Thời xưa người ta dạy rằng bạn không thể Rước Lễ nếu chưa xưng tội trước. Tôi tin rằng thời nay các quy tắc trên không còn khắt khe nữa, ngay cả Đức Thánh cha Phanxicô cũng thường nói rằng Rước Lễ không phải là phần thưởng cho những người hoàn hảo. Vậy thì có lời khuyên nào cho việc đến gần Bí tích Thánh thể đúng cách không?
Cha Gianni Cioli, giáo sư thần học luân lý trả lời.
Một lời khuyên giá trị về việc rước Thánh Thể cách đúng đắn được Giáo lý của Công đồng Trentô đề nghị trong sắc lệnh về Bí tích Thánh Thể (khóa XIII: 11 tháng 10 năm 1551): một mặt, khuyến khích người tín hữu lãnh nhận bí tích này “như của ăn và thuốc giải độc, nhờ đó họ được giải thoát khỏi tội lỗi hằng ngày và được gìn giữ khỏi tội trọng” (DS 1638). Thực vậy, đó không phải là phần thưởng cho người hoàn hảo mà là liều thuốc giải độc cho tội nhân; mặt khác, Công đồng nhắc lại rằng “không một ai khi biết mình mắc tội trọng, dù người đó có thể nghĩ rằng mình đã ăn năn, lại được phép rước Thánh Thể mà không xưng tội trước đó” (DS 1647).
Do đó, Giáo hội dựa vào truyền thống có thẩm quyền nhất của mình, được trình bày trong sắc lệnh của Công đồng Tridentinô, khuyến khích chúng ta rước lễ bất cứ khi nào có thể vì nó nhắc nhở chúng ta rằng “lương thực thiêng liêng” này, là Bí tích Thánh Thể, giải thoát chúng ta khỏi “tỗi lỗi hằng ngày”, tức là khỏi các tội nhẹ (vốn không tước đoạt ơn thánh hóa của chúng ta) và gìn giữ chúng ta khỏi các tội trọng (là thứ tước đoạt ơn thánh hóa của chúng ta). Rõ ràng là Giáo hội không bắt buộc chúng ta phải rước lễ vào mỗi Chúa nhật (có bổn phận nhưng chỉ giới hạn mỗi năm một lần!), nhưng chắc chắn điều đó khiến chúng ta hiểu rằng bỏ Rước Lễ có nghĩa là đánh mất sự trợ giúp thiêng liêng to lớn mà Chúa đã ban cho chúng ta theo lòng nhân hậu của Ngài, Đấng nhận biết được các nhu cầu của chúng ta.
Tất nhiên, với ý thức về sự cao cả và vẻ đẹp của ân sủng thôi thúc chúng ta không nên đến với Bí tích trong tình trạng bất xứng, và do đó, như Công đồng Trentô đã chỉ ra, mỗi người phải xét mình một cách chân thành và khao khát hoán cải, xưng thú các tội trọng mà mình ý thức được, nhất là nhắm đến sự hoán cải của chính mình và đời sống vĩnh cửu. Tuy nhiên những ai không biết mình đã phạm tội trọng thì đừng sợ đến gần Thánh Thể.
Đương nhiên, điều này không làm giảm đi giá trị của việc xưng tội thường xuyên kể cả xưng những tội nhẹ như Giáo hội khuyến cáo, nhưng nó không nên được liên kết một cách máy móc với việc rước lễ.
Để trả lời câu hỏi của độc giả về việc lên rước Thánh Thể đúng cách, tôi muốn nói rằng về cơ bản có hai thái độ cần quan tâm: thứ nhất là giáo dục bản thân để luôn ý thức về Đấng mà mình sẽ lãnh nhận mỗi khi Rước lễ, biết chuẩn bị bằng việc cầu nguyện (nhằm đáp lại tình yêu của Thiên Chúa) và cả bằng việc giữ chay Thánh Thể (được rút ngắn trong vòng một giờ, có vẻ như là một việc không quan trọng mấy, nhưng trái lại, theo tôi, nó duy trì chức năng tượng trưng của nó); tiếp theo là nuôi dưỡng tâm tình xét mình với lòng chân thành, không đắn đo suy nghĩ, không ngần ngại sớm chạy đến với bí tích sám hối nếu ý thức được mình đã xa cách Thiên Chúa thực sự.
Vấn đề là Giáo hội thiếu khả năng giáo dục các Kitô hữu biết xét mình một cách nghiêm túc và thanh thản. Trên thực tế, trong quá khứ, nỗi sợ mắc tội trọng đã khiến các Kitô hữu tin rằng cần phải xưng tội trước khi rước lễ, kết quả là tại các thánh lễ Chúa nhật, mặc cho khuyến khích của Công đồng Trentô, có rất ít người đi rước lễ. Có lẽ, theo quan điểm nhân học mà giáo lý định hướng, một thái độ bi quan nào đó về khả năng thực thụ của người kitô hữu bình thường trong việc tự xét mình cách chân thành thực sự chiếm ưu thế. Trái lại, ngày nay người ta có cảm tưởng rằng nhiều người tham dự Thánh lễ, thậm chí được cho là rất ít xưng tội, lên rước Thánh Thể mà không đặt nặng vấn đề về tội của mình, và hơn nữa, không cần thực hiện bất cứ hành vi xét mình nào.
Trong cả hai trường hợp đều thiếu khả năng phân định, hay đúng hơn là khả năng giáo dục để phân định, dựa trên quan điểm nhân học hiện thực và cân bằng, không bi quan cũng không ngây thơ cách lạc quan. Trong cả hai trường hợp đều có rủi ro và rủi ro đánh mất niềm vui hoán cải.
Một cách khả thi để vượt qua tình trạng nghi ngờ về thân phận tội lỗi thực sự của mình, chắc ăn là có thể thực hiện một tiến trình linh hướng nghiêm túc, nó không thay thế lương tâm nhưng giúp ta điều chỉnh lương tâm và lắng nghe nó, an bình hơn so với những chỉ dẫn của học thuyết luân lý công giáo, và nhất là trong chiều hướng lớn lên trong tình yêu của Thiên Chúa và tha nhân; một lộ trình có khả năng cung cấp những tiêu chuẩn sáng sủa cho sự phân định và để bước đi trong đức ái, cảm nhận được Thiên Chúa yêu thương thực sự. Được nâng đỡ nhờ kinh nghiệm của vị linh hướng (về bản chất người đó không thể là đầu tàu hay thống trị lương tâm, nhưng là nâng đỡ cho sự hình thành lương tâm chín chắn), chúng ta nên học nghệ thuật xét mình cách chân thành và trung thực (x. 1Cor 11:28), tránh khuynh hướng đắn đo, nhìn thấy tội trọng ở khắp mọi nơi, và khuynh hướng hời hợt với bản ngã, dẫn đến việc tự xá mình khỏi mọi tội lỗi, cuối cùng là hủy bỏ chính ý niệm về tội lỗi và hủy bỏ chính kinh nghiệm về ơn cứu rỗi, niềm vui của Tin Mừng.