DỬNG DƯNG VÀ TRÁCH NHIỆM
Khi báo chí đưa tin các nữ sinh ngày nay đánh nhau và thậm chí lột quần áo của nhau ra để xử nhục ngay giữa thanh thiên bạch nhật, chung quanh có cả đám thanh niên bảnh bao, mà không được ai can thiệp, bênh vực, chúng ta thấy thói dửng dưng của xã hội thời nay đã lên đến tột điểm. Đây là điều Matin Luther King từng nói: “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt”.
Trọng tâm sứ điệp mùa chay 2015 của Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập tới “thói vô cảm và dửng dưng vốn đã đạt tới cấp độ toàn cầu hóa”. Không chỉ một nhóm thiểu số nào đó chủ trương makeno nữa rồi nhưng là cả xã hội, trong đó có chúng ta.
Năm 2012, hãng khảo sát Quốc tế Gallup công bố Việt Nam đứng thứ 13 trong 150 quốc gia mà người dân có ít cảm xúc nhất. Nói cách khác, chúng ta thuộc về nhóm người vô tâm vô tình hàng đầu thế giới.
Có rất nhiều cung bậc cảm xúc, nhưng cái mà viện Gallup nói ở đây chính là lòng trắc ẩn, quan tâm tới người khác cách thật sự, chứ không phải là ủy mị tình cảm của một trái tim yếu đuối. Đó không phải là cảm xúc khóc thét lên khi thấy con gián, con thằn lằn, hay việc nhỏ vài giọt lệ trước tình huống bi lụy như thường thấy trong các phim Hàn quốc hay trong các tình tiết bi ai của cải lương. Ngược lại cảm xúc đích thật chính là một con tim mạnh mẽ và biết xót thương, không rơi vào cám dỗ của nạn toàn cầu hóa thói vô cảm. Con tim đủ mạnh để biến những cảm xúc thương xót thành ý chí dẫn đến hành động.
Có em bé bị xe cán qua cán lại nhiều lần trong phố chợ đông người, có cụ già đứng bơ vơ giữa khu thương mại, bất lực nhìn kẻ cướp lấy hết đồ đạc, có người hàng xóm đang đau liệt giường, có em bé gần bên đang cần đôi dép mới ngày tết, có gia đình đang co rúm lại vì sợ ngày tết đến không có gì để ăn vv…
Xã hội đang cho chúng ta thấy bộ mặt đáng sợ của nó bằng sự vô tâm trước những gian dối, lừa đảo, bất công, nghèo túng.
Tiên tri Isaia đã răn đe: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao : mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi cùm gông? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, ruớc vào nhà những người nghèo không nơi cư ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục” ?
Mùa chay là mùa của ân sủng, mùa Thiên Chúa ban ơn giáng phúc để chúng ta nhận ra thân phận của mình, nhận ra sự thật của cuộc đời, để chúng ta đừng quá tất bật, bon chen, tích lũy, cho riêng mình, cho gia đình mình, nhưng hãy chiến thắng thói dửng dưng và vô cảm mà quan tâm giúp đỡ những người xung quanh. Chúng ta sẽ nên thánh thiện hơn khi chúng ta làm cho tha nhân tốt đẹp hơn. Đó cũng là ý nghĩa cao quý của ăn chay theo Công Giáo.
Lm. Phêrô Nguyễn Đức Thắng