Nhiều nguyên nhân khiến người trẻ dễ stress, làm sao để vượt qua?
Các chuyên gia tâm lý cho rằng stress được ví như kẻ giết người thầm lặng, do vậy cần sớm nhận biết các dấu hiệu để điều trị kịp thời.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng stress được ví như kẻ giết người thầm lặng, do vậy cần sớm nhận biết các dấu hiệu để điều trị kịp thời.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến stress
Một số nguyên nhân chính khiến nhiều người hiện nay dễ rơi vào stress như: trải qua những cú sốc tâm lý trong quá khứ, gặp chấn động tinh thần khi mất đi điều quan trọng, vấn đề tài chính, sức khỏe, mối quan hệ cá nhân.
Đặc biệt là liên quan đến công việc như: làm việc không đúng sở trường, môi trường làm việc quá khốc liệt, cạnh tranh cao, môi trường làm việc nhàm chán, không tìm ra hướng phát triển bản thân, khi xảy ra xung đột với đồng nghiệp hoặc cấp trên…
Theo tiến sĩ Bình, có hai dạng là stress cấp tính và stress mạn tính.
Stress cấp tính có tính ngắn hạn, thường gặp khi trải qua khi bị tai nạn giao thông, khi gặp trắc trở trong công việc, con cái gặp những vấn đề rắc rối ở trường.
Stress mạn tính là hậu quả của việc không giải quyết được hoặc giải quyết được nhưng không triệt để khiến cho sự việc vẫn kéo dài vài năm cho đến khi được giải quyết lại.
Loại stress này có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khác như bệnh tim mạch hay loét dạ dày, điều trị có thể bao gồm các liệu pháp nhận thức, hành vi, thuốc.
Đối với thể chất, người bị stress thường thấy uể oải, cơ thể lúc nào cũng mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, đau mỏi vùng vai gáy, mất ham muốn tình dục và hoặc mất khả năng tình dục ở cả nam và nữ, rối loạn tiêu hóa…
Một số biểu hiện của stress như thường căng thẳng về cảm xúc: dễ dàng trở nên kích động, thất vọng và ủ rũ, cảm thấy bị choáng ngợp, giống như đang mất kiểm soát và quá tải với công việc hoặc những vấn đề trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, khó tập trung, suy giảm trí nhớ, cảm thấy xấu hổ tột cùng về bản thân (lòng tự trọng thấp), cô đơn, vô giá trị, chán nản và tránh mặt mọi người kể cả bạn bè và người thân xung quanh.
Đặc biệt trì hoãn mọi thứ và trốn tránh trách nhiệm của bản thân trong công việc chung, tăng cường sử dụng rượu, ma túy hoặc thuốc lá, có thể xuất hiện nhiều hành vi liên quan đến thần kinh như bất thần, luống cuống và hay giật mình, cắn môi và cắn móng tay…
Làm sao thoát khỏi stress?
Tiến sĩ Bình cho hay, để thoát khỏi trạng thái stress ta có thể dùng một số phương pháp sau: Ăn uống lành mạnh hơn, có kỹ năng quản lý thời gian tốt, thức dậy sớm hơn, hãy để căng thẳng truyền động lực cho bạn.
Bên cạnh đó, người gặp stress có thể xem video hài hước, đi bộ, tập trung vào hơi thở (luyện thở), tắm nước mát, nghe nhạc, suy nghĩ tích cực về mọi vấn đề, uống một ly sinh tố rau xanh và gặp nhà tâm lý khi cần thiết.
Tiến sĩ Bình cũng chia sẻ, để không rơi vào trạng thái stress hoặc giảm bớt stress, chúng ta nên chấp nhận bản thân với những gì mình hiện có, xây dựng mục tiêu và kế hoạch cuộc sống. Ngoài ra, không nên quá tham vọng và bỏ qua những thực tế cuộc sống.
“Stress là bệnh tâm lý nguy hiểm và được ví là kẻ giết người thầm lặng. Do vậy cần đề cao cảnh giác, nhận diện và chú ý tới các dấu hiệu báo động stress để sẵn sàng đưa ra những biện pháp ứng phó hợp lý. Tránh để xảy ra những nguy cơ tiến triển thành các bệnh nghiêm trọng khác”, tiến sĩ Bình nhấn mạnh.