Góc tư vấn

CÁI CHÒ CHƯNG CHUỐI TẾT…

CÁI CHÒ CHƯNG CHUỐI TẾT…
Ông Hương cả Quờn bước ra khỏi hàng ba, tay cầm cây dù giấy dầu màu đỏ đậm, trên người vận áo dài tía bông bạc, đầu bới cao, đeo kiếng râm, bộ hành dọc bờ kinh. Nay nhà ông Xã trưởng Huỳnh có mần đám giỗ, có đem khay lễ qua thỉnh ông cả qua ngồi chơi.
Bước vô tới sân, trong nhà có hai người đờn ông trên mình bận áo dài đen, chạy ra xá ông cả:
– “thưa ông cả, thỉnh ông vô nhà!”
Ông cả gật đầu rồi tiếp xá lại đáp lễ:
– “dạ, thỉnh hai thầy dẫn đạo. Nay nhà có đám kỵ, hai thầy ăn bận áo dài đen, đúng là con cháu nghĩ về tổ tiên, không chuộng sắc phục, giữ theo lễ xưa, đúng là hay quá!”
Nói dứt, có người cầm dù ông cả vô cất, rồi ông tiếp bước đi vô, người trong nhà dẫn ông vào nhà trên, ông chuẩn bị khăn áo chỉnh tề, vào ra mắt ông chủ gia là Xã Huỳnh xong, ông cả hô:
– “qua xin phép vào làm lễ!”
– “bẩm, thỉnh ông cả!”
Một người trong nhà bưng khay lễ, trên có rượu có trầu, bưng đến nơi đâu đều châm rượu, ông cả hành lễ tứ bái, đoạn rồi người nhà dẫn lên bàn trước ngồi mà uống trà ăn bánh.
Nhìn rảo trong nhà, ông thấy cách sắp đặt coi trang nghiêm, đủ phần đẹp đẽ, tiếp nhìn đến bàn ngoại nghi ông lắc đầu:
– “cái nghi này, em để đây là phải, nhưng đồ tự khí (đồ thờ) coi thất cách quá em!”
– “dạ, ông cả dạy em nghe?” – ông Xã đáp
– “em lập nghi thờ vầy, theo lối Nam Việt ta có năm thứ cần để vô cho đăng đối, bộ lư với chơn đèn, cái bình bông và bộ dĩa trái cây. Vì sao qua kêu là bộ dĩa, bởi vì nó gồm có cái chò hay cái đài kê cao lên, bên trên có kê cái dĩa, còn em để trệt như vầy, coi thấy cách quá, nhìn vô bình bông, bộ lư cái nào cũng cao, mà cái dĩa trái cây lọt dưới vầy, coi lạ quá em!”
– “chết chưa, dạ, để em kêu tụi nhỏ kê lại cho trúng”
– “trong Nam Việt mình, kê dĩa bằng cái chò, ấy cái này cũng là cái dò chưng đồ, bởi cái dò này có 3 cái cẳng….”
– “bửa em nghe thầy bà cắt nghĩa như vầy: họ nói ba cái dò là Phật Đạo Khổng đó đa!” – ông Xã tiếp lời.
Ông Cả tay cầm điếu thuốc hút, rồi đáp tiếp:
– “ Giờ gì có ba cái ai cũng ghép thành ba mối đạo hết, vậy là ba mối đạo đở lấy dĩa trái cây, nói chớ vầy, tại mình ở đây chuộng theo cái cổ lý điển lễ nhiều hơn, vã lại, đời xưa, trước khi đạo Phật vô, người ta cũng lấy cái số 3 làm ước lượng rồi, cái gần nhứt là cái kiềng ba chơn, cái đỉnh ba chơn đó, bởi phương đông mình, coi số 3 là số tái tạo vạn vật mà “nhứt sanh nhị, nhị sanh tam, tam sanh vạn vật” bởi vậy số ba được coi là một con số thể hiện cho sự phát đạt lắm. Còn trong Diệc (kinh dịch), coi số ba như tam tài, sự phân chia bền vững, do đó cũng thể hiện sự cân bằng trên ý niệm cao siêu của võ trụ nhơn sanh vậy”
– “dữ thần thiên địa, nghe ông cả nói em thấy chí phải, mà kê cái dĩa lên, thấy bộ bàn nghi coi sáng dới, đẹp dữ, cân bằng quá hà!” – ông Xã đáp.
– “ờ ahah”
Ông cả ăn đám giỗ xong, rồi thong thả ra về, còn được ông Xã kỉnh biếu thêm mấy đòn bánh ăn lấy thảo.
Bởi vậy, cái sự thờ cúng ông bà khi xưa, trước khi se xua, phải chuộng sự lễ nghĩa, làm đẹp phần lễ nghĩa cho bộc lộ ra cái đẹp trong tâm thức của người thờ cúng, bởi người có tâm thờ ngưỡng tiên nhờn, ấy phải thể hiện sự thờ ra cho đẹp, đúng lễ phép. Lễ phép là không làm lố vì háo danh háo lợi, ông đạm bạc như kẻ không quan tâm, phải trung hòa, đủ lễ, đủ cách,, ấy là cái ý người xưa gởi vô trong việc lễ nghĩa miền Nam này vậy.
Tác giả TỬ YẾNG 紫暎

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!