CAM CHỊU KHỔ HÌNH THẬP GIÁ
(THỨ SÁU TUẦN THÁNH)
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Sáu Tuần Thánh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa lấy lòng từ bi nhìn đến đại gia đình nhân loại. Chính vì gia đình này, mà Đức Giêsu, Chúa chúng ta, không ngần ngại phó mình trong tay kẻ dữ và cam chịu khổ hình thập giá.
Đức Giêsu đã cam chịu khổ hình thập giá để tiêu diệt tội lỗi và thiết lập Giao Ước Mới bền vững muôn đời. Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thư gửi tín hữu Hípri cho thấy: Người là trung gian của một Giao Ước Mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời Giao Ước Cũ, và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa. Tựa như cừu bị đem đi làm thịt, Người không hề mở miệng kêu ca khi bị ngược đãi, Người bị trao nộp và chịu chết. Người đã hiến thân chịu chết và bị liệt vào hàng tội nhân, để dân Người được sống.
Đức Giêsu đã cam chịu khổ hình thập giá để cứu chuộc chúng ta. Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Gioan Kim Khẩu đã cho thấy giá trị của Máu Đức Kitô: Nước tượng trưng phép rửa, máu tượng trưng thánh lễ. Người lính đã mở cạnh sườn của Chúa: anh đã chọc thủng bức tường đền thánh. Không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu chuộc, nhưng là nhờ bửu huyết của Con Chiên vô tỳ tích là Đức Kitô. Bửu huyết Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, thanh tẩy chúng ta sạch mọi tội lỗi. Nhờ Người, tất cả chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.
Đức Giêsu đã cam chịu khổ hình thập giá vì chúng ta, như trong bài đọc một của Cuộc Tưởng Niệm Thương Khó, ngôn sứ Isaia đã cho thấy: Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. Đức Giêsu đã cam chịu khổ hình thập giá để chúng ta bắt chước Người vâng phục thánh ý Chúa Cha, như trong bài đọc hai của Cuộc Tưởng Niệm Thương Khó, thư gửi tín hữu Hípri cho thấy: Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 30, vịnh gia cũng đã cho thấy lòng vâng phục, tín thác của Đức Giêsu: Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Con ẩn náu bên Ngài, lạy Chúa, xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ. Bởi vì Ngài công chính, xin giải thoát con. Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con, Ngài đã cứu chuộc con, lạy Chúa Trời thành tín.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày hôm nay là: Vì chúng ta, Đức Kitô đã tự hạ, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Hội Thánh không ngần ngại: quy cho các Kitô hữu, trách nhiệm nặng nề nhất, về cực hình mà Đức Giêsu phải chịu, trách nhiệm mà các Kitô hữu thường hay trút đổ trên đầu những người Dothái. Những ai sa đi ngã lại trong tội lỗi, đều là những người đã phạm tội đóng đinh Đức Giêsu, bởi vì, chính tội ác của chúng ta đã làm cho Đức Giêsu phải chịu khổ hình thập giá. Tội lỗi mà chúng ta thường cố tình tái phạm, thì nặng nề hơn tội của những người Dothái đã đóng đinh Chúa, bởi vì, theo thánh Phaolô: Nếu họ đã được biết Vua vinh hiển, thì họ đã chẳng đóng đinh Người vào thập giá. Trái lại, ta tuyên xưng rằng ta biết Người, nên khi ta chối bỏ Người bằng những hành vi tội lỗi, thì khi đó, ta đã tra tay giết Người. Ước gì ta biết ý thức rằng: Chính ta đã đóng đinh Người vào thập giá, và ta còn đang đóng đinh Người những lần khác nữa, khi ta cố tình đắm chìm trong các thói xấu và những tội lỗi “thâm căn cố đế” của mình. Ước gì được như thế! Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB