Các nữ tu Công giáo thực hiện cuộc cách mạng đối diện với khủng hoảng khí hậu
Theo ban tổ chức, sự kiện dựa theo “Tuyên bố của các nữ tu vì môi trường: tổng hợp tiếng nói ở bên lề”, được đưa ra trước ngày hội nghị khí hậu COP27 diễn ra vào tháng 11/2022. Tuyên bố đề cập đến những nhu cầu và thách đố của các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học, tập trung vào các nhóm thường bị ở bên lề: phụ nữ, trẻ em, người già, người di cư, cộng đồng người bản địa và các nhóm thiểu số. Tuyên bố còn phản ánh và nêu rõ các phản ứng của các nữ tu Công giáo đối với những thách đố về môi trường trong thời nay.
Vì thế, một mặt, tuyên bố đề cập đến tính cấp bách của thời điểm hiện tại, xác định COP27 về biến đổi khí hậu và COP15 về đa dạng sinh học là những cơ hội quan trọng để xoay chuyển dòng hủy diệt đang tàn phá Trái đất chúng ta. Mặt khác, tuyên bố thể hiện tầm nhìn sâu xa, được thúc đẩy bởi niềm tin về sự chuyển đổi sinh thái, đã truyền cảm hứng cho sứ vụ của các nữ tu trong nhiều thập kỷ và tiếp tục làm như vậy hàng ngày, trên khắp thế giới.
Cuộc gặp gỡ do các bề trên tổng quyền dòng nữ tổ chức là cuộc đối thoại đầu tiên trong một loạt các cuộc đối thoại. Các nữ tu mời đại diện các tổ chức quốc tế, các chính phủ, xã hội dân sự, các tổ chức của Vatican, giới hàn lâm và báo chí tham gia cùng các nữ tu để thảo luận về các vấn đề chính, nhằm phát triển bền vững và bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương, với sự chú ý đặc biệt đến mối liên hệ giữa kinh nghiệm địa phương và các giải pháp toàn cầu.
Các nữ tu Công giáo muốn đóng một vai trò cụ thể trong việc bảo vệ con người và cộng đồng bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng khí hậu và mất đa dạng sinh học. Một loạt “Các cuộc đối thoại do các nữ tu hướng dẫn” đang mang các nữ tu và những ai quan tâm đến lĩnh vực này lại với nhau với hy vọng thúc đẩy một nguồn lực giúp kích hoạt một phong trào toàn cầu biến lời nói thành hành động.
Cuộc đối thoại đầu tiên tập trung vào ba chủ đề: ứng phó với biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học; chăm sóc con người và hành tinh chúng ta; tính dễ bị tổn thương trong lãnh đạo.
Các hoạt động cụ thể
Cuộc họp đã đem lại kết quả. Giờ đây, các nữ tu Công giáo của Liên hiệp Quốc tế các Bề trên Tổng quyền các dòng nữ đang lên chương trình tập hợp các nữ tu, đưa ra các ý tưởng và cam kết để bảo vệ và gìn giữ hành tinh phù hợp với thông điệp Laudato si’ của Đức Thánh Cha Phanxicô và các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc.
Các cuộc gặp gỡ tiếp theo sẽ được tổ chức bởi sáng kiến Các Nữ tu Vận động Toàn cầu của Liên hiệp Quốc tế các Bề trên Tổng quyền các dòng nữ, hợp tác với Quỹ Liên đới Toàn cầu và sẽ kết thúc bằng Diễn đàn Vận động đầu tiên của Liên hiệp Quốc tế các Bề trên Tổng quyền các dòng nữ, sẽ được tổ chức tại Roma vào tháng 11/2023.
Các nữ tu tạo ra sự khác biệt
Trong một cuộc phỏng vấn sau cuộc họp, sơ Maamalifar Poreku thuộc hội dòng các Nữ Thừa sai Đức Mẹ Phi châu, Đồng Thư ký Điều hành Văn phòng Công lý, Hòa bình và Toàn vẹn của Thụ tạo của Liên hiệp Quốc tế các Bề trên Tổng quyền các dòng nữ, và là Điều phối viên dự án “Gieo hy vọng cho Hành tinh” của tổ chức, nói về lý do tại sao sơ tin rằng các nữ tu có thể tạo ra sự khác biệt trong một bối cảnh thế giới nơi các cam kết về biến đổi khí hậu không được quan tâm trong khi người dân và các quốc gia dễ bị tổn thương ngày càng bị đe dọa và ảnh hưởng. Và nếu các nữ tu có thể tạo ra sự khác biệt, đó là vì họ đã được truyền cảm hứng và thúc đẩy thực hiện những điều mà chỉ những ai can đảm mới có thể làm, từ các bài viết và mẫu gương của Đức Thánh Cha.
Sơ Maamalifar giải thích rằng dự án Gieo Hy vọng cho Hành tinh là một trong những kết quả của thông điệp Laudato si’ của Đức Thánh Cha Phanxicô về Chăm sóc Ngôi nhà chung của chúng ta. Thông điệp thúc đẩy các nữ tu suy tư về cách họ có thể đón nhận thách đố và cho họ cơ hội “làm điều gì đó cho môi trường của chúng ta để mọi người có thể tìm thấy vị trí của mình và mọi thụ tạo cũng có thể tìm thấy chỗ đứng”.
Theo sơ, đây không chỉ là về con người, bởi vì con người và các thụ tạo có mối liên hệ, ảnh hưởng lẫn nhau. Gieo hy vọng cho hành tinh thực sự có nghĩa là mang lại hy vọng cho mọi người và cho ngôi nhà chung của chúng ta. Sơ nói: “Ý tưởng là tìm cách để trao quyền cho các nữ tu ở cộng đoàn cơ sở, chủ động đóng góp vào việc phục hồi đa dạng sinh học và cũng để mang lại sự thay đổi trong khí hậu của chúng ta theo nghĩa tích cực bởi vì tại thời điểm này, sự thay đổi mà chúng ta đang thấy về khí hậu đang diễn ra hết sức tiêu cực”.
Từ khi Đức Thánh Cha công bố thông điệp, nhiều dự án tốt đã được triển khai. Khi được hỏi tại sao sơ nghĩ rằng các nữ tu có thể tạo ra sự khác biệt cho tiến trình đang diễn ra, sơ Maamalifar nhấn mạnh cách tiếp cận toàn diện của các nữ tu.
Sự liên kết giữa biến đổi khí hậu và đức tin
Như Đức Thánh Cha nói biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường không chỉ là một vấn đề xã hội, nhưng còn liên quan sâu sắc đến đức tin. Là những người thánh hiến, nền tảng của mọi việc làm của các nữ tu quy về đức tin, điều này cho phép các nữ tu “kết nối” với Đấng Tạo Hóa và với toàn thể Thụ tạo.
Sơ nói thêm, các nữ tu cũng nhận thức rằng nếu làm một mình, các nữ tu không thể, bởi vì họ không được trang bị để đối diện với tình huống quá lớn này, hơn nữa các nữ tu không có tất cả kiến thức cần thiết để đối phó với nó. Vì thế, qua việc giáo dục các nữ tu tham gia với các cộng đồng cơ sở – những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học – các nữ tu có thể tạo ra hành động tích cực để mang lại kết quả cụ thể.
Ở nhiều nơi, ở vị trí trên cao, người ta tranh luận nhiều, đưa ra nhiều quyết định, và cũng hứa nhiều nhưng cuối cùng không thực hiện, vì thế người dân ở các cộng đồng không còn tin vào những lời hứa đó nữa. Sơ nhấn mạnh: “Nói thôi thì chẳng đem lại điều gì, chúng ta cần những hành động cụ thể”.
Do đó, dự án này dự kiến sẽ cung cấp cho các nữ tu các kỹ năng để họ có thể làm việc trực tiếp với các cộng đồng bị ảnh hưởng. 44 nữ tu đã trình bày các dự án mà họ sẽ thực hiện. Ví dụ như một ở Sri Lanka nhắm đến những người trẻ, và một ở Ghana, nơi hạn hán đã ảnh hưởng đến mùa màng và cuối cùng là lương thực cho trẻ em.
Sơ giải thích, trong cả hai dự án này, rõ ràng là những gì xảy ra với môi trường đều ảnh hưởng trực tiếp đến con người, và các nữ tu có thể đưa ra một cách tiếp cận toàn diện đối với vấn đề, bao gồm cả về xã hội, môi trường và thiêng liêng. Tất cả những điều này rất quan trọng đối với các cá nhân, cộng đồng, quốc gia và hành tinh.
Sơ nói: “Các nữ tu đang cố gắng giữ ba khía cạnh này lại với nhau để có thể cùng nhau tiến lên bởi vì chỉ đi theo một hướng là không đủ”.
Một cuộc “cách mạng” của những hành động nhỏ
Sơ Maamalifar tiếp tục: “Chúng ta cần những hành động nhỏ và chúng sẽ trở nên lớn, để thay đổi hướng đi của xu hướng tiêu cực mà chúng ta đang chứng kiến”. Sơ nhắc lại niềm tin vào “sự thay đổi thực sự đến từ cơ sở”, và giải thích rằng những người đứng đầu lại không cảm thấy ảnh hưởng của những gì đang xảy ra hiện nay.
Vì thế sự thay đổi sẽ đến từ những người đang phải chịu gánh nặng của biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học. Họ sẽ thay đổi một khi họ được giúp hiểu tại sao mình phải gánh chịu, điều gì gây ra đau khổ cho họ và họ được trao quyền hành động. Sơ khẳng định: “Nếu người dân ở các cộng đồng hiểu điều gì đang xảy ra, họ có thể đứng lên và nói: Đã đủ rồi, và điều đó sẽ dừng lại”.
Sơ tin rằng các nữ tu đang dẫn dắt một cuộc cách mạng: “Một cuộc cách mạng không phải bằng súng, bằng vũ khí, nhưng là một cuộc cách mạng trong những hành động nhỏ”. Sơ giải thích: “Chúng tôi muốn mọi người biết những gì đang xảy ra với họ, và do đó, trước hết là hiểu, rồi sau đó hành động, hành động có thể mang lại sự thay đổi. Đây là cuộc cách mạng mà chúng tôi các nữ tu đang dẫn đầu”.
Theo mẫu gương Đức Thánh Cha Phanxicô
Sơ Maamalifar kết luận bằng việc đề cao mẫu gương của Đức Thánh Cha Phanxicô về hoạt động bảo vệ môi trường: “Đối với tôi, con người là nguồn cảm hứng. Đức Thánh Cha là nguồn cảm hứng cho tất cả các tu sĩ. Chính sự nhiệt thành và hành động của Đức Thánh Cha – ngài không chỉ nói, nhưng đang hành động – là nguồn cảm hứng cho các tu sĩ. Và đây là điều chúng ta cần thấy nơi các nhà lãnh đạo!”
Sơ khẳng định: “Không có gì có thể ngăn cản tôi, bởi vì Đức Thánh Cha không dừng lại. Với tuổi và tình trạng sức khoẻ như thế, nhưng ngài vẫn không dừng lại. Vậy điều gì có thể ngăn cản tôi?”
Ngọc Yến – Vatican News