Phụng vụTư liệu Phụng vụ

Chìa khóa và thanh gươm

Chìa khóa và thanh gươm

Ngày 29 tháng 6 hằng năm, chúng ta mừng kính hai thánh Tông Đồ cột trụ của Hội Thánh: Tông đồ Cả Phêrô và Tông đồ dân ngoại Phaolô. Tại sao Giáo hội lại mừng kính chung hai Vị trong một ngày? Chúng ta có thể tìm ra câu trả lời qua hai biểu tượng mà các Vị mang bên mình: chìa khóa và thanh gươm.

Chìa khóa

Chùm chìa khóa trên tay thánh Phêrô tượng trưng cho “quyền chìa khóa” mà Ngài lãnh nhận nơi Chúa Giêsu, khi nói với Thánh nhân: “Thầy trao cho con chìa khóa nước trời, sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; sự gì con tháo cởi dưới đất, trên trời cũng tháo cởi” (Mt 16,19). Quyền này được hiểu là tiếp nối như uy quyền của các Đức Giáo Hoàng sau này, nên cũng trở thành biểu tượng quốc hiệu và quốc kỳ Tòa Thánh.

Chìa khóa vàng tượng trưng cho việc mở cửa nước trời. Đây là biểu tượng của quyền bính thiêng liêng và đức tin mà thánh Phêrô dùng để hướng dẫn Giáo hội trong các vấn đề thiêng liêng và đạo đức.

Chìa khóa bạc là biểu tượng quyền để lãnh đạo dân Chúa dưới đất, giáo huấn họ về phong hóa và nhân đức,  qua việc sửa dạy hoặc tha thứ, thẩm định hành vi tốt xấu và phán quyết.

Hai chìa gộp lại tượng trưng cho đức tin chân thật, tinh tuyền vào Thiên Chúa. Các Kitô hữu cần cố gắng trung thành và nhiệt thành với Đức Tin như Phêrô.

Hai chìa khóa này cũng là biểu tượng cho phần thưởng cao quý mà Phêrô nhận được do lòng trung thành của mình. Đó cũng là phần thưởng cho tất cả những ai trung thành bước theo Chúa Kitô và làm chứng cho Ngài.

Tóm lại, chìa khóa nơi thánh Phêrô tượng trưng cho sự vững chắc của Hội Thánh trong việc gìn giữ và phân phát kho tàng Đức Tin. Giáo hội Công giáo được Chúa Kitô ủy thác, có uy lực, thẩm quyền và trách nhiệm trong việc gìn giữ đức tin tinh ròng và chuyển trao cho nhân loại đức tin mang lại ơn cứu rỗi ấy.

Thanh gươm

Thanh gươm không chỉ nhắc nhớ đến cuộc tử đạo bằng gươm của Thánh Phaolô, nhưng thường đi kèm với cuốn sách hoặc cuốn thư, để diễn tả “khí giới của Thiên Chúa” (x. Ep 6,11-12), đó là “gươm Thần Khí”, nghĩa là Lời Chúa (Ep 6,17), “Lời sống động và hữu hiệu, sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi, phân cách tâm với linh, cốt với tủy, phân định tư tưởng và ước muốn của lòng người” (Hr 4,12).

Thanh gươm cho thấy thánh Phaolô là một “chiến binh” của Chúa Kitô, dùng “gươm Thần Khí”, để chống lại ma quỷ, chống lại quyền lực của bóng tối, để chinh phục muôn dân nước về cho Chúa Kitô. Quả thực, Ngài đã “chinh chiến” không mệt mỏi, miễn là Đức Kitô được rao giảng cho muôn dân.

Thanh gươm cũng có thể hiểu rộng như là khả năng biện giải sắc bén của Ngài. Với 14 lá thư trong Tân Ước được truyền thống quy cho Ngài, trong đó ít nhất 7 lá thư được coi chắc chắn là do Ngài trước tác, chúng ta có thể thấy tài hùng biện thông thái và uyên thâm của Ngài như thế nào.
Thanh gươm vì thế cũng diễn tả cuộc đời của Ngài với sự hoán cải ngoạn mục: từ dùng gươm bắt bớ các Kitô hữu, tới dùng gươm để bảo vệ và loan truyền đức tin vào Chúa Kitô. Cũng là một lòng nhiệt thành, một ngọn lửa nhiệt huyết, nhưng chuyển từ thiêu rụi thành thắp sáng…

Tóm lại, hình ảnh thanh gươm, biểu trưng cho lòng nhiệt thành truyền giáo của Thánh Phaolô, Tông đồ thứ 13, Tông đồ dân ngoại… Ngài đã xả thân vì Tin Mừng, dùng “khí giới của Thiên Chúa, Lời Chúa”, “gươm Thần Khí”, để chinh phục muôn dân về với Chúa Kitô. Theo nghĩa này, thanh gươm cũng nhắc nhớ Hội Thánh về bản tính của mình là sứ mạng truyền giáo cho muôn dân.

Như vậy, chìa khóa và thanh gươm, biểu tượng của hai Vị Tông Đồ cột trụ của Hội Thánh, cũng diễn tả hai phương diện của một sứ mạng duy nhất của Hội Thánh: gìn giữ bảo toàn kho tàng Đức Tin và không ngừng lên đường để mang ánh sáng Đức Tin đến cho mọi người mọi nơi.

Để kết, xin mượn lời tiền tụng của thánh lễ trọng thể này: “Hôm nay, chúng con được vui mừng trong ngày lễ trọng kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô.Chúa đã sắp đặt để thánh Phêrô là người đầu tiên tuyên xưng đức tin, thánh Phaolô là người làm sáng tỏ đức tin, thánh Phêrô thiết lập Hội Thánh tiên khởi cho người Israel, thánh Phaolô là thầy giảng dạy muôn dân. Như vậy, các ngài đã dùng đường lối khác biệt để quy tụ một gia đình duy nhất cho Ðức Kitô, nên các ngài đáng được thế giới ngưỡng mộ và được lãnh nhận cùng một triều thiên vinh quang”.

Xin cho chúng con được tiếp bước cái Ngài để xây dựng và phát triển Hội Thánh của Chúa, noi gương hiệp hành và nhiệt thành của hai Thánh Tông Đồ Cả.

Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!