Tâm tình độc giả

Nhật ký đã thay đổi cuộc đời tôi như thế nào?

Nhật ký đã thay đổi cuộc đời tôi như thế nào?

Nếu có gì trần trụi nhất về một con người thì tôi cho rằng đó là những trang nhật ký. Ở đó, ta chẳng cần phải nịnh bợ bất kỳ ai bằng những ngôn từ hoa mỹ, cũng không phải giấu diếm chính mình bằng những dòng viết qua loa. Vì lương tâm nhìn thấu tất cả, mọi lời lẽ vỏ bọc chẳng có ý nghĩa gì khi đứng trước con mắt tinh tường ấy.

Tôi đã bắt đầu viết nhật ký từ khi lên 10 tuổi. Nhưng đó chỉ là những dòng viết ngây ngô của trẻ thơ và không được duy trì thường xuyên đều đặn. Chỉ khi nào có sự kiện hay biến cố gì đó trong cuộc sống, tôi mới tìm đến những trang giấy để giãi bày.

Trong suốt ba năm trở lại đây, tôi bắt đầu thói quen viết nhật ký hàng ngày. Càng gần gũi với bản thân bao nhiêu, tôi càng nhận ra sự bỏ bê đời sống nội tâm đã khiến thế giới bên trong mình hoang tàn như thế nào trước kia. Những con sóng tiêu cực cuộn trào vô tổ chức, những suy nghĩ đen tối cũng thường trực lấn lướt sân chơi cuộc đời. Tôi đã từng mang một thế giới hết sức hỗn độn, xô bồ bên trong mình mà không hề hay biết. Cho tới khi giọt nước tràn ly (vấp phải những điều đau khổ dồn dập dẫn đến khủng hoảng), tôi mới nhận ra rằng thế giới kia cần được dọn dẹp và tổ chức lại.

Tôi đã dành (tối thiểu) khoảng một giờ đồng hồ mỗi ngày cho chính mình chỉ để viết ra tất cả những gì mình cảm thấy và suy nghĩ. Những trăn trở, những mâu thuẫn, những sợ hãi, những thay đổi, những ước mơ, những điều cần tháo bỏ, v.v… – tất cả đều được “chụp ảnh” lại bằng những con chữ. Càng viết, tôi càng tiến sâu vào sự đơn giản và chân thực (đến mức phũ phàng). Tôi đã từng cho rằng việc dành một giờ đồng hồ chỉ để ngồi viết (thậm chí viết những thứ vớ vẩn, trên trời dưới biển xuất hiện trong đầu) là sự quá đỗi lãng phí. Nhưng sau này tôi nhận ra nếu không làm như vậy, tôi có thể đánh mất cả một đời cho sự tăm tối và hỗn loạn bên trong. Với sự so sánh như vậy, tôi thấy mình đã có một hành động khá khôn ngoan khi đó.

Nhờ việc kiên trì viết, thế giới nội tâm của tôi có sự chuyển đổi tích cực, cùng với đó là những tín hiệu tươi mới xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong cuộc sống. Ở nơi những điều tiêu cực được gột rửa, những hạt mầm ánh sáng bắt đầu nảy nở.

Hôm nay tôi muốn chia sẻ những lợi ích mang lại từ cuộc hành trình với trang nhật ký của mình. Có thể việc viết lách không phù hợp với tất cả mọi người, nhưng tôi cũng hy vọng rằng những gì mình chia sẻ là một cánh cửa ai đó có duyên bước vào.

1. Sống thật với bản thân

Viết nhật ký tưởng chừng là một việc dễ dàng nhưng không phải là như vậy trong giai đoạn đầu. Vì nó buộc một người phải sống thật với chính mình – đó là tiền đề để không giả dối với người khác. Lúc đầu, tôi đã rất sợ phải chạm vào những điều tăm tối bên trong lòng và không dám viết chúng ra. Nếu có viết, tôi cố gắng tìm cách nói giảm nói tránh hoặc lia bút phớt phơ cho qua.

Sau này, tôi dần nhận ra rằng những sự trốn tránh bỏ chạy ban đầu đó là hết sức bình thường, vì tôi không có nhiều sự tin tưởng ở bản thân để có thể tâm sự với chính mình. Nhưng khi biết rằng tôi được an toàn với những gì mình viết ra và rằng nếu tiếp tục nuôi dưỡng sự xấu xí bên trong thì chúng sẽ chỉ càng trở nên xấu xí, tôi bắt đầu mở lòng và chạm tay tới những khối tiêu cực đang ẩn nấp.

Vậy là, điều đầu tiên việc viết nhật ký mang lại cho tôi đó chính là sự dũng cảm và niềm tin vào chính mình. Sau đó, nó mang tới một người bạn thông thái luôn song hành cùng tôi vào những giờ phút khó khăn trong đời – lương tâm.

2. Vượt qua các cơn bão lòng

Khi có được sự dũng cảm bắt đầu cuộc hành trình rồi, tôi dần tiến sâu hơn vào trong bóng tối nội tâm. Ở đó có rất nhiều những điều tiêu cực chưa được nhận biết rốt ráo như những con thú hoang chưa được thuần phục. Việc viết giúp tôi bước đầu lôi được chúng ra ánh sáng ý thức.

Nhưng đây là giai đoạn thử thách nhất trong quá trình viết vì khi ấy tôi vừa phải chịu đựng sự dữ dội trong lòng, vừa phải tập trung để đưa cơn bão ấy trên trang giấy sao cho trung thực nhất. Có thể nói, bước này tiêu hao rất nhiều năng lượng, giống như khi đói gần chết rồi mới lôi xoong chảo ra nấu nướng vậy.

Dù sao thì, đến cuối cùng tôi vẫn không chết, mà còn rút bớt sự chết chóc ra khỏi bản thân khi những câu chuyện căng thẳng bây giờ không vùng vẫy trong đầu nữa mà ngoan ngoãn nằm trên trang giấy.

Sự cải biến tâm trạng sau khi viết thật sự như một phép màu. Có lần, tôi nổi cơn giận khủng khiếp với một người. Lúc đó, tôi phải cố gắng lắm mới kéo được bản thân ngồi vào bàn và viết ra mọi thứ đang cuộn trào, thay vì đi tuyên chiến hơn thua với họ. Sau một giờ đồng hồ trút giận qua những con chữ, tôi tự nhiên thấy nhẹ nhõm hẳn như mặt hồ không chút gợn sóng – tâm trạng đảo ngược hoàn toàn so với lúc ban đầu khiến tôi cũng phải ngỡ ngàng đến mức bật cười.

Sau này tôi dần nhận thấy rằng mọi xúc cảm hay suy nghĩ dù là tiêu cực hay tích cực đều có đỉnh điểm của nó. Nếu ta đi qua cái đỉnh đó thì sau đấy, chúng sẽ tự thoái trào nhanh chóng. Phần khó nhất là trụ vững khi cơn bão càn quét. Tôi tạm ước lượng vui như sau: Việc viết ra giúp ta có thêm điểm neo đậu nên tăng cường sự vững chãi/cứng rắn lên gấp đôi. Đồng thời, sự tàn phá của cơn bão cũng giảm đi một nửa vì ta có thêm một phần không gian hứng chịu nó (đó là trang giấy). Vậy là cuối cùng, ta mạnh lên gấp bốn lần nhờ việc viết.

3. Tháo gỡ các vấn đề phức tạp

Khi có sự bình an về xúc cảm, lý trí mới có khả năng xét đoán vấn đề một cách hiệu quả. Bên cạnh việc giải phóng và chuyển hóa những cảm xúc cực đoan, việc viết hỗ trợ cho khả năng thâu tóm và nhìn nhận vấn đề. Một chuyện khi đặt trước mắt vẫn dễ quan sát hơn so với việc cứ để nó luẩn quẩn ở trong đầu như một cuộn len bị mèo vờn.

Khi có các rắc rối nội tâm cần giải quyết, tôi thường viết ra: Mình đang không thấy ổn ở đâu? Nguyên nhân là gì? Làm sao để cải thiện vấn đề này? Hiện tại mình đang có nguồn lực gì để giải quyết chuyện đó? Mình cần sự trợ giúp của ai không? Mình sẽ triển khai nó ra sao? v.v… Tất cả những gì liên quan đến việc đó đều được viết ra như một tấm bản đồ. Tùy vào mức độ chi tiết và sâu sắc của thông tin mà tôi có thể tìm ra lối thoát cho bản thân nhanh hay chậm.

Trong trường hợp bị quá tải công việc, tôi cũng viết ra danh sách những việc cần làm và sắp xếp chúng với các mức độ ưu tiên, hay lập thời gian biểu. Từ đó nhìn được mối quan hệ của các công việc và có thể bố trí chúng sao cho việc nọ hỗ trợ được việc kia, giảm tải sự hao phí năng lượng không cần thiết. Các kế hoạch, dự án gì cũng đều được viết xuống, và được theo dõi và cập nhật thường xuyên.

Từ đây, việc viết không chỉ giúp tôi đơn giản hóa vấn đề gặp phải mà còn tăng cường khả năng chịu trách nhiệm cho cuộc sống của chính mình. Tôi tự làm giám đốc của mình vậy.

4. Tăng cường khả năng diễn đạt và thấu hiểu chính mình

Viết là cách để não bộ được vận động một cách chủ động. Nó như một quá trình điêu khắc một tác phẩm nghệ thuật là những tư tưởng hay xúc cảm bên trong lòng. Càng viết nhiều thì sự sắc bén của trí não càng được tôi luyện. Ta chạm tới được những diễn biến tâm trạng phức tạp và vi tế hơn.

Việc giải phóng và thể hiện xúc cảm hay suy nghĩ là một việc rất quan trọng giúp cho thế giới nội tâm không bị quá tải hay rơi vào trạng thái mập mờ khó nắm bắt, từ đó dẫn tới việc ta khó cảm thấy thỏa mãn, hài lòng. Càng diễn đạt chính xác bản thân bao nhiêu, ta càng thấy tự tin vào chính mình bấy nhiêu. Chuyện này cũng giống như càng thông thạo đường đi lối lại ở một khu vực nhất định, ta càng cảm thấy an toàn khi di chuyển ở nơi đó.

Có thể trong một lĩnh vực chúng ta không giỏi, nhưng khi ý thức được điều đó, ta tập trung hơn vào những gì mình có, những gì trong giới hạn nắm bắt của bản thân. Từ đó, ta không bị rơi vào trạng thái quá sức khi phải cố với tới một thứ xa xôi, không bị thất vọng đau khổ.

Trên đây là những điều cơ bản nhất và ích lợi nhất việc viết nhật ký mỗi ngày đã đem lại cho cá nhân tôi. Ngoài ra, nó còn giúp tăng cường sự tập trung, tìm ra xu hướng vận động của bản thân, nắm bắt được các ý tưởng sáng tạo giữa cơn mưa tư tưởng và yêu thương chính mình. Tất nhiên, sự tích lũy các lợi ích trên chỉ chảy ra khi ta viết đều đặn và đủ lâu. Tôi vẫn từng tự nhắc mình rằng: Không có cái cây nào trở thành đại thụ chỉ sau ba ngày.

Có hai điều tôi cho là khó khăn nhất trong quá trình viết:

  1. Ngại, lười, trì hoãn vì việc viết chưa thành thói quen. Chuyện này là rất bình thường ở giai đoạn đầu, cần nỗ lực hơn một chút để ghim được việc viết vào trong đời sống. Thường thì cần khoảng tối thiểu hai tuần liên tục viết là sẽ đi qua được cảm giác cản trở.
  2. Càng viết càng rối rắm, luẩn quẩn, bế tắc. Đây cũng không phải là chuyện hiếm gặp. Có hai cách giải quyết: Hoặc là ngừng lại ngay khi bắt đầu cảm thấy rối, hoặc là viết đến tận cùng cái rối. Chuyện này sẽ mở ra nhiều những suy nghĩ và xúc cảm ở tầng sâu hơn đòi hỏi phải tập trung và bình tĩnh hơn. Thường thì đến cuối cùng, các luận điểm sẽ tự triệt tiêu nhau nếu ta đi đủ sâu. Nhiều lần như vậy, ta sẽ thấy chúng tự tan khi vừa xuất hiện.

Vậy là sau khi đi qua cả một quá trình viết lách và nhìn lại, tôi thấy bây giờ mình đã trở thành một con người khác đỡ tiêu cực hơn xưa rất nhiều. Hạnh phúc không tự nhiên mà có, con người cần sự nỗ lực rèn luyện, thay đổi và cải tiến chính mình để xứng đáng với hạnh phúc ấy. Viết là một cách tôi đã lựa chọn và nó đã đem lại những lợi ích không nhỏ. Sau khi đi qua trải nghiệm ấy rồi, tôi muốn chia sẻ với mọi người công cụ này, hy vọng nó sẽ mang lại lợi lạc cho ai đó dù là trong khoảnh khắc ngắn ngủi hay trong cả một quãng đường dài.

“When you learn how to suffer, you suffer much less.” – Thích Nhất Hạnh

st

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!