Đi tu thì không đươc… ngủ quên?
Trong suy nghĩ của những người yêu thương cháu nó, hình như đi tu là không được ngủ dậy muộn. 4 giờ sáng, nghe thấy tiếng chuông reo là phải dậy, dù cho trong lòng vẫn muốn ngủ thêm một chút, một xíu nữa.
Trong suy nghĩ của những người yêu thương cháu nó, hình như đi tu là phải sống cho người lớn, không được sống một cuộc sống bay nhảy của tuổi trẻ. Được tôn trọng vì đứng đắn, nhưng đâu đây cũng có chút thèm thuồng khi nhìn đám bạn tung tăng nhảy múa hò hét.
Trong suy nghĩ của những người yêu thương cháu nó, hình như đi tu là phải ý tứ trong ngôn từ. Nhiều khi vui quá hứng lên chỉ lỡ một vài ngôn từ của người đời khi đi chơi cùng đám bạn, thế là sẽ ngay lập tức bị “huấn đức”.
Trong suy nghĩ của những người yêu thương cháu nó, hình như phải đến nhà thờ hàng ngày. Chỉ cần biện minh lý do để đi chỗ khác vào lúc các cụ đọc kinh, vào lúc cha đang làm lễ… là y như rằng sẽ có hàng vạn lý do khác để chứng minh lý do ban đầu là sai đại loại như: Đi tu thì không được làm biếng, đi tu thì phải đạo đức thánh thiện…
Đúng là đi tu rồi được quý trọng biết bao, nhưng nghe bao nhiêu câu khuyên lơn “đi tu thì phải”…
Đó là suy nghĩ của những người yêu thương cháu nó. Còn cháu nó thì sao? Đi tu thì phải thế nào?
Mới đây, chẳng là tôi gặp một em thiếu nhi và tăng cho em ấy một tràng chuỗi Mân côi, em ấy rất thật thà: “Con không lấy đâu thầy”. Không nói ra nhưng lòng biết là em ấy không thích vì đó là vòng tay dành cho nữ, nhưng ít phút sau, em ấy lại xin: “Con không sài, nhưng con xin để tặng mẹ”. Một sự kiện có vẻ chẳng có gì đáng nói, nhưng khiến cháu nó phải suy nghĩ về đời tu của mình. Đi tu thì phải thề nào?
Trước hết, qua em nhỏ này, cháu nó thấy, đi tu thì phải biết thành thật. Theo lẽ thường, dù không thích, nhưng vì lòng tham, chắc hẳn em nhỏ này sẽ lấy chiếc vòng kia. Nhưng đây, không, em đã từ chối. Đó là một minh chứng cho thấy em đang sống thật với lòng mình.
Đức Giêsu, khi Philatô hỏi Ngài: “Thế thì ông là vua sao?” Ngài đáp ngay: “Đúng thế, chính vì thế mà tôi đã sinh ra và đến trong thế gian này, đó là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37).
Vương quốc sự thật chính là nước của Ngài. Nước đó hoàn toàn khác biệt với đế quốc của vua César. Nước của César chỉ cai trị thể xác của loài người, còn vương quốc của Ngài chiếm hữu những tấm lòng. Thế lực của César là binh đội, khí giới, thành trì, nhưng sức mạnh của vương quốc của Chúa là những nguyên tắc, tình cảm và tư tưởng. Công dân của đế quốc César chỉ được hưởng an toàn bên ngoài và bảo đảm tài sản vật chất, nhưng phước hạnh trong Nước Chúa là an lạc và vui mừng trong Thánh Thần” (x. Rm 14,17). Dù là rộng lớn, đế quốc Rôma cũng bị giới hạn, nhưng vương quốc của Chúa vô biên và được quyền thiết lập tại mọi nơi. Cũng như hầu hết các nước thuộc về đất, đế quốc Rôma rồi sẽ chấm dứt, còn vương quốc sự thật sẽ tồn tại muôn đời.
Còn cháu nó, cháu nó đang là một người tu, cháu nó đã sống cho sự thật hay chưa? Hẳn đây mới là điều cốt lõi để làm nên đời tu, không phải là tấm áo dòng xúng xính với mọi người. Áo Dòng không làm nên thầy tu là thế.
Tiếp đến, từ sự kiện với em nhỏ kia, cháu nó thấy đi tu thì phải biết yêu thương người khác; mà tình yêu ấy phải khởi đi từ tình yêu với những người thân trong gia đình.
Trong mỗi dịp tạ ơn của các Linh Mục, nam nữ tu sĩ… khi đứng trước cộng đoàn để nói lời tri ân gia đình, cách cụ thể là ba mẹ, chẳng mấy người mà nước mắt không tuôn tràn mi.
Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha
Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha
Có thể nói tình mẫu tử là thứ tình cảm thiêng liêng đặc biệt không có gì so sánh được. Vì vậy không có một khái niệm hay định nghĩa nào có thể diễn đạt hết sự thiêng liêng của tình mẫu tử. Nhưng chúng ta có thể hiểu đơn giản tình mẫu tử là sự yêu thương, sự hy sinh và lòng bao dung của người mẹ dành cho đứa con của mình.
Tình mẫu tử đến với con người một cách tự nhiên không qua trường lớp hay bài học nào. Tình mẫu tử đến với họ từ lúc giây phút họ cảm nhận được có một sự sống của sinh linh bé nhỏ đang lớn dần trong người mình. Họ sẽ nảy sinh cảm giác yêu thương và mong muốn bảo vệ đứa nhỏ. Tình yêu thương của mẹ không hiện hữu như cơm áo gạo tiền, nhưng nó là một thứ tình cảm quan trọng nhất đối với mỗi người. Tuy có thể thiếu thốn về vật chất nhưng với tình mẫu tử thì người mẹ sẽ không để cho con thiếu thốn.
Tình mẫu tử là thứ tình cảm thiêng liêng cao đẹp của người mẹ dành cho con mình, thứ tình cảm ấy tồn tại từ lúc con ra đời đến lúc khi người mẹ nhắm mắt xuôi tay.
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết cuộc đời mẹ vẫn theo con.
Cho dù chúng ta ở tuổi nào thì trong mắt cha mẹ chúng ta luôn là những đứa trẻ bé bỏng. Tình mẫu tử chính là sự trao đi yêu thương vô điều kiện người mẹ, mong muốn con mình được sống trong hạnh phúc. Chúng ta có thể thấy thế giới ngoài kia luôn có yêu cầu điều kiện với chúng ta nhưng khi chúng ta trở về nhà thì tình yêu thương của mẹ là vô điều kiện. Một người mẹ sinh ra chăm sóc nuôi nấng con không mong sau này con sẽ báo đáp lại mình mà chỉ mong con có một cuộc sống hạnh phúc. Tình cảm ấy rộng lớn và không thể cân đo đong đếm được.
Sáng sớm, cháu nó thức dậy trong tiếng chuông khi cả thành phố hãy còn ngủ vùi, khi đất trời còn mờ tối và sương đêm còn bãng lãng. Khi những ánh nắng đầu tiên vừa ló rạng, ngẩng đầu nhìn lên, hướng lòng mình lên, để cho cả cuộc đời mình được dọi sáng và sưởi ấm trong ánh nắng ban mai tinh khiết.
Tự nhiên hắn thấy cuộc đời mình đẹp.
Cháu nó thấy diễm phúc vì mình sống hạnh phúc cuộc đời đi làm chứng cho sự thật
Hắn thấy mình may mắn lắm, vì được sống trong một gia đình hạnh phúc, để rồi từ nơi ấy, cháu nó ra đi.
Đức Hữu