Bàn tay và chiếc nhẫn
Ở quê một số vùng như quê tôi, thời gian sau lễ Phục Sinh được gọi là “ra mùa”, bởi những ngày buồn và thảm thương của Mùa Chay đã kết thúc. Tất cả các dịp trọng đại, tiệc tùng như tổ chức các lễ kỉ niệm, lễ cưới đều được “để dành” đến “ra mùa”.
Người anh họ tôi, thuộc dạng “cao niên” trong số anh em nhà ngoại, mãi chưa chịu lấy vợ và trở thành trợ tá đắc lực của các cha, các sơ trong các phong trào sinh hoạt của giáo xứ. Thời gian “ra mùa” năm nay, anh lấy vợ, cả họ vui mừng!“Xin em nhận chiếc nhẫn này làm dấu chỉ tình yêu và lòng chung thủy của anh”. Nhìn khuôn mặt rạng rỡ của anh trong nguyện đường khi trao chiếc nhẫn cưới tỏ lòng chung thủy, tôi bất giác tự hỏi: Tại sao người ta lại đeo nhẫn cưới vào ngón áp út như một bằng chứng tình yêu?
Khi tìm hiểu, tôi mới biết người Châu Âu cho rằng, ở ngón áp út tồn tại một mạch máu mang tên Vena Amoris dẫn thẳng về tim. Trong tiếng Latinh, “Vena Amoris” cũng có nghĩa là tĩnh mạch tình yêu. Do vậy, việc đeo nhẫn ở ngón tay này sẽ luôn giữ được tình yêu nồng cháy và bền chặt trong tim của hai người yêu nhau.
Người Trung Quốc lại có một cách giải thích khá thú vị và thuyết phục. Theo họ, ngón tay cái tượng trưng cho cha mẹ, ngón tay trỏ tượng trưng cho anh em, ngón giữa là chính mình, ngón áp út biểu trưng cho người bạn đời, và ngón út tượng trưng cho con cái của mình. Khi để hai bàn tay đối diện nhau, gập ngón tay giữa lại và áp sát chúng vào nhau, đồng thời cho hai bàn tay mở ra nhưng các ngón tay còn lại chạm vào nhau ở đầu ngón tay, ta sẽ khám phá ra điều thú vị. Trong khi ta có thể tách hai ngón tay cái, ngón trỏ và ngón út rời nhau ra, thể hiện việc cha mẹ, bạn bè hay con cái rồi cũng có một ngày xa rời chúng ta, nhưng ngón áp út thì không thể tách rời khỏi nhau. Như thế, người bạn đời được Thiên Chúa ban tặng sẽ bổ túc, song hành và gắn bó với ta trong suốt cuộc đời, cho dù cuộc sống thăng trầm vần xoay và cả thế giới này có bỏ đôi bạn mà ra đi chăng nữa.
Trong y học, ngón áp út được xem là ngón tay yếu nhất so với các ngón còn lại trên bàn tay. Phải chăng, khi xỏ chiếc nhẫn tình yêu, đôi bạn ý thức về sự yếu đuối mỏng giòn của bản thân, để cần người trợ tá, để cần được bảo vệ và chia sẻ những nỗi vui buồn của cuộc sống? Theo Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, ngón đeo nhẫn cũng là ngón tay khó đưa lên cao nhất trong bàn tay, tượng trưng cho sự khiêm tốn và cần thiết phải tha thứ cho nhau. Phải chăng, đó chính là lý do để các bạn trẻ đeo nhẫn cưới vào ngón áp út, và trong một số dòng tu, người tu sĩ khi khấn trọn đời với “Đức Giêsu – Đấng Tình Quân” cũng đeo nhẫn vào ngón tay ấy?
“Cuộc sống hôn nhân gia đình được ví như vị trí của hai bàn tay”. Tôi không nhớ đích danh lời khẳng định ấy của tác giả nào nhưng cảm thấy nhận định ấy thật có lý, không chỉ với đời sống gia đình mà còn đối với bất kì cộng đoàn nào. Khi hai bàn tay lỏng lẻo, không có chút liên hệ với nhau, cuộc sống gia đình và cộng đoàn đang đứng trên bờ vực đổ vỡ bởi sự vô cảm, thiếu thiện chí và quan tâm đến nhau. Ngày nay, dưới áp lực của chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa tương đối, đôi bàn tay ấy dường như ngày càng gặp nhiều trở ngại để có thể tiến lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, nếu hai bàn tay ấy đan khép chặt vào nhau cũng làm cho cuộc sống trở nên gò bó và bức bối. Ở đó không còn không gian cho những cái riêng tư, tài năng cá nhân được triển nở, mà chỉ thấy sự tra hỏi, để ý và dò xét lẫn nhau. Ở nơi bàn tay xiết chặt ấy, nhiều lúc cá nhân bị ngạt thở bởi sự thiếu tin tưởng vào khả năng, lời nói và hành động của chính người xung quanh dành cho mình. Bởi đó, sự quan tâm quá mức cũng làm khổ các thành viên trong gia đình hay cộng đoàn.
Có lẽ, vị thế đẹp nhất của đôi bàn tay dùng để diễn tả đời sống hôn nhân và đời thánh hiến là hình ảnh đôi bàn tay trong trạng thái chắp lại. Khi chắp lại, các ngón tay trợ lực và bổ túc cho nhau. Trên đời, có ai là một hòn đảo? Chúng ta đều liên hệ và cần đến nhau qua các mối tương quan liên vị. Thêm nữa, khi các đầu ngón tay chạm vào nhau sẽ tạo ra một không gian nhỏ ở giữa hai bàn tay. Đó là không gian của tự do, phát triển, sáng tạo và của sự tôn trọng những nét cá tính độc đáo của nhau. Nơi ấy không chỉ cho ra đời những đứa con yêu quý như kết tinh của tình yêu trong đời sống hôn nhân, mà còn là nơi khai sinh những người con tinh thần, người con trong đức tin trong bất kì bậc sống nào. Chính sự tương trợ, tin tưởng lẫn nhau là nguồn động lực tạo nên sự tự tin, tự chủ về bản thân, tinh thần trách nhiệm cùng những sáng kiến mới mẻ làm cuộc sống thêm thi vị. Cũng nơi bàn tay chắp lại, ta nhận ra sự cung kính với Đấng Tối Cao. Sẽ là đẹp và hoàn hảo nhất khi ta nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa trong đời sống cũng như trân trọng hình ảnh ấy đang hiện diện nơi mỗi người xung quanh. Sống tròn đầy ơn gọi của mình với ý thức của đôi bàn tay đang chắp, ta sẽ làm triển nở cuộc đời và những người yêu dấu quanh ta theo cách thức của một tín hữu trưởng thành.
Và như vậy, dù bất cứ ai, trong bất kì lối sống nào, đều đang đeo một chiếc nhẫn, trong một tư thế nào đó của hai bàn tay. Không biết trong hiện tại, vị trí đôi bàn tay của bạn đang ở vị thế nào: cách xa, xiết chặt, hay chắp lại?
HHQ