Tâm tình độc giả

Biết ơn Công đồng và Thượng Hội đồng

Biết ơn Công đồng và Thượng Hội đồng

Lịch sử Giáo hội cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã để lại cho chúng ta một bài học cay đắng về sự trì trệ mà chúng ta không được lặp lại sai lầm đã gây ra. Hơn nữa, xã hội không những không dừng lại vào thời Công đồng Vatican II, mà còn tăng tốc chóng mặt. Những thay đổi trước đây mất một hoặc hai thế kỷ, giờ đây mất một thập niên. Do đó, nhu cầu đổi mới liên tục, nhu cầu hoán cải liên tục, phải được mở rộng từ cá nhân tín hữu cho đến toàn thể Giáo hội. Giáo hội đang cùng với Chúa Thánh Thần tiếp tục công cuộc đổi mới của Công đồng. Cùng với Chúa Thánh Thần, Công đồng Vatican II và Thượng Hội đồng đã hiến tặng cho Giáo hội và nhân loại, ngàn năm thứ Ba, chìa khóa vàng: “Cân bằng và hài hòa”. Chìa khóa này, không đi ngược lại với quy luật tự nhiên, “luật Cân bằng”. Đó là “ân huệ” trân quý. Nhận ơn thì phải biết ơn. Cổ nhân dạy: “Ơn như giọt nước, trả bằng giòng sông”.

 

Tâm hồn biết ơn làm nảy sinh lòng quyết tâm khiêm tốn, dấn thân phục vụ theo định hướng của Công đồng và Thượng Hội đồng. Đặc trưng lòng biết ơn, đó là Giáo hội tập trung vào Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Giêsu hứa ban. Và thực hành con đường: Đối thoại và hòa giải.

 

CHÚA THÁNH THẦN: SỰ CÂN BẰNG

Đó là điều chắc chắn mà Chúa Giêsu đã trao cho các tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần qua hình ảnh “Lửa và Gió”.  Như Người đã hứa: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,16); “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Và một lần nữa: “Thần Khí sự thật sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16, 13).

Đặt Chúa Thánh Thần ở trung tâm của toàn bộ đời sống Giáo hội, và đặc biệt, trong thời điểm tiến trình Hiệp hành. Sách Công vụ Tông đồ cho chúng ta thấy một Giáo hội từng bước được Thánh Thần hướng dẫn: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định …” (Cv 15,28). “Vậy, nếu Thiên Chúa đã ban cho họ cùng một ân huệ như Người đã ban cho chúng ta, vì chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô, thì tôi là ai mà dám ngăn cản Thiên Chúa?” (Cv 11,17)

ĐỐI THOẠI VÀ HÒA GIẢI: HÀI HÒA

Đối thoại

Đức Hồng y Matteo Zuppi, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý  đã  từng khẳng định Đối thoại là cách tốt nhất cho tất cả. Chúng ta phải học cách đối thoại. Chiến tranh gây chia rẽ, làm cho người ta không còn nhận ra mình là anh chị em. Hãy học cách ở bên nhau vì khi đó chúng ta sẽ tìm thấy anh chị em mình, tìm thấy chính mình”. Đối thoại là con đường, bước bắt đầu từ việc lắng nghe. Đức Thánh Cha Phanxicô, dịp tông du Hungary, trong cuộc gặp gỡ các tu sĩ Dòng Tên vào ngày 29.4.2023, đã cảnh báo rằng việc thiếu đối thoại đã đẩy một số người theo chủ nghĩa hiện đại nổi tiếng nhất vào những quan điểm ngày càng cực đoan và cuối cùng rõ ràng là dị giáo. Con đường Thượng Hội đồng gợi mở hướng đi: gặp gỡ, lắng nghe, cầu nguyện, phân định. Phân định bao gồm: cùng với Chúa Thánh Thần định hướng, định hình và định hành.

Hòa giải

Nhà bác học Albert Einstein nói: “Cứ đòi hỏi người ta phải làm cùng một việc, đang khi mong chờ những kết quả khác thì quả là không lành mạnh”. Đôi khi  trong Giáo hội, chúng ta thường nghĩ “điều này đã là như thế cả hai ngàn năm rồi, cho nên không cần phải thay đổi gì hết”; hoặc “theo truyền thống thì phải thế này, thế kia!”. Đức Hồng y Americo Aguiar, người tổ chức và điều hành Đại hội giới trẻ thế giới Lisbon, Bồ Đào Nha, đã cho rằng lập luận như thế là thứ mục vụ bảo quản! Cứ như thế đi cho đến lúc nó không còn như thế nữa vì chẳng có ai lo việc bảo quản nữa. Và ngài đã bày tỏ: “Ước mơ của tôi là các bạn trẻ đến Lisbon sẽ trở về quê hương mình với ước muốn sống tốt hơn, dù họ theo tôn giáo nào. Bởi lẽ ở Lisbon này họ gặp được cả người da trắng cũng như da màu, cao lớn hay thấp bé, từ Nam hay Bắc bán cầu, giàu hay nghèo, Hồi giáo, Do Thái giáo hay các tôn giáo khác, và họ khám phá ra rằng sự khác biệt ấy làm nên sự phong phú. Và như thế mọi khác biệt giữa các anh chị em trở thành cơ may cho chúng ta”.

LỜI KHUYÊN

Trân trọng quá khứ, nhưng hiện tại và tương lai phải tiến lên. Theo nguyên tắc: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Và tiếp nhận cái mới có chọn lọc. Cảnh giác văn hóa trì trệ, bảo thủ, chống lại tiến bộ. Chúng ta hãy xin Chúa giải thoát Hội Thánh khỏi những kẻ muốn làm cho Hội Thánh già đi, giam hãm Hội Thánh trong quá khứ, kềm hãm hay làm cho Hội Thánh bị tê liệt. Chúng ta cũng hãy xin Chúa giải thoát Hội Thánh khỏi một cơn cám dỗ khác, là tin rằng mình trẻ trung vì đã chấp nhận tất cả những gì thế giới mời mọc, tin rằng mình đổi mới vì đã quên đi sứ điệp của mình mà bắt chước người khác. Hội Thánh trẻ trung khi Hội Thánh là chính mình, khi Hội Thánh đón nhận sức mạnh luôn mới mẻ của Lời Chúa, của Thánh Thể, của sự hiện diện Đức Kitô và sức mạnh Thánh Thần của Người mỗi ngày. Hội Thánh trẻ trung khi Hội Thánh có khả năng không ngừng trở về nguồn. Biết ơn Công đồng Vatican II và Thượng Hội đồng Giám mục thế giới là như thế!

 

Lm. Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (D.Min.)

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!