Căn tính đích thực của Linh mục
1. Trước hết, cần nêu lên nét căn bản nhất : Linh mục là một con người được Thiên Chúa kêu gọi và sai đi chu tòan một sứ vụ.
1.1. Mỗi Linh mục, một cách nào đó, đều giống như ngôn sứ Samuen trong bài đọc 1 và các ngôn sứ của Cựu Ước, và cũng giống như các Tông đồ trong Tân Ước : được Thiên Chúa kêu gọi bằng nhiều cách khác nhau, nghĩa là mỗi người một cách, và qua nhiều yếu tố trung gian khác nhau. Bạn Linh mục Antôn thân mến, bạn hãy thử nhớ lại lịch sử hình thành ơn gọi làm Linh mục mà Thiên Chúa dành cho bạn, đã diễn ra như thế nào? Có thể một gương sáng nào đó trong gia tộc hay trong giáo xứ đã làm nảy sinh trong tâm hồn bạn ý muốn dâng mình cho Chúa? Hay là một lời khuyên bảo, một lời động viên của ai đó : cha xứ, cha mẹ, hay một người thầy, một người bạn? Trong trường hợp Samuen, Thiên Chúa đã dùng Thầy Tư tế Êli làm trung gian để giúp cậu thiếu niên này nhận biết tiếng gọi của Thiên Chúa và đáp lại. Mà Êli là một người sắp bị Thiên Chúa trừng phạt vì đã không sửa dạy con cái mình khi chúng nguyền rủa Thiên Chúa (x. 1 Sm 3, 11-18). Thiên Chúa có cách hành động đôi khí khá ngược đời : Ngài không chỉ dùng người tốt, mà dùng cả những người không tốt hoặc chưa tốt để thực hiện chương trình cứu độ của mình. Mười hai Tông đồ, khi được Chúa Giêsu kêu gọi, đâu đã là những “Thánh” Tông đồ! Những người sau này trở thành rường cột của Giáo Hội, khi mới đi theo Chúa, thì còn đầy dẫy những thói hư tật xấu, nổi bật nhất là tính háo danh (x. Mc 10,35-40), tranh nhau làm lớn (x. Lc 22,24), và tính nóng nảy (x. Lc 9,54-55), bốc đồng, nhưng lại rất hèn nhát (x. Lc 22,33-34.56-61). Thiên Chúa có thể rút ra điều tốt từ cái xấu, và biến đổi những con người xấu hoặc chưa tốt thành người tốt hơn và thánh thiện hơn. Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố :”Tôi đến không phải để kêu gọi những người công chính, nhưng kêu gọi những người tội lỗi hóan cải…” (x.Mt 9,13). Thầy Tư tế Êli đã kiên trì dạy bảo Samuen lắng nghe tiếng gọi của Thiên Chúa và đáp lại tiếng gọi đó. Cũng thế, các giáo sư Chủng viện, các Cha linh hướng, và cả cha mẹ nữa đã phải kiên trì giáo dục, hướng dẫn một thiếu niên thành chú Chủng sinh, rồi thầy Đại Chủng sinh, để tiến tới chức Linh mục. Bản thân người được kêu gọi cũng phải kiên trì học tập lắng nghe và nhận biết tiếng Chúa, nhất là biết đáp lại bằng một quyết định hòan tòan tự do, tự nguyện và đầy tinh thần trách nhiệm. Đúng, ơn gọi là một huyền nhiệm : huyền nhiệm của sự tự do, tự nguyện đảm nhận trách nhiệm về sự chọn lựa của mình, nhìn từ hai phía : phía Thiên Chúa và phía con người được gọi.
1.2. Câu chuyện cuộc gặp gỡ giữa người thanh niên giàu có với Chúa Giêsu trong Phúc Âm (x. Mc 10, 17-22) còn cho thấy thêm: huyền nhiệm ơn gọi gắn liền với cái nhìn trìu mến yêu thương đặc biệt Chúa Giêsu dành cho người được gọi. Đáng tiếc là người thanh niên ấy đã không đón nhận ánh mắt trìu mến của Chúa, trái lại anh ta sa sầm nét mặt nhìn xuống đất, và do quyến luyến và dính bén của cải vật chất, nên anh ta đã quay lưng cho Chúa và mang theo về nhà mình một nỗi buồn ray rứt da diết vì đã thiếu lòng thành và tự mâu thuẫn với chính mình, nếu không phải là đã thiếu lịch sự với Chúa. Một Linh mục chân chính hay một Tu sĩ đúng nghĩa là con người đã được Chúa Giêsu nhìn như thế, và đã hân hoan ngước mắt nhìn lên ánh mắt đang tỏa nhiệt lượng tình yêu của Chúa, chân thành đón nhận lời Chúa khuyên (“từ bỏ tất cả, kể cả chính mình, vác thập giá của mình từng ngày”:Lc 9,23) và đáp lại lời Chúa kêu gọi (“hãy đến theo Ta”: Mc 10,21), để rồi suốt đời không rời gót chân Chúa nữa (x. Ga 6,68). Những người đã dám ngước mắt lên nhìn ánh mắt của Chúa như thế, thì được Chúa đưa lên núi, với cả một nhóm, để cùng ở với Chúa và cùng được Chúa sai đi. Được sai đi có nghĩa là cùng xuống núi với Chúa và được Chúa chia thành từng nhóm nhỏ, đi đến với dân chúng để rao giảng Tin Mừng về Nước Trời, để trừ quỷ, nghĩa là chống lại sự dữ và tội lỗi, và để chữa lành các bệnh tật, nghĩa là chăm lo cho sức khỏe phần xác và phần hồn của dân chúng (x. Mc 3, 13-15 ; 6,12-13). Nói tóm lại, Linh mục là người tự nguyện đáp lại tiếng gọi của Chúa, đi theo Chúa, sống với Chúa, sống như Chúa, chia sẻ sứ mệnh và số mệnh của Chúa. Theo nghĩa đó, người ta gọi Linh mục là một Đức Kitô thứ hai, hay đúng hơn, là một họa ảnh trung thực của chính Chúa Kitô.
2. Linh mục là họa ảnh của Chúa Kitô, điều đó có nghĩa là Linh muc trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài dưới hai góc độ : một là thuộc trọn về Thiên Chúa vì được thánh hiến cho Thiên Chúa và đuợc Thiên Chúa dành riêng để trao cho một sứ vụ ; hai là thuộc trọn về Dân Thiên Chúa, vì Linh mục từ Dân mà ra, được tách khỏi Dân, nhưng là để đuợc Thiên Chúa trả về lại cho Dân với danh nghĩa mới là người của Thiên Chúa, và với sứ vụ đặc thù “nhân Danh và trong vai Chúa Kitô” phục vụ Dân theo ba chức năng :
– chức năng Ngôn Sứ, bằng cách dùng Lời Chúa mà dạy dỗ Dân ;
– chức năng Tư Tế, bằng cách cử hành các Bí Tích thánh hoá Dân, nhất là “đại diện Dân dâng lễ phẩm cũng như lễ vật đền tội”(x. Dt 5,1) ;
– và chức năng Vương Đế, bằng cách thi hành nhiệm vụ Mục tử, dẫn dắt và lãnh đạo Dân “nhân Danh và trong vai Chúa Kitô” là Đầu của Thân Mình Giáo Hội, và theo tinh thần của Chúa Kitô, vị Mục Tử nhân lành, biết rõ đoàn chiên và sống chết cho đoàn chiên.
Bài đọc 2 trích từ Thư gửi các tín hữu Do Thái nói rõ : vị Tư tế, tức Linh mục, cảm nhận một cách trung thực sự yếu đuối và giới hạn của chính mình để cảm thông cách chân thành với những yếu đuối và giới hạn của Dân Chúa (x. Dt 5,2-3). Mà mọi thành viên của Dân Chúa đều đuợc kêu gọi nên thánh từng ngày, giống như Linh mục, vị mục tử của họ, cũng đang cố gắng từng ngày trở nên thánh thiện hơn, bằng chính những phương tiện giống như các giáo dân và bằng con đường đặc thù của đức bác ái mục vụ (x. LM 14b).
3. Cuối cùng, hình ảnh hạt lúa miến gieo vào lòng đất trong bài Phúc Am diễn tả một cách ấn tượng và sâu sắc nhất căn tính huyền nhiệm của Linh mục. Nhưng chính Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh đó để nói về số mệnh và sứ mệnh của Ngài trước khi ứng dụng cho các môn đệ hay các Linh muc.
3.1. Số mệnh của Chúa giống như hạt lúa là phải mục nát và chết đi. Sứ mệnh của Chúa giống như hạt lúa, là phải trải qua huyền nhiệm sự chết để có khả năng sinh ra nhiều hạt khác (x. Ga 12,24), nghĩa là làm tăng trưởng sự sống. Số mệnh và sứ mệnh quyện chặt vào nhau, không thể tách rời. Chết đi mà không sinh ra những hạt mới, để làm cho sự sống nên dồi dào hơn, thì quả là vô ích và phí phạm. Còn nếu không chết đi thì hạt lúa vẫn trơ trọi một mình (x. Ga 12, 24), nghĩa là quy luật cuộc sống đòi hỏi rằng, để có được một cái gì có giá trị cao, thì người ta phải trả một giá đắt tương xứng, chẳng hạn như: tình yêu có giá trị cao nhất, thì để biểu lộ tình yêu lớn nhất, chỉ có cách tương xứng là hy sinh mạng sống mình đi vì người mình yêu (x. Ga 15,13). Cái chết vì yêu không những minh chứng giá trị của tình yêu, mà còn vĩnh cửu hóa tình yêu, làm cho tình yêu sống mãi, làm cho người đang yêu và nguời được yêu sống mãi trong ý chí và ký ức của nhau. Cũng trong mạch suy tư đó, tác giả Thư gửi các tín hữu Do Thái khẳng định rằng: “không thể có ơn tha thứ nếu không có máu đổ” (Dt 9,22), nghĩa là ơn cứu chuộc có giá trị cao, thì cái giá phải trả cho nó cũng phải lớn, và đó chính là mạng sống được tượng trưng bởi máu, vì đổ máu đồng nghĩa với hy sinh mạng sống.
3.2. Sứ mệnh của Chúa Giêsu là làm cho mọi người được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10), thì số mệnh của Ngài là chấp nhận mục nát, chết đi, tự hạ tột độ và tự hủy ra không (x. Pl 2, 7-8), từ bỏ mình và đánh mất chính mình. Sự quyện chặt vào nhau giữa sứ mệnh và số mệnh của Chúa Giêsu được thể hiện trong biểu tượng hạt lúa gieo vào lòng đất, chết đi để sinh nhiều hạt khác (x. Ga 12, 24). Những hạt lúa mới ấy là các môn đệ, các Kitô-hữu “được sinh ra bởi nước và Thần Khí” (x. Ga 3,5), nước đó chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Giêsu (x. Ga 19,34) và Thần Khí đó do Chúa Giêsu trao ban khi trút hơi thở cuối cùng trên Thập giá (x. Ga 19,30). Nói tóm lại, hạt lúa Kitô chết đi để sinh ra những hạt lúa khác là các Kitô-hữu. Từ chân lý cơ bản này Tertulianô đã viết ra được câu nói bất hủ: “Máu các Thánh Tử đạo là hạt giống làm nẩy sinh những Kitô-hữu”, với điều kiện chúng ta hiểu máu các Thánh Tử đạo hòa quyện với Máu Chúa Kitô, vị Chứng Nhân trung thành (. Kh 1,5) và vị Thánh Tử Đạo vĩ đại, vì chính Máu Chúa Kitô mới mang lại sự sống muôn đời (x. Ga 6, 53-54).
3.3. Trên đây là ý nghĩa của hạt lúa miến nhìn theo quan điểm nông nghiệp. Nếu nhìn theo quan điểm công nghiệp chế biến, hạt lúa bị nghiền nát thành bột là hạt lúa đã đánh mất chính mình, đã từ bỏ mình, đã chết đi và bị hủy ra không. Đó là bước đầu tiên của tiến trình làm ra chiếc bánh. Bước tiếp theo là bột hòa quyện với nước và men để dậy men, nghĩa là được biến đổi và tăng lên. Bước cuối cùng là bột đã dậy men phải trải qua sự thử thách của lửa làm cho chiếc bánh chín và có mùi vị thơm ngon. Hạt lúa Kitô chấp nhận chết đi để trở thành tấm bánh bẻ ra cho thế gian, làm cho thế gian được sống và sống dồi dào (x. Ga 6,51;10,10). Nhìn dưới góc độ nuôi dưỡng sự sống, hạt lúa cũng diễn tả một cách ấn tượng số mệnh và sứ mệnh của Chúa Cứu Thế.