BIẾT ĐỦ LÀ ĐỦ
Bạn tôi có đứa cháu ở quê. Nhà cháu rất nghèo. Khi hỏi “Kinh tế thế nào?”, cháu nói: “Ổn chú ạ. Ruộng cấy đủ thóc ăn quanh năm, mảnh vườn sau nhà, mùa nào có rau đó. Chả thiếu thứ gì. À, mà tháng chín này, cu Tý nhà cháu đến trường, cháu đang thiếu tiền để mua cho nó một đôi dép”. Số tiền, mà cô cháu này thiếu, chỉ là mấy chục nghìn.
Tôi nhớ tới một người bạn cùng quê, hiện sống ở Hà Nội. Gia đình anh khá giả hơn. Vợ chồng anh có hai cậu con trai. Họ đã lo được cho đứa lớn du học ở Mỹ. Giờ họ phải lo cho đứa nhỏ cũng được du học như anh nó. Số tiền họ thiếu mỗi năm là… hàng tỷ đồng.
Có cái gì đó như là nghịch lý: người nghèo thiếu ít hơn, người khá giả thiếu nhiều hơn!
Khi đi bộ, bạn thiếu xe đạp. Khi có xe đạp, bạn thiếu xe máy. Khi có xe máy, bạn thiếu ô tô. Khi chưa có nhà, bạn chỉ thiếu tiền mua căn hộ. Khi có căn hộ, bạn sẽ thiếu tiền mua biệt thự…
Càng giàu, cái thiếu càng lớn hơn, cho tới khi… bạn ngộ ra đạo lý: biết đủ là đủ.
Tuy nhiên, không dễ ngộ ra đạo lý này. Chính lòng tham vô đáy của con người là trở ngại lớn nhất, như câu chuyện ngụ ngôn dưới đây.
Một vị tướng quân có công lớn, được vua ban thưởng theo cách sau: cho phép tướng quân, một người một ngựa, phi liên tục không nghỉ; ngựa phi tới đâu thì đất Vua ban tới đó. Và thế là vị tướng quân này đã lên ngựa, phi liên tục trong nhiều ngày không nghỉ. Ngựa của ông đã đi qua những vùng đất bao la rộng lớn. Ông thấy đất vẫn chưa đủ rộng. Phi tiếp. Khi người và ngựa đã rất mệt, ông vẫn cố gắng. Ông muốn lãnh địa của mình phải rộng lớn hơn nữa. Cuối cùng sức lực cũng cạn kiệt, cả người và ngựa đã gục ngã xuống đất. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông mới hiểu rằng, thực ra mình chỉ cần có sáu tấc đất.
Người không biết đủ, dù giàu mà vẫn nghèo. Họ luôn nhìn lên những thứ người khác có, mà mình không có. Họ chẳng bao giờ hài lòng với những gì mình đang có.
Người biết đủ, dù nghèo mà không nghèo. Họ không dằn vặt vì những thứ mình không có. Thay vào đó, họ trân trọng và hạnh phúc với những gì mình đang có.
“Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc”
Biết đủ là đủ, đợi cho đủ, thì bao giờ mới đủ.