Trong lời tựa viết cho cuốn tiểu sử tự thuật của Tôi Tớ Chúa Dorothy Day, Đức Thánh Cha nhận xét rằng vị Tôi Tớ Chúa này đã đến với đức tin Kitô giáo nhờ “ân sủng phát xuất từ lòng bác ái, vẻ đẹp phát xuất từ chứng tá, và tình yêu được thể hiện một cách cụ thể qua sự phục vụ, hơn bất kỳ nỗ lực hoặc chiến lược nào của con người.” Chúng ta có thể học hỏi từ sự thao thức, sự hiểu biết của bà về Giáo hội và cách bà phục vụ tha nhân.
Dorothy Day là người sáng lập Phong trào Công nhân Công giáo, là nhà báo, nhà văn, người theo chủ nghĩa hòa bình và nhà hoạt động, được nhớ đến vì sự dấn thân của bà đối với người nghèo, những người lao động bị bóc lột, bị gạt ra bên lề xã hội. Bà được tuyên bố là Tôi tớ Chúa vào năm 2000.
“Đường cao tốc” qua đó Thiên Chúa đã chạm đến trái tim của Dorothy Day
Trong lời tựa cuốn sách có tựa đề “Tôi đã tìm thấy Thiên Chúa nơi người nghèo của Người. Từ vô thần đến đức tin: hành trình nội tâm của tôi”, được phát hành bởi nhà xuất bản Vatican, Đức Thánh Cha viết rằng cách thức cụ thể của bà Dorothy Day để hỗ trợ những người khác với tư cách là một nhà hoạt động và một nhà báo “đã trở thành một loại ‘đường cao tốc’ mà Thiên Chúa đã chạm đến trái tim của bà.” Và bà cho thấy cuộc đấu tranh cho công lý đưa ra một cách để thực hiện ước mơ của Thiên Chúa về một nhân loại được hòa giải. Đức Thánh Cha nói thêm rằng ngày nay những người tin và người không tin cũng có thể là “đồng minh trong việc thăng tiến phẩm giá của mỗi người khi họ yêu thương và phục vụ những người bị bỏ rơi nhất.”
Thao thức tìm kiếm Chúa
Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh đến thao thức tìm kiếm Chúa của bà Dorothy Day, từ việc bỏ thực hành tôn giáo đến việc tái khám phá đức tin, khi luôn tìm kiếm và cởi mở với cuộc tìm kiếm tâm linh. Bà Dorothy bắt đầu coi Chúa không chỉ là niềm an ủi của chúng ta mà còn là sự đáp ứng ước muốn của chúng ta về ý nghĩa và niềm vui. Đức Thánh Cha nói rằng con đường của Dorothy Day cho chúng ta thấy “một cuộc phiêu lưu tốt cho tâm hồn” khi đáp lại và chấp nhận tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Ơn gọi và căn tính của Giáo hội
Và khi sự gắn bó của Dorothy Day với các chân lý đức tin ngày càng tăng, thì bà cũng quan tâm đến bản chất thiêng liêng của Giáo hội Công giáo. Bất chấp những thất bại và yếu kém của các thành viên của Giáo hội, bà vẫn có thể nhìn thấy rõ ràng “ơn gọi và căn tính của Giáo hội: một thực tại thiêng liêng chứ không phải con người, điều dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa và nhờ đó Thiên Chúa có thể liên lạc với chúng ta.”