HỎI. Điều răn thứ hai dạy: “Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ”. Vậy tên của Chúa là gì và như thế nào gọi là kêu tên Ngài vô cớ?
ĐÁP.
Ngoài danh xưng Chúa Giêsu được bày tỏ rõ ràng trong Tân Ước, chúng ta chỉ có một manh mối duy nhất về tên của Chúa qua câu chuyện trong sách Xuất Hành, khi Chúa gọi ông Môsê từ bụi gai bốc cháy và sai ông đi giải cứu dân Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập. “Ông Mô-sê thưa với Thiên Chúa: “Bây giờ, con đến gặp con cái Ít-ra-en… Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao?” Thiên Chúa phán với ông Mô-sê: “TA LÀ ĐẤNG HIỆN HỮU.” Người phán: “Ngươi nói với con cái Ít-ra-en thế này: “Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em.” (Xh 3,13-15):
Trong tiếng Hipri, Danh Thiên Chúa được viết là JHWH (יהוה). Cần lưu ý là tiếng Hipri không có các nguyên âm (a, e, i, o, u) như các ngôn ngữ khác. Vậy nên khi dịch bản văn này sang các thứ tiếng, người ta đã thêm phụ âm vào để dễ phát âm, chẳng hạn như tiếng Việt dịch là Gia-vê hay Ya-vê (Tin Lành dịch là Giê-hô-va).
Tuy nhiên nếu hiểu đúng đoạn văn trên đây, thì thực ra Thiên Chúa không có tên. HẰNG HỮU (hay HIỆN HỮU) là bản tính của Ngài – Ngài luôn luôn có – chứ không phải là tên riêng. Nhưng vì con người muốn biết tên của Ngài, nên Thiên Chúa đã mặc khải danh xưng ấy. Còn thông thường, người ta luôn xem Thiên Chúa là vua, là chủ tể của vũ trụ nên gọi Ngài là Thiên Chúa, Chúa các chúa và Vua muôn vua… Các danh xưng Thiên Chúa, Chúa Trời, Chúa tuy không phải là tên của Chúa nhưng diễn tả được sự trổi vượt của Ngài cũng như sự kính sợ đặc biệt của con người dành cho Ngài.
Điều răn thứ hai qui định: “Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ” được ghi trong sách Xuất Hành 20,7: “Ngươi không được kêu tên Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi mà làm điều bất xứng, vì Ðức Chúa không dung tha kẻ kêu tên Người mà làm điều bất xứng.”.
Trước tiên cần hiểu trong bối cảnh của Do Thái giáo, danh xưng của Chúa được nhắm trước hết là danh Gia-vê (JHWH). Đây là danh cực thánh mà không ai được phép tự tiện nhắc đến, ngoại trừ các thủ lãnh và các ngôn sứ khi các vị nhân danh Chúa mà giáo huấn dân chúng. Trong đạo Công Giáo chúng ta, Giáo Hội cũng khuyên hạn chế tối đa việc dùng trực tiếp danh Gia-vê. Trong một văn kiện gửi Bộ Phụng Tự vào năm 2016, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã đề nghị việc xét duyệt các bản dịch phụng vụ cần lưu ý đến điểm trên.
Giáo lý Hội Thánh Công Giáo khai triển điều răn thứ 2 như sau (các số 2142-2167): Điều răn thứ hai dạy ta phải tôn kính Danh Chúa vì Danh Chúa là Thánh. Người ta chỉ được dùng Danh Thánh Chúa để kêu cầu, chúc tụng ngợi khen và tôn vinh Thiên Chúa. Người ta cũng phải tôn kính những gì thuộc về Chúa như vậy.
Sau đây là những lời nói, hành vi nghịch với Điều răn thứ hai:
1. Lạm dụng Danh Thiên Chúa: là việc kêu đến Danh Thiên Chúa để làm chứng cho một tội ác.
2. Không giữ những điều đã hứa, bội thề: Khi nhân danh Chúa mà thề hứa điều gì thì ta phải giữ những lời hứa ấy. Không giữ những lời hứa đó là lạm dụng Danh Thiên Chúa, và một cách nào đó, làm cho Thiên Chúa thành kẻ nói dối.
3. Nói phạm thượng hay lộng ngôn: Tội này cốt tại việc nói những lời căm ghét, than trách, thách đố trong lòng hay ngoài miệng. Nói phạm thượng, tự bản chất, là một tội nghiêm trọng.
4. Kêu tên Chúa vô cớ dù không có ý phạm thượng cũng là thiếu tôn kính đối với Chúa.
5. Thề gian: Khi người ta nại đến Thiên Chúa, Đấng là chính Chân lý, để làm chứng cho một lời nói dối.
Tuy nhiên, những lời than thở bộc phát khi bị giật mình, sợ hãi hay đau khổ như: Chúa ơi; lạy Chúa tôi; Giêsu, Maria… diễn tả một niềm tin đơn sơ thấm sâu trong tâm hồn và trở thành phản xạ. Đây có thể xem như lời kêu cầu chứ không hẳn là kêu tên Chúa vô cớ. Dĩ nhiên, cũng cần lưu ý không để quen quá hóa thường, gọi tên Chúa cách đùa giỡn hoặc chỉ để gây cười nhảm nhí.