“Viaticum” là một từ tiếng Latinh có nghĩa chữ là “lương thực cho cuộc hành trình” (hay còn được biết đến với tên gọi “của ăn đàng”), và bản thân từ này thường được sử dụng liên quan đến việc đem đến những Nghi thức Cuối cùng.
Khi còn dạy chúng tôi, Sơ Lydia có lẽ đã mất 90 giây để kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về Thánh Tarcisius. Đó chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi, nhưng tôi không bao giờ quên vì câu chuyện đó làm tôi vô cùng ấn tượng.
Vào thế kỷ thứ III, các Kitô hữu phải bí mật nhóm họp để tránh bị cuộc bách hại. Một cậu bé tên là Tarcisius (như một đứa trẻ đang lắng nghe, tôi mường tượng rằng cậu ấy trạc tuổi tôi, có lẽ lớn hơn một chút), đã tình nguyện mang Mình Thánh Chúa cho các Kitô hữu trong tù. Trên đường đến đó, cậu bị một đám bạn nhận ra và mời gọi Tarcisius cùng chơi đùa với họ.
Khi biết rằng cậu là một người Kitô hữu và tò mò về thứ mà Tarcisius mang theo, đám bạn đã cố gắng cạy nó ra khỏi chiếc túi trên áo mà cậu đang mặc. Cho đến một lúc, đám bạn đã trở nên hung hăn, giận dữ mà hạ gục Tarcisius, người đã ngã xuống dưới đòn đánh của họ. Cậu đã chết khi đang được khiêng đi, cùng với viaticum – thức ăn cho chuyến hành trình về nhà – mà cậu vẫn còn ôm chặt trên ngực.
Qua lời kể của sơ về câu chuyện súc tích đó, đứa trẻ ngồi gần cuối lớp 1-A này biết được rằng niềm tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể đã có từ những ngày đầu tiên của Kitô giáo – và luôn luôn đáng được gìn giữ – và niềm tin đó dành cho Thiên Chúa, sự anh hùng, sự thánh thiện và lòng yêu mến Thánh Thể chưa bao giờ chỉ dành riêng cho người lớn mà thôi. Các thiếu nữ và thiếu niên cũng có khả năng yêu mến Chúa Giêsu đến nỗi sẵn sàng chết vì Người. Tuổi tác chưa bao giờ là rào cản cho sự thánh thiện.
“Viaticum” là một từ tiếng Latinh có nghĩa chữ là “lương thực cho cuộc hành trình,” và bản thân từ này được sử dụng phổ biến hơn liên quan đến việc đem đến các Nghi thức Cuối cùng – trong Bí tích Xức dầu Bệnh nhân, sau lần xức dầu sau cùng và những lời cầu nguyện cho một người hấp hối hoặc có nguy cơ tử vong. “Lương thực” được ban dành cho bài thao luyện cuối cùng của cuộc đời này không gì khác hơn là Mình và Máu Châu Báu của Chúa Giêsu. Chỉ một mẩu nhỏ nhất của Bánh Thánh, hoặc chỉ một giọt Máu Châu Báu, đều chứa toàn bộ Chúa Kitô, và việc rước lễ như thế nhằm đem lại nguồn dưỡng chất thiêng liêng cần thiết cho con đường linh hồn đến gặp gỡ Thiên Chúa và đón nhận cả công lý cũng như lòng thương xót của Người.
Nhưng sự thật là, Bí tích Thánh Thể là lương thực cho tất cả các ngày trong đời sống của chúng ta – nguồn dinh dưỡng mang đến thực tại bằng xương bằng thịt của Thiên Chúa Nhập thể, Chúa Giêsu Kitô, vào từng huyết quản và bắp thịt của chúng ta để cho tinh thần, thể chất và vâng, trí tuệ của chúng tađược nên sung túc.
Thật là một món quà lớn lao mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta trong Bí tích cực thánh này! Chúng ta thật may mắn biết bao khi biết rằng Thiên Chúa ở gần chúng ta như vậy – rằng Người nuôi chúng ta bằng chính Người, Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Khi chúng ta đi ngang qua nhà tạm, và chắc chắn là khi chúng ta tiếp rước Người trong Thánh lễ hay trên giường bệnh, đó là những lúc chúng ta đang ở gần thiên đàng trên trái đất nhiều nhất có thể. Đó là Bánh của các Thiên thần mà chúng ta được đón rước, một mầu nhiệm mà chúng ta chỉ nắm bắt được khi có sự đồng thuận của đức tin.
Các nghị phụ của Công đồng Vaticanô II đã dạy rằng Bí tích Thánh Thể là “nguồn gốc và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu”. Nói cách khác, để có một đời sống Kitô hữu thực sự, Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể không chỉ là một phần trong sự tồn tại của một người mà còn là thực tại mà từ đó mọi thứ trong cuộc đời của người đó tuôn chảy – và là mục tiêu mà mọi thứ trong cuộc sống này hướng tới.
Và vì vậy, khi cùng nhau thực hiện cuộc hành trình gian truân như thế, chúng ta hãy cậy dựa vào lương thực từ trời này. Chúng ta có thể tồn tại mà không có Chúa Giêsu vào ngày Chúa nhật hay không? Còn hôm nay thì sao?
Đám đông nói với Chúa Giêsu: “Xin cho chúng tôi bánh này luôn mãi.” Và rồi Người tuyên bố: “Ta là bánh hằng sống… ai đến với ta sẽ không hề đói; ai tin vào ta, chẳng khát bao giờ” (Ga 6,34-35).
Thánh Thể là lương thực đích thực cho con đường đầy thử thách này; đó là niềm an ủi thực sự cho những đau thương mà chúng ta kiên trì chịu đựng. Và vì vậy, “viaticum” là một từ đáng được nhắc lại trong việc thực hành đức tin của chúng ta, vì lời nhắc nhở mạnh mẽ của nó chính là, giống như cậu bé Tarcisius, chúng ta bước đi trên con đường này với Chúa Giêsu Kitô.
Tác giả: Đức Giám Mục Robert Reed
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên