Bệnh “sĩ”
Viện Nghiên cứu Xã hội học Hoa Kỳ có đưa ra kết quả nghiên cứu về 10 đặc điểm của người Việt Nam, và một trong số đó là: “Tiết kiệm, nhưng nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô nghĩa (vì sĩ diện hay muốn phô trương, (to save face or to show off).” Quả thực, xã hội tân tiến, cùng với sự phát triển của y khoa đã trị liệu thành công khá nhiều bệnh nan y. Tuy nhiên, hẳn là nhiều người trong chúng ta vẫn đau đầu với triệu chứng của căn bệnh trầm kha mang tên: “bệnh sĩ”. Nếu để ý kĩ qua cách hành xử, cung cách sống hay thực hành đạo, chính ta có thể cũng đang mang trong mình “dòng máu sĩ”, tùy ở mức độ nặng hay nhẹ mà thôi.
Từ nhỏ, nhiều người đã được dạy: “Miếng trầu là đầu câu truyện” hay “Mâm cao cỗ đầy” là một cách để tỏ lòng hiếu khách và thể hiện sự quý trọng đối với người được mời. Do vậy, nhìn vào mâm cỗ trong những dịp ma chay, hiếu hỉ, hay bất cứ dịp quan trọng nào trong gia đình, giáo họ, giáo xứ… tôi sẽ thấy phảng phất ít nhiều đặc nét này. Nhiều khi, với lượng thức ăn ê hề được bày trên mâm, mọi người không thể dùng hết và việc để thừa là điều tất nhiên. Không biết, khi dự liệu những mâm cỗ như vậy, người ta có thấy phí phạm hay là cố gắng chứng tỏ nhà mình, xứ mình “hơn người”?
Khi ông bà cha mẹ qua đời, việc lo hậu sự là bổn phận của con cháu cũng là cách tỏ bày lòng hiếu kính với đấng sinh thành và dưỡng dục. Cách xây cất phần mộ là một trong những việc làm thiết thực của con cháu, và đôi lúc cũng là nỗi trăn trở của nhiều vị linh mục coi sóc giáo xứ khi các ngài muốn quy hoạch lại vườn thánh. Có nhiều người, tuy nhà không có điều kiện nhưng lại muốn xây những ngôi mộ “hoành tráng” cho thiên hạ phải “nể phục” tấm lòng của mình. Có ngôi mộ được xây to, chiếm nhiều phần đất trong vườn thánh và tốn kém kinh phí. Không biết, người nằm xuống có an lòng khi thấy con cháu, trong khi điều kiện kinh tế chưa mấy khá giả, có khi bất hòa với nhau vì xây phần mộ trên trần gian cho mình?
Qua việc thực hành đức tin tôn giáo, thật không dễ để nhận ra tính ưa “sĩ diện”, vì đôi khi nó được ngụy trang dưới những lí do xem ra thức thời, và nhiều lúc còn rất thánh thiện. Đó là cuộc chạy đua theo kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy”. Trong cuộc trò chuyện với một linh mục họ hàng, ngài hỏi tôi: “Sao cứ phải xây những ngôi nhà thờ, nhà mục vụ, nhà xứ…quá lớn và quá tốn kém như vậy?” – “Thì phải xây dựng cơ sở vật chất trước, thì mới có nền tảng cho các sinh hoạt và thực hành đạo đức chứ!”, tôi biện minh. “Điều cần thiết hơn hết là xây dựng đời sống đức tin, nếu không giữ đức tin thì sẽ chẳng giữ được gì hết!”. Tôi lặng thinh, “cứng lưỡi” trước câu trả lời chân thành của người chú linh mục của mình. Quả thật, sẽ là thiết yếu cho việc mở mang Nước Chúa nếu những công trình được xây nên để quy tụ giáo dân và là nơi lan tỏa tình bác ái Ki-tô giáo. Nhưng nếu công trình được xây cất chỉ để chứng tỏ tâm lý “thích hơn người”, có lẽ ta phải xem xét lại động cơ của chúng. Chính Đức Tổng Giám mục Giu-se Nguyễn Năng, qua bài chia sẻ Lời Chúa trong Thánh lễ mừng kỉ niệm 10 năm ngày khai mạc sứ vụ của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã khẳng định: “Không phải nhờ xây dựng nhà thờ, các công trình khác, củng cố cơ chế… mà Hội thánh mạnh. Hội thánh mạnh là nhờ hợp nhất trong đức tin”.
Trong một buổi chia sẻ về phụng vụ thánh nhạc, vị linh mục đặc trách có chia sẻ ưu tư về các ca đoàn, hội kèn trống… trong một số giáo xứ nơi giáo phận của ngài. Thánh lễ trọng hay các dịp đặc biệt là cơ hội để các hội đoàn thể hiện khả năng của mình, và cũng là dịp để cho các giáo xứ xung quanh thấy. Ca đoàn đua nhau sắm nhạc khí và hát thật nhiều bè sao cho nghe thật hoành tráng, hội kèn tuyển thêm nhiều thành viên và mua thêm các dụng cụ khác nhau. Lắm khi, việc chưa có sự thống nhất trong phần nhập lễ, hiệp lễ hay trong các cuộc rước dẫn đến tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, làm giảm tính trang nghiêm của cuộc rước hay phụng vụ thánh. Có nhiều cách để tỏ bày tình yêu với Thiên Chúa và để nói cho những ai chưa biết Chúa về Ngài. Chắc hẳn, Thiên Chúa sẽ yêu thích những gì xuất phát từ lòng khiêm cung và thành thật, từ đức tin đơn thành và quảng đại, và từ hành động cùng cung cách sống bác ái tuy nhỏ mà cụ thể của chúng ta.
Đôi khi, phải soi gương mới thấy mặt mình nhọ. Và thấy mặt nhọ ở đâu thì mới có thể rửa cho sạch. Cần lắm những giây phút can đảm, ngồi và nhìn lại chính mình trong tấm gương “Lời Chúa”: “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29b), để sống canh tân đức tin cách thâm sâu, và “đừng hoang phí vì những mục tiêu vô nghĩa”.
HHQ