Mục vụ gia đình

GIA ĐÌNH KITÔ HỮU LÀ CỘNG ĐOÀN CẦU NGUYỆN

GIA ĐÌNH KITÔ HỮU LÀ CỘNG ĐOÀN CẦU NGUYỆN

I. NHẬP ĐỀ

Đề tài thứ bốn “Gia đình Kitô hữu là Hội Thánh tại gia” đã hàm chứa tính chất của gia đình là cộng đoàn cầu nguyện. Vì Hội Thánh là một cộng đoàn thờ phượng Thiên Chúa và cầu nguyện không ngừng. Nên trong đề tài thứ tám là: “Gia đình là Cộng đoàn cầu nguyện” chúng ta sẽ đi sâu hơn vào hoạt động quan trọng này của đời sống người và gia đình Kitô hữu.

Các vấn đề cần tìm hiểu là: (1) Khẳng định “Gia đình Kitô hữu là Cộng đoàn cầu nguyện” là có ý nói gì? (2) Để trở thành “cộng đoàn cầu nguyện”, các gia đình Kitô hữu phải làm những gì? (3) Đức Giêsu thực hành và dạy về cầu nguyện thế nào? (4) Thế nào là cầu nguyện Kitô giáo? (5) Tầm quan trọng của cầu nguyện đối với Kitô hữu và gia đình Kitô hữu? (6) Những cách cầu nguyện thích hợp với gia đình Kitô hữu hiện nay? (7) Không gian và thời gian thích hợp cho cầu nguyện trong gia đình Kitô hữu.

II. TRÌNH BÀY

1. Khẳng định “gia đình Kitô hữu là cộng đoàn cầu nguyện” là có ý nói gi?
Có nghĩa là mọi người trong gia đình đều biết, yêu mến và thực hành việc cầu nguyện, không chỉ riêng từng người (cầu nguyện riêng tư, cá nhân) mà là chung với mọi người trong nhà (cầu nguyện chung, cầu nguyện cộng đoàn).

2. Để trở thành “Cộng đoàn cầu nguyện”, các gia đình Kitô hữu phải làm những gì?

2.1 Để trở thành ‘Cộng đoàn cầu nguyện’, điều đầu tiên gia đình phải có là ý thức mạnh mẽ và sâu sắc về tầm quan trọng của cầu nguyện trong đời sống tâm linh của mỗi cá nhân và của cả gia đình. Cầu nguyện nói lên việc con người nhìn nhận mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành, Chúa Cứu Độ và Quan Phòng, là Cha hằng yêu thương quan tâm săn sóc đến con cái mình.

2.2 Tiếp đến, mỗi người trong gia đình phải biết cách cầu nguyện riêng và chung và cả gia đình phải thực hành việc cầu nguyện chung mỗi ngày để thờ phượng, cảm tạ, ngợi khen, chúc tụng Thiên Chúa, xin Thiên Chúa thứ tha mọi tội lỗi và thiếu sót của mình và xin Người ban cho những ơn cần thiết khác cho gia đình mình và các gia đình khác, cho Giáo hội và xã hội.

2.3 Nhất là trong bối cảnh của xã hội và thế giới hôm nay, trong đó con người có đang xu hướng coi thường đời sống và các giá trị tâm linh, gạt Thiên Chúa ra ngoài lề cuộc sống, cho rằng bằng kỹ thuật khoa học, mình có thể làm được tất cả, giải quyết được mọi vấn đề thì đời sống cầu nguyện trở nên tối cần thiết.

3. Chúa Giêsu với cầu nguyện.

3.1 Nếu đọc kỹ các trang Phúc Âm, trước hết chúng ta thấy Đức Giêsu dành cho việc cầu nguyện một chỗ ưu tiên trong đời sống của Người. Ngoài việc cầu nguyện chung trong gia đình, hội đường và đền thờ Giêrusalem, Chúa Giêsu cầu nguyện trước những giai đoạn và công việc quan trọng, như thời gian ở trong hoang địa 40 ngày, như trước khi lập Nhóm Mười Hai, như trước khi bước vào Cuộc Thương Khó. Người cũng thường cầu nguyện trước khi làm phép lạ cứu người như trước khi làm cho Lagiarô sống lại. Người rất ưa thích cầu nguyện sáng sớm hay chiều tối nơi thanh vắng, trên sườn đồi hay bên bờ hồ yên tịnh.

3.2 Kế đến chúng ta thấy Chúa Giêsu dạy dỗ các môn đệ khá kỹ càng về cầu nguyện:

* Về tính hiệu quả của việc cầu nguyện chung giữa hai ba người:

“Thầy bảo thật anh em: nếu ở dưới đất hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,19-20).

* Về sự tin tưởng và kiên trì cần thiết khi cầu nguyện:

“Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ được mở cho. Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, ,à lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngụ trên teời, Người sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ xin Người” (Mt 7,7-11).

* Về động cơ, tinh thần và cách cầu nguyện:

“Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh em, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.

“Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.” (Mt 6,5-8):

* Về lời và ý cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa nhất:

“Vậy anh em hãy cầu nguyện như thế này:
“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
triều đại Cha mau đến,
ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;
xin tha tội chúng con
như chúng con cũng tha
cho những người có lỗi với chúng con;
xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ” (Mt 6,9-13)

Kinh Lạy Cha dạy chúng ta rằng Thiên Chúa thực sự là Cha của chúng ta và trong tình con thảo trước hết chúng ta phải biết quan tâm tới/và cầu nguyện cho những gì liên quan tới Người; rồi chúng ta mới quan tâm và cầu xin những điều cần thiết cho sự sống (thể lý, tâm linh) của chúng ta.

Những điều liên quan tới Cha là: (1) Danh Cha được vinh hiển, (2) Triều đại Cha ngự trị, (3) Ý Cha được mọi người thực hiện.

Những nhu cầu chính đáng của chúng ta là: (4) lương thực hằng ngày, (5) ơn tha tội, (6) không nghe theo cám dỗ và (7) thoát khỏi sự dữ.

4. Thế nào là cầu nguyện Kitô giáo?

2.1 “Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên tới Chúa”, tức là nghĩ tưởng đến Chúa trong tâm tình chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ, sám hối, quyết tâm và cầu xin.

2.2 “Cầu nguyện là sống thân mật với Chúa”, tức là nói chuyện với Chúa (nghe Chúa nói và nói với Chúa), là đón nhận ánh sáng và sức mạnh của Chúa, là hiệp thông với Chúa.

5. Tầm quan trọng của cầu nguyện đối với Kitô hữu, nhất là gia đình Kitô hữu.

5.1 Cầu nguyện rất quan trọng đối với Kitô hữu vì đó là cách sống thân mật với Chúa, và giúp chúng ta đón nhận được ánh sáng và sức mạnh của Chúa. Cầu nguyện được ví như hơi thở đối với một cơ thể: hơi thở đem dưỡng khí cho cơ thể thế nào thì cầu nguyện cũng đem sức sống thiêng liêng cho cá nhân và gia đình như thế.

5.2 Cầu nguyện rất quan trọng đối với gia đình vì Thiên Chúa không cứu chuộc từng người riêng lẻ mà Chúa muốn qui tụ con người thành cộng đoàn và liên kết họ với nhau. Khi vợ chồng, cha mẹ con cái cùng nhau cầu nguyện thì nói lên mối liên kết, hiệp thông, đồng tâm, đồng nguyện giữa những người thân trong gia đình. Khi vợ chồng cha mẹ con cái cùng cầu nguyện cho nhau thì thể hiện tình yêu thương tinh thần trách nhiệm và tình liên đới đối với nhau.

5.3 Cầu nguyện trong gia đình còn là một phương cách tối hảo để Rao Giảng Tin Mừng, nhất là khi việc cầu nguyện ấy tạo nên một gia đình Kitô hữu yêu thương, thuận hòa, quan tâm đến những người chung quanh, cởi mở với mọi người, nhất là với người nghèo.

6. Những cách cầu nguyện thích hợp với gia đình Kitô hữu ngày nay.

Ngày nay tâm trí con người bị chi phối rất nhiều bởi chuyện “cơm áo gạo tiền” nên khó tập trung. Cuộc sống lại bon chen, xô bồ nên có rất ít thời gian. Vì thế cha mẹ phải biết cách tổ chức việc cầu nguyện trong gia đình sao cho vừa ngắn gọn vừa có chất lượng mà lại không làm cho con cái ngán ngại. Sau đây là những cách thích hợp cho việc cầu nguyện trong gia đình:

6.1 Đọc một ít kinh: miệng đọc chậm rãi, tâm trí tập trung vào lời kinh, lòng suy gẫm…

6.2 Đọc một đoạn Kinh Thánh, nhất là Phúc Âm: một người đọc, cả nhà cùng lắng nghe, tìm hiểu, đón nhận sứ điệp của Chúa, để Lời Chúa chất vấn và đáp trả bằng hành động cụ thể. Cha mẹ hay anh chị lớn nên có lời hướng dẫn, gợi ý giúp người khác hiểu và đón nhận Lời Chúa.

6.3 Cha mẹ con cái lần lượt nói với Chúa những tâm tình thật của mình: chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ, xin lỗi, quyết tâm, cầu xin … bằng những câu nói tự phát, đơn sơm vắn gọn. Ví dụ: “Lạy Chúa, con yêu Chúa, con chúc tụng, ngợi khen Chúa, vì…….”, “Lạy Cha, con dâng ngày hôm nay, công việc này cho Cha”, “Xin Cha chúc lành cho ngày hôm nay, cho công việc này. Xin cho con biết sống đẹp lòng Cha”, “Cha ơi, con sung sướng được làm con của Cha”, “Xin Chúa giúp con sống hy sinh quên mình, bác ái”, “Xin Chúa chúc lành cho tình yêu của con, cho người yêu của con”, “Xin Chúa thứ tha sự ươn lười, tội lỗi của con” v.v..

7. Không gian và thời gian thích hợp cho cầu nguyện trong gia đình Kitô hữu:

* Không gian: Những nơi chốn thích hợp: phòng khách, phòng ăn…

* Thời gian: Trước bữa ăn chung, trước khi đi ngủ….

(Vào những ngày, những dịp đặc biệt của gia đình: ngày có bầu, sinh con, đầy tháng, thôi nôi của các con, kỷ niệm thành hôn, sinh nhật của vợ chồng, con cái, khi gặp khó khăn, hoạn nạn cũng như trong các niềm vui lớn của gia đình thì nên có những buổi cầu nguyện đặc biệt hoặc ở nhà hoặc ở ngoài trời).

III. KẾT LUẬN

Một nghiên cứu cho thấy ơn gọi linh mục và tu sĩ của Giáo hội Pháp tỷ lệ thuận với việc các gia đình thực hành việc cầu nguyện trong gia đình. Điều đó nói lên tầm quan trọng của cầu nguyện trong gia đình đối với Giáo hội và xã hội. Xã hội Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng và sâu rộng, các gia đình Việt Nam cũng đang chịu tác động tiêu cực từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, từ luồng văn hóa thực dụng, duy vật, vô thần…. Phương thế hữu hiệu là cầu nguyện trong gia đình như lời nhắn nhủ và kêu gọi của Hội đồng Giám mục Việt Nam trong Thư Mục Vụ năm 1998:

“Việc cầu nguyện trong gia đình và việc kiểm điểm đời sống hằng ngày giúp gia đình yêu thương và sống hiệp nhất.”

“Vậy các gia đình hãy canh tân việc đọc kinh cầu nguyện, đặc biệt dành thời giờ cho việc lắng nghe và suy niệm Lời Chùa như Thượng Hội đống Giám mục về Châu Á nhắc nhở: Lời Chúa cần có chỗ trung tâm trong đời sống chúng ta và phải nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của chúng ta (số 7).

IV. CHIA SẺ

4.1 Ông bà anh chị tổ chức việc cầu nguyện trong gia đình mình như thế nào? Gặp thuận lợi khó khăn gì? Có kết quả gì trên đời sống gia đình và hàng xóm không?

4.2 Làm thế nào để việc cầu nguyện trong gia đình vừa ngắn gọn vừa có chất lượng vừa được con cái chấp nhận, ông bà anh chị chai sẻ kinh nghiệm và suy nghĩ của mình để giúp các gia đình khác.

V. THỰC HÀNH

1. Thực hiện việc cầu nguyện trong gia đình với nhau và cho nhau bằng nhiều cách khác nhau.

2. Thỉnh thoảng chia sẻ giữa những người trong gia đình với nhau về những khó khăn, kết quả, cảm nhận, thay đổi của riêng mình nhờ cầu nguyện.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!