Mục vụ gia đình

CON TAO LÀ NHẤT

CON TAO LÀ NHẤT
“Văn hóa của V hôm nay tôi mới vinh dự cảm nhận. Một đống bóng đang treo, em bé thích quá đòi một quả, nhân viên nhất định không cho. Chỉ có ở Việt Nam này, nếu ở Châu Âu, họ đã tặng ngay cho em bé. Văn hóa Việt Nam cũng chỉ đến vậy…”. Một phụ huynh bức xúc đăng vào group cư dân như thế, về việc con của họ thích một trái bóng trong siêu thị, bé xin nhưng nhân viên không cho. Nỗi bức xúc của bậc phụ huynh này hẳn cũng là nỗi bức xúc của rất nhiều các bậc phụ huynh Việt. Bởi ngày vợ chồng tôi còn kinh doanh nhà hàng, chúng tôi cũng từng bị các phụ huynh kiểu đó mắng vốn khi nhà hàng không đáp ứng yêu cầu của con cái họ. Số là nhà hàng của chúng tôi ngày đó có tặng mỗi bé một món đồ chơi khi đi cùng cha mẹ vào nhà hàng. Nhiều bé muốn nhiều hơn một món đồ chơi. Bình thường chúng tôi cũng tặc lưỡi đáp ứng. Nhưng cũng có lúc chúng tôi không thể đáp ứng vì số lượng đồ tặng hoặc sự đòi hỏi gia tăng nhiều hơn sau khi đã đáp ứng lần 2, lần 3. Và khi đó, các bậc phụ huynh đã nổi giận. Nhiều vị còn quẳng cả tờ 500K ra tuyên bố mua hết những món đồ chơi đó. Và cho rằng nhà hàng keo kiệt, trẻ con mà, chúng phải được ưu tiên. Hoặc kêu gọi tẩy chay nhà hàng, như vị phụ huynh kia.
Trẻ con phải được ưu tiên. Đúng! Nhưng ưu tiên kiểu đòi hỏi của các bậc phụ huynh kiểu này thì sai. Sai rồi! Ưu tiên không phải là vậy. Chúng ta đang dạy con trở thành những đứa trẻ muốn gì được nấy, những đứa trẻ coi tất cả những gì xung quanh nó đều là thứ đòi là có. Và khi chúng lớn lên, điều gì sẽ xảy ra với chúng?
Câu chuyện một đứa trẻ đòi hỏi vô lý và được đáp ứng vô điều kiện chỉ là một phần trong số những cách giáo dục lỗi từ các phụ huynh thời nay. Từ đòi một quả bóng, món đồ chơi thêm đến những thứ mà tôi gọi là “trẻ con mà, có sao đâu”, các bậc phụ huynh kiểu đó đã tạo ra những đứa trẻ vô kỷ luật, ích kỷ và ngang ngược. Như khi chúng bấm đỏ quạch cả bảng điều khiển thang máy trong các khu chung cư: Trẻ con mà, có sao đâu. Như khi chúng hò hét, viết vẽ bậy lên tường: trẻ con mà, có sao đâu. Như khi chúng được các bà, các mẹ vô tư vạch quần chúng ra cho chúng tè giữa nơi công cộng: trẻ con mà, có sao đâu… Vô số những ví dụ mà chúng ta bắt gặp hàng ngày nơi công cộng.
Trẻ con phải được ưu tiên. Nhiều cha mẹ đã cho rằng là vậy nhưng thực chất lại là: Con tôi phải được ưu tiên. Bao nhiêu thầy cô giáo đã phải đau đầu và gặp vô vàn rắc rối khi có một học trò có bố mẹ như vậy. Vừa hôm trước trách thầy cô giao quá nhiều bài tập về nhà khiến con họ không có thời gian giải trí nhưng hôm sau có thể gay gắt với nền giáo dục nước nhà vì điểm số của con họ thấp. Vừa hôm trước dấm dúi “nhờ cô để mắt đến con, cô cứ thẳng tay mà dạy nó” nhưng hôm sau sẽ đưa cô ra đoạn đầu đài mạng xã hội nếu như cô “thẳng tay” với con họ. Vừa hôm trước còn trách mắng các bậc phụ huynh khác để con cái làm ồn nhưng hôm sau có thể trách người nào mắng con họ khi con họ lỡ hò hét. Có! Có một thứ gọi là “Con tao là nhất” trong suy nghĩ, hành xử của nhiều bậc phụ huynh như vậy.
Trẻ con không sai. Tôi có thể chắc chắn một điều như vậy. Dù chúng làm bất cứ thứ gì, điều gì. Bởi trẻ con chỉ là sự phản chiếu cách sống, suy nghĩ, hành xử của chính cha mẹ chúng, người thân xung quanh chúng. Một đứa trẻ chửi bậy không phải tại xã hội ngoài kia nhiều đứa trẻ chửi bậy. Một đứa trẻ bắt nạt bạn bè không phải vì bản chất chúng là đứa trẻ bạo lực hay vì phim ảnh mà chúng đã xem. Một đứa trẻ trộm cắp càng không phải vì nó cảm thấy thiếu thốn hay do chúng cạn nghĩ. Tất thảy, đó là bởi cách mà chúng ta, những người làm cha, làm mẹ, làm ông, làm bà đã thị phạm cho chúng. Hãy nhìn, những lúc tắc đường, bao nhiêu cha mẹ đèo con vượt đèn đỏ, leo lên vỉa hè, văng tục chửi bậy với “những đứa đi ngu”. Hãy nhìn, 20/11 bao nhiêu cha mẹ “tặng quà” cho thầy cô không phải bởi lòng tri ân đến người đang dạy con mình mà lại là một trao đổi ngầm đòi quyền được ưu tiên cho con mình? Hãy nhìn, cách mà chúng ta thể hiện quyền lực của mình trước những kẻ yếu thế hơn chúng ta, trước mặt các con. Sự chính trực mà chúng ta muốn con học nhưng chính chúng ta lại không muốn chính trực, coi chính trực là lý do cho những thiệt thòi trong xã hội. Hãy nhìn, cách mà chúng ta muốn con học giỏi để mai này kiếm được nhiều tiền nuôi bố mẹ. Hãy nhìn, những lời trách mắng con khi con học kém: Sau này chỉ là thằng quét rác, đạp xích lô, bơm vá xe đạp thôi. Chính chúng ta đang vẽ ra cho con mình một thế giới méo mó trong cách chúng ta làm, cách chúng ta nghĩ và cả những ước mơ chúng ta muốn con phải đạt được.
Trở lại câu chuyện xin một quả bóng không được thành một “văn hóa Việt Nam”, bao nhiêu cha mẹ đang hành xử kiểu Việt Nam nhưng lại đòi hỏi được đáp ứng như tiêu chuẩn Châu Âu? Bao nhiêu cha mẹ Việt đang muốn con mình trở thành thứ vĩ đại trong khi chính họ thì…. Nên tôi cứ tâm đắc mãi một câu: “Có những cha mẹ gà không bay được nên đẻ ra quả trứng và bắt nó bay như chim”.
Hôm qua, đọc nỗi bức xúc của phụ huynh nọ, tôi chỉ biết thở dài. Không phải thở dài vì cách nghĩ của phụ huynh đó. Mà là thở dài cho một đứa trẻ nữa lại lớn lên cùng cách giáo dục “Con tao là nhất” như vậy. Và bao nhiêu phụ huynh cùng tiếng thở dài như tôi? Bởi bức xúc không làm ta vô can là vậy!

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!