gọi tham gia vào sứ vụ giảng dạy của Giáo Hội. Tuy nhiên chỉ ai có chức thánh tức là các tư tế và phó tế thì mới được giảng trong thánh lễ vì giảng lễ là một phần không thể tách rời của phụng vụ.
Những vị giảng lễ phải hết sức quan tâm thực thi bổn phận này một cách nghiêm túc vì đó không chỉ là bổn phận chính yếu của chức thánh đã lãnh nhận mà đó còn là quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người tín hữu mà vị mục tử phải lưu tâm đáp ứng.
Để bài giảng có chất lượng, một bài giảng hay, vị giảng lễ cần có sự chuẩn bị xa qua việc được đào tạo đầy đủ về nhiều mặt và sự chuẩn bị gần bằng việc nội tâm hóa Lời Chúa, lắng nghe Dân Chúa, dành lượng thời gian thích hợp cho việc học hỏi bản văn Lời Chúa, cầu nguyện, suy niệm, cập nhật và áp dụng Lời Chúa vào hoàn cảnh cụ thể của người nghe giảng.
Nên nhớ giảng là công bố Lời mà không thuộc quyền sở hữu của mình, nhưng Giáo Hội được ban Lời này để giữ gìn, suy gẫm và thông truyền cách trung thành[33]. Bí quyết để có bài giảng hay có lẽ ở chỗ, vị giảng lễ phải luôn ý thức về sự cần thiết tuyệt đối trung thành “ở lại” và bén rễ sâu trong Lời Chúa và thánh truyền. Để được vậy, có một cách có lẽ khả thi và phù hợp với nhiều môi trường mục vụ khác nhau đó là cách «thực hành cổ xưa gọi là Lectio Divina, hay đọc sách thiêng liêng với bản văn Thánh Kinh là rất hữu ích. Điều này hệ tại ở chỗ dừng lại lâu giờ ở một bản văn Thánh Kinh, đọc đi đọc lại, gần như nhai đi nhai lại,… và có thể nói hút lấy từ đó tất cả “tinh chất” hầu nuôi dưỡng việc suy gẫm và chiêm niệm, như nhựa cây tưới gội đời sống cụ thể»[34].
[1] Xem Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, Niềm vui Tin mừng (23.11.2013), [= Evangelii Gaudium], từ số 135 đến số 159 tức là 25 số trong tống 288 số của tông huấn.
[2] Xem Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Homiletic Directory (Kim Chỉ nam Giảng lễ), [=Kim Chỉ nam Giảng lễ], nghị định ban hành Kim Chỉ nam Giảng lễ, 29.6.2014, Liberia Editrice Vaticana, 2005.
[3] Evangelii Gaudium số 135
[4] Xem Phan Tấn Thành, Nhiệm vụ giảng dạy của Giáo Hội, Giải thích Giáo luật quyển 3, Rôma 1992, tr. 34.
[5] Về lịch sử đối với quyền giảng thuyết, xem Phan Tấn Thành, sđd, tr. 36-39.
[6] Luigi Chiappetta, Il codice di diritto canonico, commento giuridico-pastorale, II Libri III-IV-V-VI, 2 Ed, Accresciuta e aggiornata, Roma 1996, tr. 18. (Bộ giáo luật, chú giải pháp lý và mục vụ, tập II, Quyển III-IV,V-VI, in lần 2, có cập nhật và bổ sung). Ngoài ra xem thêm quy định điều 764 và 767§4.
[7] Xem Phan Tấn Thành, Nhiệm vụ giảng dạy của Giáo Hội. Sđd, tr. 43.
[8] Chẳng hạn, Văn kiện trình bày và qui định Các giờ Kinh Phụng vụ, số 47 ghi rõ trong giờ Kinh Sáng hay Kinh Chiều «khi cử hành có giáo dân tham dự, có thể tùy nghi thêm một bài giảng vắn (homilia) để giúp cử tọa hiểu ý nghĩa bài đọc hơn»; hoặc trong Nghi thức Xức dầu Bệnh nhân, trường hợp thông thường, «đọc Lời Chúa xong chủ sự có thể giảng vắn tắt (homilia)».
[9] Xem Kim Chỉ Nam Giảng lễ, các số 4 đến 15 trình bày rất súc tích về Homilia.
[10] Xem Công Đồng Vaticanô Hiến chế về Phụng vụ thánh, Sacrosanctum Concilium, số 52; Sách GLHTCG số 132, 1154, 1346.
[11] Sacrosanctum Concilium, số 52.
[12] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phê chuẩn chấp thuận ấn bản Sách lễ Rôma mới vào ngày 11.1.2000. Bộ Phụng tự và Kỷ luật các bí tích ban hành vào 20.4.2000. Bản Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma nằm trong Sách lễ Rôma, ấn bản năm 2000. Ở đây khi trích dẫn quy chế sẽ sử dụng từ viết tắt Missale Romanum và theo bản dịch việt ngữ Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma của linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần.
[13] Missale Romanum số 65.
[14] Kim Chỉ nam Giảng lễ, số 15.
[15] BÊnêĐictô, Tông huấn về Lời của Thiên Chúa, Verbum Domini (ngày 30.9.2010) số 59 [= Verbum Domini].
[16] Sacrosanctum Concilium, số 56.
[17] Công Đồng Vaticanô ii, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, số 5.
[18] Nên biết giáo luật điều 900§1: «Chỉ có tư tế đã được truyền chức thành sự là thừa tác viên có thể cử hành bí tích Thánh Thể với tư cách là chính Đức Kitô». Và «linh mục được truyền chức để phục vụ, để giảng dạy, hướng dẫn và thánh hóa, chủ yếu bằng việc cử hành các bí tích và rao giảng Lời Chúa», BỘ Giáo Sĩ, Directoire pour le ministère et la vie des prêtres, Kim chỉ nam về tác vụ và đời sống linh mục (11.2.2013), số 61. (Bản dịch việt ngữ của Đại Chủng Viện Huế, NXB Tôn Giáo 2014), [= Kim Chỉ nam linh mục].
[19] Xem Luigi Chiappetta, Il codice di diritto canonico. Sđd. tr. 20. Phan Tấn Thành, Nhiệm vụ giảng dạy của Giáo Hội. Sđd., tr. 48.
[20] Xem trích lại của Luigi Chiappetta, Il codice di diritto canonico. Sđd, tr. 20. Xem AAS 79 (1987) 1249. Xem Phan Tấn Thành, Nhiệm vụ giảng dạy của Giáo Hội. Sđd, tr. 42.
[21] Xem Luigi Chiappetta, Il codice di diritto canonico. Sđd. tr. 20.
[22] GLHTCG số 2181
[23] Verbum Domini số 59.
[24] Missale Romanum số 56.
[25] Missale Romanum số 66
[26] Missale Romanum 136
[27] Missale Romanum số 360
[28] Missale Romanum số 65.
[29] Xem Kim Chỉ nam Giảng lễ, từ số 37 đến 156.
[30] Xem Kim Chỉ nam Linh mục số 62
[31] Verbum Domini số 59.
[32] Evangelii Gaudium số 159.
[33] Xem công đồng vaticanô II, Sắc lệnh Mạc khải, Dei Verbum số 10.
[34] Kim Chỉ nam Linh mục số 62.
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Huỳnh Văn Sỹ