Kỹ năng sống

Giá phải trả cho hạnh phúc

Tôi vẫn nhớ mãi điều này: Với tiền bạc, bạn có thể mua được những căn hộ nhưng không mua được mái ấm; bạn có thể mua được lạc thú nhưng không mua được hạnh phúc. Và tôi đã thấy những điều này trong lời khẳng định khôn ngoan của Đức Phanxicô:

“Ta không thể mua được hạnh phúc. Bất cứ khi nào anh chị em cố mua cho được hạnh phúc, thì chẳng lâu sau đó anh chị em sẽ nhận thức rằng nó đã vội biến tan rồi. Hạnh phúc mà anh chị em mua bán được thì sẽ không bền lâu. Chỉ có hạnh phúc của tình yêu mới lâu bền! Và con đường tình yêu thật đơn giản: Yêu Thiên Chúa và yêu mến đồng loại, yêu anh chị em mình, yêu bất kỳ ai gần bên mình, bất kỳ ai đang cần một tình yêu hay bất cứ thứ gì. Có người hỏi: ‘Nhưng cha ơi, làm sao con biết rằng con yêu Chúa?’ Dễ lắm. Nếu con yêu người bên cạnh, nếu con không có tâm hồn thù ghét, thì là con yêu Chúa. Đó là bản trắc nghiệm tối hậu”.

Rất nhiều khi ta nghĩ rằng, để được hạnh phúc chúng ta phải có đủ mọi thứ điều kiện, có một đời sống thoải mái, có đủ tiền để mua được những thứ mới nhất, hàng hiệu xịn nhất… Thế nhưng đó là những hạnh phúc giả hiệu thường làm cho ta lầm tưởng. Chỉ một thời gian sau, cái hàng hiệu mới nhất đó đã trở thành lỗi thời và hạnh phúc của ta lại lệ thuộc vào một thứ sắp được tung ra thị trường. Một hạnh phúc nếu chỉ xuất hiện khi có một thứ vật chất nào đó thì quả thật là hạnh phúc giả tạo. Nó thật ngắn ngủi.

Cái giá trả của hạnh phúc đích thực không phải là bao nhiêu tiền, mà chính là ra khỏi con người của mình. Chiếm hữu và ích kỷ chỉ mang đến một thứ hạnh phúc mong manh, nó trở nên dễ vỡ khi chạm vào bất kỳ cái gì. Quả thực, hạnh phúc chẳng bao giờ dành cho những kẻ ươn lười và ích kỷ, bởi sự lười nhác chỉ làm cho người ta rơi vào tâm trạng hưởng thụ, mong ước mọi lợi ích thuộc về mình, ve vuốt cho cái tôi và quên đi mọi quyền lợi của người khác. Một tâm hồn hời hợt, xoàng xĩnh và trống rỗng làm sao có đủ chất liệu để kiến tạo một hạnh phúc thực sự đây!

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rõ: “Sự dịu hiền mến thương thì đáng giá hơn tiền bạc”. Mà yêu thương là hồn của mọi tôn giáo. Thế nên, “mọi cộng đoàn tôn giáo lớn hay nhỏ đều tỏ lộ chính mình qua tình yêu chứ không phải bạo lực, và họ không bao giờ xấu hổ vì tỏ ra hiền dịu mến thương!.. Ngay cả khi bị chống đối, sự hiền dịu mến thương không bao giờ yếu nhược, nhưng trái lại tỏ sức mạnh của mình bằng cách từ chối trả thù. Sự dịu dàng mang ta đến gần Thiên Chúa hơn, giúp ta suy nghĩ như Ngài, nhìn đời chúng ta trong ánh sáng kế hoạch yêu thương của Ngài.” Thật thế, “chỉ có một con đường dẫn đến hạnh phúc thật sự, đó là học cách gặp gỡ những người khác với thái độ đúng đắn, nghĩa là yêu mến và đón nhận họ như những người bạn đồng hành trong cuộc hành trình, không chút đối kháng trong lòng” (Niềm vui Tin Mừng số 91).

Chưa hề có ai phải hối hận vì đã yêu thương đến cùng. Tình yêu trả giá trong hy sinh luôn mang đến hạnh phúc mà mọi người thèm muốn. Vì “Chúng ta được tạo dựng để nhận biết tình yêu Thiên Chúa và đến lượt mình, chúng ta trao ban tình yêu đó mà không phải đo lường mọi sự dưới diện tiền bạc hay quyền lực, vốn là một nguy hiểm đe dọa mọi người chúng ta”.

Giá phải trả cho hạnh phúc là đây. Ai muốn là bạn hữu của Thiên Chúa đều phải đi con đường này, bởi vì chính Thiên Chúa đã đi con đường ấy. Một Don Bosco, một Gioan Phaolô II, một Têrêsa Calcutta, một Phêrô Claret, một Magarita Ochiena… đều trả giá mạng sống mình cho hạnh phúc chân thật. Và họ không bao giờ hối hận. Một bà mẹ thức trắng đêm với đứa con ốm yếu, một người chồng sắn tay áo lau nhà sau một ngày làm lụng vất vả vì con cái, khi thấy vợ mình mệt nhọc dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái… minh chứng cái giá phải trả cho hạnh phúc. Một giá thật đắt, nhưng ngọt ngào. Chúng ta đạt được hạnh phúc chân thật và làm nó phát triển tùy theo mức độ ta từ bỏ sự sống của mình để trao ban nó cho người khác. (x. Niềm vui Tin Mừng số 10).

Bạn muốn hạnh phúc chân thật và lâu bền ư? Đừng mua bán hạnh phúc. Hãy lên đường tìm nó bằng chính việc ra khỏi cái vòng luẩn quẩn hẹp hòi của bản thân mình.

 


Văn Am, SDB

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!