Mục vụ gia đình

Củng cố sự hiệp thông gia đình

Củng cố sự hiệp thông gia đình

 

CỦNG CỐ SỰ HIỆP THÔNG GIA ĐÌNH

LM Giuse Đinh Quang Vinh
Ban Mục vụ Gia đình – GP Đà Lạt
Thanh Xá, ngày 23/05/2023

Mục lục

I. HIỆP THÔNG TRONG HỘI THÁNH

       1. Sự hiệp thông trong Hội Thánh

       2. Sự hiệp thông giữa các ngôi vị

II. NGUỒN CỘI SỰ HIỆP THÔNG GIA ĐÌNH

       1. Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh

       2. Ngôi Ba là Tình yêu phu thê

       3. Tình yêu là năng lực tâm linh

       4. Ơn gọi hôn nhân trong Hội Thánh

III. NGUYÊN NHÂN PHÁ VỠ SỰ HIỆP THÔNG

       1. Tội lỗi phá hủy sự hiệp thông

       2. Phi nhân vị hóa tình dục

       3. Chủ nghĩa của sự hoàn hảo

       4. Ba khe hở theo thánh Biển Đức

IV. GIA ĐÌNH TĂNG CƯỜNG SỰ HIỆP THÔNG

       1. Củng cố sự hiệp thông cách cụ thể

       2. Trưởng thành trong tình yêu

       3. Có tự do để tình yêu thăng hoa

       4. Món quà của sự không hoàn hảo

V. HIỆP THÔNG TRONG THINH LẶNG

       1. Thinh lặng để sống hiệp thông

       2. Hiệp thông trong mầu nhiệm Vượt Qua

SÁCH THAM KHẢO

 

“Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta” (Ga 17,11).

I. HIỆP THÔNG TRONG HỘI THÁNH

“Điều đầu tiên con người tìm thấy trong đời, điều cuối cùng con người giơ tay với tới, điều quý giá nhất người ấy có trong cuộc sống, chính là gia đình” (Adolph Kolping).[1] Gia đình là một cộng đồng các ngôi vị được thiết lập và sinh động do tình yêu và được sinh động cũng do tình yêu. Bổn phận đầu tiên của gia đình là trung thành sống thực tại của sự hiệp thông giữa các ngôi vị qua đời sống yêu thương nhau. “Con người không thể sống mà không có tình yêu”.[2]

1. Sự hiệp thông trong Hội Thánh

Do ân sủng Đức Kitô ban tặng, sự hiệp thông giữa đôi bạn được mời gọi không ngừng lớn lên qua việc trung thành mỗi ngày với lời cam kết trao hiến trọn vẹn cho nhau. Với thể xác, tính tình, con tim, trí tuệ, ý chí và linh hồn, sự hiệp thông vợ chồng được nuôi dưỡng nhờ ước muốn chia sẻ với nhau toàn thể dự phóng cuộc đời của họ, chia sẻ với nhau điều họ có và điều họ là: “Sự nên một thân mật, nghĩa là việc hai người trao hiến cho nhau, cũng như lợi ích của con cái, đòi hỏi đôi phối ngẫu phải hoàn toàn chung thủy và đòi buộc nơi họ sự duy nhất bất khả phân ly”;[3] “Điều Thiên Chúa đã phối hợp thì người ta không được phân ly”.[4] Sự hiệp thông vợ chồng được mở rộng đến họ hàng ruột thịt nhờ sức mạnh tình yêu trong cộng đồng gia đình.[5] Sự hiệp thông tự nhiên và nhân bản được gia đình Kitô giáo bày tỏ và thể hiện một cách đặc biệt sự hiệp thông trong Hội Thánh. Vì lẽ đó, gia đình Kitô giáo có thể và phải được gọi là một “Hội Thánh tại gia – Ecclesia domestica”.[6] Sự hiệp thông giữa các ngôi vị trong gia đình được thể hiện qua việc chăm sóc và tình yêu dành cho các em nhỏ, những người đau yếu, những người già cả, qua những việc phục vụ lẫn nhau trong đời sống hằng ngày, qua việc chia sẻ của cải, chia sẻ những niềm vui và nỗi khổ, việc khiêm nhường lãnh nhận và quảng đại trao ban, việc kính trọng và vâng lời cha mẹ, dùng quyền bính để phục vụ, có tinh thần hy sinh cao cả,[7] biết thông cảm, bao dung, dịu dàng, đối thoại,[8] tha thứ cho nhau,[9] và hòa giải với nhau vì “Bạn không thể bắt tay ai đó khi bản thân chìa ra một nắm đấm” (Indira Gandhi).[10] Trong việc tái lập sự hiệp thông và hợp nhất, Bí tích Giao Hòa, [11] cùng nhau cầu nguyện hằng ngày là việc quan trọng nhất và ý nghĩa nhất, đọc Lời Chúa và hiệp thông trong Thánh Thể. Trong Thánh Thể, gia đình khám phá nguồn gốc của việc hiệp thông yêu thương, mẫu gương và mệnh lệnh: “Hy lễ Thánh Thể diễn lại giao ước tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh, vì giao ước ấy đã được ký kết bằng máu của Người trên thập giá. Chính trong hy lễ của Giao ước mới và vĩnh cửu ấy mà các đôi bạn Kitô hữu tìm được nguồn mạch tuôn trào làm cho giao ước hôn nhân của họ được đúc khuôn từ bên trong và được sinh động bền bỉ. Vì là sự diễn lại hy lễ tình yêu của Đức Kitô đối với Hội Thánh, phép Thánh Thể là nguồn mạch đức ái”.[12] “Agape lại trở thành một tên gọi của Bí tích Thánh Thể: Trong Thánh Thể, Tình Yêu (agape) của Thiên Chúa mang tính xác phàm đến với chúng ta, để trong chúng ta và qua chúng ta tiếp tục thực hiện công trình của Ngài”.[13] Từ Đức Kitô qua Hội thánh, hôn nhân và gia đình nhận được ân sủng cần thiết để làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa, để sống đời sống hiệp thông,[14] để nên thánh.[15] “Nếu chúng ta nói là chúng ta hiệp thông với Người mà lại đi trong bóng tối, thì chúng ta nói dối và không hành động theo sự thật” (1Ga 1,6). [16]

2. Sự hiệp thông giữa các ngôi vị

“Thiên Chúa yêu thương chúng ta, chẳng phải vì chúng ta đáng yêu, nhưng vì Thiên Chúa là Tình yêu” (C.S. Lewis).[17] Là hình ảnh của Thiên Chúa (Imago Dei), con người được tạo dựng để yêu thương: “Thiên Chúa là Tình yêu[18] và nơi Ngài, Ngài sống mầu nhiệm của sự hiệp thông ngôi vị trong tình yêu. Khi tạo dựng nhân tính của người nam và người nữ theo hình ảnh Ngài và liên lỉ bảo toàn cho nhân tính ấy được hiện hữu, Thiên Chúa ghi khắc vào đó ơn gọi cũng như cả khả năng và trách nhiệm tương ứng, mời gọi con người sống yêu thương và hiệp thông[19]. Tình yêu là ơn gọi căn bản và bẩm sinh của mọi người”.[20]

Củng cố sự hiệp thông[21] trong gia đình chính là làm cho tình yêu thêm mạnh mẽ và bền vững, giúp gia đình nên một trong đức tin, đức cậy và đức mến. Đó là bổn phận giúp xây dựng gia đình thành cộng đoàn những ngôi vị, hiệp thông giữa các ngôi vị (communion personarum) theo hình ảnh của Ba Ngôi (Imago Trinitatis). Nguồn mạch và sức mạnh của sự hiệp thông gia đình là tình yêu. Sự hiệp thông với Thiên Chúa và sự hiệp thông với nhau là mục tiêu ưu tiên của gia đình, là điều đáng để hiến dâng đời sống.[22] Trong gia đình, sự hiệp thông vợ chồng tạo nên nền tảng xây dựng sự hiệp thông đối nội và đối ngoại, tạo sự trưởng thành nhân cách cho con cái và tạo sự gắn kết với gia tộc, tạo sự hiệp thông siêu nhiên với Thiên Chúa và Hội thánh. Nhờ cầu nguyện chung, sống Lời Chúa và sống các Bí tích, cách riêng Bí tích Thánh Thể và Bí tích Hòa Giải[23] mà mọi thành viên gia đình nối kết với Chúa Kitô và được qui tụ lại với nhau trong Hội thánh duy nhất của Thiên Chúa. Cách riêng trong Bí tích Hòa Giải, việc xưng tội riêng và xưng tội đầy đủ cùng với việc xá giải giúp các tín hữu được giao hoà với Thiên Chúa và với Hội Thánh. Đức Kitô đích thân nói với từng tội nhân: “Này con, con đã được tha tội rồi” (Mc 2,5). Người nâng họ dậy và dẫn họ về hiệp thông lại với anh em.[24]

Với sự hiện diện của Đức Trinh Nữ Maria và nơi Bí tích Thánh Thể, Chúa Thánh Thần tiếp tục dấu chỉ tiệc cưới tại Cana khi biến đổi từ nước thành rượu, từ thân phận yếu đuối mỏng manh thành người đầy nghị lực, khôn ngoan, và có khả năng yêu thương.[25] Chính nhờ mối hiệp thông siêu nhiên đặc biệt này, gia đình Kitô Giáo bày tỏ và thể hiện một cách đặc biệt sự hiệp thông trong Hội Thánh, được gọi là Hội thánh tại gia.[26] Cốt lõi của sự hiệp thông này không đơn giản chỉ là việc thâu tập những người bình đẳng hay cùng phẩm giá lại mà nó xuất phát từ chính Đức Giêsu Kitô, Đấng đã hiến dâng mạng sống của Người với tư cách là Trưởng Tử, mời gọi và kéo mọi người đến với Chúa Cha.[27] “Tình yêu dâng hiến và hiệp thông, nảy sinh và lớn lên không chỉ trong thân xác và huyết thống, mà còn dẫn xuất từ tình yêu của Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá và phục sinh”.[28] Tham dự thánh lễ hằng ngày vì thế thật quan trọng: “Mỗi lần tham dự Thánh lễ, bạn nghe nói về cái chết, sự phục sinh và lên trời của Chúa, việc tha tội và bạn được rước lễ hằng ngày. Những ai bị tổn thương sẽ tìm được sự chữa lành” (thánh Ambrôsiô).[29]

Củng cố sự hiệp thông trong gia đình là bước nền tảng để mỗi thành viên tiến tới đối thoại và hiệp thông với Thiên Chúa. Hiệp thông với Thiên Chúa là ơn gọi cao quý nhất của phẩm giá con người, ý nghĩa cho sự hiện hữu của con người xuất phát từ tình yêu và sự bảo tồn của Ngài. Con người chỉ sống chân lý cách trọn vẹn khi tự nguyện nhìn nhận tình yêu ấy và phó mình cho Đấng Tạo Hoá của mình.[30]

II. NGUỒN CỘI SỰ HIỆP THÔNG GIA ĐÌNH

Củng cố sự hiệp thông trong gia đình chính là củng cố sự hiệp nhất yêu thương trong gia đình. Với gia đình Công giáo, việc củng cố sự hiệp thông đó có liên quan đến chính đức tin đặt nơi Thiên Chúa Ba Ngôi, nơi Đức Giêsu Kitô và Hội Thánh của Người. Các Kitô hữu đầu tiên “chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42).

1. Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu. Họ được rửa tội “nhân danh” Cha và Con và Thánh Thần, bởi vì chỉ có một Thiên Chúa, Cha toàn năng, Con duy nhất của Ngài và Thánh Thần: Đó là Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Mầu nhiệm này được soi sáng nhờ Con Thiên Chúa nhập thể và Chúa Thánh Thần được sai đến làm cho Kitô hữu được tham dự trước vào sự hiệp thông sung mãn của Thiên Chúa Ba Ngôi.[31]

Sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa bắt đầu được nhận biết qua lòng nhân hậu và yêu thương chăm sóc mọi con cái của Ngài. Truyền thống Tây phương xác quyết sự hiệp thông đồng bản thể giữa Chúa Cha và Chúa Con, khi nói rằng Chúa Thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con (ex Patre Filioque procedere). Theo trật tự vĩnh cửu giữa các Ngôi Vị Thiên Chúa trong sự hiệp thông đồng bản thể, Chúa Cha, với tư cách là “nguyên lý không có khởi đầu”, là cội nguồn thứ nhất của Chúa Thánh Thần, nhưng còn với tư cách là Cha của Con duy nhất, thì Chúa Cha là nguyên lý duy nhất cùng với Con của Ngài, từ đó, Chúa Thánh Thần xuất phát như từ một nguyên lý duy nhất. Trong sự hiệp thông đồng bản thể đó, mỗi Ngôi Vị Thiên Chúa thực hiện công trình chung theo cách đặc thù của mình trong Ba Ngôi: “Một Thiên Chúa là Cha, mọi sự đều bởi Ngài; một Chúa Giêsu Kitô, mọi sự đều nhờ Người; và Một Chúa Thánh Thần, mọi sự đều trong Ngài” (CĐ Constantinôpôli II, năm 553). Đặc tính của từng Ngôi Vị Thiên Chúa diễn tả bản tính duy nhất của Ba Ngôi. Toàn bộ đời sống Kitô hữu cũng là sự hiệp thông với mỗi Ngôi Vị Thiên Chúa mà không hề phân biệt Ba Ngôi. Ai tôn vinh Chúa Cha, họ làm điều đó nhờ Chúa Con trong Chúa Thánh Thần; ai bước theo Chúa Kitô, họ làm điều đó bởi vì Chúa Cha lôi kéo người ấy và Chúa Thánh Thần thúc đẩy người ấy.[32]

“Thiên Chúa đã sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27). Thiên Chúa tự thâm sâu trong bản thể là hiệp thông. Thiên Chúa là Tình yêu và là khuôn mẫu lý tưởng của đời sống hiệp thông, Người đã dựng nên con người có nam có nữ, để cả hai cùng là hình ảnh của bản tính Người.[33] Đôi vợ chồng yêu thương và sinh sản đích thực có thể biểu hiện được Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và cứu độ.[34] “Khi con người cá nhân cũng như xã hội đánh mất sự nhạy bén trong việc đón nhận một sự sống mới, thì những hình thức đón nhận khác, hữu ích cho đời sống xã hội cũng bị khô héo”.[35] Tình yêu phong nhiêu giúp họ khám phá và diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa, nền tảng trong cái nhìn Kitô giáo về Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi, chiêm ngắm Thiên Chúa như là Cha, Con và Thánh Thần Tình Yêu. Thiên Chúa-Ba Ngôi là mầu nhiệm hiệp thông tình yêu, và gia đình là phản ảnh sống động của mầu nhiệm hiệp thông ấy: “Thiên Chúa trong mầu nhiệm thẳm sâu nhất của Ngài không đơn độc nhưng là một gia đình vì lẽ Thiên Chúa trong Ngài có Cha, có Con và có Yếu tính của gia đình, tức là Tình Yêu. Trong gia đình thần linh, tình yêu này chính là Chúa Thánh Thần” (Thánh Gioan Phaolô II)[36] Như thế, nguồn cội hiệp thông trong gia đình mang chính yếu tính thần linh, “mầu nhiệm” kết hợp giữa Chúa Kitô và Hội thánh (Ep 5,21-33).[37] Gia đình Kitô Giáo là sự hiệp thông giữa các nhân vị, là dấu vết và hình ảnh của sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần.[38]

Như vậy, Thánh Kinh và Thánh Truyền mở ra cho chúng ta lối tiếp cận để nhận thức về Thiên Chúa Ba Ngôi, được mạc khải bằng những nét của gia đình:[39] “Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, hai người trở nên một trong Chúa Kitô. Đó cũng là Chúa Thánh Thần đã nối kết Chúa Cha và Chúa Con, nối kết Hội Thánh với Chúa Cha và Chúa Con. Các đôi vợ chồng là dấu chỉ cho mầu nhiệm tình yêu lớn lao này”.[40]

2. Ngôi Ba là Tình yêu phu thê

“Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống”. Khi định rõ sự tương tự giữa gia đình và Thiên Chúa Ba Ngôi trong hạn từ communio personarum (hiệp thông giữa các ngôi vị), Thánh Gioan Phaolô II đã chỉ rõ mối liên hệ sâu xa giữa Chúa Thánh Thần như là Tình Yêu trao ban sự sống và phụ nữ là người đem sự sống đi vào trần gian.[41]

“Ba cách yêu thương trong Ba Ngôi diễn tả ba Ngôi Vị khác biệt và tương liên với nhau: Tình yêu hiền phụ, Tình yêu con thảo, và, tôi (Marc Ouellet) mạnh dạn gọi Ngôi Ba là Tình yêu phu thê, bởi vì đây không chỉ là sự hỗ tương hai chiều nhưng ba chiều. Thánh Thần là ngôi thứ Ba xuất hiện trong hình thái phong nhiêu, tức là như hoa trái của sự hỗ tương giữa hai Ngôi vị kia; điều này làm cho Ngài trở nên một Ngôi vị có yếu tính, một thành viên trong cộng đồng ba Ngôi vị và trong mối tương liên Tình Yêu thần linh…[42] Chúa Thánh Thần như là nguyên mẫu (archetype = mô hình nguyên thủy) của tình yêu phu thê trong Thiên Chúa, bao lâu Ngài là cái “Chúng ta”, khác biệt với tình yêu hỗ tương giữa Chúa Cha và Chúa Con. Một “Chúng ta” mà trong đó Chúa Cha và Chúa Con yêu nhau trong tình yêu phụ tử phù hợp với đặc tính ngôi vị của các Ngài, nhưng các Ngài cũng yêu nhau với một tình yêu khác, do Ngôi Ba thêm vào (surplus); tình yêu đó làm phong phú cho mối liên hệ của các Ngài và cho phép ta gọi sự sinh sản của các Ngài nơi Ngôi Ba là tình yêu phu thê. Thoạt nhìn chiều kích phu thê không nằm trong mối liên hệ Cha–Con (Father-Son), mà chỉ thuộc về Chúa Thánh Thần và không thể phát xuất từ ai khác ngoài Ngài như là ngôi vị riêng của sự hỗ tương giữa Cha và Con. Ngoài ngôi vị riêng của sự hỗ tương giữa Cha và Con. Ngoài Ngôi vị nhiệm sinh và Ngôi vị được nhiệm sinh, còn có ngôi vị của sự hiệp thông–hỗ tương (reciprocity-communion). Đó là lý do tại sao ta có thể nói rằng Ngôi vị Thánh Thần sản sinh (to produce) hoặc phát sinh (to generate) một thặng dư (surplus) của Tình yêu trong Thiên Chúa, bổ túc cho mối liên hệ Cha–Con bằng một sự sinh sản phong nhiêu mới, nội tại trong họ nhưng không đồng nhất với họ; thặng dư Tình yêu này là đặc tính riêng của Chúa Thánh Thần mà thôi.

Chúa Thánh Thần tích cực hoàn thành mầu nhiệm Nhập Thể như Ngôi vị hiệp thông (Person-communion) hành động để phục vụ Chúa Cha và Chúa Con và theo đuổi sự trung gian phu thê này trong hành trình Nhập Thể của Ngôi Lời trải dài cho đến Mầu nhiệm Phục sinh của Người. Thật kỳ diệu khi chiêm ngưỡng sự trung gian phu thê này của Chúa Thánh Thần, gây nguồn cảm hứng và đồng hành trong sự song đối bất xứng, sự vâng phục của Đức Giêsu với Chúa Cha và sự sẵn sàng đến vô hạn của Đức Maria với Lời Chúa. Sự hiệp thông hoàn hảo này trong sự vâng phục của tình yêu được hoàn tất nơi chân Thập giá, khi Người Con và Người Mẹ cùng chịu đau khổ trong cuộc Khổ nạn vì tình yêu hy lễ cứu chuộc.

Là cái “Chúng ta” được cấu thành bởi sự hỗ tương bất đối xứng nhưng đồng bản thể của Chúa Cha và Chúa Con, Chúa Thánh Thần cho phép ta nhìn thấy chiều kích mẫu tử của mình qua việc tuôn tràn tình yêu phu thê vốn tích cực bồi đắp cho hai Ngôi Vị kia theo cách phụ thuộc. Thiên Chúa Ba Ngôi và Duy Nhất là Tình Yêu quên đi chính mình: Tình Yêu ba ngôi vị xuất phát từ Chúa Cha qua Chúa Con trong Chúa Thánh Thần, một Sự Sống vĩnh cửu trong sự trao đổi vĩnh cửu mà sự tuôn chảy của nó cấu thành mầu nhiệm vô tận của Ngài như là Deus Semper maior – Thiên Chúa luôn lớn hơn. Biến cố Tình Yêu hiền phụ, con thảo và phu thê này, là Ba Ngôi nội tại có thể được nghiệm thấy trong nhiệm cục cứu rỗi mà trong đó các Ngôi Vị Thiên Chúa biểu lộ mầu nhiệm thâm sâu của chính mình trong các tương quan Giao Ước của các Ngài với mỗi người và toàn nhân loại trong Đức Kitô.

Chúa Thánh Thần sở hữu trong chính mình sự sống xuất phát từ Chúa Cha qua Chúa Con. Ngài sở hữu sự sống cách chủ động–thụ động (passively-actively) từ hai Ngôi khác và thêm vào sự sống, qua đặc tính ngôi vị của Ngài, một sự sinh sản mang tính phu thê mới và mẫu tử tính của hiệp thông, của sự sống mới, của sự tự do lớn hơn trong Tình Yêu. Chính vì thế mà vai trò hướng nội (ad intra) của Chúa Thánh Thần và hoạt động hướng ngoại (ad extra) của Ngài trong Hội Thánh và trong thế giới mang dấu hiệu hài hòa, đồng nhất trong đa dạng, tự do và nhưng không, tính sinh sản khiến Ngài xứng đáng với tước hiệu Vinh Quang như là Tình Yêu mẫu tử và phu thê.

Người nữ cũng là hình ảnh của Chúa Thánh Thần, Đấng “sống và làm phong phú” chuyển động ba chiều này: Đón nhận, trao ban và sinh sản. Cách yêu thương của Đức Trinh nữ Maria, gắn bó mật thiết với Chúa Thánh Thần (vai trò hiền thê), được biểu lộ trong sự sẵn sàng của Mẹ đối với Chúa Cha (vai trò cô dâu) và trong sự phục vụ vô điều kiện đối với Chúa Con (vai trò người mẹ) mà Chúa Thánh Thần đã tượng thai trong cung lòng trinh khiết của Mẹ cũng như đồng hành trọn hành trình Nhập thể.

Người phụ nữ tham dự vào chiều kích phu thê và mẫu tử của Ngôi Lời và của Chúa Thánh Thần; điều này được biểu lộ qua cách họ yêu thương, đón nhận, đặt mình làm người thứ cấp, nhưng bình đẳng trong phẩm giá và có tính sinh sản gấp đôi”.[43]

3. Tình yêu là năng lực tâm linh

“Tình yêu là năng lực tâm linh bên trong làm linh hoạt và nâng đỡ con người, không thể làm cách khác được, yêu thương nghĩa là trao ban, và món quà đặt người cho và người nhận vào trong một sự hiệp thông mật thiết”.[44] Viên gạch để xây nên một gia đình hạnh phúc là tinh thần gia đình. Tinh thần gia đình giống như nước cần cho cá vậy. Mối dây độc nhất “làm nên” gia đình là tình yêu. Chính tình yêu là sinh tố cho đời sống muôn mặt của con người. Nhờ nó mà người ta có thể xây dựng ngôi nhà của mình trong sự hiệp thông, tạo nên một cái tôi giá trị. Tình yêu là chất keo thiết yếu của mọi sự hiệp thông.[45]

“Thiên Chúa là Tình yêu” (Ga 4,8). Gia đình Công giáo được mời gọi phản ảnh đời sống hiệp thông ngôi vị của Gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi.[46] Đặc tính tương quan của Ba ngôi Thiên Chúa thúc bách Ba ngôi ra khỏi chính mình để yêu thương nhau cũng như yêu thương con người trong thế giới. Chính trong tình yêu mà Ba ngôi Thiên Chúa liên kết hiệp nhất với nhau và nối dài tình yêu Ba Ngôi này trong nhiệm cục cứu độ con người. Một cách tương tự, gia đình công giáo được kêu gọi sống tình yêu hiệp thông hướng nội và hướng ngoại của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Vợ chồng yêu thương nhau, sinh sản và giáo dục con cái cho Hội Thánh và xã hội chính là tham gia vào công trình sáng tạo của Chúa Cha, công trình cứu chuộc của Chúa Con và công việc thánh hóa của Chúa Thánh Thần. Với cấu trúc yêu thương có nguồn gốc từ khuôn mẫu yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi, gia đình chỉ có ý nghĩa khi nó được hình thành từ tình yêu, nỗ lực hiệp thông trong tình yêu và triển nở trong tình yêu. Môi trường yêu thương là môi trường ưu việt của gia đình. Nơi đó mỗi người học được bài học mến Chúa và yêu người, bài học của sự hiệp thông, tôn trọng, nâng đỡ và hy sinh cho nhau theo gương Đức Giêsu.[47] Giáo dục con cái là một trách nhiệm nặng nề, nó không thể hoàn thành nếu không có sự chung tay góp sức của cả vợ lẫn chồng. “Cầm quyền trị nước còn dễ hơn nuôi dạy bốn đứa con” (Winston Churchill).[48]

Được thiết lập do tình yêu và được sinh động cũng do tình yêu, bổn phận đầu tiên của gia đình là trung thành sống thực tại của sự hiệp thông. Sự hiệp thông đòi hỏi sự bổ túc giữa hai phái tính, được nuôi dưỡng bởi dự phóng chung, cùng đáp ứng khát vọng sâu xa trong lòng mỗi người.[49] Noi gương Đức Giêsu xóa mình trên thập giá, mối hiệp thông này được củng cố và phát triển nhờ tình tương thân tương ái và nhờ sự nâng đỡ lẫn nhau trong đời sống nhân bản cũng như đời sống đức tin. Nó đòi hỏi đập vỡ cái tôi ích kỷ để xây dựng cái chúng ta yêu thương và hiệp thông. Mối hiệp thông trong gia đình là nhân tố quan trọng góp phần củng cố sự hiệp thông trong gia đình nhân loại và gia đình Thiên Chúa, tức là Hội Thánh.[50]

“Yêu ai nghĩa là nhìn thấy nơi người ấy hình ảnh mà Thiên Chúa đã tiền định cho người ấy” (Fyodor Dostoevsky).[51] Tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với con người là mối dây liên kết bất khả phân ly, cả hai lệ thuộc vào nhau (1Ga 4,20). Yêu người là một con đường dẫn con người đến gặp gỡ Thiên Chúa. Thiên Chúa tự làm cho mình thành hữu hình qua việc sai Con Một là Đức Giêsu đến thế gian (1Ga 4,9). Việc nhận biết Thiên Chúa hằng sống là con đường đi đến tình yêu. Lịch sử tình yêu giữa Thiên Chúa và con người bao hàm sự hiệp thông trong ý chí, tư tưởng và tình cảm sao cho ý muốn của con người luôn trùng khớp với ý muốn của Thiên Chúa. Tình yêu đối với tha nhân là khả thi khi nó được thực hiện trong Thiên Chúa và cùng với Thiên Chúa. Điều này chỉ trở nên khả thể từ cuộc gặp gỡ thâm sâu với Thiên Chúa, một sự gặp gỡ trở thành hiệp thông ý muốn và thâm nhập vào trong tình cảm. Bấy giờ tôi học cách nhìn người khác không phải chỉ bằng con mắt và tình cảm của riêng tôi, nhưng từ nhãn giới của Đức Giêsu Kitô. Bạn của Người là bạn của tôi. Tôi nhìn tha nhân với đôi mắt của Đức Kitô và có thể trao ban cho họ tình yêu mà họ cần. Việc tiếp xúc với Thiên Chúa sẽ khiến tôi nhìn người khác gần gũi và là hình ảnh của Thiên Chúa. Loại bỏ tình yêu với tha nhân qua việc chỉ liên hệ với Thiên Chúa để trở nên “đúng đắn”, “đạo đức” và thuần “tôn giáo” thì đó là mối liên hệ khô héo vì không có tình yêu. Tình yêu với người lân cận dễ dẫn đến cảm nghiệm về tình yêu Thiên Chúa. Thánh Têrêsa thành Calcutta qua việc yêu thương tha nhân đã dẫn đến việc tiếp xúc mật thiết với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể và ngược lại sự tiếp xúc này trở thành hiện thực và sâu xa trong việc phục vụ tha nhân. Mến Chúa và yêu người không thể tách rời nhau được. Đó chỉ là một giới răn. Tình yêu mang tính thiên linh, vì từ Thiên Chúa mà đến và giúp chúng ta kết hợp với Thiên Chúa, và trong tiến trình kết hợp này, giúp chúng ta trở thành một “Chúng tôi”, vượt thắng mọi chia rẽ và làm cho chúng ta nên một, để rồi cuối cùng “Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1Cr 15,28).[52]

“Sự hiệp thông được sinh ra và luôn luôn lớn lên trong và với tình yêu. Yêu thương là trung tâm của đời sống lứa đôi và gia đình, và như thế các đôi bạn và các gia đình là những người xây dựng sự hiệp thông yêu thương làm nên căn nguyên và nền tảng của đời sống xã hội, dù là cộng đoàn dân sự hay cộng đoàn Hội Thánh”.[53]

4. Ơn gọi hôn nhân trong Hội Thánh

Kinh Thánh xác định ơn gọi hôn nhân từ việc Thiên Chúa tạo dựng người nam và người nữ theo hình ảnh và giống như Ngài và kết thúc bằng viễn ảnh về “tiệc cưới Con Chiên” (Kh 19,9). Hôn nhân nằm trong trong trật tự của công trình tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa.

“Cộng đồng thân mật của đời sống và tình yêu hôn nhân, đã được Đấng Tạo Hoá thiết lập và quy định những luật lệ cho nó. Chính Thiên Chúa là tác giả của hôn nhân” (GS 48). Ơn gọi hôn nhân đã được khắc ghi trong chính bản tính của người nam và người nữ, như chính họ phát xuất từ bàn tay Đấng Tạo Hoá. Như vậy sự cao cả của việc kết hợp trong hôn nhân có nguồn gốc thần linh. Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng con người vì tình yêu, cũng đã kêu gọi họ đến tình yêu, đó là ơn gọi nền tảng và bẩm sinh của mọi nhân vị. Thật vậy, con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa, Đấng chính “là Tình Yêu” (1Ga 4,8.16). Vì Thiên Chúa đã dựng họ có nam có nữ, nên tình yêu hỗ tương của họ là một hình ảnh của tình yêu tuyệt đối và bất diệt Thiên Chúa dành để yêu con người. Dưới mắt Đấng Tạo Hóa, tình yêu này là tốt, là rất tốt. Và tình yêu này, được Thiên Chúa chúc phúc, được nhắm đến việc sinh sôi nảy nở (St 1,28). Bằng sự trao hiến bản thân cách trọn vẹn và dành riêng cho nhau, người vợ và người chồng hướng tới sự hiệp thông hữu thể của họ nhằm đạt được sự hoàn thiện bản thân của nhau, để cộng tác với Thiên Chúa trong việc truyền sinh và giáo dục những sinh mệnh mới.[54] Kinh Thánh đã khẳng định rằng, người nam và người nữ được tạo dựng cho nhau (St 2,18), trong bình đẳng với nhau, trợ giúp nhau (St 2,24), hiệp thông với nhau: “Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mt 19,6).[55]

Hôn nhân là một định chế khôn ngoan của Ðấng Tạo Hóa nhằm thực hiện kế hoạch tình yêu của Người nơi nhân loại. Hơn nữa, hôn nhân Kitô giáo là một bí tích: «Ân sủng của bí tích vừa là một ơn gọi vừa là một lệnh truyền để vợ chồng Kitô giáo giữ lòng chung thuỷ mọi ngày suốt đời, bất chấp mọi khó khăn và thử thách, với lòng vâng phục thánh ý Chúa cách quảng đại: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6)».[56]

III. NGUYÊN NHÂN PHÁ VỠ SỰ HIỆP THÔNG

“Hãy học hỏi từ những sai lầm của người khác. Bạn đâu có sống đủ lâu để phạm tất cả mọi sai lầm” (Eleanor Roosevelt). Hôn nhân dưới sự kiểm soát của tội lỗi đe dọa sự hiệp thông bởi sự bất hoà, óc thống trị, sự bất trung, lòng ghen tương và sự xung đột, những điều đó có thể đưa đến hận thù và đoạn tuyệt. Theo đức tin, sự xáo trộn này xuất phát từ tội lỗi. Nguyên tội, một sự chia lìa khỏi Thiên Chúa, đưa đến hậu quả đầu tiên là chia lìa sự hiệp thông nguyên thủy giữa người nam và người nữ.[57]

1. Tội lỗi phá hủy sự hiệp thông

“Mỗi tội của bạn đều làm tổn hại ai đó – bao gồm cả chính bạn” (Billy Graham).[58] Trước hết, tội là sự xúc phạm đến Thiên Chúa, là cắt đứt sự hiệp thông với Ngài. Đồng thời tội làm tổn thương cho sự hiệp thông với Hội Thánh khi phá hủy sự hiệp thông giữa con người với nhau.[59] Thiên Chúa muốn tạo lập sự hiệp thông trong Hội Thánh, vì vậy Hội Thánh cũng là nguồn cội của sự hiệp thông trong gia đình Kitô giáo.[60] Ngược lại, gia đình Kitô Giáo bày tỏ và thể hiện một cách đặc biệt sự hiệp thông trong Hội Thánh.[61]

“Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3,4). Tội đầu tiên mà con người sa ngã vào và đó cũng là tội phá vỡ sự hiệp thông và tiếp tục phá vỡ sự hiệp thông cho đến con người cuối cùng trên trần gian: Muốn trở nên người hoàn hảo cách dễ dàng nhất. Cái hay khi con người bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng là để họ không còn sống cho những ảo tưởng của mình, họ phải nhìn nhận rằng đời sống hằng ngày khiến họ không thể tưởng mình như hoàng tử hay công chúa đang sống trong lâu đài thần tiên chỉ có trong truyện cổ tích (Sophie Schlumberger).[62] Khi sự hợp nhất của nhân loại bị tội lỗi phá vỡ, Thiên Chúa lập tức có ý định cứu độ nhân loại khi can thiệp qua những con người khiêm nhường bé nhỏ, những người chấp nhận sự không hoàn hảo để phó mình cho sự quan phòng của Thiên Chúa.[63] Đức Trinh Nữ Maria là thụ tạo khiêm nhường, trinh khiết và vâng phục Thiên Chúa nhất trong mọi loài thụ tạo; ngược lại ma quỷ là tên vô cùng kiêu căng, ô uế và nổi loạn trước Thiên Chúa.[64] “Chỉ khi chấp nhận sự giới hạn của mình, chúng ta mới có thể hiểu điều gì đó, trong khi nếu chúng ta nổi loạn, chúng ta vẫn còn ở lại trong bóng tối”.[65]

“Những điều mạc khải cho biết, kinh nghiệm riêng của chúng ta cũng xác nhận. Khi nhìn vào trong lòng, con người thấy mình bị lôi kéo về những điều sai trái, và ngụp lặn trong muôn vàn sự dữ, vốn là những điều không thể xuất phát từ Đấng Tạo Hóa tốt lành. Khi từ chối không nhìn nhận Thiên Chúa như nguồn gốc của mình, con người cũng đã phá đổ sự quy hướng cần thiết về cùng đích tối hậu, đồng thời phá vỡ toàn bộ sự hòa hợp của mình đối với chính bản thân, đối với những người khác và đối với mọi loài thụ tạo”.[66]

Diễm tình ca được trình bày trong Thánh vịnh 128 không phủ nhận một thực tế đắng cay vốn ghi dấu trên toàn bộ Thánh Kinh. Đó là sự hiện diện của đau khổ, sự ác và bạo lực có sức phá vỡ đời sống gia đình và sự hiệp thông thân mật trong đời sống và tình yêu. Không phải là vô cớ mà diễn từ của Đức Kitô về hôn nhân lại được đưa vào cuộc tranh luận về li dị.[67] Lời Chúa không ngừng chứng thực chiều kích tăm tối vốn đã được để lộ ra ngay từ thuở ban đầu, khi mà do tội lỗi, tương quan yêu thương và trong sáng giữa người nam và người nữ biến thành sự thống trị: “Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi” (St 3,16). Mối hiệp thông trong gia đình bị lòng kiêu ngạo, hà tiện, ganh tị, nóng giận, dâm dục, mê ăn uống, làm biếng đục khoét và phá vỡ. Sự hiệp thông bị phá vỡ là nguyên nhân của những đau khổ giày vò và giết chóc đẫm máu, nó trải dài qua nhiều trang Thánh Kinh và đang diễn ra ngay trước mắt của chúng ta. Lời thú nhận đắng cay của ông Gióp khi bị bỏ rơi đang nói lên tâm trạng của biết bao nhiêu mảnh đời đau khổ vì chia ly: “Anh em tôi, Người đẩy họ xa tôi. Người quen biết coi tôi như người dưng nước lã. Hơi thở tôi khiến vợ tôi ghê tởm, mùi hôi thối xông ra làm cho anh em tôi gớm ghiếc” (G 19,13.17). Nỗ lực để trở về sống hiệp thông trong một gia đình, mở rộng ra một nhân loại đại đồng luôn luôn gặp những trở ngại về một cái tôi hoàn hảo ngấm ngầm trong lòng của con người như trong lòng người anh cả từ chối đứa em bỏ nhà cha mẹ đi hoang.[68] Thiên Chúa vẫn cứ luôn là người Cha nhân hậu đến lau sạch nước mắt để con người tìm lại sự hiệp thông sau khi họ trải qua những khủng hoảng, đau khổ bởi tự do mà họ đã chọn lựa, đã lạm dụng.[69] Ngay trong sự hiệp thông, đau khổ làm cho con người dễ dàng mở ra mối liên kết với người khác, một sự liên kết vượt qua mọi rào cản và khác biệt.[70] Đau khổ có thể có giá trị cứu chuộc đối với tội lỗi của những người khác khi con người trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô và kết hợp họ vào cuộc khổ nạn sinh ơn cứu chuộc của Người, Đấng bằng cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá của Người đã đem lại cho đau khổ một ý nghĩa mới.[71]

Bắt đầu bằng ơn gọi của tổ phụ Abraham, đạt đỉnh cao nơi Giao ước mới do chính Đức Kitô thiết lập và ngang qua Hội Thánh, Thiên Chúa tái lập sự hiệp thông bị phá hủy do tội lỗi. Khi nhập thể làm người, Thiên Chúa kiên quyết thực hiện đời sống hằng ngày với tất cả vui buồn của kiếp người để giải thoát con người khỏi những ảo tưởng. Hội Thánh trở nên mái nhà của sự hiệp thông cho nhân loại: “Trên đời này, không ai phải thiếu gia đình; vì Hội Thánh là nhà và là gia đình cho tất cả mọi người, nhất là cho những ai ‘đang vất vả mang gánh nặng nề’ (Mt 11,28)”.[72] Hội Thánh là gia đình của Thiên Chúa giữa trần gian.[73] Nơi đó, “Hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Ngài tiếp nhận” (Cv 10,35). Nếu tội lỗi là loại vi trùng phá vỡ sự hiệp thông thì chính sự hối cải của các trái tim và với ân sủng của Thiên Chúa thúc đẩy sự hiệp thông của con người với nhau, với Thiên Chúa và với Hội Thánh.[74]

“Cuộc hành trình của mọi đôi bạn và gia đình thường rất vất vả, khó khăn và chán ngán. Trong số những sự đe dọa và hủy diệt niềm vui của các đôi vợ chồng và gia đình, thì tội lỗi là kinh khủng nhất: Không chỉ như giới hạn không thể tránh được cho mọi người, nhưng tội lỗi còn là một sự hỗn loạn về luân lý. Trái tim của những đôi vợ chồng đầy những sự cứng cỏi và tham lam. Khả năng yêu thương và trao ban, sống trong sự hiệp thông có khuynh hướng biến mất, để cho tính ích kỷ thắng thế. Người kia, chồng hay vợ, không còn là đối tượng của tình yêu để trao ban, nhưng là đối tượng của ích kỷ để chiếm đoạt, sử dụng như một đồ vật. Vẻ đẹp ban đầu của phẩm giá con người bị biến dạng. Tính ích kỷ gây chia rẽ, chống đối: Tội lỗi trở nên nguyên nhân của việc tan rã đôi vợ chồng hay gia đình”.[75]

2. Phi nhân vị hóa tình dục

“Khi eros (tình ái) bị hạ giá xuống thành sex (tình dục), trở thành hàng hoá, thành “vật phẩm”; người ta có thể mua hay bán nó, thật vậy, chính con người cũng trở thành hàng hoá”.[76] Khi tình dục bị phi nhân vị hóa và trở thành bệnh hoạn, nó luôn trở thành cơ hội và phương tiện cho người ta tự khẳng định mình và thỏa mãn cách ích kỉ các ham muốn và bản năng của mình.[77] Não trạng “sử dụng và vứt bỏ” khiến một cá nhân thao túng thân xác của tha nhân và xem như nó như một đồ vật để sử dụng bao lâu nó còn đem lại thỏa mãn, và bị khinh thường khi nó không còn hấp dẫn nữa. Sử dụng người khác như các đồ vật cũng sẽ bị người khác sử dụng, thao túng và bỏ rơi.[78] “Người ta bỏ tôi như vứt cái khăn giấy” là câu nói các nhà tâm lý trị liệu thường được nghe. Thay đổi đối tượng để tìm cảm giác mới là một loại độc hại kiểu ma túy trong quan hệ yêu đương, kiểu tiêu thụ người như tiêu thụ hàng hóa (Jacques Arènes).[79] Chủ nghĩa tiêu thụ chỉ biến con tim thành nặng nề. Nó có thể mang lại cho ta những khoái cảm ngẫu hứng và chóng qua, nhưng không phải là niềm vui.[80]

Ý nghĩa của tình dục bị bóp méo bởi não trạng hưởng thụ ích kỷ dẫn đến những hình thức cố hữu của sự thống trị, ngạo mạn, lạm dụng, lệch lạc và bạo lực tình dục. Não trạng đó chôn vùi phẩm giá của người khác, bóp nghẹt tiếng gọi vươn đến yêu thương, phá vỡ sự hiệp thông ngay từ lòng người. Vì thế, tình dục cũng có thể trở thành một nguồn của đau khổ và của sự thao túng. Nó chỉ trở thành hành vi đích thực của tình yêu và sự hiệp thông khi nó được tiến hành trong trật tự luân lí đúng đắn,[81] theo ý muốn của Thiên Chúa khi chúng được thực hiện một cách “hợp với nhân tính thực sự”.[82] Không hợp với nhân tính khi đó là sự ham muốn vô trật tự hay hưởng thụ vô độ khoái lạc tình dục; chỉ tìm khoái lạc để hưởng thụ, chứ không nhằm mục đích sinh sản và kết hợp trong tình yêu.[83] Sự hiệp thông vì thế bị đe dọa bởi sự ham hố vô độ. Ở đây, bản chất cấu trúc hiệp thông trong mối quan hệ liên vị bị phá vỡ, phẩm giá cá nhân bị phủ nhận cả nơi người bị trị và người thống trị. Khi tính dục mất hết mọi ý nghĩa, nó chỉ còn là cách để thoát li bản thân và chối bỏ vẻ đẹp của sự kết hợp vợ chồng. Khi tình dục là cách để thoát li bản thân, nó đã khiến người ta như mất hết lý trí để tìm kiếm bất chấp uy tín, danh phận, tiền tài, thành tựu, con cái và gia đình.[84]

“Chìa khóa của tự do không phải là có toàn quyền làm điều dữ. Ý chí tự do không nằm ở quyền tự quyết của thụ tạo, mà chính là khả năng phát triển bản thân trong sự cậy dựa hoàn toàn vào Thiên Chúa” (Thánh Catarina Siena).[85] Phải từ chối bất kỳ một hình thức nô lệ hoặc phục tùng tình dục nào. Tình yêu và sự hiệp thông được kiến tạo và thực hiện bởi sự tự hiến cho nhau, yêu người phối ngẫu như chính thân xác mình, thuộc về nhau theo cách tự do chọn lựa, với lòng trung tín, kính trọng và quan tâm lẫn nhau.[86] Cách tốt nhất là có thể nhìn thấy hình ảnh của Đức Kitô ở nơi người phối ngẫu để có thể sống đức bác ái yêu thương.[87] Sự tự do của con người kết hiệp với nhau do sự khôn ngoan và ý muốn của Thiên Chúa thu xếp.[88] Tính dục và phục vụ không tách rời nhau trong tình bạn này giữa vợ chồng, vì nó được đặt định để người này giúp người kia sống viên mãn, không loại trừ nhau và loại trừ chính mình.[89] “Bất cứ ai muốn trao hiến tình yêu thì cũng phải đón nhận tình yêu như một quà tặng”.[90]

3. Chủ nghĩa của sự hoàn hảo

Cần phải để tang hay đem chôn vùi chủ nghĩa hoàn hảo vì nó là nguyên nhân của nhiều thất bại trong tình yêu, phá vỡ hiệp thông ở cấp độ cá nhân, gia đình hay cộng đoàn. Thói kiêu ngạo luôn muốn biến mình thành người hoàn hảo trong bất cứ lãnh vực nào, kể cả tình yêu. Chủ nghĩa hoàn hảo muốn lý tưởng hóa mọi sự, kể cả cái tôi của mình lúc nào cũng là giỏi nhất, hiệu năng nhất, chuẩn không cần chỉnh (Sophie Schlumberger).[91] Chính vì muốn là người hoàn hảo mà con người có thể mang ảo tưởng tự mình đã đủ cho mình về mọi lãnh vực kể cả yêu thương. Đã là người hoàn hảo thì không cần được tha thứ bởi Thiên Chúa hay từ tha nhân. Đã là người hoàn hảo thì không phải mang ân nghĩa gì với ai, kể cả Thiên Chúa. Làm sao một người có thể sống hiệp thông và yêu thương người khác khi không biết đứng vào vị trí của người khác để thông cảm với họ, để thấy mình cũng đầy bất toàn, tổn thương, bất hạnh theo gương Đức Giêsu.[92]

“Nếu chúng ta nói chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1Ga 1,8). Nghĩ mình là người hoàn hảo thì đương nhiên người ấy có cảm tưởng rằng mọi tư tưởng, lời nói, việc làm đều hoàn hảo tất tần tật. Não trạng kiêu ngạo đầy nguy hiểm nấp mình cách tinh tế trong chủ nghĩa hoàn hảo. Chủ nghĩa hoàn hảo là thói kiêu ngạo âm thầm làm tổ trong sâu thẳm trái tim con người, kể cả nơi những người sống một cuộc sống xem ra có vẻ đạo đức sốt sắng. Đức thánh cha Phanxicô kể rằng: “Có một nhà dòng nữ kia,[93] vào những năm 1600-1700, vào thời Jansenism (thuyết Jansen),[94] rất nổi tiếng. Họ là những nữ tu vô cùng hoàn hảo và họ nói rằng mình vô cùng trong sạch giống như các thiên thần vậy. Nhưng họ kiêu ngạo như ma quỷ. Đó là một điều xấu. Tội lỗi chia rẽ tình huynh đệ; tội lỗi khiến chúng ta xem mình tốt lành hơn người khác, làm cho chúng ta tin rằng mình giống như Chúa”.[95]

Chủ nghĩa hoàn hảo khiến con người có thể nghĩ rằng mình yêu thương và tha thứ cho anh em chỉ bằng khả năng của mình mà không cần đến ơn Chúa. Họ quên điều mà Đức Phanxicô gọi là “mầu nhiệm của mặt trăng”. Mặt trăng chỉ phản chiếu ánh sáng của mặt trời. Con người chỉ là phản chiếu ân sủng và ánh sáng hoàn hảo của Thiên Chúa. Tự bản thân một người không thể tỏa sáng yêu thương nếu không có người khác và người khác phái đánh thức tình yêu ở trong bạn, làm cho bạn hiểu ý nghĩa của sự hiện hữu ở trong người này như thế nào. Chúng ta yêu thương và tha thứ bởi vì chúng ta được yêu thương và tha thứ. Và nếu ai đó không được chiếu sáng bởi ánh sáng của mặt trời thì sẽ trở thành giá lạnh như trái đất trong mùa đông.[96]

“Kiêu ngạo là cội rễ mọi sự dữ và là thất bại của mọi điều lành” (Thánh Vincent Phaolô). Chủ nghĩa hoàn hảo là yêu mình đến mức sẵn sàng chẳng cần đến ai, kể cả Thiên Chúa. Đó là cái bẫy khiến Satan vui thích vì con người đã học đòi bắt chước thói xấu kiêu ngạo của nó. Chủ nghĩa hoàn hảo là cái bẫy ma quỷ làm cho người kiêu ngạo trở nên khoác lác,[97] tưởng mình tốt lành và quan trọng để làm họ xa rời ý muốn Thiên Chúa,[98] chọn việc của Chúa thay vì chọn Chúa.[99] Tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho tha nhân là điều các thánh quan tâm: “Chúa Kitô trân trọng tình yêu mà người ta đặt vào công việc họ làm, hơn là tầm quan trọng của chính công việc đó” (Thánh Têrêsa Avila);[100] “Vào lúc đời xế bóng, bạn sẽ bị xét xử về tình yêu” (Thánh Gioan Thánh Giá).[101]

“Tính kiêu ngạo làm chúng ta ghét những người ngang hàng chúng ta vì sợ họ bằng chúng ta; ghét những người kém chúng ta vì sợ họ sẽ bằng chúng ta; và ghét những người trên chúng ta vì họ ở trên chúng ta” (Thánh Gioan Vianney). Nếu chủ nghĩa hoàn hảo hay sự kiêu ngạo giết chết tình yêu và phá vỡ sự hiệp thông thì sự khiêm nhường chính là hạt giống làm trổ sinh tình yêu đích thực. “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1Pr 5,5; Gc 4,6). Một khi loại bỏ được chủ nghĩa hoàn hảo, con người biết mình được yêu không điều kiện, không cần phải xứng đáng, thoải mái nhận niềm ưu ái dịu dàng, buông mình để nhận một món quà bất ngờ. Món quà lớn nhất của việc chấp nhận mình bất toàn đó chính là khởi đầu cho tình yêu và sự hiệp thông. “Khiêm nhượng là nhân đức duy nhất ma quỷ không thể bắt chước được. Nếu như thói kiêu ngạo khiến các thiên thần trở thành ma quỷ, thì khiêm nhường ắt hẳn cũng có thể biến ma quỷ trở nên thiên thần” (Thánh Gioan Climacus). [102]

4. Ba khe hở theo thánh Biển Đức[103]

Nhìn dưới khía cạnh tu đức theo thánh Biển Đức, cuộc chiến đấu chống lại chủ nghĩa hoàn hảo có ba khe hở hay ba cám dỗ mà ma quỷ lợi dụng để làm phân rã nhân vị, làm phân tán sự hiệp thông hay phá hủy cấu trúc cơ bản của tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân.

Bất cứ ai không liều mình mở lòng ra với Thiên Chúa trong tinh thần vâng phục sẽ dễ dàng bị thế gian, ma quỷ và xác thịt hạ gục bởi danh vọng, lợi lộc và lạc thú:

1) Tham lam: Biểu tượng con heo chúi mõm vào máng ăn; thể hiện qua việc khao khát lạc thú và tiền bạc. Thánh Phaolô cho biết: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (1Tm 6,10). John Steinbeck tự hỏi: “Liệu có ích gì chăng, nếu một người phấn đấu tranh giành được cả thế gian, và rồi cuối cùng ngồi đó, ôm lấy đủ thứ bệnh hoạn trên người”[104] Còn Đức Giêsu thì nhắc nhở: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì? Quả thật, người ta lấy gì mà đổi lại mạng sống mình ?” (Mc 8,34-37).

2) Được nhận biết và yêu thương: Biểu tượng con công vênh vang với bộ lông sặc sỡ; thể hiện qua việc tìm kiếm vinh quang và danh vọng. Đức Giêsu biết những người Do Thái không tin vào Người vì họ không có lòng yêu mến Thiên Chúa, chỉ tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất.[105]

3) Kiêu ngạo: Biểu tượng con chim ưng; thể hiện quyền lực tối thượng,[106] chinh phục quyền lực, luôn luôn có lý, không bao giờ xin lỗi, mọi người phải đến báo cáo, mình luôn là tiếng nói cuối cùng trong mọi chuyện, không để cấp dưới tự giải quyết vấn đề, bất chấp sáng kiến cá nhân và phẩm giá,[107] luôn lấy lựa chọn của mình làm tiêu chuẩn chứ không theo lựa chọn của Chúa (Sophie Schlumberger).[108] “Kiêu ngạo là phủ nhận Thiên Chúa, là sáng kiến của ma quỷ” (Thánh Gioan Climacus).[109]

Phương pháp chiến đấu để có thể lách qua các cám dỗ hoàn hảo đó chính là: Làm việc vì đức ái, để Thần Khí của Thiên Chúa thúc đẩy, tham dự vào sự cứu rỗi của Đức Giêsu (qua đau khổ, yếu kém, giới hạn, sai lầm và cả tội lỗi),[110] lớn mạnh trong lòng mến và sau cùng là chịu đựng thử thách và cám dỗ cho Hội Thánh, với Hội Thánh và trong Hội Thánh. Các vũ khí chiến đấu chính là cầu nguyện[111] và chiêm niệm (tìm vinh danh Thiên Chúa, sùng kính Đức Mẹ để bớt kiêu ngạo, bớt vênh vang), lãnh nhận các bí tích (đặc biệt Bí tích Thánh Thể và Bí tích Giải Tội; tập chết đi cho tội lỗi và sống lại với Đức Kitô), làm phúc bố thí (tập dâng hiến và quên mình để bớt tham lam), sống chay tịnh (hy sinh vui thú, sửa mình qua con đường tu trì). Khiêm nhường là nền tảng của cầu nguyện.[112]

Với sự trợ giúp của bởi ân huệ của Chúa Thánh Thần, con người sống tình yêu với Thiên Chúa và hiệp thông với anh em luôn ao ước để chết đi ước muốn tham lam, phù phiếm và kiêu ngạo, nỗ lực sống khiêm tốn và phục vụ thay vì triển lãm cái tôi kềnh càng cách tinh vi. Con đường của sự trọn hảo, hiệp thông và yêu thương phải đi qua thập giá. Nó đòi hỏi sự khổ chế và hy sinh hãm mình khi nhận ra sự bất toàn của cá nhân, gia đình hay tập thể. Đó là những bước cần thiết để dẫn con người tới việc sống trong bình an và hoan lạc của các mối phúc.[113]

“Con hãy ổn định linh hồn, giảm thiểu ước muốn, sống bác ái, hiệp thông với cộng đoàn Kitô hữu, tuân giữ lề luật và tín thác vào Chúa Quan Phòng” (Thánh Augustinô).[114] Để chữa lành những vết thương do tội lỗi, vợ chồng cần đón nhận sự trợ giúp đầy lòng thương xót của Thiên Chúa để rồi trong bầu khí thinh lặng và đối thoại họ dâng lời cầu nguyện:

“Lạy Thiên Chúa, chúng con dâng lên Chúa mọi khó khăn trong cuộc hành trình. Xin ban cho chúng con qua đức tin, có thể nhận biết Chúa đang hoạt động như thế nào, và Đức Giêsu Kitô đang hiệp nhất các gia đình và nhân lại như thế nào; và các thử thách, đau khổ, và đau đớn có thể trở thành những lối đi đưa chúng con đến hiệp nhất, hiệp thông trong ân sủng của Chúa Giêsu trên thập giá, Đấng đã hiến mạng sống của Ngài vì mọi người. Amen”.[115]

IV. GIA ĐÌNH TĂNG CƯỜNG SỰ HIỆP THÔNG

“Yêu thương là sự hoàn tất của mọi công việc của chúng ta. Đó là mục đích: Chúng ta chạy vì đó, chúng ta chạy đến đó; và khi tới đó, chúng ta sẽ yên nghỉ” (Thánh Augustinô).[116] Không nhân đức nào con người đạt được mà không trải qua những gập ghềnh, bất toàn, kể cả tội lỗi. Con người nhân đức luôn phải chọn lựa mỗi ngày trong tự do để từng bước nhận biết, yêu mến và chu toàn điều thiện.[117] Củng cố sự hiệp thông trong gia đình chính là nỗ lực để nhận ra vẻ đẹp và sự lôi cuốn của những thái độ chân chính hướng về điều thiện, họ tăng trưởng về nhân đức, cách riêng là đức ái.[118]

“Chúng ta không thể tự giải thoát chính mình khỏi bản tính tự nhiên” (Robert Spaemann).[119] Vì thế, gia đình cần ân sủng nâng đỡ bản tính tự nhiên (gratia supponit natural). Gia đình Kitô giáo củng cố sự hiệp thông, tăng cường đức ái dưới sự trợ giúp của ân sủng. Gia đình cùng cất bước trên nẻo đường yêu thương vì đó là đường dẫn đến Đức Giêsu Kitô, là Chúa và là Đấng Cứu Độ đáng chúc tụng! “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1Cr 13,13).

1. Củng cố sự hiệp thông cách cụ thể

Tiếp nạp nguồn năng lượng yêu thương và hiệp thông cho tình bạn, tình yêu và hôn nhân đang bị hao mòn là thực hành cần thiết. Đôi bạn và cha mẹ có bổn phận duy trì các nguồn năng lượng để nạp điện cho lòng nhiệt thành của bản thân và cho con cái.

Sự chểnh mảng làm cho sự hiệp thông nơi gia đình phân rã. Cùng làm và cùng tham gia làm một việc nào đó, muốn làm gì đó để đầu tư thời gian, năng lực, thiện chí, cống hiến, hy sinh để chính cá nhân trao tặng cho gia đình là ưu tiên số một. Sự hiệp thông trong gia đình mời gọi không ai đứng ngoài cuộc. Mỗi người vừa là người đón nhận và vừa là người trao ban, mỗi người có chỗ đứng độc đáo nào đó; khiến cho nếu khiếm khuyết vai trò đó thì toàn bộ cơ cấu gia đình sẽ ra khác, thậm chí nó không còn là gia đình. Tình tương thân tương ái khiến mỗi người có trách nhiệm về hạnh phúc gia đình mình.

Chính khi cùng làm, cùng ăn chung và cùng sống với nhau mà mỗi người biết dành thời gian để chuyện trò, để lắng nghe như một nhu cầu thiết yếu của sự hiệp thông.[120] Dành thời gian để lắng nghe và đối thoại là trọng tâm trong đời sống hôn nhân gia đình, bởi vì nó mang đến cho vợ chồng một trải nghiệm về sự nên một khiến vợ chồng gần gũi nhau hơn. Đó là một hành động yêu thương bởi vì nó tạo ra tình yêu và sự hiệp thông sâu đậm hơn.[121]

Biết lắng nghe là bổn phận đầu tiên của tình yêu. Trong môi trường này, mỗi người cảm thấy thỏa mãn nhu cầu thiết yếu là được người khác quý trọng và đánh giá cao. Điều quan trọng là trước khi biết lắng nghe nhau để củng cố sự hiệp thông, con người phải biết lắng nghe lời Thiên Chúa. Vợ chồng ông Gióp hiểu lầm nhau vì sự khác biệt của họ trong tương quan với Thiên Chúa. Hai vợ chồng ông không gặp gỡ nhau trong việc cùng yêu mến Thiên Chúa. Vì vậy, “Đôi vợ chồng phải đi đến Thiên Chúa và lớn lên với Ngài trong tư cách là một đôi phối ngẫu. Vì lý do này, vấn đề của vợ chồng là phải cùng lắng nghe lời Thiên Chúa. Đây là một trợ giúp cho việc cùng lớn lên trong đức tin”.[122]

Trong gia đình hạnh phúc, mức độ quý mến nhau ở mức tối đa. Mỗi người đều có một điểm nào đó đáng khen và đáng yêu như chất keo để xây dựng sự hiệp thông. Dẫu còn đó những bất toàn thì tinh thần cùng “thăng tiến” sẽ lướt thắng não trạng hoàn hảo đang đục khoét sự hiệp thông. Cái nhìn tích cực khiến gia đình luôn là nơi mỗi người tìm gặp được người giúp đỡ và an ủi trong những lúc khó khăn, tìm được động lực để thăng tiến và tái tạo, nơi giúp người ta được đổi mới và tràn đầy sinh lực, được trang bị sức mạnh cần thiết để đối mặt với cuộc đời. Chính nơi gia đình mà cá nhân nhận ra và điều chỉnh hình ảnh trung thực của bản thân.

Gia đình hòa hợp và hiệp thông vẫn còn đó những vấn đề cần giải quyết và giải tỏa. Tinh thần hiệp thông giúp họ có khả năng vượt qua khó khăn không thể tránh khỏi từng bước một. Họ không nhìn vào sai trái hay tội lỗi mà tìm cách thế giải quyết vấn đề để nuôi dưỡng tình yêu và duy trì sự hiệp thông. Tình yêu là chất nhựa sống còn cho mái ấm gia đình. Gia đình hạnh phúc diễn tả chiều kích tâm linh của mình cách cụ thể trong đời sống hàng ngày. Họ chia sẻ những giá trị đích thật qua việc cùng nhau cầu nguyện. Những giờ sum vầy cầu nguyện dần dà sẽ làm trổ sinh hoa trái là sự đồng tâm nhất trí, sự dịu dàng, ơn tha thứ, sự cảm thông và lòng tin vào Thiên Chúa. Sự tha thứ trong gia đình là chất keo nối kết tình hiệp thông, là biểu hiệu rõ nét nhất của tình yêu. Cha mẹ trách mắng con cái cách nào để chúng đừng nghi ngờ về tình yêu cha mẹ, để chúng cảm nhận rằng cha mẹ đang ở trong Chúa. Một học giả Nhật Bản cho biết rằng để bù vào một lời phê bình hay một sự trừng phạt, cho dù đó là một đứa trẻ, người ta phải khen ngợi và tán thưởng ít là năm lần trong ngày đó nếu không muốn nó thành người nhụt chí và nhút nhát. Lời ngợi khen có hiệu quả đem lại tình yêu và sự hiệp thông.[123] “Cầu nguyện và tha thứ là giải pháp cho các đôi vợ chồng đang phải tranh đấu trong quan hệ hôn nhân, cho những thanh thiếu niên lớn lên từ những gia đình bạo lực và đối với cả bà mẹ đơn thân không được gia đình nâng đỡ” (Thánh Têrêsa Calcutta).[124]

“Những con người lành mạnh cần một tuổi thơ hạnh phúc” (Astrid Lindgren).[125] Không có gì làm tổn thương cho con người hơn là cảm thấy mình không được yêu thương. Những ngày lễ hội trong gia đình là dịp gia tăng niềm vui, tình yêu và sự hiệp thông cho mọi thành viên. Chơi đùa thật sự quan trọng cho trẻ trong thời thơ ấu. Nó là công việc quan trọng nhất của trẻ em (Michel De Montaigne);[126] việc đó ảnh hưởng đến sự trưởng thành. Ký ức được yêu thương lôi kéo con người ra khỏi cô đơn và tuyệt vọng những khi cuộc đời đầy sóng gió thử thách. “Khi người ta biết ăn mừng, là người ta có khả năng làm mới lại năng lượng của tình yêu, giải phóng người ta khỏi sự đơn điệu nhàm chán và làm cho những thói quen thường nhật đượm đầy màu sắc và hi vọng”.[127]

Cảm nhận quan trọng nhất của một đứa trẻ là biết rằng cha mẹ chúng yêu nhau, chúng là hoa trái của tình yêu đó. Tình yêu nối kết mẹ cha là đá tảng vững vàng trên đó chúng có thể dựng xây tổ ấm. Khi biết cha mẹ yêu thương nhau thể hiện qua ngôn ngữ hay hành vi, một dòng suối ấm áp an bình bao bọc con cái. Tình thương là dây liên kết nền tảng phải có giữa mỗi thành viên trong gia đình. Mỗi đứa trẻ dễ dàng cảm nhận được tình yêu chân thành và việc chia vui sẻ buồn hiện diện nơi gia đình mình. Mỗi đứa trẻ có trực giác rất rõ về tình yêu giữa con người với nhau. Bầu khí yêu thương làm cho gia đình tồn tại. Tình yêu và chỉ tình yêu là mảnh đất mang lại dưỡng chất nhân bản, đạo đức, tâm lý và văn hóa cho trẻ thơ và thanh thiếu niên, điều cho phép chúng nên người. Tình yêu là bến cảng từ đó người ta sẽ nhổ neo con thuyền cuộc đời để ra đi chinh phục thế giới và quay về mỗi khi có thể. Gia đình phải là một bến cảng mà người ta có thể tin cậy cách vô điều kiện. Yêu thương nhau giữa cha mẹ là trách nhiệm lớn lao mà họ có thể làm cho tương lai của con cái và sự hiệp thông trọn vẹn của gia đình và gia tộc. Mối tương quan hiện có giữa cha mẹ là cội nguồn phát sinh sự ổn định và an bình cho con cái.[128]

“Điều gì bất lợi cho đàn ong, thì làm sao có lợi cho chú ong?” (Charles-Louis De Montesquieu).[129] Tương quan yêu thương và hiệp thông của cha mẹ là lợi ích cho chính họ và cho con cái. Vì lý do này, họ cần phải dành thời giờ tâm sự với nhau, chuyện trò cùng nhau, hòa giải các điểm bất đồng và vì vậy lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau để cùng nhau thăng tiến trong “sự trưởng thành về mặt cảm xúc”, chúng là sự phối hợp hài hòa nhiều phẩm chất như: Tính rộng lượng, lòng khoan dung, khả năng thích nghi, sự thông cảm, sự khôn khéo… “Chúng ta trở thành những con người thật sự nhờ có thể trò chuyện cùng nhau” (Karl Jaspers).[130]

“Đời sống của cha mẹ là quyển sách cho con cái đọc” (Thánh Augustinô).[131] Trẻ nam và trẻ nữ cư xử theo cách chúng học được hoặc trông thấy nơi quý ông hoặc quý bà là cha mẹ chúng. Con cái cũng hấp thụ kiểu tương quan phái tính có nơi cha mẹ. Cha và mẹ nên nhớ họ cũng là vợ chồng và bởi đó phải gia tăng tình yêu cho nhau và cho con cái cùng một trật. Nếu mối dây liên kết họ lại vẫn sống động và mạnh mẽ, thông thường mọi hoạt động trong gia đình suôn sẻ và người ta có thể giải quyết mọi vấn đề.

Tình yêu vợ chồng đừng lãng quên hay bóp nghẹt tính cách nữ giới và nam giới khi xem xét và đương đầu với thực tế cũng như với các vấn đề. Phải làm sao để vai trò người mẹ và vai trò người cha không bị đảo ngược một cách nông nổi và quá sâu đậm. Các nhà tâm lý học nhận thấy mối tương quan của việc chuyển đổi giới tính với việc vị thế của cha hoặc mẹ bị lấn lướt quá mạnh.[132] Yêu thương là biết quan tâm đến nhau. Những ngày kỷ niệm, lễ hội, quà tặng, đi chơi, ăn ngoài trời và những thiệp chúc mừng của người chồng có thể phá tan tầng mây xám vô vị đang vây bủa người vợ. Ngược lại người vợ cũng không nên dựng lên xung quanh mình bức tường ngăn cách với chồng qua những hòn đá thù oán, cố chấp, lặng thinh, dỗi hờn, nhắc lại chuyện cũ… Biểu lộ tình cảm là điều quan trọng, luôn nhạy cảm với nỗi đau của người khác. Chấp nhận người khác với những bất toàn không thể tránh khỏi, chấp nhận người khác như con người vốn có của họ và vị trí hiện tại của họ.[133] Người nữ có nhu cầu truyền đạt tình cảm của mình, cảm thấy được lắng nghe và được che chở; người nam có nhu cầu cảm thấy được đánh giá cao cho cái tôi. Vợ chồng nên hâm nóng tình yêu cách định kỳ qua các kỳ nghỉ, tĩnh tâm, hành hương… Tân trang cách đều đặn các nghĩa cử lãng mạn, từ những bông hoa đến cái liếc mắt đưa tình khi nói chuyện với bạn mình.[134] Hãy nhớ: “Giờ quan trọng nhất luôn ở hiện tại. Người quan trọng nhất luôn là người đang ở trước mặt bạn lúc này. Việc quan trọng nhất luôn là việc yêu thương” (Meister Eckhart).[135]

2. Trưởng thành trong tình yêu

“Tình yêu gồm hai người cùng tệ như nhau” (Paul Valéry). Khi những cuộc hôn nhân chấm dứt bằng ly dị như bằng chứng phũ phàng của mối hiệp thông bị phá vỡ, con người cảm thấy cay đắng và ngỡ ngàng vì tình yêu  hạnh phúc không phải là cặp bài trùng luôn được đi đôi với nhau.

Thất bại trong tình yêu hay việc cắt đứt sự hiệp thông cách nào đó cho thấy ảo tưởng về tình yêu bị lột trần ra, qua đó mời gọi con người trưởng thành hơn khi biết khiêm tốn nhìn vào chính mình mà thay đổi. Hơn cả sự trưởng thành, trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, con người cần được thanh luyện khỏi não trạng ấu trĩ, vượt qua điều mà con nít vẫn tin là mình luôn luôn có thể có điều mình mong muốn, có sự thành công mà không cần một kỷ luật nghiêm khắc nào.[136] Để rồi vượt lên trên tất cả những cay đắng, bất toàn, buồn phiền họ có thể an ủi và nói chuyện thân mật với người thân của mình như ông Giuse: “Các anh đừng buồn phiền, đừng hối hận vì đã bán tôi sang đây: Chính là để duy trì sự sống mà Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước anh em. Đừng sợ! Tôi đâu có thay quyền Thiên Chúa! Các anh đã định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt là cứu sống một dân đông đảo” (St 45,4-5; 50,19-21). Giuse yêu thương nên đã có khả năng nói những lời động viên có sức vỗ về, trợ lực, an ủi, khích lệ.[137] Trưởng thành trong tình yêu hay trong đời sống tâm linh chính là việc nhận ra mình chỉ là một dụng cụ trong kế hoạch của Thiên Chúa. Thiên Chúa đặt để ai hay việc gì vào chương trình sáng tạo và cứu độ là tùy ý Ngài. Ý thức mình là dụng cụ của Thiên Chúa nghĩa là chấp nhận đi vào con đường thập giá, trở nên một nấc thang để người khác đi lên. Đừng quan trọng hóa cái tôi khi nó chỉ có tính tương đối, bất toàn, một dụng cụ không hơn không kém.

“Tội Ađam thật là cần thiết, tội đã được tẩy xóa nhờ sự chết của Chúa Kitô. Ôi tội hồng phúc vì đã đáng được Đấng Cứu Chuộc rất cao sang” (Exultet). Ở khía cạnh tích cực, việc Ađam và Evà bị Thiên Chúa đuổi ra khỏi vườn địa đàng là một may mắn. Ở ngoài vườn địa đàng để Ađam và Evà vỡ mộng về tình yêu và hạnh phúc nằm ngoài tầm với của họ, để họ không còn an toàn giả tạo khi áp dụng chính sách đà điểu chui đầu xuống cát lúc gặp nguy hiểm. Để tránh rơi vào an toàn giả tạo hoặc rơi vào cám dỗ muốn biến hòn đá khô khan thánh bánh tình yêu, đôi bạn có thể thay bánh này bằng bánh khác. Tác giả Alain Houziaux đề nghị nên linh động thay đổi qua lại giữa ba loại bánh trong tình yêu:

1) Bánh Eros (tình ái): Tình yêu eros đặc biệt thuộc văn hoá Hy Lạp, là tình yêu đi lên và ham muốn.[138] Đó là đam mê nhục dục, lúc nào cũng khiến đôi bạn hụt hẫng và thiếu thốn. Tính hai mặt của nó khiến con người phải nhìn nhận rằng yêu nhau chính là bước vào một cuộc phiêu lưu đẹp, người ta có thể sờ đụng nó nhưng nó vẫn cứ như một ánh sáng huyền bí vuột khỏi tầm tay. Cái thiếu này không phải là một thất bại, nó là đòi hỏi riêng biệt của huyền nhiệm tình yêu và mình phải sống với nó. “Rõ ràng, eros cần sự thanh luyện, để nó không chỉ đem lại cho con người chút khoái lạc chóng qua, nhưng là một sự nếm trước đỉnh cao của cuộc sống – một thứ diễm phúc mà cuộc đời chúng ta hướng đến”.[139]

2) Bánh Philia (tình bạn): Đó là vui hưởng sự có mặt của người kia trên cuộc đời. Sự hiện diện ở đây khiến đôi bạn ngưng đòi hỏi nhau, vượt qua những đam mê xâu xé để vui hưởng sự hiện diện của nhau. Dù không gặp được tiếng nói chung do phái tính khác nhau thì đây là loại bánh ngon làm cho tình yêu sống dài lâu, làm cho hai người cùng già với nhau trong tình yêu (Jacques Arènes). Tình yêu huynh đệ làm tăng khả năng vui mừng, vì nó làm cho ta có thể vui vì điều tốt lành của người khác: “Hãy vui với người vui” (Rm 12,15).[140]

“Trong thực tế, eros  agape -tình yêu đi xuống và đi lên- không bao giờ tách biệt nhau. Khi cả hai càng hợp nhất đúng đắn dưới mọi chiều kích khác biệt trong một thực tại tình yêu duy nhất, thì bản chất chân thật của tình yêu càng tỏ hiện rõ ràng. Thiên Chúa là nguồn gốc sáng tạo vạn vật, đồng thời trong Đức Giêsu Kitô cũng là một con người yêu với một tình yêu thực sự đam mê. Như thế, eros được nâng lên hàng cao quý tột đỉnh, nhưng đồng thời được thanh luyện, để eros tan biến vào trong agape”.[141]

3) Bánh Agapê (bác ái): Tình yêu theo quan niệm Kitô giáo là agapê, tình yêu đi xuống và dâng hiến.[142] Đó là tình yêu trao ban nhưng không. Nó thoát khỏi tính vị kỷ và vụ lợi để tô đậm nét đẹp chung thủy, để bày tỏ ơn nghĩa sâu xa vì những gì mình đón nhận được từ người kia, để sẵn sàng hy sinh cho người mình yêu. “Chung thủy tồn tại khi tình yêu mạnh hơn bản năng” (Paul Carvel).[143]

Khi nhận thức được tính mong manh của tình yêu, người ta không dám thử thách nó bằng những cú trượt dài lao vào mạo hiểm hay đùa với lửa để thử thách lòng tin tưởng của người kia.[144] Yêu nhau chính là tiếp tục tin tưởng vào con người thật của người kia để vượt ra khỏi cám dỗ chuyên chế khi nghĩ rằng mình luôn có lý. “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà (isha), vì đã được rút ra từ đàn ông (ish)” (St 2,23); Ađam nhìn nhận bản chất xác thịt yếu đuối như nhau để yêu Evà; Ngay từ nguyên thủy, Ađam và Evà đã ý thức họ không phải là những vị thần hoàn hảo. Việc từ chối trách nhiệm vừa khiến con người bớt là người vừa minh chứng cho tính bất toàn của họ. Ađam và Evà là mô hình nguyên thủy về tính bất toàn cho mọi con cháu là chính chúng ta.

“Bản tính thâm sâu nhất của tình yêu là tự hiến” (Edith Stein).[145] Con người hiện đại lại quên mất rằng tình yêu dù thiêng liêng cao thượng đến mấy thì nó phải đi ngang qua đời sống với những mong manh và lo lắng: “Đôi cặp không chỉ là một kết hợp của cha mẹ cho tổ ấm gia đình mà còn là phòng thí nghiệm của tình yêu và vì thế, một tiến trình phát triển khác trước” (Paule Salomon). Thực tế giữa họ luôn có một khoảng trống không cho phép họ nên một xương một thịt. Khoảng không gian đó đâu có cho phép họ yêu theo cách chiếm hữu, độc quyền, chuyên chế, so sánh, nô lệ… Tình yêu đó sẽ đạt được lý tưởng ở chỗ hai người khác nhau có cùng một cách yêu nhau và có chung một tình yêu. Tình yêu đó sẽ đạt tới đỉnh cao khi nó là tình yêu tự hiến theo gương Cha trên trời, như Thánh Giuse đã yêu mến Đức Maria và Đức Giêsu bằng một tình yêu vô biên, dịu dàng, thanh khiết, tự hiến và tự do phi thường. Thanh khiết thoát khỏi thái độ chiếm hữu trong mọi lĩnh vực đời sống của mình. Tình yêu tự hiến tôn trọng quyền tự do để người khác sống cuộc sống của riêng mình cách tinh tế. Vẻ đẹp và niềm vui chính là hoa trái của tình yêu tự hiến.[146] Họ hiểu rằng: “Tình yêu cũng như lửa, phải khơi hoài mới giữ được ngọn lửa. Khi hết hy vọng và hết sợ thì hết tình yêu” (La Rochefoucault). [147]

Phòng thí nghiệm của tình yêu đòi hỏi hai người yêu nhau tập quên đi những sảng khoái thuở ban đầu tim kề tim để nhận ra không thể xô đẩy nhau đi vào con người của nhau mãi vì tính cá biệt là một nhu cầu không thể hòa trộn. Đời sống thực tế là nơi xảy ra những rủi ro và may mắn, nơi đó đòi hỏi con người vừa phải đổ mồ hôi và nước mắt, vừa phải vững niềm tin để có được một thành công nào đó. Thomas Edison cũng đã vật lộn trong phòng thí nghiệm để có được ánh sáng của bóng đèn và phòng thí nghiệm của tình yêu để có được niềm vui cho cuộc đời.[148] Tính cá biệt hay nét độc đáo của mỗi nhân vị càng không cho phép nó vong thân trong cấu trúc chuyên chế trị và bị trị, nó cần thế quân bình. Kể cả trong tình yêu, chẳng ai muốn mình bị khai thác, bị người khác phóng chiếu cái tôi của họ lên mình, bị tổn thương vì lợi ích riêng mạnh hơn lợi ích chung, bị mất tự do vì can thiệp quá sâu và quá lâu, bị mất bình an do tính sáng tạo bị bóp nghẹt và phẩm giá bị xúc phạm.[149] Giữa những xung đột chuyên chế về phái tính, điều cần thiết là có khả năng để nhận ra chiều kích phái tính liên quan đến nhau để mềm dẻo tiến tới quan hệ của một alter ego – cái tôi khác, một con người trọn vẹn hơn. Đó là con người vừa đơn độc vừa kết hợp, vừa bạn hữu vừa người tình, vừa hôn thê vừa vợ chồng, vừa phụ thuộc vừa độc lập, vừa con người vừa Kitô hữu. Để thành công trong đời sống vợ chồng, cuộc chiến đấu mưu cầu cho hạnh phúc đòi hỏi tính khí anh hùng, năng động, tinh tế giữa những bộn bề của: Cái tôi, tình dục, quả tim và cái đầu. Cuộc chiến đấu này đưa mỗi giới tính về đúng vị trí của nó và được bổ túc bởi những gì còn thiếu; người nữ với sự hiện diện nồng ấm đưa họ lại vào con người bên trong của họ, một ngọn lửa tỏa ra ánh sáng;[150] người nam phóng tôi ra bên ngoài trong sự khám phá và chinh phục, một ngọn lửa thiên về lý trí. Một người cha và người chồng tốt lành thật quân bình trong vai trò của mình. Ông phải luôn là chính mình, sống con người thật của mình. Ông là một người biết kính trọng người khác và được người khác kính trọng, yêu thương cách vô vị lợi, có lý trí và đang tìm cách giữ lại lý trí là hào quang của đàn ông và của loài người. Khi người con ra khỏi vòng tay sự sống và tình yêu của người mẹ, nó gặp hình ảnh người cha đầy lý trí và nó khám phá ra gia đình (Marcello Bernardi).[151] Cả hai bổ túc cho nhau trong việc quảng đại trao ban và khiêm tốn lãnh nhận, yêu hết mình và hết lòng trân trọng vì được yêu (Paule Salomon).[152]

“Chúng ta phải yêu mến người lân cận, hoặc vì người đó tốt, hoặc có thể để người đó trở nên tốt” (Thánh Augustinô).[153] Vợ chồng bổ túc cho nhau chính là trở nên người lân cận của nhau theo gương người Samaritanô nhân hậu[154] khi cùng nâng niu tình yêu và sự sống trước khi cái chết đến xóa sạch tất cả trừ tình yêu: Yêu thương, nhân ái, dịu dàng, thận trọng trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Trở nên người lân cận của nhau có nghĩa là sống hiệp thông sâu xa, thông cảm, hiểu nhau, chia sẻ mọi biến cố vui buồn của nhau, chân thành với nhau và tôn trọng nhau, ở bên nhau ngay cả trong sự thinh lặng như một cơ hội cho sự hiệp thông và truyền thông những điều chân thực nhất.[155] Một khi có “trái tim biết nhìn” như người Samaritanô nhân hậu, vợ chồng nhìn ra nơi nào cần tình yêu và hoạt động dựa theo đó.[156]

3. Có tự do để tình yêu thăng hoa

“Luận lý của tình yêu luôn là luận lý của tự do”.[157] Có một khoảng trống tự do là điều cần thiết để tình yêu thăng hoa và sự sống triển nở: “Tự do đồng nghĩa với trách nhiệm. Đó là lý do vì sao nhiều người e ngại tự do” (George Bernhard Shaw).[158] Tình yêu nơi Ba Ngôi chí thánh vừa là nguồn cội vừa là mô phỏng cho tình yêu nhân loại. Một Thiên Chúa duy nhất có Ba Ngôi, đồng bản thể, không chia nhau một thần tính duy nhất, nhưng mỗi Ngôi Vị đều là Thiên Chúa trọn vẹn, mỗi Ngôi Vị có một khoảng không gian để phân biệt, để tự do nhưng vẫn chung nhau trọn vẹn trong tình yêu.[159] Chính khi thông phần bản tính Thiên Chúa, con người được trở nên vĩ đại vì tràn đầy yêu thương, hiệp thông và tự do: “Điều vĩ đại nhất được ban tặng cho con người là được chọn lựa, là tự do” (Søren Kierkegaard”.[160]

“Khi người ta ý thức được cái khoảng cách vô tận luôn luôn hiện diện giữa hai con người thì một đời sống tuyệt diệu ở bên cạnh nhau là điều có thể xảy ra được. Như thế đôi bên phải học để yêu cái khoảng cách phân cách họ và nhờ khoảng cách này mà mỗi bên nhận ra người kia trọn vẹn, nổi bật trên bầu trời” (Rilke).[161] Tình yêu vợ chồng cần đạt tới đỉnh cao của sự tự do, khi có một không gian độc lập lành mạnh: Khi mỗi người khám phá ra Thiên Chúa mới thực sự là chủ nhân và là trung tâm điểm của cuộc sống người kia. Để rồi từ khước tham vọng chiếm hữu nơi thầm kín riêng tư và bí mật nhất của người mình yêu, đừng yêu cầu người kia phải hoàn toàn thỏa mãn các nhu cầu của mình. Như Dietrich Bonhoeffer đã diễn tả rất hay rằng: “Hành trình tâm linh của mỗi người cần giúp người ấy đạt được sự ‘vỡ mộng’ về người kia, để thôi mong chờ từ người kia điều gì đó vốn chỉ thuộc về tình yêu Thiên Chúa. Điều này đòi hỏi một sự lột trần nội tâm. Khoảng không gian độc quyền mà mỗi người trong vợ chồng dành riêng cho tương quan cá vị của họ với Thiên Chúa, không chỉ cho phép chữa lành các thương tích của đời sống chung, mà nó còn cho phép tìm được trong tình yêu Thiên Chúa ý nghĩa đời mình. Mỗi ngày chúng ta cần khẩn cầu sự tác động của Chúa Thánh Thần để sự tự do nội tâm này có thể xảy ra”.[162]

Chứng tự yêu mình thái quá – libido narcissique khiến người ta chỉ nhìn thấy bản thân mình, khao khát thỏa mãn cho nhu cầu của mình, từ chối quan tâm và chăm sóc lẫn nhau. Não trạng đó dễ tìm đến một lối sống độc lập khiến cho lý tưởng chung sống trong đời hôn nhân đổ vỡ.[163] Quan hệ yêu đương là một cuộc phiêu lưu cá nhân vượt qua dục năng tự mê của mỗi người để đến với người kia. Nơi địa đạo của đời sống yêu thương, mỗi người phải chạm trán với ước muốn của người khác, phải kháng cự lại cơn lốc cũ mèm của tiếng sét ái tình hay phải lòng phải dạ để hoàn thành ước muốn được kết hợp trọn vẹn giữa tình yêu, tình dục và hạnh phúc. Huyền nhiệm nằm ở chỗ: “Tình yêu giống như cầm thủy ngân trong tay, nếu mở tay ra thì nó còn; nếu nắm chặt tay lại thì nó tuột”.[164] Hy vọng tìm được tình yêu nơi phần nửa còn lại nơi người kia luôn luôn là cảm nhận hão huyền vì sớm hay muộn con người bị lột mặt nạ.[165]

“Yêu là cho những gì mình không có, đến với người mình chẳng thích” (Jacques Lacan). Một khi không có sự hiệp thông trong tình yêu, con người bị dồn nén để sống trong giả tạo. Trong bầu khí đó, sự thiêng liêng hóa của cảm xúc và dục tính cá nhân bị đánh bật khỏi võ đài yêu thương. Tiến thoái lưỡng nan khi vừa toan tính thôn tính người kia vừa không muốn người ấy là tù nhân của chính mình. Freud và Schopenhauer ví họ như những con nhím tìm cách xích lại khi lạnh cóng (cần tình yêu) nhưng những chiếc lông sắc nhọn (tính ái kỷ, ảo tưởng về sự hoàn hảo, tính mau phai nhạt của tình yêu, sợ hãi cái chết) đẩy chúng xa nhau. Theo Freud, Carl Jung và Scott Peck, chính khi tìm cách tống khứ đau khổ (cô đơn, phản bội) và tư tưởng đau khổ đã khiến nó quay trở lại để gây khủng hoảng và thử thách cho quan hệ yêu thương: “Để tránh né những đau khổ thường tình, người ta luôn luôn gặp rối loạn tâm thần. Người lành mạnh tâm thần là người phụng sự cho sự thật bằng mọi giá. Tâm bệnh xảy ra khi ý muốn của ý thức cá nhân người ta quyết liệt tẩy chay ý muốn của Thiên Chúa, ý muốn thuộc vô thức của mình”. [166] Não trạng siêu nhân của Nietzsche khiến con người khinh bỉ tha thứ cho chính mình và cho tha nhân, các vết thương vì thế không dễ lành lặn. “Ghét linh hồn mình, chính là không thể tha thứ cho chính mình, là không hiện hữu, mà cũng chẳng thể là mình. Một người bị bó buộc nhìn ra ngoài lòng thương xót dịu dàng của Thiên Chúa chỉ rơi vào sự thù hận và khinh miệt chính mình thôi” (Bernanos).[167]

“Tình yêu không thể bị ép buộc” (Boris Pasternak).[168] Lời rao giảng về Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá luôn luôn mang tính thời vì nó có sức đem lại chữa lành cho con người.[169] Khi lòng thù hận đã ngấm sâu vào tận xương tủy người ta, nó xóa nhòa mọi kỷ niệm đẹp thời yêu thương, nó cắn rứt làm cho con người không thể tha thứ, trước là cho chính mình, sau là cho tha nhân. Giải pháp được 80% phụ nữ chọn lựa là cắt đứt mọi mối quan hệ. Lòng kiêu hãnh trỗi dậy nơi nạn nhân để đánh bật phạm nhân khỏi võ đài yêu thương, để xây dựng cho mình một tượng đài cô lập đầy tự mãn đang nở rộ trong văn hóa hưởng thụ và chủ nghĩa cá nhân. Phải lên án, phải gán cái xấu lên người khác, phải đẩy trách nhiệm lên người khác để tránh nhận ra cái tôi hung bạo, thù hằn và đau khổ của mình. “Làm người là nhận trách nhiệm” (Saint-Exupéry).[170] Khi từ chối trách nhiệm, người ta ngấm ngầm từ chối sự sống. Khi cưỡng bức tình yêu để sống trong sợ hãi, khi rời khỏi sự hiệp thông trong gia đình,[171] con người dâng cho vị thần của sự kiêu hãnh những của lễ là chính sự cô đơn khép kín, một mối tình mới đầy ô nhơ, những đứa con mang đầy tổn thương từ cha mẹ, xa rời đời sống cộng đoàn. “Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo” (1Ga 4,18).

4. Món quà của sự không hoàn hảo

Muốn sống hiệp thông và yêu thương, con người phải có một ý chí mạnh mẽ và một trái tim rộng mở để cưỡng lại chủ nghĩa hoàn hảo. [172] Khi mong muốn cho mọi sự trở nên hoàn hảo, con người trở nên vong thân, cảm thấy hổ thẹn, sợ hãi, tổn thương và hèn nhát. Củng cố sự hiệp thông hay sống yêu thương chính là can đảm để đi ra khỏi vòng luẩn quẩn của sự hoàn hảo để sống sáng tạo, để đem lại phẩm giá cho chính mình và tha nhân, để dừng làm tổn thương tha nhân, để thôi tạo ra mâu thuẫn, để thêm tin tưởng nhau. Khởi đầu nhìn nhận mình bất toàn sẽ giúp mỗi người can đảm[173] nói lời xin lỗi, để động lòng trắc ẩn,[174] để yêu lấy bản thân mình, để cai việc nghiện kiểm soát (an addiction to control) mọi chuyện kể cả trong tình yêu, để tự nhủ: “Đúng vậy, mình chưa hoàn hảo và dễ bị tổn thương, đôi khi còn sợ hãi nhiều thứ, nhưng điều đó không phủ nhận được sự thật rằng mình dũng cảm, xứng đáng được yêu thương và đón nhận”.[175]

“Tình yêu không đi cùng với quyền lực tối thượng” (Sophie Schlumberger).[176] Tình yêu thương hay sự hiệp thông là điều quan trọng nhất trong cuộc đời. Với một trái tim rộng mở trước những phán xét và tự phán xét, mỗi cá nhân cần sẵn sàng chiến đấu chống lại chủ nghĩa hoàn hảo bằng cách tin rằng mình xứng đáng được yêu thương, quan tâm, lắng nghe, tôn trọng và chấp nhận ngay trong thời điểm hiện tại, không cần điều kiện này nọ, chẳng đợi lúc này lúc khác: Tình yêu thương hay sự hiệp thông được nuôi dưỡng không chỉ bằng việc trân trọng những ưu điểm nơi bản thân hay nơi tha nhân mà còn bằng một tấm lòng vượt qua sự hổ thẹn, trách móc, dày vò trước sự bất toàn của bản thân và tha nhân. Đây là bước khởi đầu để con người đi từ cảm xúc đến hành động đầy trách nhiệm trong việc sống yêu thương hay củng cố sự hiệp thông.

“Khiêm nhường chống lại thất vọng”.[177] Muốn sống, yêu thương và hòa nhập vào đời với tất cả sự tự tin và với tất cả trái tim, người ta phải can đảm nhìn thẳng vào những bất toàn, khó khăn, sợ hãi cũng như việc dễ tổn thương của mình và của tha nhân với một lòng trắc ẩn và khiêm nhường sâu xa. Loại bỏ dần chủ nghĩa hoàn hảo vừa là cách tập yêu thương và bớt dày vò bản thân. Thất vọng là tên gọi khác của sự hổ thẹn hay xấu hổ về sự bất toàn của mình, về chuyện không suôn sẻ trong công việc, về cả chuyện thành công vượt ngoài ý muốn, về nỗi giằng xé trong nội tâm. Nó gặm nhấm giá trị, nhân cách và lý tưởng sống của một người vì nó không cho người đó sống con người thật của mình, làm những điều mình cần làm (Margaret Young). Vượt qua nỗi thất vọng hay hổ thẹn là một nghệ thuật sống con người thật của mình. Nó giúp con người vượt qua căng thẳng, trầm cảm, kiệt sức, lực bất tòng tâm, rối loạn thần kinh thực vật, nghiện ngập, giận dữ, trách móc, oán giận, bóng tối, đau đớn không thể giải tỏa và nhất là dẹp bỏ ý định trở thành mẫu người hoàn hảo (Anna Quindlen) để sống con người thật của mình và để bắt đầu có được niềm vui, lòng biết ơn, lanh lẹ và thoải mái. Chúng là chất keo cần thiết của sự hiệp thông, là chất xúc tác cho tình yêu, đức tin, niềm hy vọng và hạnh phúc thăng hoa.

Chủ nghĩa hoàn hảo thay vì làm phát huy tiềm năng bản thân thì nó lại bóp nghẹt khả năng phát triển bản thân khi loay hoay để làm hài lòng người khác, để hoàn hảo hóa mọi việc, để làm việc từ thiện cho tha nhân thay vì lo cải thiện nơi bản thân. Bóng tối của chủ nghĩa hoàn hảo làm tê liệt cuộc sống ở mọi cấp độ, mọi bậc sống và mọi giai đoạn sống. Một khi nó trở thành chất gây nghiện cho niềm tin của mình, nó khiến ta tự hủy hoại mình khi mở đường cho lối tư duy theo cảm xúc và viển vông, chăm chút vẻ bên ngoài sao cho thật tuyệt, lời nói sao cho thật màu mè, tự trách vì “Mình không đủ giỏi”, tự dày vò về điều nằm ngoài tầm kiểm soát, tiền hậu bất nhất, cuộc sống hai mặt, lời nói hai ý.[178]

Nhu cầu lớn nhất của thời đại chúng ta là dọn sạch lượng rác khổng lồ về tinh thần và cảm xúc đang làm rối tung tâm trí chúng ta”.[179] Việc cải thiện bản thân bắt đầu từ việc quên đi chuyện ganh đua thiệt hơn, dẹp bỏ lối sống đầy lo âu để sống sáng tạo, biết ơn, điềm tĩnh, an nhiên và hạnh phúc hơn. Hãy dành thời gian để vui chơi, nghỉ ngơi và quên đi địa vị xã hội như một cái mác đang đè bẹp cái tôi, không cho cá nhân sống con người thật một cách thoải mái. Hiệu quả công việc không phải là thước đo giá trị con người. Công việc không thể che đậy con người thật và đem lại sự chữa lành vết thương của bản thân. Sự an nhiên giúp dọn vệ sinh tâm hồn (cleaning for the soul) có được một không gian mở ra cho những cảm nhận, suy nghĩ, mơ ước và tự chất vấn sao cho thông thoáng, quân bình, khách quan và thánh thiện hơn. Một khi thôi nghi ngờ bản thân và cởi trói khỏi não trạng quan trọng hóa và đầy quá khích người ta có khả năng để thích làm những việc ý nghĩa, giàu tính nhân văn, gia tăng khả năng riêng, bớt căng thẳng vô độ. Lãng phí tiềm năng bản thân khiến đời ta khốn cùng vì phá vỡ mất mối hiệp thông giữa ta với người khác và với Thiên Chúa. Một tâm hồn thông thoáng khiến con người dễ dàng sám hối để bật dậy Lời khẩn nguyện với Chúa Giêsu – Oratio ad Iesum: “Lạy Đức Giêsu Kitô, là Con Thiên Chúa, và là Chúa chúng con, xin thương xót chúng con là những kẻ tội lỗi”.[180]

“Người không biết hài hước giống như cỗ xe không có nhíp. Nó liên tục bị xóc mỗi khi vấp phải hòn đá nhỏ trên đường” (Henry Ward Beecher).[181] Tính hài hước giúp con người có khả năng cười vào cái tôi lôi thôi của mình cách thoải mái, để thôi quan trọng hóa cái tôi, để yêu và sống vui giây phút hiện tại hơn là nuối tiếc quá khứ hay chờ đợi thiên đường ở tương lai. Một tiềm năng chi phối chất lượng sống của con người chính là chỉ số đo lường cảm xúc (EQ = Emotional Quotient).[182] Chỉ số này cao đồng nghĩa với việc họ sống rất giàu tình cảm, luôn thấu hiểu, giúp đỡ mọi người xung quanh, được nhiều người yêu mến và tôn trọng, có khả năng thành công trong cuộc sống. Tiếng cười, âm nhạc và nhảy múa tạo ra mối dây liên kết về mặt cảm xúc và tâm hồn. Óc hài hước có thể làm giảm buồn phiền, lo âu, sợ hãi, đau khổ, kiêu ngạo và tuyệt vọng; những gốc rễ dễ dẫn đến tự sát.[183] Vì thế Mahatma Gandhi viết: “Óc hài hước là cây gậy giữ thăng bằng khi chúng ta đang bước đi trên sợi dây cuộc đời. Nếu chúng tôi không có óc hài hước thì chắc chắn chúng tôi đã tự sát lâu rồi”. Thánh Phanxicô Assisi khuyên: “Hãy trả lại sự buồn phiền cho ma quỷ, bởi vì chỉ có ma quỷ mới có đủ lý do để buồn phiền”.[184]

Hãy luôn vui mừng trong Chúa. Tôi nhắc lại, hãy vui lên!” (Pl 4,4). Các thánh vui tươi và rất biết đùa, biết tỏa ra tinh thần tích cực và đầy hy vọng. Đó là hoa trái của lòng bác ái, của sự hiệp thông với người mình yêu, của việc sống trong Chúa Thánh Thần (Rm 14,17). Thời đại của Chúa Giêsu mà hiện ta đang sống trong đó phải là thời đại của niềm vui, “niềm vui của Đức Chúa là thành trì bảo vệ anh em” (Nkm 8,10). Đức Maria đã hớn hở vui mừng về niềm vui mà Đức Giêsu mang đến (Lc 1,47), niềm vui trong Chúa Thánh Thần (Lc 13,17). Và Đức Giêsu muốn cho niềm vui đó ngự trị nơi các môn đệ của Người (Ga 15,11). Chính niềm vui mà Đức Giêsu mang đến, niềm vui biết mình được yêu thương có thể che lấp những lúc khó khăn, những thời khắc của thập giá để có lòng vững tâm, thanh thản, hy vọng và no thoả tinh thần. Niềm vui Kitô giáo thường được đi kèm với một cảm thức hài hước. Niềm vui trong tình hiệp thông thì quảng đại trao ban (Cv 20,35) và vui vẻ dâng hiến (2Cr 9,7). Hài hước là một ơn ban đến từ Thiên Chúa. Đức thánh cha Phanxicô đề nghị cầu nguyện xin ơn hài hước qua kinh được cho là của Thánh Tôma More, một vị thánh cũng khá hài hước:[185]

“Lạy Chúa, xin ban cho con trí lĩnh hội, và cả điều để lĩnh hội. Xin cho con thân thể khỏe mạnh, và tính hài hước tốt đẹp cần thiết để giữ sức khỏe đó. Xin cho con một linh hồn đơn sơ biết quý tất cả những gì tốt đẹp, đừng dễ dàng sợ hãi trước mặt sự dữ, nhưng biết tìm cách đặt lại mọi chuyện vào đúng chỗ của nó. Xin cho con một linh hồn không buồn chán, không càu nhàu, thở dài hay than van, cũng không căng thẳng quá độ, vì những điều này ngăn cản một chuyện: Con chính là ‘con’. Lạy Chúa, xin cho con một trí hài hước tốt đẹp. Xin cho con ơn có thể nói một câu đùa để tìm được chút vui vẻ trong đời, và có thể chia sẻ niềm vui đó với người khác”.[186]

Thần học gia Tin Lành Peter Berger cho rằng Thiên Chúa là tình yêu, và hài hước là một phần quan trọng không thể chối cãi của tình yêu. Hài hước cùng với bông đùa lành mạnh và trêu chọc vui vẻ là một phần dầu mỡ giúp chúng ta duy trì mối quan hệ lâu dài, bất chấp sự quen thuộc quá mức, tổn thương, thất vọng, và nhàm chán không thể tránh khỏi thế nào cũng xuất hiện trong hầu hết mọi mối tình. Hài hước giúp tình yêu ổn định. Vì thế hài hước là một phần bẩm sinh của tình yêu, là một phần phẩm tính của Thiên Chúa.[187] Thiên Chúa không chỉ có óc hài hước, mà còn là người tạo ra hài hước, thì hài hước là một phẩm chất quan trọng trong sự toàn vẹn và thánh thiện.[188] Mẹ thánh Têrêsa Avila sống nhiệm nhặt, thánh thiện, nhưng không kém hài hước, bông đùa mang tính xây dựng. Khi đi lập nhà ở Cid Campeador, cây cầu ở sông Arlazon đã bị lũ cuốn trôi mẹ vẫn vui vẻ và tin tưởng nói: “Chúa đã giúp ta băng qua vũng sình, Ngài cũng sẽ giúp ta vượt qua con sông này”. Tay trong tay mẹ dẫn đầu các nữ tu xuống dòng nước lạnh như đá. Giữa dòng sông mẹ bị trượt chân, dòng nước cuốn mẹ đi nhưng mẹ không la, không sợ chỉ cầu xin Chúa: “Làm sao Chúa đặt nhiều khó khăn như thế trên đường chúng con đi?”. Rồi Chúa hiện ra và trả lời: “Đó là cách Ta thích xử với các bạn của Ta”. Mẹ Têrêsa không do dự đáp lại với óc trào phúng cố hữu của mình: “Lạy Chúa, thảo nào Chúa chỉ có ít bạn!”.[189]

Tác giả Brené Brown cho rằng rủi ro đánh mất chính mình nguy hiểm hơn rất nhiều so với rủi ro để cho người khác nhìn thấy con người thật bên trong của mình. Vì thế cần tự nhủ trước khi đi ngủ vào mỗi đêm: “Phải, mình không hoàn hảo, dễ tổn thương và đôi khi sợ hãi, nhưng điều đó không thay đổi sự thật rằng mình cũng dũng cảm, xứng đáng được yêu thương và đón nhận”. Một ngày mới bắt đầu hãy nguyện cầu: “Lạy Chúa, xin ban ơn cứu độ, lạy Chúa, xin thương giúp thành công” (Tv 118, 25) và đừng quên nguyện thêm: “Chuyện đời tôi quan trọng vì bản thân tôi cần được xem trọng. Tôi sẽ bước vào đời với cảm giác tự do khi không còn giả vờ như mọi chuyện đều ổn và mong muốn mọi sự phải hoàn hảo”. Chính ở khởi đầu nhìn nhận sự bất toàn của bản thân mà con người bắt đầu nghiêng từ đời sống nhân bản sang đời sống tâm linh, đời sống hướng về Thiên Chúa và về đời sống vĩnh cửu.[190] Với đức tin, con người có được lòng dũng cảm để chạm vào thế giới bí ẩn, để vượt qua nỗi sợ hãi đang diễn ra nơi nội tâm hay nơi thế giới để có thể thư giãn và cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho con sự bình yên trong tâm hồn để chấp nhận những gì con không thể thay đổi, xin cho con sức mạnh để thay đổi những điều có thể, và sự sáng suốt để nhận ra sự khác biệt. Amen!”

V. HIỆP THÔNG TRONG THINH LẶNG

1. Thinh lặng để sống hiệp thông

Yêu thương ở trình độ ban đầu, việc đối thoại là một hành động yêu thương cần thiết để tạo nên sự gần gũi thân tình, tình yêu sâu đậm và hâm nóng tình yêu. Đối thoại là một cách thức ưu việt và thiết yếu để sống, bày tỏ và làm triển nở tình yêu và sự hiệp thông trong đời sống hôn nhân và gia đình. Muốn đối thoại thực sự cần lắng nghe trong thinh lặng, tôn trọng, hiền lành, kiên nhẫn, quan tâm và tin tưởng. Thinh lặng là một thái độ diễn tả tình yêu và thúc đẩy sự đối thoại đích thực.[191] Yêu thương ở trình độ trưởng thành, cuộc gặp gỡ trực tiếp mặt đối mặt, mắt nhìn mắt trong một cuộc đối thoại thinh lặng trong tình yêu thường diễn tả nhiều hơn lời nói vì: “Toàn bộ đời sống thực sự là cuộc gặp gỡ” (Martin Buber).[192] Thinh lặng trong tình yêu này phản chiếu tình yêu Thiên Chúa.[193] Đừng quên rằng vì đức ái, sự tôn trọng chân lý, và tránh gây gương xấu thường đòi buộc mỗi người phải thinh lặng nghiêm ngặt trước những điều bất khả xâm phạm, trước người không có quyền được biết.[194] Tập thinh lặng để yêu thương là cách để con người nhớ đến lời răn dạy của Đức Giêsu: “Tôi nói cho các người hay: đến Ngày phán xét, người ta sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói” (Mt 12,36).

Vợ chồng có thể học yêu thương và hiệp thông trong thinh lặng nơi Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá.[195] Bằng sự thinh lặng, Mẹ đang giữ hương thơm cho hy tế dâng lên Thiên Chúa, Mẹ đang cùng Con Mẹ mạc khải về Chúa Cha,[196] Mẹ thông phần vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô.[197] Ngay tại tiệc cưới tại Cana, để có được tình yêu và sự hiệp thông trọn vẹn, để tiệc cưới đó trở nên dấu chỉ xác nhận tính thiện hảo của hôn nhân và là dấu chỉ hữu hiệu về sự hiện diện của Đức Kitô nơi hôn nhân,[198] đó là kết quả của sự thinh lặng của Đức Maria trước lời thách thức của Đức Giêsu khi mà giờ của Người chưa tới (Ga 2,1-11), giờ mà Đức Maria sẽ thinh lặng ở mức tuyệt đỉnh khi đứng gần thập giá của Đức Giêsu. Sự thinh lặng đó khiến Thiên Chúa có thể nghe thấy ước vọng chính đáng của tình yêu và sự hiệp thông. Sự thinh lặng đó đi ngay vào trọng tâm của sự vâng phục, của ơn cứu độ: “Ngài có bảo gì hãy làm theo” (Ga 2,5). Sự thinh lặng của Ðức Maria là cuộc chiến đấu để đi qua cửa hẹp, để tiến tới sự sống.[199]

“Vấn đề của thinh lặng là một vấn đề thuộc tình yêu” (Thomas Merton).[200] Không có thinh lặng, chúng ta bị tước mất mầu nhiệm, chỉ còn sợ hãi, buồn bã và cô đơn. Đã đến lúc nên tìm lại sự thinh lặng! Bài học của tình yêu và sự hiệp thông vì thế là bài học thinh lặng trong đức tin, đức cậy và đức mến để chống lại sự độc tôn của một thế giới ồn ào đang làm phân rã con người, gia đình và xã hội. Lộ trình con người phải đi để đạt được sự thinh lặng và phải chiêm ngưỡng trong thinh lặng chính là Thập giá (crux) – Bánh Thánh (Hostia) – Đức Trinh Nữ Maria (Virgo). Thinh lặng của Đức Giêsu là thinh lặng của sự khó nghèo, khiêm hạ, từ bỏ và hủy mình ra không (Pl 2,7). Thế giới ồn ào bên ngoài và nơi nội tâm lôi kéo con người chạy theo ý riêng của mình,[201] khao khát đến cháy bỏng được quý trọng, yêu mến, ngưỡng mộ, tôn vinh, tung hô, ưu đãi, tham vấn, chấp nhận, thấu hiểu, viếng thăm, thành công… Ngấm ngầm dưới khao khát đó lại là nỗi sợ hãi bị hạ nhục, kinh chê, khiển trách, vu khống, lãng quên, nhạo báng, nghi ngờ, chửi rủa, ruồng bỏ, từ chối, thất bại, nghèo hèn… Ồn ào là căn bệnh phá vỡ sự hiệp thông vì nó không cho con người hiện hữu ngay nơi trái tim mình. Trái lại, đức ái sinh ra từ thinh lặng. Đức ái phát xuất từ một trái tim thinh lặng có khả năng lắng nghe, thấu hiểu và đón nhận. Thinh lặng là tình bạn, là tình yêu, là hài hòa và bình an. Thinh lặng và bình an có cùng một nhịp đập của trái tim. Thinh lặng là điều kiện của tình yêu và nó dẫn đến tình yêu. Tình yêu chỉ được diễn tả một cách trọn vẹn khi khước từ lời nói, sự ồn ào, sự kích động và phấn khích. Cách diễn tả mãnh liệt nhất của tình yêu được thể hiện trong cái chết âm thầm và hoàn toàn dâng hiến: “Để hiệp thông thực sự với một người khác, tôi phải biết người ấy, biết ở lại bên người ấy trong thinh lặng, lắng nghe người ấy, ngắm nhìn người ấy với tình yêu mến. Tình yêu đích thực và tình bằng hữu luôn sinh động nhờ biết trao nhau những ánh mắt, những khoảnh khắc thinh lặng thẳm sâu, tế nhị, đầy lòng tôn trọng và thờ kính, để cuộc gặp gỡ mang lại một kinh nghiệm sâu sắc cho cá nhân”.[202] Thinh lặng thôi thúc con người lắng nghe lẫn nhau, thôi thúc ước muốn được hiệp thông và yêu thương. Bao lâu còn có những tình nhân trên mặt đất, thì họ sẽ còn tìm cách gặp nhau riêng, và trong cuộc gặp gỡ của họ, luôn luôn có sự thinh lặng. Thinh lặng là một sự hối cải tâm hồn, sự thống hối nội tâm khi phải xua đi “cái tôi” thích chiếm hữu, thống trị, kiêu căng, đam mê, phù phiếm, vô bổ, hời hợt, quý tộc, ta đây, cha chú, ham muốn. Hối cải trước hết là công trình của ân sủng của Thiên Chúa và sự thinh lặng cần thiết để con người nhìn vào nội tâm mình.[203] Luyện tập thinh lặng đòi hỏi ở lại trong sự hiện diện của Thiên Chúa, là không ngừng quay về với Thiên Chúa. Thiên Chúa ẩn mình trong sự thinh lặng và tỏ mình ra nơi cõi lòng thinh lặng của ta. Thiên Chúa ngự ở nơi sâu thẳm nhất của con người, trong những vùng thinh lặng của bản thể con người. Cô tịch là trạng thái tốt nhất để nghe được cái thinh lặng của Thiên Chúa. Tình yêu của Thiên Chúa được che giấu trong sự thinh lặng, trong đau khổ, trong cái chết, trong thân xác bị hành hạ và bầm dập của Đức Giêsu đang chết dần trên cây thập tự. Sự thinh lặng của Thiên Chúa chỉ có thể hiểu được nơi viễn cảnh về cuộc sống vĩnh cửu. Bổn phận của mỗi người là phải sẵn sàng trước Thiên Chúa thinh lặng, đang chờ đợi chúng ta trong sa mạc sâu thẳm của nội tâm chúng ta, bằng cách gạt bỏ sự náo động ồn ào. Càng trốn tránh sự thinh lặng, chúng ta càng xa rời Thiên Chúa. Thinh lặng để đi vào trong tinh thần cầu nguyện. Thật khó tìm được một người thánh thiện mà lại nói nhiều. Cầu nguyện và thinh lặng sẽ cứu thế gian. Những vĩ nhân hiếm khi thốt ra những lời nói vô ích. Kẻ nào giữ thinh lặng vì tình yêu Chúa, người ấy sẽ chuyên chăm nguyện ngắm, đọc sách thiêng liêng và cầu nguyện trước Thánh Thể. Trong thinh lặng, Thiên Chúa đã công bố Ngôi Lời của Ngài nơi tâm hồn. Trong thinh lặng, chúng ta nhìn ngắm Thiên Chúa và để cho Chúa nhìn ngắm chúng ta. Thinh lặng là một kỷ luật thánh thiện, là người canh gác của Chúa Thánh Thần.[204]

Vì không có gia đình nào là hoàn hảo và kiện toàn ngay từ đầu nên đòi hỏi một sự phát triển tiệm tiến khả năng yêu thương và hiệp thông của mình. Sự phát triển đó được kín múc từ sự hiệp thông viên mãn của Thiên Chúa Ba Ngôi, từ sự kết hợp kỳ diệu giữa Đức Kitô và Hội thánh của Người, từ cộng đoàn kiều diễm là Gia đình Nadarét, và từ tình huynh đệ vô tì tích giữa các thánh trên thiên quốc. Chỉ trong sự hiệp thông đó mà con người không đánh mất niềm hi vọng vì nhiều giới hạn trong gia đình như bạo lực, khép kín và chia rẽ. Mẫu gương của gia đình Nadarét đem lại bài học về về thinh lặng nội tâm, về sự hiệp thông trong tình yêu, về tính cách linh thánh bất khả xâm phạm của gia đình, về sự cao cả của lao động khi hướng đến cứu cánh đích thực là Thiên Chúa.[205]

2. Hiệp thông trong mầu nhiệm Vượt Qua

Gia đình thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ còn gọi là Nguyễn Huy Diệu (1804 – 1838) đã để lại cho các gia đình Kitô hữu tấm gương sáng ngời về sự hiệp thông ở khía cạnh tự nhiên, tinh thần và siêu nhiên. Thánh Micae Mỹ nhận thấy bố vợ, là thánh Antôn Nguyễn Tiến Đích tuổi già sức yếu không chịu nổi tra tấn nên ngài tự nguyện chịu đòn thay. Chàng rể nói với bố vợ: “Cha đã tuổi cao sức yếu, chẳng sống được bao lâu nữa, nếu không chết vì đạo thì cũng chết vì bệnh, nhưng nếu tử đạo, sẽ làm vinh danh Thiên Chúa và được hạnh phúc Thiên Đàng. Cha đừng luyến tiếc sống thêm ít ngày, con đây còn khỏe mạnh, đời còn dài, vợ trẻ với đàn con thơ dại thật đáng yêu đáng quý, nhưng con tin Thiên Chúa sẽ lo liệu thật tốt đẹp cho chúng. Hơn nữa khi cha con ta được lên Thiên Đàng, sẽ cầu bầu trước nhan Thiên Chúa thì có ích hơn cho cả gia đình dòng tộc. Cha đừng lo về những hình khổ phải chịu, con sẽ chịu đòn thay cho cha hết thảy. Cha hãy can đảm làm chứng và sẵn lòng chết vì yêu mến Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết vì chúng ta”. Cha nào con nấy, mẹ nào con nấy.[206] Cô Mỹ (12 tuổi), con gái của thánh Lý Mỹ khi vào thăm cha cũng khuyến khích: “Xin cha can đảm chịu chết vì Chúa”. Cậu Tường (9 tuổi) nhờ nhắn với cha: “Cha đừng lo cho chúng con, cha hãy an tâm vững lòng xưng đạo và chịu chết vì đạo”. Chồng hỏi vợ: “Tôi được phúc tử vì đạo thì mẹ Mỹ có bằng lòng chăng?” Vợ đáp: “Thầy mình có được phúc trọng ấy thì tôi bằng lòng lắm”. Vợ của thánh Lý Mỹ cũng khích lệ: “Vợ con ai mà chẳng thương, nhưng ông hãy hy sinh vác Thánh giá vì Chúa. Hãy trung thành đến cùng, đừng lo nghĩ đến mẹ con tôi, Chúa sẽ quan phòng tất cả”. Ông nghẹn ngào đáp lời vợ: “Lời bà khuyên nhủ đốt thêm lửa kính mến Chúa trong lòng tôi, bà đem con về săn sóc chúng thay tôi, sớm tối cầu nguyện ngày sau gặp bà và các con chung hưởng hạnh phúc vĩnh cửu nơi quê thật là nước Thiên Đàng”. Bà Lý Mỹ kể rằng: “Gia đình tôi sống trong hòa thuận yêu thương. Ông Micae chuyên chăm đạo đức, dự lễ hằng ngày, nếu vợ con hay người giúp việc bận rộn không đi lễ được, ông bắt phải đọc kinh chung và nghe sách thiêng liêng để suy niệm. Ông xưng tội nhiều lần trong năm, mỗi lần ông kỹ lưỡng xét mình hai ngày trước. Mùa chay, ông giữ chay các ngày thứ tư và thứ sáu. Ông không uống rượu, không đánh bạc hay to tiếng với ai bao giờ”.[207]

Gia đình thánh Lý Mỹ kín múc tình yêu và sự hiệp thông sâu xa nơi mầu nhiệm Vượt Qua, tức là mầu nhiệm thập giá và sự sống lại của Chúa Kitô.[208] Chính mầu nhiệm này đã ban cho từng thành viên trong gia đình có một lòng can đảm và đức tin vững vàng, khi phải đương đầu với cơn thử thách cam go, giao tranh giữa sự sống và cái chết. Khi phải từ bỏ mạng sống mình, để chứng tỏ đức tin, đó là một cuộc chiến không hề đơn giản. Thực tế, nhiều người đã bỏ cuộc hay chạy trốn.

Sự thanh thản nhẹ nhàng toát ra từ những mẩu đối thoại của từng thành viên trong gia đình làm cho người ta hiểu được gia đình này có sự hiện diện của Mẹ Maria, Mẹ đã từng âm thầm lặng lẽ trước những khổ đau cùng cực nhất. Dưới chân thập giá, Mẹ đã hiến dâng người Con duy nhất lên Chúa Cha làm hy tế cứu độ nhân loại (Ga 19,25-27). Dưới chân thập giá, Mẹ đã sinh ra một nhân loại mới bằng nỗi đau xé lòng trong mầu nhiệm tử nạn của Con (LG 58). Giờ đây, Mẹ đồng hành với từng người con là em của Chúa Kitô trên con đường đức tin, hướng dẫn và trợ giúp cho đến khi tất cả những người được tuyển chọn bước vào vinh quang vĩnh cửu trên quê trời (LG 62). Đó là trách nhiệm Mẹ đã được chính Chúa Giêsu giao phó. Mọi người Kitô hữu đều được Mẹ yêu thương hướng dẫn; vấn đề là họ có mở rộng tâm hồn đón nhận sự trợ giúp của Mẹ hay không?

Như thế, gia đình thánh Lý Mỹ là mẫu gương hiệp thông trong đức tin, mở rộng tâm hồn đón Chúa vào trong từng gia đình Kitô hữu mỗi ngày. Như một cây trồng quý hiếm, sự hiệp thông trong đức tin cần được chăm sóc, bảo vệ kỹ lưỡng. Đức tin cũng cần được kiên trì chăm sóc mỗi ngày, qua đời sống bí tích, cùng nhau cầu nguyện và chiêm ngắm mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô. Nhất là nhiệt thành tôn kính Mẹ Thiên Chúa, Mẹ có bổn phận và sẵn sàng trợ giúp bảo vệ đoàn con trong hành trình dương thế, cho đến khi tất cả tiến vào vinh quang vĩnh cửu. Ước gì với sự trợ giúp từ trên cao, các gia đình Kitô hữu biết mở rộng lòng đón nhận những ân sủng và sự nâng đỡ mà Thiên Chúa sẵn sàng ban tặng để có thể hưởng được hạnh phúc viên mãn trong mái ấm gia đình tràn đầy tình yêu Thiên Chúa và tha nhân.

“Lạy Thánh Gia Nadarét, xin cũng làm cho các gia đình chúng con trở thành nhà của hiệp thông và cầu nguyện, trở thành trường học đích thực của Tin mừng và những Hội thánh tại gia nhỏ bé”. [209]

SÁCH THAM KHẢO

Alain Houziaux (chủ biên), Tại Sao Có Quá Nhiều Thất Bại trong Tình Yêu? – Pourquoi Tant D’Échecs en Amour?; bản dịch tiếng Việt: Xavier Trần Thiên An, Antôn & Đuốc Sáng – 2007.

Đtc Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate – Bác ái trong chân lý, 29/06/2009. Bản dịch của Ủy ban Giáo lý Đức tin – Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Ban Mục vụ Gia đình Giáo phận Đà Lạt, Kho báu cho gia đình công giáo thời nay – Handbook for today’s Catholic family; dịch và biên soạn: Lm. Giuse Đinh Quang Vinh; NXB đồng nai – 2019.

Đtc Bênêđictô Xvi, Thông điệp Deus Caritas Est – Thiên Chúa là Tình Yêu (DCE); bản dịch của Ủy ban Giáo lý Đức tin – Hội đồng Giám mục Việt Nam. Ngày 25/12/2005.

Bernard Ducruet, O.S.B.; Cuộc chiến đấu thiêng liêng theo thánh Biển Đức, An Nguyễn chuyển ngữ, Antôn và Đuốc Sáng.

Bruno Ferrero, Cha mẹ hài lòng với phương pháp giáo dục của thánh Don Bosco, Lm. Giuse Đinh Quang Vinh chuyển ngữ, NXB Hồng Đức, 2016.

Brené Brown, Ph. D., Món quà của sự không hoàn hảo (The gifts of imperfection) – Sao phải cố là người khác, trong khi bạn có thể là chính mình?, dịch giả: Uông Xuân Vy, Vi Thảo Nguyên, Nxb Phụ Nữ, 2014.

Đhy Carlo Maria Martini, Tình yêu và gia đình – The New Wine – Christian Witness of the Family; chuyển ngữ: Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên O.Cist.; NXB Phương Đông – Nhà sách Hoàng Mai. Tr. 16.

Đtc Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio – Về những bổn phận của gia đình Kitô hữu (FC), 22/11/1981, bản dịch của linh mục Augustinô Nguyễn Văn Dụ, Rôma – 2001.

Đtc Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae – Tin Mừng về Sự Sống (EV). Ngày 25/3/1995.

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Công Đồng Vaticanô II, Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội – 2012.

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Catechismus Catholicae Ecclesiae – Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (SGLC), NXB Tôn Giáo, Hà Nội – 2011.

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Docat, Phải làm gì? NXB Tôn Giáo 2017.

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm chủ biên, Hạnh các Thánh Tử Đạo Việt Nam, NXB Tôn Giáo – 2008

Jean Monbourquette, Làm sao tha thứ? – Comment pardonner?, Lm. Trần Minh Huy chuyển ngữ; NXB Novalis – Tủ sách Cho một tương lai tốt đẹp hơn – 2001.

John LaBriola, Cuộc chiến thiêng liêng, người dịch: Lm. Minh Anh (Gp. Huế), NXB Hồng Đức – Hà Nội, 2013.

Đgm Matthêu Nguyễn Văn Khôi, Tính hài hước và sự thánh thiện theo Đức Phanxicô trong Tông huấn Gaudete et Exsultate; (Khoá Thường huấn linh mục Giáo phận Qui Nhơn, 18-21/9/2018).

Đhy Marc Ouellet, P.S.S., Phụ Nữ dưới Ánh Sáng của Mầu Nhiệm Ba Ngôi và của Hội Thánh với Đặc Tính Maria; Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính; Hiệu đính: Lm. Phanxicô Xaviê. Nguyễn Hai Tính, S.J.; Logos – Suy tư Thần học và Mục vụ số 06 suy tư chủ đề “Người trẻ và gia đình”. NXB Tôn Giáo – Hà Nội, 2021, tr. 59-91.

Nancy Van Pelt, Để hôn nhân hoàn hảo, Đỗ Hải Yến – AKT dịch, Nxb Hồng Đức, 2013, tr. 23, 36, 72, 85, 89, 95, 151.

Đtc Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia – Niềm vui của Tình yêu, 19/03/2016, bản dịch của Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam, Nhà xuất bản Tôn Giáo, Tp. HCM – 2016. (viết tắt AL)

Đtc Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium – Niềm vui Tin Mừng (EG), 24/11/2013; Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ.

Đtc Phanxicô, Tông huấn Gaudete et Exsultate – Vui mừng và hân hoan (GE); 19/03/2018.

Đtc Phanxicô, Tông thư Patris Corde – Trái tim của người cha. Ban hành 08/12/2020.

Đhy Raniero Cantalamessa, Đức Maria tấm gương cho Giáo Hội, Athanasie Nguyễn Quốc Lâm dịch; NXB Tôn Giáo – Hà Nội, 2022.

Đhy Robert Sarah, Nicolas Dias, Sức mạnh của sự thinh lặng – chống lại sự độc tôn của một thế giới ồn ào; Dòng Phaolô thành Chartres Sài Gòn dịch; Sept-Fons hiệu đính; NXB Đông Phương – 2019.

Robyn D. Walser. Ph.D, Darrah Westrup, Ph. D; Đôi lứa biết quan tâm lẫn nhau. Người dịch: Phạm Như Lan. NXB Văn Hóa Thông Tin, TP. HCM – 2013.

Ron Rolheiser,O.M.I.; Óc Hài Hước của Thiên Chúa; https://ronrolheiser.com/oc-hai-huoc-cua-thien-chua/   ngày 13/5/2023.

Stêphanô Huỳnh Trụ, Tìm Hiểu Từ Vựng Công Giáo, bài “Hợp nhất, hiệp nhất”, bài “Hợp thông, hiệp thông”; NXB Tôn Giáo, Hà Nội – 2021; tr. 245; tr. 252.

Tammy Strobel, Hạnh phúc không đắt như bạn nghĩ; Dịch giả: Uông Xuân Vy – Trần Đăng Khoa. NXB Phụ Nữ, TP. HCM – 2013.

Đhy Timothy M. Dolan, Priests for the third millennium – Linh mục cho ngàn năm thứ ba, người dịch: Lm. Micae Trần Đình Quảng, Nxb Tôn giáo, Hà Nội 2009.

[1] Docat số 114.

[2] FC 18.

[3] GS 48.

[4] Mt 19,6.

[5] AL 196-198.

[6] LG 11; AA 11.

[7] Ga 15,13.

[8] AL 106-110.

[9] AL 111-113.

[10] Robyn D. Walser. Ph.D, Darrah Westrup, Ph. D; Đôi lứa biết quan tâm lẫn nhau. Người dịch: Phạm Như Lan. NXB Văn Hóa Thông Tin, TP. HCM – 2013. Tr. 207.

[11] Ga 17,21.

[12] FC 57.

[13] DCE 14.

[14] AL 61-66.

[15] AL 314-316.

[16] FC 18-30.

[17] Docat số 109.

[18] 1Ga 4,8.

[19] GS 12.

[20] FC 11.

[21] “Khái niệm hiệp thông (koinonia; κοινωνία) nằm ở trọng tâm của việc Hội Thánh hiểu biết về chính mình, với tư cách là mầu nhiệm của sự hợp nhất cá vị của mỗi người với Thiên Chúa Ba Ngôi và với tha nhân, được khởi sự nhờ đức tin, được hình thành như một thực tại trong Hội Thánh trần thế, và được hướng đến sự viên mãn cánh chung trong Hội Thánh thiên quốc” (Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thư gởi các giám mục Công giáo về một vài khía cạnh của Hội Thánh hiệu như sự hiệp thông, 28/05/1992; số 3); Communio = com + unus; Hiệp = chung nhau; thông = cùng nhau hòa hợp. Hiệp thông 協 熥 = chung sức với nhau; hợp thông 合 熥 = đoàn kết thành một; các bên hòa hợp với nhau. Nghĩa hợp thông và hợp nhất thì mạnh hơn hiệp thông và hợp thông.

[22] Evangelii Gaudium, 274.

[23] SGLC 1469. Tội lỗi làm suy yếu hay cắt đứt sự hiệp thông huynh đệ. Bí tích Thống Hối canh tân hoặc tái tạo sự hiệp thông đó. Theo nghĩa này, bí tích không những chữa lành hối nhân, làm cho họ được hiệp thông lại với Hội Thánh, mà còn có một hiệu quả mang lại sức sống cho đời sống Hội Thánh, vốn đã phải chịu đựng tội lỗi của một trong các chi thể của mình. Tội nhân, một khi đã được phục hồi hay được củng cố trong mầu nhiệm các thánh thông công, thì được tăng cường nhờ sự hiệp thông các gia sản thiêng liêng giữa mọi chi thể sống động của Thân Thể Đức Kitô, hoặc còn đang trên đường lữ hành, hoặc đã ở nơi quê hương thiên quốc: “Nhưng phải thêm rằng việc giao hoà này với Thiên Chúa như còn dẫn tới những sự giao hoà khác, để hàn gắn nhiều đổ vỡ khác do tội gây ra: khi được tha thứ, hối nhân giao hoà với chính mình nơi phần thâm sâu nhất của hữu thể mình, nơi người đó tìm lại được sự thật nội tại của mình; hối nhân được giao hoà với anh em mà một cách nào đó họ đã xúc phạm và gây thương tổn; hối nhân được giao hoà với Hội Thánh; hối nhân được giao hoà với tất cả các thụ tạo” (Thánh Gioan Phaolô II, Tông huấn Reconciliatio et paenitentia, số 31).

[24] SGLC 1484.

[25] Đhy Carlo Maria Martini, Tình yêu và gia đình – The New Wine – Christian Witness of the Family; chuyển ngữ: Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên O.Cist.; NXB Phương Đông – Nhà sách Hoàng Mai. Tr. 16.

[26] LG 11; FC 21; SGLC 1655-1658; 2204.

[27] Đhy Carlo Maria Martini, Sách đã dẫn. Tr. 70; SGLC 2790; Rm 8,28-30.

[28] Đhy Carlo Maria Martini, Sách đã dẫn. Tr. 89.

[29] Đhy Carlo Maria Martini, Sách đã dẫn. Tr. 9.

[30] GS 19; SGLC 27.

[31] SGLC 232-237; 1107.

[32] SGLC 238 – 260.

[33] SGLC 369-373; 383; YouCat 64; SGLC 368.

[34] AL 82.

[35] Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate – Bác ái trong chân lý, 29/06/2009. Số 28.

[36] Phanxicô, Bài giảng trong Thánh Lễ tại Puebla de Los Angeles (28/01/1979), 2: AAS 71 (1979), 184.

[37] AL 11.

[38] SGLC 2205.

[39] AL 71-75; 120.

[40] Đhy Carlo Maria Martini, Sách đã dẫn. Tr. 9.

[41] Mulieris Dignitatem, số 6-8.

[42] Nguyên văn: “Hence the three ways of loving in the Trinity that express three Persons absolutely distinct and correlative (tương quan; tương liên): paternal Love, filial Love, and I dare qualify the Third as nuptial Love because it’s not only a two-way but a three-way reciprocity, the Spirit being a distinct Third that proceeds in the modality of fecundity from reciprocity, something that gives it essentially and personal ly the right of citizenship in the triple and divine correlation of Love”.

[43] Cardinal Marc Ouellet, P.S.S., Woman in The light of The Trinity and of Mary-Church, web: https://zenit.org/2020/03/05/feature-cardinal -ouellet-on-woman-in-the-light-of-the-trinity-and-of-mary-church/ [12/03/2023]. Đhy Marc Ouellet, P.S.S., Phụ Nữ dưới Ánh Sáng của Mầu Nhiệm Ba Ngôi và của Hội Thánh với Đặc Tính Maria; Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính; Hiệu đính: Lm. Phanxicô Xaviê. Nguyễn Hai Tính, S.J.; Logos – Suy tư Thần học và Mục vụ số 06 suy tư chủ đề “Người trẻ và gia đình”. NXB Tôn Giáo – Hà Nội, 2021, tr. 59-91.

[44] Đhy Carlo Maria Martini, Sách đã dẫn. Tr. 85.

[45] Bruno Ferrero, Sdb., Cha mẹ hài lòng với phương pháp giáo dục của thánh Don Bosco, Lm. Giuse Đinh Quang Vinh chuyển ngữ, NXB Hồng Đức, 2016. Tr. 16.

[46] SGLC 2205.

[47] HĐGM Việt Nam, Thư Mục vụ năm 2008, số 15.

[48] Docat số 126.

[49] FC 18-19.

[50] HĐGM Việt Nam, Thư Mục vụ năm 2008, số 7.

[51] Docat số 58.

[52] DCE 16-18.

[53] Đhy Carlo Maria Martini, Sách đã dẫn. Tr. 94-95.

[54] Humanae vitae, số 8.

[55] SGLC 1602-1605.

[56] FC 20; Sự thật và ý nghĩa tính dục, số 28-30.

[57] SGLC 1606-1608.

[58] Docat số 51.

[59] SGLC 1440; 1445.

[60] SGLC 761.

[61] SGLC 2204–2206.

[62] Alain Houziaux, Tại Sao Có Quá Nhiều Thất Bại trong Tình Yêu? – Pourquoi Tant D’Échecs en Amour?; bản dịch tiếng Việt: Xavier Trần Thiên An, Antôn & Đuốc Sáng – 2007; tr. 74.

[63] SGLC 56; 2554.

[64] Gabriele Amorth, Nuovi Racconti Di Un Esorcista – Truyện mới kể của một nhà trừ tà, Edizioni Dehoniane Roma, 10/1992, Tr. 213- 222; Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt chuyển ngữ dưới tựa đề Quyền Năng Đức Mẹ Maria Đối Với Ma Quỷ, trang web: http://dongkhiettam.com/vi/news/cau-nguyen-hang-ngay-voi-me-khiet-tam/quyen-nang-duc-me-maria-doi-voi-ma-quy-1039.html [19/05/2023]. Video Padre Amorth: il diavolo e l’esorcista. 10 interviste: https://youtube.com/clip/UgkxG3erb5Dtc_z6-EjG5XsBZvNCjWllt6Z6 [19/05/2023].

[65] Đhy Carlo Maria Martini, Sách đã dẫn. Tr. 45.

[66] GS 13; SGLC 401.

[67] Mt 19,3-9.

[68] Lc 15,11-32.

[69] Kh 21,4; AL 19-22.

[70] Đhy Carlo Maria Martini, Sách đã dẫn. Tr. 108.

[71] SGLC 1502; 1505.

[72] SGLC 1658.

[73] DCE 21.

[74] SGLC 761- 762; 1896.

[75] Đhy Carlo Maria Martini, Sách đã dẫn. Tr. 88.

[76] DCE 5.

[77] Gioan Phaolô II, Thđ. Evangelium Vitae (25/3/1995), 23: AAS 87 (1995), 427.

[78] AL 61.

[79] Alain Houziaux, Sách đã dẫn. Tr. 57.

[80] GE 128.

[81] HV, 13: AAS 60 (1968), 489.

[82] GS, 49. Giáo luật 1061.

[83] SGLC 2351.

[84] Nancy Van Pelt, Để Hôn Nhân Hoàn Hảo, tr. 55.

[85] Docat – Phải làm gì? Số 8.

[86] Ep 5,22.28.

[87] Mt 25,40.

[88] Đhy Carlo Maria Martini, Sách đã dẫn. Tr. 8.

[89] DCE, 5.

[90] DCE, 7; AL 153-157.

[91] Alain Houziaux, Sách đã dẫn. Tr. 83-86.

[92] SGLC 2741.

[93] Đức thánh cha Phanxicô đề cập đến Dòng nữ Xitô, thuộc đan viện Port-Royal-des-Champs. Dưới thời Jacqueline-Marie-Angélique Arnauld, còn được gọi là Mẹ Angélique (8/9/1591 – 6/8/1661) làm Đan viện mẫu, Đan viện Port-Royal đã trở thành một trung tâm của Jansenism. Về Mẹ Agnès và các đan sĩ của bà, Paul Philippe Hardouin de Beaumont de Péréfixe (1606 – 1671), Tổng Giám mục Paris, người tham gia vào cuộc chiến chống thuyết Jansen đã nói: “Các nữ tu này trong sạch như thiên thần, nhưng kiêu hãnh như ác quỷ – These sisters are as pure as angels, but as proud as devils” (Fournet, Pierre Auguste. “Arnauld.” The Catholic Encyclopedia Vol. 1. New York: Robert Appleton Company, 1907. 19 May 2018). Tu viện Port-Royal đã bị giải tán bởi Sắc lệnh Unigenitus của Đức thánh cha Clement XI năm 1713. Tu viện sau đó bị san bằng và hiện nay là Bệnh viện Port-Royal, bệnh viện phụ sản hàng đầu của Paris.

[94] Dị thuyết do Giám mục Cornelius Jansen (1585-1638), tỏ ra bi quan về bản tính con người đã hư hỏng do tội nguyên tổ; chỉ những ai được tiền định mới được cứu; sống nghiêm ngặt về luân lý là dấu hiệu được tiền định. Antonio Casini, S.J. đấu tranh chống lại thuyết Jansenius trong một bài tranh luận về tình trạng bản chất thuần tuý (1687-1755). Nền luân lý của thánh Alphongsô de Liguori đã đánh bại nền luân lý Jansenius.

[95] ĐTC Phanxicô, Tất cả chúng ta đều là tội nhân và cần sự tha thứ, buổi tiếp kiến sáng thứ tư 10/04/2019.

[96] ĐTC Phanxicô, Tài liệu đã dẫn, ngày 10/04/2019.

[97] Gc 4,16.

[98] John LaBriola, Cuộc chiến thiêng liêng, người dịch: Lm. Minh Anh, NXB Hồng Đức – Hà Nội, 2013; tr. 65; 88.

[99] Đhy f.x. Nguyễn Văn Thuận, Năm chiếc bánh và hai con cá, Chương 2.

[100] Docat 142.

[101] SGLC 1022.

[102] John LaBriola, Cuộc chiến thiêng liêng, người dịch: Lm. Minh Anh (Gp. Huế), NXB Hồng Đức – Hà Nội, 2013. Tr. 219.

[103] Bernard Ducruet, O.S.B.; Cuộc chiến đấu thiêng liêng theo thánh Biển Đức, An Nguyễn chuyển ngữ, Antôn và Đuốc Sáng.

[104] Docat số 20.

[105] Ga 5,42-44.

[106] Alain Houziaux, Sách đã dẫn. Tr. 82.

[107] Hội đồng Giám mục Việt Nam – Ủy ban Giáo lý Đức tin, Docat, Phải làm gì? Số 95. SGLC 1883-1885.

[108] Alain Houziaux, Sách đã dẫn. Tr. 77-80.

[109] John LaBriola, Sách đã dẫn. Tr. 90.

[110] Rm 2,28; 2Cr 12,10.

[111] SGLC 2725.

[112] SGLC 2559.

[113] SGLC 2015.

[114] John LaBriola, Sách đã dẫn. Tr. 395.

[115] Đhy Carlo Maria Martini, Sách đã dẫn. Tr. 55.

[116] SGLC 1829; 1803–1845.

[117] SGLC 2343.

[118] SGLC 1697.

[119] Docat số 125.

[120] Timothy M. Dolan, Priests for the third millennium – Linh mục cho ngàn năm thứ ba, người dịch: Lm. Micae Trần Đình Quảng, NXB Tôn giáo, Hà Nội 2009. Tr.57.

[121] Ban MVGĐ GP Đà Lạt, Kho báu cho gia đình công giáo thời nay – Handbook for today’s Catholic family; dịch và biên soạn: Lm. Giuse Đinh Quang Vinh; NXB đồng nai – 2019. Tr. 27 – 38.

[122] Đhy Carlo Maria Martini, Sách đã dẫn. Tr. 49-50.

[123] Bruno Ferrero, Sách đã dẫn. Tr. 55.

[124] Docat 126.

[125] Docat số 116.

[126] Docat số 117.

[127] AL 226.

[128] FC 36.

[129] Docat số 88.

[130] Docat số 37.

[131] Docat số 115.

[132] American Psychiatry Association (2013). Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders (DSM-5) (ấn bản 5). Washington, DC and London: American Psychiatric Publishing. Tr. 451 – 460.

[133] Tammy Strobel, Hạnh phúc không đắt như bạn nghĩ; Dịch giả: Uông Xuân Vy – Trần Đăng Khoa. NXB Phụ Nữ, TP. HCM – 2013. Tr. 76.

[134] Bruno Ferrero, Sách đã dẫn. Tr. 24.

[135] Docat số 55.

[136] Đhy Carlo Maria Martini, Sách đã dẫn. Tr. 65.

[137] AL 100.

[138] DCE 7.

[139] DCE 4.

[140] GE 128.

[141] DCE 7.

[142] DCE 7.

[143] Robyn D. Walser. Ph.D, Darrah Westrup, Ph. D; Sách đã dẫn. Tr. 43; Ga 15,13.

[144] Tin tưởng: Confiance = cum (với) + fiancé (hôn phu).

[145] Docat số 103.

[146] Đtc Phanxicô, Tông thư Patris Corde – Trái tim của người cha. Ban hành 08/12/2020. Số 7.

[147] Alain Houziaux, Sách đã dẫn. Tr. 24

[148] Khi Edison được 24 tuổi, nhu cầu có một mái ấm gia đình chợt đến trong đầu. Ông đến trước cô thư ký Mary Stilwell 16 tuổi, dịu dàng, thanh mảnh và nói: “Này em, anh không muốn phí thì giờ nói những lời vô ích. Anh xin hỏi em một câu rất ngắn gọn và rõ ràng: Em có muốn làm vợ anh không?”. Trước sự sửng sốt không thể tin vào tai mình của cô gái, Edison nhắc lại lời cầu hôn cấp tốc của mình: “Ý em thế nào? Em nhận lời anh nhé? Anh xin em hãy suy nghĩ trong năm phút!” Mary đỏ mặt, đáp lý nhí: “Năm phút cơ à? Thế thì lâu quá! Vâng em nhận lời”. Mary đã sinh cho ông ba người con, rồi qua đời sau 13 năm chung sống. Hai năm sau khi Mary qua đời, Edison gặp và cưới cô Mina Miller, 20 tuổi. Khi Edison gặp gỡ Mina Miller, ông lập tức bị hút hồn bởi khuôn mặt khả ái của nàng. Dù trăm công nghìn việc ông không ngừng nghĩ về tình yêu mới của đời mình. Edison đã dạy Mina cách sử dụng mã moóc để họ có thể trao đổi một cách bí mật, bằng cách gõ nhịp vào tay nhau khi có người xung quanh. Một ngày, Edison đã cầu hôn Mina bằng nhịp gõ mã moóc, và Mina cũng trả lời theo cách này. Họ làm đám cưới năm 1886, khi Edison 39 tuổi.

[149] “The beginning of love is to let those we love be perfectly themselves, and not to twist them to fit our own image. Otherwise we love only the reflection of ourselves we find in them – Khởi đầu của tình yêu là để cho những người chúng ta yêu được là chính họ một cách hoàn hảo, chứ không phải vặn vẹo họ để phù hợp với hình ảnh của chúng ta. Nếu không, chúng ta chỉ yêu thích tìm kiếm hình ảnh phản chiếu của chính mình nơi họ” (Thomas Merton).

[150] “I consider that in dialectics I am the equal of Socrates. As to women, I agree that each has three or four souls, but none of them a reasoning one” (Henryk Sienkiewicz).

[151] Bruno Ferrero, Sách đã dẫn. Tr. 29.

[152] Alain Houziaux, Sách đã dẫn. Tr. 44.

[153] Docat 49.

[154] Lc 10,29-37; SGLC 1465.

[155] Đhy Carlo Maria Martini, Sách đã dẫn. Tr. 102.

[156] DCE 31.

[157] Đtc Phanxicô, Tông thư Patris Corde. Số 7.

[158] Docat số 56.

[159] SGLC 253

[160] Docat số 106.

[161] Alain Houziaux, Sách đã dẫn. Tr. 68.

[162] AL 320

[163] AL 39

[164] Philippe Julien, Người rời cha, người rời mẹ – Tu quitteras ton père et ta mère; Aubier – 2000.

[165] Platon, Buổi tiệc – Le Banquet.

[166] Morgan Scott Peck, The Road less traveled – Con đường chẳng mấy ai đi, Lm. Giuse Lê Công Đức chuyển dịch, quyển 1, đề mục: Ân sủng và tâm bệnh: Thần thoại Orestes.

[167] Jean Monbourquette, Làm sao tha thứ? – Comment pardonner? , Lm. Trần Minh Huy chuyển ngữ; NXB Novalis – Tủ sách Cho một tương lai tốt đẹp hơn – 2001. Tr. 162.171.

[168] Hội đồng Giám mục Việt Nam – Ủy ban Giáo lý Đức tin, Docat – Phải làm gì? Số 226; Đhy Carlo Maria Martini, Sách đã dẫn. Tr. 75.

[169] 1Cr 2,2.

[170] Saint-Exupéry, Cõi người ta – Terre des Homme, Bùi Giáng dịch, NXB Văn nghệ, TP HCM – 2005,. Tr. 57- 58.

[171] SGLC 2218

[172] Brené Brown, PH.D., L.M.S.W.; Món quà của sự không hoàn hảo – The gifts of imperfection – Sao phải cố là người khác, trong khi bạn có thể là chính mình? Dịch giả: Uông Xuân Vy và Vi Thảo Nguyên. NXB Phụ Nữ, TP.HCM – 2010; Tr. 20.

[173] Courage = coraggio = cor (trái tim) + aggio (premium; praemere: lấy) = nói ra suy nghĩ trong đầu, bày tỏ cảm xúc trong lòng.

[174] Compassion = com + pati (mang, nỗi khổ) = chia sẻ nỗi đau.

[175] Brené Brown, PH.D., L.M.S.W.; Sách đã dẫn. Tr. 169.

[176] Alain Houziaux, Sách đã dẫn. Tr. 82.

[177] Thomas Merton, Hạt giống chiêm niệm, Phong Trào Văn Hóa xuất bản, Sài Gòn – 1966, tr. 145.

[178] SGLC 2338; 2468; 2505.

[179] Thomas Merton, “Conjectures of a Guilty Bystander – Những phỏng đoán của một người ngoài cuộc có tội”, Image 2009. Tr. 72.

[180] SGLC 235; 2626; 2667; 2680.

[181] Robyn D. Walser. Ph.D, Darrah Westrup, Ph. D; Sách đã dẫn; Tr. 119.

[182] Kinh điển Hy Lạp gợi ý tình yêu có sáu yếu tố: Eros – sự hấp dẫn về tình cảm và tình dục; mania – ám ảnh về tình cảm; asteismos – vui thú và vui đùa; storge – quan tâm và lo lắng; pragma – thu xếp và bố trí thực tế; philia – tình bạn; và agape – vị tha (Ronald Rolheiser).

[183] SGLC 2280–2283.

[184] Đgm Matthêu Nguyễn Văn Khôi, Tính hài hước và sự thánh thiện theo Đức Phanxicô trong Tông huấn Gaudete et Exsultate; (Khoá Thường huấn linh mục Giáo phận Qui Nhơn, 18-21/9/2018).

[185] Tôma More bị kết tội phản quốc và vua ra lệnh xử chém đầu. Nơi pháp trường, ngài vẫn vui vẻ chào các quan và hẹn gặp họ ở chốn vĩnh hằng. Ngài lấy một đồng tiền vàng đưa cho tên đao phủ và nói: “Làm ơn nhắm cho trúng nhé vì cổ của tôi hơi ngắn”. Hắn bịt mắt ngài và nói: “Không cần đâu!”. Rồi ngài bình tĩnh ngả đầu trên thớt, lấy tay vuốt ngược chòm râu lên, mỉm cười và nói: “Chòm râu của tôi có tội gì với vua đâu mà bị xử trảm”. Ngài bị chém đầu ngày 6/7/1535 khi được 57 tuổi.

[186] Đtc Phanxicô, Tông huấn “Gaudete et Exsultate” – Vui mừng và hân hoan; 19/03/2018. Số 122-128.

[187] “A sense of humour is the only divine quality of man – Khiếu hài hước là phẩm tính siêu phàm duy nhất của con người” (Arthur Schopenhauer)

[188] Ron Rolheiser,O.M.I.; Óc Hài Hước của Thiên Chúahttps://ronrolheiser.com/oc-hai-huoc-cua-thien-chua/ [13/5/2023].

[189] René Fülöp-Miller, Thánh nữ Têrêxa Avila – Vị thánh hay xuất thần; Đặng Xuân Thành dịch; NXB Thuận Hóa, Huế – 1999. Tr. 114-115.

[190] SGLC 1812–1829.

[191] SGLC 136-139.

[192] Docat số 37.

[193] AL 12.

[194] SGLC 2489; 2490.

[195] LG 61; RM 18

[196] SGLC 516.

[197] SGLC 1368; Đhy Raniero Cantalamessa, Đức Maria tấm gương cho Giáo Hội, Athanasie Nguyễn Quốc Lâm dịch; NXB Tôn Giáo – Hà Nội. tr. 145. 174-178. 202; SGLC 1108.

[198] SGLC 1613.

[199] Đhy Raniero Cantalamessa, Sách đã dẫn. Tr. 157-158.

[200] Thomas Merton, Dấu lạ tiên tri Giôna – The Sign of Jonas.

[201] “Đối với tôi, dường như chúng ta không thể làm nên điều gì tốt đẹp khi chúng ta chỉ chiều theo ý riêng mình” (Thánh Têrêsa Lisieux; Docat số 17).

[202] ĐTC Biển Đức XVI, bài giảng lễ Corpus Domini, ngày 7/6/2021.

[203] SGLC 337; 400; 591; 821; 1430; 1453; 1600-1608; 2730.

[204] Đhy Robert Sarah, Nicolas Dias, Sức mạnh của sự thinh lặng – chống lại sự độc tôn của một thế giới ồn ào; Dòng Phaolô thành Chartres Sài Gòn dịch; Sept-Fons hiệu đính; NXB Đông Phương – 2019. Các trang: 221; 153; 80; 177; 28-29; 43; 54; 106; 172-173; 348; 356;126; 369; 416; 305; 37; 377; 379; 113; 159; 416; 293; 68; 419; 40; 356; 132.

[205] Thánh Phaolô VI, Trích huấn từ tại Nhà thờ Truyền tin ở Nadarét. Chúa Nhật ngày 5/1/1964; SGLC 34; 450.

[206] Thấy con trai đi bộ về, không thấy xe máy đâu, bà mẹ hốt hoảng hỏi: – Xe máy của con đâu rồi? – Dạ! Con cho bạn gái mượn ạ. – Đúng là cha nào con nấy. – Sao mẹ lại nói như vậy? – Thì trước bố mày cũng hay cho mẹ mượn như vậy mà.

[207] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm chủ biên, Hạnh các Thánh Tử Đạo Việt Nam, NXB Tôn Giáo – 2008; Tr. 174-176. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thanh-micae-nguyen-huy-my-tu-dao-ngay-12-thang-8-nam-1838-33044 [15/05/2023].

[208] SGLC 571; 1260.

[209] AL 325.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!