Giáo Hội Hoàn VũTin Giáo Hội

Đức Thánh Cha gặp gỡ giới trẻ tại “Đại học Công giáo Bồ Đào Nha”

Đức Thánh Cha gặp gỡ giới trẻ tại “Đại học Công giáo Bồ Đào Nha”

 

 

Trong cuộc gặp gỡ các sinh viên của “Đại học Công giáo Bồ Đào Nha”, Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ tiếp tục tìm kiếm và sẵn sàng mạo hiểm, nhấn mạnh rằng học vị không chỉ được coi là bằng cấp để theo đuổi hạnh phúc cá nhân, nhưng còn là nhiệm vụ cống hiến cho một xã hội công bằng và bao gồm hơn, tức là tiến bộ hơn.

Sáng thứ Năm, ngày 03/8/2023, ngày thứ hai trong chuyến tông du đến Bồ Đào Nha và chủ sự Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Lisbon, vào lúc 8 giờ 45’ giờ địa phương, từ Toà Sứ thần Đức Thánh Cha đến Đại học Công giáo Bồ Đào Nha cách đó khoảng 3 km để gặp gỡ các sinh viên.

 

Đại học Công giáo Bồ Đào Nha

Đại học Công giáo Bồ Đào Nha nằm trong Khuôn viên Palma de Cima, ở trung tâm Lisbon. Trường được thành lập vào năm 1967 với sắc lệnh Lusitanorum Nobilissima Gens của Tòa Thánh, theo thỉnh cầu của Hội đồng Giám mục Bồ Đào Nha. Đại học Công giáo được chính phủ chính thức công nhận vào năm 1971, là đại học Bồ Đào Nha hiện đại đầu tiên không do nhà nước thành lập, kết quả Thoả hiệp giữa chính phủ Bồ Đào Nha và Vatican.

Đại học có văn phòng tại Lisbon, Braga, Porto và Viseu, nhằm mục đích thúc đẩy giáo dục chất lượng và đào tạo toàn diện cho sinh viên. Bắt đầu từ các nguyên tắc nhân văn Kitô giáo, tôn trọng sự đa dạng và tự do tư tưởng, Đại học Công giáo Bồ Đào Nha theo đuổi sứ vụ, hướng hoạt động hàn lâm tới sự xuất sắc trong giảng dạy và nghiên cứu, trong đào tạo sinh viên và phục vụ xã hội. Đại học được công nhận là một trong những trường đại học tốt nhất ở Bồ Đào Nha. Hiệu trưởng hiện nay của trường là nữ Giáo sư Isabel Capeloa Gil.

 

Những người hành hương: tìm kiếm và mạo hiểm

Buổi gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và sinh viên Đại học Công giáo Bồ Đào Nha được bắt đầu bằng lời chào mừng của hiệu trưởng, sau đó là một số chứng từ của các bạn trẻ với nội dung liên hệ đến thông điệp Laudato si’,  Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu, Nền Kinh tế Phanxicô và văn hoá gặp gỡ.

Trong bài nói chuyện với các sinh viên, trước hết Đức Thánh Cha cám ơn bà hiệu trưởng vì những lời tốt đẹp dành cho ngài, và đề cập đến những lời của bà nói về “những người hành hương”, ngài nói: “Trở thành một người hành hương theo nghĩa đen là gác lại những thói quen hàng ngày của chúng ta và chọn bắt đầu một con đường khác, rời khỏi vùng an toàn để hướng tới một chân trời ý nghĩa mới. Khái niệm ‘hành hương’ mô tả thân phận con người chúng ta, giống những người hành hương, chúng ta thấy mình đối diện với những câu hỏi lớn không có câu trả lời đơn giản hoặc ngay lập tức, nhưng thách đố chúng ta tiếp tục hành trình, vượt lên trên chính mình để tiến xa hơn. Đó là một quá trình quen thuộc đối với mọi sinh viên đại học, bởi vì đây là cách khoa học được sinh ra. Và đó cũng là cách hành trình thiêng liêng bắt đầu. Chúng ta thận trọng với những câu trả lời nhanh chóng và dễ dàng, những giải pháp đơn giản giúp giải quyết mọi vấn đề nhưng không để lại chỗ cho những câu hỏi sâu sắc hơn. Một trong những dụ ngôn của Chúa Giêsu sử dụng là về viên ngọc quý, chỉ những người khôn ngoan và sáng tạo mới tìm được, bởi vì ai sẵn sàng cho đi tất cả và mạo hiểm tất cả những gì mình có thì mới có được nó (Mt 13, 45-46). Tìm kiếm và mạo hiểm: đây là những động từ diễn tả hành trình của những người hành hương”.

Đức Thánh Cha gặp gỡ sinh viên

Người hành hương không bao giờ cảm thấy yên lòng

Trích lời nhà văn Pessoa “Không hài lòng là con người”, Đức Thánh Cha khích lệ, không phải lo sợ khi cảm thấy bồn chồn, khi nghĩ rằng những gì chúng ta đang làm là chưa đủ. Không hài lòng, theo nghĩa này và ở mức độ phù hợp, là một liều thuốc giải độc tốt cho tính tự mãn và tự ngưỡng mộ mình. Thân phận chúng ta, những người tìm kiếm và hành hương có nghĩa là chúng ta sẽ luôn cảm thấy không yên, vì như Chúa Giêsu nói với chúng ta, chúng ta ở trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian (Ga 17,16). Chúng ta sẽ không bao giờ có thể bay lên trừ khi chúng ta thực hiện chuyến bay đầu tiên. Vì vậy, đừng hoảng hốt nếu chúng ta cảm nhận một cơn khát bên trong, một khao khát không ngừng nghỉ, khao khát ý nghĩa và một tương lai. Chúng ta đừng để mình bị hôn mê, nhưng luôn sống! Chúng ta chỉ nên lo lắng khi bị cám dỗ từ bỏ con đường phía trước để đến một nơi nghỉ ngơi mang lại ảo giác thoải mái, hoặc khi chúng ta thấy mình thay thế những khuôn mặt bằng những màn hình, thay thế thật bằng ảo, hoặc bằng lòng với những câu trả lời dễ dàng gây mê chúng ta trước những câu hỏi xé lòng.

Đến đây, Đức Thánh Cha khích lệ các sinh viên: “Các bạn hãy tiếp tục tìm kiếm và sẵn sàng mạo hiểm. Tại thời điểm này, thế giới của chúng ta phải đối diện với những thách đố lớn, và chúng ta nghe thấy lời cầu xin đau đớn của rất nhiều anh chị em của chúng ta. Nhưng chúng ta hãy can đảm để nhìn thế giới không phải trong cơn hấp hối, nhưng là trong một quá trình sinh nở, không phải ở phần cuối, nhưng là ở phần đầu của một chương mới tuyệt vời của lịch sử”. Và ngài nói thêm: “Tự bảo vệ luôn là một cám dỗ, một phản ứng tức thời trước nỗi lo sợ, khiến chúng ta nhìn thực tế một cách sai lệch. Nếu hạt giống tự bảo vệ nó thì nó sẽ hoàn toàn lãng phí sức mạnh sản sinh và khiến tất cả chúng ta chết đói. Nếu mùa đông kéo dài, chúng ta không thể có sự ngạc nhiên trước mùa xuân. Vì vậy, hãy can đảm thay thế những nghi ngờ bằng ước mơ. Hãy bắt tay thực hiện mục tiêu của mình”.

 

Đại học phải có sứ vụ làm cho xã hội công bằng và tiến bộ

Đức Thánh Cha nhắc lại sứ vụ của Đại học, theo đó sẽ là lãng phí nếu nghĩ về một trường đại học cam kết đào tạo các thế hệ mới chỉ để duy trì hệ thống tinh hoa và bất bình đẳng hiện tại của thế giới, trong đó giáo dục đại học vẫn là đặc quyền của một số ít. Nếu tri thức không được đón nhận như một trách nhiệm, thì nó sẽ trở nên cằn cỗi. Nếu những người đã nhận được một nền giáo dục đại học – mà ngày nay, ở Bồ Đào Nha và trên thế giới, vẫn là một đặc ân – không nỗ lực để đáp lại những gì họ đã được hưởng, thì họ đã không hiểu hết những gì họ đã nhận được.

Theo ngài, văn bằng học vị không chỉ được coi là bằng cấp để theo đuổi hạnh phúc cá nhân, nhưng còn là nhiệm vụ cống hiến cho một xã hội công bằng và bao gồm hơn, tức là tiến bộ hơn. Và ngài đặt câu hỏi: “Các bạn sinh viên thân mến, những người hành hương tri thức, các bạn muốn thấy điều gì được thực hiện ở Bồ Đào Nha và trên thế giới? Thay đổi gì, biến đổi gì? Và làm thế nào trường đại học, đặc biệt là trường Công giáo, có thể đóng góp vào đó?”

 

Chăm sóc ngôi nhà chung

Đức Thánh Cha tiếp tục bài nói chuyện đề cập đến việc bảo vệ môi trường, điều đã được các bạn trẻ nói trong phần chứng từ. Theo ngài, việc chăm sóc ngôi nhà chung không thể thực hiện được nếu không có sự hoán cải con tim và sự thay đổi tầm nhìn nhân học làm nền tảng cho kinh tế và chính trị. Cần phải tái xác định những gì chúng ta gọi là tiến bộ và phát triển. Bởi vì, nhân danh sự tiến bộ, đã có quá nhiều sự thụt lùi.

Đức Thánh Cha nói: “Các bạn có thể đảm nhận thách đố này. Các bạn có những công cụ khoa học và công nghệ tiên tiến nhất, nhưng đừng rơi vào cái bẫy của những cái nhìn cục bộ. Các bạn đừng quên rằng chúng ta cần một hệ sinh thái toàn diện, lắng nghe những đau khổ của hành tinh cùng với đau khổ của người nghèo. Chúng ta cần đặt thảm kịch sa mạc hóa song song với thảm kịch của người tị nạn; vấn đề di cư cùng với tỷ lệ sinh giảm; và nhìn chiều kích vật chất của cuộc sống vào tổng thể với chiều kích tâm linh. Không phải sự phân cực, nhưng là tầm nhìn tổng thể”.

Nhắc lại lời của một sinh viên “không thể có một hệ sinh thái toàn diện đích thực nếu không có Chúa, không thể có tương lai trong một thế giới không có Chúa”, Đức Thánh Cha mời gọi các sinh viên làm cho đức tin trở nên đáng tin qua những lựa chọn. Bởi vì nếu đức tin không tạo ra lối sống thuyết phục, thì nó sẽ không phải là men trong thế giới. Một Kitô hữu xác tín là chưa đủ, Kitô hữu phải là người có sức thuyết phục.

Hơn nữa, Kitô giáo không thể sống như một pháo đài có tường bao quanh, dựng thành lũy chống lại thế gian. Trong mọi thời đại, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất đối với các Kitô hữu là phục hồi ý thức nhập thể. Không có nhập thể, Kitô giáo trở thành một ý thức hệ; chính sự nhập thể cho phép người ta kinh ngạc trước vẻ đẹp mà Chúa Kitô tỏ lộ qua mỗi anh chị em, mỗi người nam và nữ.

 

Dành không gian cho nữ giới trong nền kinh tế

Đề cập đến phân khoa mới của trường Đại học “Kinh tế Phanxicô” với việc thêm hình ảnh Thánh Clara, Đức Thánh Cha khẳng định: “Sự đóng góp của nữ giới thực sự cần thiết. Kinh thánh cho thấy kinh tế gia đình phần lớn nằm trong tay phụ nữ. Họ là những người chủ thực sự của gia đình, với sự khôn ngoan không chỉ lấy lợi nhuận làm mục tiêu, nhưng là quan tâm, chung sống, hạnh phúc vật chất và tinh thần của mọi người, cũng như chia sẻ với người nghèo và khách lạ. Thật thú vị khi tiếp cận các nghiên cứu kinh tế từ góc độ này: với mục đích trả lại cho nền kinh tế phẩm giá xứng đáng, để nó không trở thành con mồi cho thị trường không thể kiểm soát và đầu cơ”.

Để có thể thực hiện được điều này, Đức Thánh Cha cho rằng cần phải nghiên cứu Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu. Bởi vì Hiệp ước với bảy nguyên tắc, bao gồm nhiều chủ đề, từ việc chăm sóc ngôi nhà chung đến sự tham gia đầy đủ của phụ nữ, đến sự cần thiết tìm ra những cách hiểu mới về kinh tế, chính trị, tăng trưởng và tiến bộ. Một trong những điểm Hiệp ước nói đến là giáo dục để đón nhận và hòa nhập.

Kết thúc bài nói chuyện, Đức Thánh Cha nhắc lại trường Đại học Công giáo trước hết có nghĩa là: mỗi yếu tố đều liên quan đến tất cả và tất cả được tìm thấy trong các bộ phận. Và ngài khích lệ: “Các bạn hãy tiến lên xa hơn, cao hơn. Cố gắng lên, hãy tiến lên hơn nữa. Các bạn thân mến, đó cũng là lời chúc và lời cầu nguyện chân thành của tôi dành cho tất cả các bạn”.

Đức Thánh Cha làm phép Viên đá

Buổi gặp gỡ kết thúc bằng kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh Cha. Trước khi rời Đại học, Đức Thánh Cha làm phép lành cho Viên đá Đầu tiên của Khuôn viên mới của Đại học Campus Veritatis.

Nguồn: vaticannews.va/vi

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!