Phụng vụSuy niệm Chúa nhật

Chạm vào những vết thương – Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa

 

Chạm vào những vết thương – Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa

 

Đức Giêsu đã bị giết chết, các môn đệ co cụm, sợ hãi trước một tương lai tăm tối. Nỗi đe dọa như ở mọi nơi. Họ không dám đi đâu, làm gì, vì “sợ người Do thái.”

 

Trong sự bế tắc ấy, Đức Giêsu hiện ra với họ nói: “Bình an cho anh em.” Dù chưa hiểu hết ý nghĩa của sự Bình an. Nhưng khi thấy Thầy đang sống, còn thấy những dấu tích của cuộc khổ nạn trên thân thể đã làm bùng lên sự phấn chấn, vui mừng. Nỗi mừng vui trọng đại này được Giáo hội lưu lại trong kinh nguyện của mùa phục sinh, như muốn nhắn gửi cho con cái mọi thời về cái tâm bất biến giữa giòng đời vạn biến: “Các môn đệ vui mừng. Halleluia. Vì được nhìn thấy Chúa. Halleluia.”

 

Những thương tích trên thân thể Đức Giêsu như những dấu tích cho một tình yêu cao cả và lòng xót thương vô bờ Người dành cho nhân loại mà các môn đệ có sứ mạng truyền rao: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”.

 

Các môn đệ sẽ thi hành sứ mạng này, không phải để trừng trị, trả thù những kẻ gian ác, nhưng là để tha thứ và làm chứng cho Tin mừng, cho ơn Cứu Chuộc, cho lòng Thương Xót vô biên Người vẫn dành cho nhân loại từ đời nọ đến đời kia.

 

Sứ mạng ấy đã tồn tại qua thời gian lịch sử, trải qua những sự thử thách ghê gớm giữa sự sống và cái chết, giữa mầu nhiệm và những vấn đề thuộc bình diện nhân loại. Sứ mạng này, các môn đệ sẽ thực hiện cùng với Đấng Phục Sinh luôn hiện diện – ở cùng, như một bảo đảm hậu thuẫn cho sứ điệp, một thế lực để duy trì sức mạnh thừa sai, để khơi dậy đức tin và bừng lên ngọn lửa nhiệt thành.

 

Không ít lần, trong những thời khắc tăm tối nhất của lòng tin, vẫn có những ao ước được “thấy và chạm” đến những thương tích trên thân thể Đấng Phục Sinh như tông đồ Tôma. Nhưng những vết thương của Giáo Hội, của xã hội, của gia đình và của mỗi người chính là những vết thương của Chúa Kitô, và những vết thương ấy phải được nhìn thấy để chạm vào, để hôn kính và để được chữa lành.

 

Làm sao có thể tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô, khi hằng ngày chúng ta vẫn dửng dưng với những cái xấu và ác, vô cảm trước sự dữ và tội, mặc nhiên thừa nhận sự gian dối ?

 

Làm sứ giả cho lòng thương xót của Chúa là mạnh dạn chỉ ra và phơi bày các vết thương này, cho dù có chua xót đến đâu, để thấy nguồn gốc của mọi vết thương đau ấy là cái cơ cấu của tội lỗi. Cần lắm một tình yêu liên đới và lòng thương cảm “xót ai cũng là xót phận mình”, để có thể cùng nhau tìm kiếm những phương thế chữa lành.

 

Và thuốc chữa lành chính là sống Lòng thương xót của Chúa khi khát khao làm những điều tốt đẹp, khi tìm kiếm chân lý tránh xa sự giả dối, khi tìm kiếm sự tha thứ thay cho sự trả thù, khi biết yêu thương chứ không phải thù hận. Bấy giờ mới có thể thưa lên : “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa.”

Lm. Giuse Ngô Văn Kha, CSsR

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!