Phụng vụSuy niệm ngày thường

Bánh Trường Sinh

25.4
Thánh Máccô, Thánh Sử

Cv 7:518; Tv 31:3-4,6-7,8,17,21; Ga 6:30-35

Bánh Trường Sinh

Thánh Marcô có thể thuộc dòng tộc Arong, sinh tại Galilê. Là một trong 72 môn đệ của Chúa Giêsu. Trong công cuộc truyền giáo, ngài là đệ tử trung kiên của thánh Phêrô. Chính nhờ sự giúp đỡ và lời yêu cầu nguyện của vị thủ lãnh các tông đồ mà thánh nhân đã viết cuốn Tin Mừng thứ hai, gọi là Tin Mừng theo thánh Marcô.

Tin Mừng của ngài vắn gọn. Lời văn không chải chuốt như thánh Matthêo hoặc Luca, nhưng rất chân thành và thực tế. Ngài không giấu diếm sự chậm hiểu, kém tin của các tông đồ: “Các ông không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hóa nhiều: lòng trí các ông còn ngu muội” (Mc  5, 52 ); ngài cũng chẳng che đậy tham vọng của các ông: “Khi di đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả ” (Mc 9. 34 ).

Theo nhiều nguồn tài liệu, mẹ ngài là bà Maria, một bà góa giàu có ở  Giêrusalem, có nhà rộng rãi, có thể làm nơi hội họp của các tín hữu được và thánh Phêrô cũng thường trú ngụ ở nơi này.

Thánh nhân theo người bà con là Barnabê và tông đồ Phaolô trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ nhất. Nhưng khi đến Pergê thì ngài trở về Giêrusalem, có lẽ vì lý do sức khỏe. Sau đó, ngài đã tháp tùng theo thánh Phêrô giảng đạo ở Rôma. Ngài đã chứng kiến “khoảng ba ngàn người theo đạo ” nhờ bài giảng của thánh Phêrô; ngài thấy tận mắt thánh Phêrô chữa lành người què từ khi lọt lòng mẹ” tại cửa Đền thờ; ngài cũng bị “các tư tế viên lãnh binh Đền thờ và các người thuộc nhóm Sađôc” bắt giam…

Chính thánh Phêrô đã trao cho ngài sứ mạng phúc âm hoá Alexandia. Ngài đã thành lập giáo đoàn này, và hướng đẫn mọi người sống hoàn thiện đạo đức không kém giáo đoàn Giêrusalem. Toàn thể giáo đoàn đều hiệp nhất trong một niềm tin, cậy, mến, chuyên cần phụng sự Chúa và phục vụ nhau.

Chính vì thế mà ma quỷ ganh tị. Chúng xúi dục những người ngoại giáo quá khích chống đối bách hại thánh nhân. Họ bắt ngài; cột cổ kéo lôi trên sỏi đá làm cho da thịt ngài bị xé rách nát ra. Máu chảy đầm đìa. Rồi đem bỏ vào ngục. Sáng hôm sau, họ lại dắt ngài ra và hành hạ y như hôm trước. Đau đớn quá, ngài kiệt sức dần và tắt thở..

“Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực”. Đó là câu trả lời của Đức Giê-su, khi dân chúng đang nhớ đến và hỏi Ngài về man-na, một thứ lương thực nuôi thân xác mà cha ông họ đã được Thiên Chúa ban.

Trước những dấu lạ mà Đức Giê-su đã làm trong dân chúng, có hai thái độ đón nhận: một số thì tin theo với niềm xác tín “Ông này là Đấng Mê-si-a”, nhưng còn số đông còn lại thì dè chừng, họ luôn đòi một dấu chỉ rõ ràng, khả giác để thuyết phục lý trí và tâm hồn họ. Họ chính là những người chúng ta bắt gặp trong bài tin mừng hôm nay.

Trước những lời giảng báo bạo của Đức Giê-su, kèm với phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng đã lũ luọt đi theo Ngài. Họ theo ngài vì tính hiếu kỳ, về phép lạ điềm thiêng mà Ngài đã làm trước mắt họ. Thế nhưng,  nhiêu đó vẫn chưa đủ với họ, họ đòi hỏi ở Đức Giê-su một điều gì đó cụ thể hơn nữa, để họ có thể minh nhiên xác tín Đức Giê-su chính là Đấng phải đến thế gian.

Với phép lạ hóa bánh ra nhiều, họ nhớ tới thứ bánh man-na ngày xưa cha ông họ đã được hưởng dùng mà không phải vất vả làm ra. Họ cũng khát khao được thứ bánh như thế, điều này Đức Giê-su đã nói vơi họ “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê” (c. 26). Họ muốn Đức Giê-su cũng làm cho họ như Thiên Chúa đã làm cho cha ông họ, nói theo rõ hơn, họ tìm đến với Đức Giê-su là vì “cái bụng đói” chứ không hoàn toàn vì Ngài là Đấng Mê-si-a. Chúng ta ngày nay cũng vậy, ta hay đến với Chúa để xin Ngài thỏa mãn cho ta những nhu cầu vật chất, nhưng lại quên mất ân sủng mà Thiên Chúa luôn ban cho mỗi người.

Chính thái độ này của dân chúng, Đức Giê-su lại lần nữa phải xác quyết với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.” Ông Mô-sê chỉ là thừa lệnh của Thiên Chúa, là lợi khí mà Thiên Chúa đã dùng để nói và làm cho dân chúng. Chính Thiên Chúa mới là ân sủng thật, mới là bánh thật cho con người. Man-na chỉ là một cách cụ thể để diễn tả ân sủng thâm sâu qua nó, chứ bản thân man-na không phải là ân sủng, nó chỉ là vật chất mà ân sủng, tình yêu của Thiên Chúa mang lại. Quả vậy, những hình ảnh trong Tin Mừng Gioan luôn mang hai ý nghĩa: nghe tới “đói” phần xác thịt thì phải nghĩ tới cơn đói tinh thần, thấy thức ăn vật chất thì hãy nghĩ tới thức ăn tinh thần. Bánh hóa nhiều, chỉ là cách mà qua đó Đức Giê-su muốn nói về một thứ thần lương khác chính là “Bánh sự sông”, chính là thân thể của chính Ngài. “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ”.

Dân chúng chỉ có thể đón nhận thần lương ấy khi và chỉ khi bản thân họ có một niềm xác tín, phép lạ chẳng thể xáy ra, nếu người “đói khát” ấy không có một lòng tin mạnh mẽ vào thiên chúa. Ngày nay chúng ta cũng vậy, thường hay để ý đến những sự kiện, những dấu chỉ là thường mà ân sủng Chúa mang lại như được khỏi bệnh, được tai qua nạn khỏi các tỏ tường mà ít khi nhớ đến chiều kích thánh thiêng bên trong ngang qua những dấu chỉ lạ thường ấy. Thay vì ta tín thác hơn nơi Chúa, qua các dấu lạ từ anh chị em được Thiên Chúa ban, thì chính ta lại bị mê hoặc bởi những dấu chỉ bề ngoài ấy và tôn sùng “người” được Thiên Chúa sử dụng để thông ban ân sủng.

Mỗi khi ăn, ta làm điều mà không nhà khoa học nào có thể làm: ta đưa vào trong mình một vật chất để giúp ta có sự sống. Thức ăn trở nên thành phần của cơ thể ta. Biết thế nên Chúa Giêsu quyết định ẩn mình trong tấm bánh và trở nên lương thực cho linh hồn, bởi linh hồn ta cần được nuôi dưỡng bằng thần lương như thế, chứ không phải là thứ thực phẩm như thể xác. Đức Giêsu đã khẳng định với chúng ta: “Chính tôi là bánh trường sinh, ai đến với tôi, không hề phải đói, ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ”. Chúng ta hãy tin như vậy, vì chỉ khi tin sự nhiệm mầu mới nên hữu ích cho chính mình.

Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta hướng về cùng đích của cuộc sống chúng ta là chính Chúa. Chỉ có Chúa mới có thể thỏa mãn được khát vọng thâm sâu của con người. Ðám đông những người Do Thái được Chúa Giêsu cho ăn no nê ngày hôm trước, ngày hôm sau đã tìm đến Ngài. Chúa Giêsu biết rõ họ đi tìm Ngài không phải vì đã thấy được ý nghĩa của phép lạ hoặc lắng nghe lời giáo huấn của Ngài, mà chỉ vì của ăn nuôi thân xác. Ngài kêu gọi họ hãy tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu mà Ngài đã muốn thể hiện qua phép lạ nhân bánh và cá ra nhiều.

Quả thật, qua phép lạ ấy, Chúa Giêsu báo trước bánh trường sinh là Ngài. Ngài chính là tấm bánh được bẻ ra để trao ban cho mọi người, ai tin nhận Ngài, đón nhận sự sống của Ngài, người đó sẽ được trường sinh, người đó sẽ tham dự vào chính sự sống của Ngài, nghĩa là cũng sẽ trở thành tấm bánh được bẻ ra để san sẻ và trao ban cho người khác. Chỉ có một cuộc sống như thế mới thực sự đáng sống, vì nó mang lại ý nghĩa đích thực cho cuộc sống con người. Với năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa Giêsu đã có thể nuôi nấng một đám đông trên năm ngàn người.

Quả thật, Ngài chỉ cần nói một lời, múa cây đũa thần cũng đủ để nuôi sống cả nhân loại, nhưng Chúa Giêsu đã không đến như một phù thủy, Ngài cũng chẳng đến để mang lại bất cứ một giải pháp kinh tế nào, Ngài đến là để trở thành tấm bánh được bẻ ra và trao ban.

Ai thực sự ăn tấm bánh ấy cũng có thể trở thành một tấm bánh được bẻ ra để trao ban cho người khác. Nhân loại thiếu ăn không phải vì thiếu cơm bánh mà chỉ vì thiếu lòng quảng đại khi những bàn tay được mở ra để trao ban và san sẻ với người khác mà thôi. Cái đói khủng khiếp của nhân loại hẳn không là đói cơm bánh mà chính là đói tình thương và lòng quảng đại của con người.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!