Tâm tình độc giả

Đạo đức sinh học

Đạo đức sinh học

 

“Đạo đức sinh học không chỉ là đạo đức môi trường để nghiên cứu cách bảo tồn các loài và môi trường sinh sống tự nhiên. Đạo đức sinh học đúng nghĩa còn là đạo đức để bảo vệ sự sống con người.” – Docat số 69​
đạo đức sinh học.jpg
Theo Wikipedia, Đạo đức sinh học nghiên cứu về các vấn đề đạo đức nổi lên từ những tiến bộ trong sinh học và y học. Đó cũng là sự phân biệt đạo đức vì nó liên quan đến chính sách và thực hành y tế. Đạo đức sinh học có liên quan với các câu hỏi đạo đức nảy sinh trong các mối quan hệ giữa khoa học sự sống, công nghệ sinh học, y học, chính trị, luật pháp và triết học. Nó bao gồm việc nghiên cứu các giá trị (đạo đức bình thường) liên quan đến chăm sóc ban đầu và các ngành y học khác.

Theo nguyên gốc tiếng Hy Lạp, đạo đức sinh học – “bioethics” được ghép bởi 2 từ bios (nghĩa: sự sống) và ethos (nghĩa: tục lệ, tục quán, thói quen tốt) để diễn tả một tập hợp những lời hướng dẫn về cách đối xử công bằng với tất cả sinh vật. Thuật ngữ này xuất hiện lần đầu năm 1926 bởi Fritz Jahr và được sử dụng trong nghiên cứu năm 1970 bởi nhà sinh hóa người Mỹ Van Ressenelaer Potter để mô tả mối quan hệ giữ sinh quyển và dân số ngày càng tăng, công trình sau trở thành nền tảng cho đạo đức toàn cầu, tập trung vào liên hệ giữa sinh học và giá trị con người.

Đạo đức sinh học được đặt ra như một nhiệm vụ để bảo vệ phẩm giá con người trong lĩnh vực nghiên cứu sinh học, y sinh. Nếu không, có thể xảy ra nhiều hậu quả tiêu cực cho sự sống con người.

Vào thế kỷ 20, thí nghiệm Tuskegee về bệnh giang mai được coi là một trong nghiên cứu y học lạm dụng đạo đức bậc nhất thời điểm này, xâm phạm nặng nề vào giá trị sống của con người. Dự án này được thực hiện bởi Dịch vụ y tế Công cộng Hoa Kỳ trên một nhóm khoảng 600 người Mỹ gốc Phi bị bệnh giang mai, với mục đích để hiểu tiền sử của người mắc bệnh và quan sát ảnh hưởng khi bệnh không được điều trị.

Điều đáng nói, những người tham gia thí nghiệm nhận được lời hứa điều trị từ phía dự án, tuy nhiên chẳng có phương pháp điều trị nào được áp dụng. Điều duy nhất dự án này làm chính là quan sát sự tiến triển của bệnh giang mai trên các đối tượng. Sự lừa dối này kéo dài tới gần 40 năm, họ cho sử dụng các loại thuốc không có tác dụng chữa giang mai để các tình nguyện viên tin tưởng, yên tâm và tiếp tục tham gia dự án.

Thời điểm dự án bị tiết lộ và chấm dứt năm 1972, đã có tới 128 tình nguyện viên đã chết do các triệu chứng ngày càng trầm trọng của bệnh giang mai, đi kèm các triệu chứng khác nhau của bệnh này. Nghiên cứu đã gây ra sự phẫn nộ rất lớn tới từ công chúng vì tính chất ghê tởm và phi đạo đức của nó, xâm hại nặng nề sự sống con người.

Ngày nay, khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ, đặc biệt trong lĩnh vực y sinh, khiến sức khỏe và chất lượng cuộc sống con người ngày càng phát triển. Tuy nhiên, đi kèm với đó là hàng loạt vấn đề xâm phạm phẩm giá con người, như trong vấn đề nghiên cứu gen di truyền hoặc an tử, trợ tử, nghiên cứu phôi người và tế bào gốc v.v. Người ta vẫn luôn đặt một số câu hỏi như liệu một người có thể tự tử hay giết một người đang đau đớn cùng cực?

Để đạo đức sinh học được trọn vẹn, người ta phải xét đến nhân vị trong đạo đức sinh học. Điều này được hiểu là sự tôn trọng và bảo vệ phẩm giá, quyền lợi và trách nhiệm của con người trong các hoạt động liên quan đến sinh học và y học. Nhân vị là nguồn gốc của các giá trị đạo đức và là tiêu chuẩn để đánh giá các hành vi trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực sinh học.

Sự sống con người phải được đặt lên hàng đầu trong các vấn đến của đạo đức sinh học. Không ai có thể biện minh bằng sự nghiên cứu y khoa mà tự biến mình thành chủ của sự sống và cái chết, can thiệp vào giá trị sự sống của con người, như thí nghiệm điều trị bằng tế bào gốc, sửa đổi gen con người hay chẩn đoán tiền cấy phôi (PID).

Xét cho cùng, một con người đã là người ngay từ lúc được thụ thai, chúng được thừa hưởng trọn vẹn các quyền như bất kỳ ai khác. Không ai được xâm phạm vào các quyền này, dù là với mục đích nghiên cứu hay do người bệnh không thể cứu chữa, người già, thai nhi chưa chào đời.

Đạo đức sinh học phải là thứ là để bảo vệ sự sống con người. Việc quyết định không còn nằm ở việc riêng tư của cá nhân, nhưng là sự chung tay để thi hành trách nhiệm xã hội của mỗi người, hình thành nên những tiêu chuẩn nhân đạo trong một xã hội tiến bộ, văn minh.​

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!