Giáo lý

GIÁO LÝ BAO ĐỒNG 2

GIÁO LÝ BAO ĐỒNG II

CHƯƠNG TRÌNH THĂNG TIẾN THIẾU NHI THÁNH THỂ

CẤP I, NGÀNH NGHĨA

 

 

CUỐN GIÁO LÝ NÀY CỦA :

Em :…………………………………………………………………………………….

Sinh ngày :………………………….. tại :……………………………………….

Rửa tội ngày :………………………. tại :……………………………………..

Rước lễ lần đầu ngày :…………… tại :……………….

Thêm sức ngày :……………….. tại :……………………

Con ông :……………………………………………………….

Và bà :…………………………………………………………………………………

Ba làm :………………………………………………………………………………

Má làm :……………………………………………………………………………..

Địa chỉ :……………………………………………………………………………….

Thuộc Giáo xứ:……………………………………………………………………

 

Mục lục

  1. Các bí tích trong Hội thánh
  2. Bí tích Rửa tội
  3. Bí tích Thêm sức
  4. Bí tích Thánh Thể
  5. Thánh lễ
  6. Bí tích Hòa giải
  7. Đời sống mới trong Đức Kitô
  8. Bí tích Xức dầu bệnh nhân
  9. Chăm sóc bệnh nhân
  10. Ơn thiên triệu – Bí tích Truyền chức thánh
  11. Bí tích Hôn phối
  12. Cầu nguyện
  13. Hội thánh với chức vụ tư tế
  14. Hội thánh với chức vụ ngôn sứ
  15. Hội thánh với chức vụ vương giả
  16. Các công cuộc bác ái của Hội Thánh
  17. Hội thánh Duy Nhất
  18. Hội thánh Thánh Thiện
  19. Hội thánh Công Giáo
  20. Hội thánh Tông truyền

Nghi thức tuyên xưng đức tin

———————————————————————————————————————————————————

Bài 1

CÁC BÍ TÍCH TRONG HỘI THÁNH

 

Hôm đó là ngày áp lễ vượt qua, người Do Thái không muốn để xác chết trên Thập giá trong ngày Sabat mà ngày Sabat đó lại là ngày đại lễ. Nên họ xin ông Philato cho đánh dập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Quân lính đến đánh dập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu. Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh dập ống chân Người, nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì máu cùng nước chảy ra.

(Ga 19,31-34)

  1. Bài học

Thánh Tôma dạy: “Bởi lòng thương yêu lạ lùng, Người đã chịu treo trên Thập Giá, đã nộp mình vì chúng con và từ cạnh sườn bị đâm thâu Người đã đổ máu và nước ra, từ đó phát sinh các Bí tích của Hội Thánh để khi mọi người đã được lôi cuốn đến cùng trái tim rộng mở của Đấng Cứu Thế thì luôn được vui mừng uống nước nơi nguồn suối cứu độ”.

– Xưa kia, khi còn ở trần thế, Đức Giêsu dùng cử chỉ, lời nói để phân phát hồng ân cho những ai đến với Người, Người trừ tà, chữa bệnh, tha tội, thở hơi ban Thánh Thần…

– Các cử chỉ và lời nói để cụ thể hóa ân sủng vô hình được ban bên trong. Ngày nay, Đức Giêsu tiếp tục ban ân sủng của Ngài. Nhất là ơn cứu chuộc qua những dấu chỉ Ngài đã lập là các Bí tích.

– Chính Đức Giêsu trực tiếp tác động trong các Bí tích, Linh mục hay Thừa tác viên chỉ là trung gian hữu hình.

+ Bí tích là dấu chỉ tự do và tình yêu: Về phía Thiên Chúa là Thiên Chúa muốn ban ơn cho ta – Về phía ta là ta muốn lãnh nhận ơn ban của Thiên Chúa.

+ Bí tích mang tính cộng đoàn: Dù cử hành cá nhân hay tập thể, Bí tích mang tính cộng đoàn vì mầu nhiệm hiệp thông trong dân thánh.

– Các Bí tích là những dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng do Chúa Kitô thiết lập và được trao lại cho Hội Thánh để ban sự sống Thần Linh cho chúng ta.

– Bí tích là dấu chỉ qua đó Thiên Chúa thông truyền tình yêu trao ban sự sống và bày tỏ lòng thương xót của Người cho chúng ta.

– Các Bí tích thường gọi là Bí tích đức tin: Vì khi lãnh các Bí tích ta phải có lòng tin và nhờ các Bí tích, đức tin của ta càng thêm mạnh mẽ và vững chắc hơn .

– Khi cử hành Bí tích: Linh Mục dùng một số chất liệu (vd: nước, dầu, bánh, rượu…), làm một số cử chỉ (vd: đổ nước, xức dầu…) kèm theo một lời đọc (vd: Cha rửa con…) Cả ba yếu tố này hợp thành dấu chỉ của Bí tích. Khi các dấu chỉ này được thực hiện bên ngoài thì Đức Giêsu đổ tràn ân sủng trong tâm hồn người lãnh Bí tích.

– Có bảy Bí tích: Bí tích Rửa tội, Bí tích Thêm sức, Bí tích Thánh thể, Bí tích Hòa giải, Bí tích Xức dầu bệnh nhân, Bí tích Truyền chức thánh, Bí tích Hôn phối.

  1. Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã thiết lập các Bí tích như nguồn suối ân sủng cho đời sống đức tin của chúng con. Chúng con xin tạ ơn Chúa, xin cho chúng con luôn biết chạy đến cùng Chúa qua các Bí tích để tôn vinh Chúa và lãnh nhận các hồng ân Chúa ban.

III. Câu hỏi thảo luận:

  1. Tại sao Chúa không trực tiếp ban ơn cho chúng ta mà lại phải ban ơn qua các Bí tích?
  2. Nói rằng: “Các Bí tích là những dấu chỉ hữu hiện của ân sủng” nghĩa là gì?
  3. Các bí tích phù hợp với những giai đoạn nào của đời sống con người?
  4. Sinh hoạt:
  5. Phong trào: TÔN CHỈ CỦA THIẾU NHI THÁNH THỂ.

Tôn chỉ của TNTT là sống Lời Chúa và kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể trong sự cầu nguyện, rước lễ, hy sinh, làm tông đồ nhất là làm tông đồ cho giới trẻ bằng mọi cách, như số 12 Sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân đã nói: “Giới trẻ phải làm tông đồ trước tiên và trực tiếp cho người trẻ”

  1. Trò chơi : Quét banh

Các em tập họp hàng dọc. Trước mỗi đội là một cây chổi và một trái banh. Mức đến cách 10m. Sau hiệu lệnh, các em đầu mỗi đội cầm chổi quét banh lên đích và quét trở về, trao cho em thứ hai. Tiếp tục cho đến khi hết người. Đội nào xong trước
sẽ thắng. (Chú ý : coi chừng quét lầm banh của nhau).

  1. Chuyên môn: MAY VÁ Ở TRẠI

Đi trại, sự cố làm rách quần áo, rách lều, bạt… là điều khó tránh, vì thế em cần biết một vài kỹ thuật may vá cơ bản để phòng khi hữu sự.

Một vết rách cần phải được vá ngay để khỏi rách lớn hơn và phải vá thế nào cho mỹ thuật và bền chắc.

  1. Mũi lược

Mũi lược chỉ có tính tạm thời, nhằm mục đích ổn định vị trí phần vải sắp may và sau khi may hoàn tất sẽ tháo bỏ chỉ lược

– Mũi lược may thưa và dài, không cần kỹ và đẹp chỉ cần may chính xác giúp cho lần may chính thức được thuận lợi và đẹp.

– Thực hiện: xếp các phần vải vào vị trí muốn may.

– May lược trên vải: mũi kim ghìm xuống vải cách nhau khoảng 0,5cm-1cm, đường may từ phải sang trái, may nhiều mũi một lúc rồi mới kéo kim lên khỏi mặt vải.

– Đường may lược không được trùng với đường may chính, và phải giữ chắc được các phần vải đúng vị trí muốn may.

  1. Mũi tới

– Mũi tới thường sử dụng trong may nối, các mũi may ngắn, cách khoảng đều.

– Mặt trái cũng như mặt phải các mũi may giống nhau. May giống như mũi lược nhưng khoảng cách giữa các mũi ngắn hơn, khoảng 1mm.

– Đường may thẳng, không được nhăn vải.

– Chiều may từ phải sang trái.

 

 

———————————————————————————————————————————————————

Bài 2

BÍ TÍCH RỬA TỘI

 

Ông Nicôđêmô đến gặp Đức Giêsu ban đêm, ông nói với Người: “Thưa Thầy, chúng tôi biết, Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy”. Đức Giêsu trả lời: “Thật tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên”. Ông Nicôđêmô thưa: “Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao?”                                          (Ga 3,2-4)

  1. Bài học:

Muốn được cứu rỗi cần phải tin và chịu thánh tẩy. Đức tin là điều kiện chủ yếu nhưng Thánh tẩy cần thiết vì Thánh tẩy hoàn tất đức tin. Đức tin vừa là hồng ân của Thiên Chúa, vừa là thái độ đón nhận của con ngưới. Hồng ân này được ban trong Thánh tẩy.

Bí tích Rửa tội là Bí tích do Chúa Giêsu lập để tái sinh và đổi mới ta trong Chúa Thánh Thần. Bí tích Rửa tội ban cho ta những ơn này:

– Tẩy sạch tội nguyên tổ và các tội ta phạm, tha mọi hình phạt do tội gây ra.

– Ban cho ta sự sống mới và làm cho ta nên con cái Thiên Chúa, thành chi thể của Đức Kitô.

– Được gia nhập Hội thánh, dự phần vào chức năng tư tế chung của Dân Chúa và hiệp nhất với nhau.

– Được ghi dấu ấn thiêng liêng không bao giờ mất.

Bí tích Rửa tội cần thiết cho ơn cứu độ vì chính Chúa Giêsu đã nói: “Ai không sinh lại bởi nước và Thánh Thần thì không được vào Nước Thiên Chúa”.

Nghi lễ cốt yếu của Bí tích Rửa tội là lấy nước lã đổ trên đầu kẻ lãnh Bí tích Rửa tội, vừa đổ vừa đọc: “(Tên Thánh)… Tôi rửa em nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Khi các em lãnh nhận phép rửa, cha mẹ và người đỡ đầu tuyên xưng đức tin thay cho em và cam kết nuôi dạy em lớn lên trong đức tin của Hội thánh.

Vấn đề rửa tội cho trẻ nhỏ: con trẻ chưa có ý thức làm sao có đức tin, làm sao có thể đón nhận ơn cứu độ qua Bí tích Rửa tội? Hãy để các em lớn lên có ý thức và chọn lựa?

– Phép Rửa tội cho trẻ nhỏ biểu lộ tình thương của Thiên Chúa: ơn cứu độ của Thiên Chúa không thể đo lường dựa vào mức ý thức của con người, không bị ràng buộc bởi khả năng đáp trả của con người. Ơn Chúa đi trước sự đón nhận của con người.

– Đứa trẻ tùy thuộc cha mẹ, cha mẹ chọn điều tốt cho con. Cha mẹ định hướng tự do của con cái. Không Rửa tội là không tạo cho trẻ một nền giáo dục Kitô giáo. Không giáo dục đức tin làm sao trẻ có thể khám phá ra Thiên Chúa ? Đức tin là sự sống không thể phát triển ngoài môi trường sống.

  1. Cầu nguyện:

Lạy Thiên Chúa là Cha nhân ái, Chúa đã thương ban cho chúng con được tái sinh qua Bí tích Rửa tội để được trở nên con Chúa và con Hội thánh. Xin Chúa ban thêm đức tin và lòng sốt mến, để chúng con luôn phát huy đời sống mới trong Đức Kitô.

III. Câu hỏi thảo luận:

  1. Người không lãnh Bí tích Rửa tội có thể được ơn cứu độ không?
  2. Sao không để trẻ em lớn lên, có ý thức rồi hãy rửa tội cho nó?
  3. Sinh hoạt:
  4. Phong tràoMỤC ĐÍCH CỦA THIẾU NHI THÁNH THỂ

Mục đích Thiếu Nhi Thánh Thể là đào luyện các em cả hai phương diện tự nhiên và siêu nhiên:

+ Nên người trẻ kiện toàn (đủ tư cách đạo đức, nên công dân tốt),

+ Thành Kitô hữu hoàn hảo, nên tông đồ nhiệt thành.

  1. Trò chơi: Nhanh nhẹn

Chuẩn bị mỗi đội 1 khăn quàng, 1 đôi giầy vải, 1 đôi vớ, 1 cây cờ hiệu. Tập họp hàng dọc. Vạch mức đến cách 10m. Trưởng sẽ đứng tại mức đến. Còi hiệu lệnh; em đầu mỗi đội tự thắt khăn quàng, xỏ vớ, đi giầy, trang phục chỉnh tề (bỏ áo trong quần), cầm cờ chạy đến đích – Nghiêm – Chào Trưởng, rồi chạy về cởi ra thay cho em kế tiếp. Chú ý: phải dùng vật liệu đã được chỉ định. Kết cuộc, đội nào tác phong tốt, xong trước là thắng.

  1. Chuyên môn: MAY VÁ Ở TRẠI (tiếp theo)
  2. Mũi đột khít

Mũi đột khít có các mũi may liền cạnh nhau, bền chắc; thực hiện chậm hơn mũi tới vì phải may từng mũi một.

Mũi đột khít thường được dùng trong may nối hoặc may viền, bọc mép.

Mũi kim ghìm xuống mặt vải theo thứ tự 1,2,3… khoảng cách giữa 1-2 bằng khoảng cách giữa 1-3 (khoảng 1mm). Kéo chỉ vừa phải để vải khỏi nhăn.

May thẳng hàng, các mũi may trên bề mặt vải ngắn và đều, chiều may từ phải sang trái.

  1. Mũi đột thưa

Mũi đột thưa thực hiện giống mũi đột khít nhưng các mũi may ở trên bề mặt cách rời nhau.

– Mũi đột thưa cũng thường được dùng trong may nối.

– Mũi kim ghìm xuống vải theo thứ tự 1,2,3… nhưng khoảng cách giữa 1-3 dài hơn khoảng cách giữa 1-2.

– Khoảng cách giữa 1-2 bằng 1-2mm; khoảng cách giữa 1-3 bằng 2mm.

Ghi chú: Thực hiện y hệt như cách may mũi đột khít, chiều may từ phải sang trái.

———————————————————————————————————————————————————

Bài 3

BÍ TÍCH THÊM SỨC

 

Các Tông đồ ở Giêrusalem nghe biết dân miền Samaria đã đón nhận Lời Thiên Chúa, thì cử ông Phêrô và Gioan đến với họ. Khi đến nơi, hai ông cầu nguyện cho họ,
để họ nhận được Chúa Thánh Thần. Vì Thánh Thần chưa ngự xuống ai trong nhóm họ, họ mới chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ hai ông đặt tay trên họ và họ nhận được Thánh Thần.

(Cv 8,14-17)

  1. Bài học:

Bí tích Thêm sức là Bí tích của người Kitô hữu trưởng thành hay đúng hơn là Bí tích đánh dấu sự trưởng thành cho người Kitô hữu. Sự sống mới đã nhận được trong Bí tích Thánh tẩy nay được củng cố và đóng ấn.

Bí tích Thêm sức thông ban cho các tín hữu sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần nối kết họ với Hội thánh cách chặt chẽ hơn, thúc đẩy họ hăng say bảo vệ và truyền bá đức tin bằng lời nói, việc làm như là những chứng nhân anh dũng của Chúa Kitô. Những ân huệ và bổn phận này phát sinh do việc Đức Giám mục đặt tay cầu nguyện và xức dầu.

Ngay từ thời các Tông đồ “Đặt tay” là cử chỉ thông ban Chúa Thánh Thần. Khi đặt tay, Đức giám mục cầu nguyện rằng: “Xin ban cho họ Thần trí khôn ngoan và thông hiểu, Thần trí lo liệu và sức mạnh, Thần trí suy biết và đạo đức. Xin cho những người này ơn biết kính sợ Chúa.”

Khi ban Bí tích Thêm sức, vị chủ lễ làm những việc này:

– Đặt tay trên đầu người lãnh Bí tích Thêm sức và cầu nguyện cho họ.

– Lấy dầu thánh ghi hình Thánh giá trên trán và đọc lời ban Bí tích.

– Chúc bình an.

Người đã lãnh Bí tích Thêm sức có những bổn phận:

– Phải can đảm thực hành Lời Chúa để làm chứng cho Chúa trong cuộc sống thường ngày, chăm chỉ học hiểu Lời Chúa, giáo huấn của Hội thánh, quan tâm đến những biến cố trong Hội thánh toàn cầu.

– Góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phúc âm.

– Hăng hái tham gia hoạt động tông đồ giáo dân.

  1. Cầu nguyện:

Lạy Chúa Thánh Thần là nguồn mạch mọi ân sủng. Xin ban cho chúng con lòng hăng say học hỏi và sống Lời Chúa, để chúng con trở nên chứng nhân đích thực trong tình huynh đệ và thương yêu của Chúa Kitô trong cuộc sống hằng ngày.

III. Câu hỏi thảo luận:

  1. Khi lãnh Bí tích Rửa tội, chúng ta đã được lãnh nhận Chúa Thánh Thần, vậy tại sao lại phải lãnh Bí tích Thêm sức?
  2. Như thế nào là làm “chứng nhân” của Chúa Kitô trong đời sống?
  3. Sinh hoạt:
  4. Trò chơi : Qua sông

Vẽ 2 đường thẳng song song cách nhau khoảng 2m tượng trưng cho 2 bờ sông. Các đội tập họp hàng dọc, thẳng góc với 2 đường vẽ (con sông) và chung bên 1 bờ sông. Mỗi đội cần 2 viên gạch hoa (miếng gỗ) dùng để làm cầu qua sông. Bên bờ kia, mỗi đội đặt sẵn 2 viên gạch khác nữa. Khi có hiệu lệnh, em đầu mỗi đội dùng chân di chuyển (đứng trên 2 viên gạch) để qua bờ bên kia. Lấy 2 viên gạch đặt sẵn, lại vòng về trao cho người thứ hai. Lần này 2 người cùng qua sông lần nữa. Khi đến bờ bên kia, bỏ lại 1 em, và cầm lại 2 viên gạch trở về đón 1 em khác. Cứ tiếp tục, cho đến khi nào cả đội qua hết bờ bên kia. Chú ý: khi vượt sông chỉ được phép dùng chân thôi. Ý tứ kẻo chết đuối nhé!

  1. Chuyên môn : MAY VÁ Ở TRẠI
  2. Mũi vắt

Khi may viền gấp mép ở cổ áo hay lai áo quần… có thể áp dụng mũi may vắt: các mũi ngang qua mép vải để đính xuống thân áo, ống quần.

– Gấp mép vải vào vị trí muốn may, có thể may lược trước để ổn định vị trí mép vải.

– May vắt thực hiện ở bề trái vải và may theo chiều từ phải sang trái.

– Mũi kim đưa lên từ vị trí số 1 (hình a) và kéo lên khỏi mặt vải.

– Ghìm mũi kim xuống vị trí 2, đẩy kim lên vị trí 3 và 1′ cùng một lúc, kéo kim lên khỏi vị trí 1′; tiếp tục động tác như trên.

– Khoảng cách giữa 1-2 bằng 0,5cm, khoảng cách giữa 2-3 bằng hai sợi chỉ dệt vải.

(Nên dùng chỉ cùng màu với vải).

  1. Mũi vắt hàng rào.

Mũi vắt hàng rào thường dùng để may viền gấp mép lai áo hoặc ống quần âu. Chỉ may các đường ở bề trái vải liên kết với nhau như hàng rào, còn bề mắt vải chỉ thấy các mũi may thưa và nhỏ.

– Gấp mép vải và may lược.

– May vắt hàng rào theo chiều từ trái sang phải. Kim ghìm xuống từ 1 qua 2 và từ 3 đến 4.

———————————————————————————————————————————————————

Bài 4

BÍ TÍCH THÁNH THỂ

Đức Giêsu nói với người Do Thái: “Tôi là Bánh Trường Sinh, tổ tiên các ông đã ăn Manna trong sa mạc nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh Tôi sẽ ban tặng, chính là thịt Tôi đây để cho thế gian được sống”.                                                (Ga 6,48-51)

  1. Bài học:

Khi nuôi dân chúng bằng năm chiếc bánh và hai con cá. Chúa Giêsu có ý tiên báo phép Thánh Thể Ngài sẽ thiết lập. Chúa Giêsu khẳng định: “Tôi là Bánh Trường Sinh từ trời xuống, ai ăn bánh này sẽ sống muôn đời”. Trong bữa tiệc vượt qua chiều thứ năm tuần thánh: Chúa Cứu Thế đã lập hy lễ Thánh Thể của Mình Máu Ngài để lưu truyền qua muôn thế hệ lễ hy sinh Thập Giá của Ngài đến muôn đời cho tới khi Ngài lại đến.

Chúa Giêsu muốn nối dài qua các thế hệ sự hiến dâng của Ngài để phân phát ơn cứu chuộc cho mọi người. Ngài muốn mọi người chúng ta được tham dự vào sự hiến dâng của Ngài, và cũng để lại cho Giáo hội – hiền thê yêu quý của Ngài Bí tích tình yêu, dấu hiệu của hiệp nhất, sợi dây liên kết của bác ái. Bữa tiệc vượt qua trong đó Chúa Kitô được ban làm lương thực, linh hồn được đổ tràn đầy ân sủng, như vậy bảo chứng của vinh quang mai sau đã được ban cho chúng ta.

Bánh, rượu là ân ban của Thiên Chúa để nuôi sống loài người và là thành quả lao công của con người, nay tiến dâng lên Thiên Chúa, được Ngài biến đổi nên Mình Máu Chúa Kitô, làm lương thực nuôi dưỡng Dân Chúa trên hành trình về quê trời và loan báo bữa tiệc cánh chung.

Trong Thánh lễ, khi Linh mục chủ tế đọc lời truyền phép: “Này là Mình Ta, này là Máu Ta” thì bánh rượu liền trở nên Mình Thánh, Máu Thánh Chúa Giêsu.

Đức Giêsu ngự thật trong Bí tích Thánh thể nghĩa là trong mỗi hình bánh, hình rượu dù nhỏ bé thế nào cũng có toàn vẹn Đức Chúa Giêsu.

Sự hiệp thông với Mình và Máu Chúa Kitô gia tăng sự hợp nhất với tha nhân của những người hiệp lễ với Chúa Kitô.

Những gì mà của ăn vật chất tác thành cho sự sống của thân thể, thì việc rước lễ thực hiện cách tuyệt diệu cho sự sống thiêng liêng của ta… sẽ bảo toàn, gia tăng và đổi mới sự sống do ân sủng ta nhận được bởi phép Rửa tội: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong người đó”. Thịt Máu Chúa trở nên thịt máu của chúng ta và tinh thần của Chúa thấm nhập vào tinh thần ta để mỗi ngày ta trở nên giống Chúa Kitô hơn.

  1. Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa đã thương ban cho chúng con Mình và Máu Chúa làm thần lương và làm của lễ tinh tuyền để dâng lên Chúa Cha, chúng con xin cảm tạ Chúa. Xin cho chúng con luôn biết quý trọng những hồng ân Chúa ban, bằng việc siêng năng tham dự Thánh lễ và biến đổi cuộc đời mình thành của lễ cùng với Chúa mỗi ngày một hơn.

III. Câu hỏi thảo luận:

  1. Tại sao lại gọi Bí tích Thánh Thể là bí tích Tình Yêu?
  2. Chúng ta tôn thờ Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể thế nào?
  3. Sinh hoạt:
  4. Phong trào: PHƯƠNG PHÁP THIẾU NHI THÁNH THỂ

Để huấn luyện Thiếu nhi, Phong trào dùng 2 phương pháp là phương pháp tự nhiên và phương pháp siêu nhiên.

+ Phương pháp tự nhiên nhằm giáo dục thiếu nhi về đời sống nhân bản dưới 2 khía cạnh tinh thần và thể chất.

+ Phương pháp siêu nhiên nhằm giáo dục các em về đời sống tâm linh, tập sống mối tương quan với Chúa.

  1. Trò chơi: Tài tử xiếc

Mỗi đội chuẩn bị 1 muỗng café, 1 trái chanh (hoặc 1 trái ping-pong). Vẽ mức đến cách 5m. Tập họp hàng dọc. Sau còi lệnh, các em đầu mỗi đội ngậm vào cán muỗng, lòng muỗng đăt trái chanh, đi nhanh đến đích, trở về chuyển cho em kế tiếp. Trò chơi tiếp tục, đội nào xong trước thắng cuộc. Nếu bị rớt chanh giữa đường, nhặt chanh lên và trở lại vị trí xuất phát ban đầu rồi chơi tiếp.

  1. Chuyên môn: VÁ LỀU

Vải lều thường được làm bằng vải bố dầy, khi rách dễ bị tưa những sợi vải, vì thế khi lều bị rách phải vá ngay và dùng chỉ cotton để vá. (Nếu lều bằng bạt nhựa dày thì khi vá sẽ dùng chỉ polieste).

  1. – Khâu hai miếng vải ráp thân với nhau, phải gấp 2 mép vải với nhau.

– Dùng mũi đột khít hoặc đột thưa để nối.

  1. Khâu một đường rách thẳng.

 

  1. Vá rách góc nhọn.

 

– Vết rách phải được khâu liền mép rách.

– Đắp vải vá lên dùng kim gút cài 4 đầu.

– Dùng chỉ lược viền ngoài của miếng vá.

– May viền miếng vá cho chắc chắn.

———————————————————————————————————————————————————

Bài 5

THÁNH LỄ

Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: Trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh dâng lời tạ ơn rồi bẻ ra và nói: “Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em, anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”. Cũng thế, sau bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu và nói: “Chén này là Giao ước mới, lập bằng Máu Thầy; mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”. Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.

(1Cr 11,23-26)

  1. Bài học:

Thánh lễ là cuộc tưởng niệm lễ vượt qua của Chúa Kitô, là hiện tại hóa và tiến dâng lễ hy sinh độc nhất của Người lên Chúa Cha trong Phụng vụ của Hội thánh. Hội thánh dâng Thánh lễ với những ý này:

 

– Để cảm tạ và ngợi khen Chúa Cha vì các ơn huệ Ngài ban cho loài người.

– Để tưởng niệm hy tế của Chúa Kitô và thân thể của Người là Hội thánh.

– Để đền bù tội lỗi của người sống, người chết; đồng thời xin Thiên Chúa ban ơn cho ta những ơn lành hồn xác.

– Để các tín hữu được hợp nhất với nhau trong Chúa Kitô và được kết hợp với Phụng vụ trên trời.

 

Thánh lễ là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô giáo. Vì Thánh lễ tuôn đổ dồi dào ơn huệ của Thiên Chúa cho các tín hữu: khi lắng nghe Lời Chúa và tái diễn hy lễ Thánh giá. Trong Thánh lễ Chúa Kitô liên kết Hội thánh và tất cả các
chi thể của Hội thánh vào hy lễ ngợi khen và cảm tạ của Ngài.

Thánh lễ có hai phần: Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể. Bàn tiệc dọn ra cho chúng ta trong Thánh Lễ vừa là bàn tiệc Lời Chúa, vừa là bàn tiệc Mình Máu Chúa Kitô.

Sao người Công giáo không cầu nguyện ngay ở nhà mình mà phải đi dự lễ? Người Công giáo vẫn có thể và thường xuyên cầu nguyện ở nhà. Nhưng họ không dùng việc cầu nguyện này để thay thế việc tham dự Thánh lễ, nhất là Thánh lễ Chúa nhật, vì đây là hình thức cầu nguyện khác và có mục đích khác. Ở đây không đơn giản là chọn một hình thức cầu nguyện. Tự bản chất Kitô hữu là nhóm những người tin Chúa Kitô mà nếu những thành viên chẳng bao giờ tiếp xúc với nhau thì chẳng bao lâu sẽ “rã đám”. Người Công giáo tham dự Thánh lễ vì Thánh lễ là trung tâm, là cao điểm của đời sống Kitô hữu. Trong Thánh lễ họ liên kết với nhau và với Đức Kitô cách mật thiết và độc đáo; còn cầu nguyện ở nhà là nhịp sống thường nhật của họ.

  1. Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tự hiến làm lễ vật đẹp lòng Chúa Cha. Xin cho chúng con biết kết hiệp đời sống chúng con với lễ vật của Chúa mà dâng lên Chúa Cha để thờ phượng, đền tội, cảm tạ và cầu xin.

III. Câu hỏi thảo luận:

  1. Bạn hãy cho biết bàn tiệc Lời Chúa gồm những phần nào? mang ý nghĩa gì?
  2. Bạn cho biết bàn tiệc Thánh Thể gồm những phần nào? Dự lễ mà không rước lễ có được không?
  3. Thế nào là tham dự Thánh lễ cách “tích cực và sinh động”?
  4. Sinh hoạt:
  5. Trò chơi: Xe lửa tốc hành

Tập họp các em hàng dọc. Vạch mức đến cách 5m. Sau hiệu lệnh, em đầu mỗi đội chạy đến đích, đạp chân lên vạch mức, rồi chạy lùi (không quay đầu về đội). khi về tới đội mình, em thứ hai, ôm vào em đầu, 2 em lại chạy lên đích, rồi trở lui, ráp thêm “toa thứ ba”. Cứ thế cho đến em cuối cùng, đội nào gắn đủ “toa” trở lùi lại vị trí ban đầu trước là thắng. Chú ý: chạy lùi về cẩn thận kẻo “toa xe” chồng chất lên nhau nguy hiểm.

  1. Chuyên môn: ĐI CHỢ

Một món ăn ngon không hoàn toàn do đầu bếp giỏi, một phần lớn do người đi chợ biết cách chọn lựa thực phẩm sao cho tốt, tươi, ngon. Sau đây là một vài góp ý cho việc đi chợ.

Cá: Có 2 loại: Cá nước ngọt và cá nước mặn. Chính vì môi trường sống khác biệt mà tính chất của thịt cá cũng khác nhau.

– Cá nước ngọt (cá đồng): Ta chọn cá béo tròn, thân to và mượt, mình cá phải cứng. (Với cá lớn để ngang bàn tay, đầu và đuôi cá không bị oằn xuống). Mang cá đỏ tươi, đầu phải cân đối với thân, nếu cá đầu to thân nhỏ là cá ốm đói (cá Somali), trừ cá mè là giống có đầu to. Mắt cá phải sáng và trong. Mắt cá lờ đờ và đục là cá không được tươi.

– Cá nước mặn (cá biển): cần chú ý các điểm sau: cá tươi thân cá thật chắc, lấy tay ấn vào thịt có tính đàn hồi (không để lại vết lõm do ngón tay ấn vào). Mang cá đỏ, mắt cá trong không đục như nước gạo, mang và miệng không chảy rãi đục ra.

Nếu là cá đã cắt khúc, xem máu cá có còn đỏ tươi không; thịt, da sáng là cá tươi; thịt bầm nhợt nhạt, da nhũn là cá ươn; thịt cá phải dính chặt vào xương sống nếu thịt tróc ra khỏi xương là “cá heo” (nghĩa là cá dành cho heo ăn)

Lưu ý: mua thịt, cá coi chừng bị lừa vì người bán lấy máu đông bôi lên thịt cho có màu đỏ của máu, nếu nghi ngờ đừng mua. Để ý các gâm máu nhỏ bầm đen là đã bị ươn. Cá có vảy thì vảy phải còn dính chắc, nếu vảy rời ra dễ dàng là cá ươn.

Lươn: to, bụng vàng là lươn ngon; trong thùng đựng lươn, nếu con lươn nào hay cất đầu lên thành thùng đó là lươn già.

 

———————————————————————————————————————————————————

Bài 6

BÍ TÍCH HÒA GIẢI

Bấy giờ anh hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: Thưa cha, con thật đắc tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như  người làm công cho cha vậy”. Thế rồi, anh đứng lên đi  về cùng cha.

Anh còn ở đàng xa thì người cha trông thấy. Chạnh lòng thương, ông chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói: “Thưa cha, con thật đắc tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…” Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu rồi đi bắt con bê béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng. Vì con ta đây đã chết nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”. Và họ bắt đầu ăn mừng.

(Lc 15,17-24)

  1. Bài học

Bí tích Hòa giải hay còn gọi là Bí tích Giải tội, Bí tích Sám hối, là Bí tích Chúa Giêsu đã lập để tha các tội ta phạm từ khi lãnh Bí tích Rửa tội về sau, cùng giao hòa ta với Chúa và Hội thánh.

Bí tích Hòa giải mang tội nhân về với tình yêu thương của Thiên Chúa: “Anh em hãy hòa giải với Thiên Chúa” và ai sống trong tình thương khoan dung của Thiên Chúa thì sẵn sàng đáp lại lời Chúa: “Làm hòa với anh em”. Khi Kitô hữu cam kết gắn bó với Đức Kitô, không có nghĩa là họ sẽ không bao giờ quay lưng lại với Ngài. Người Công giáo nhận ra  sự yếu đuối của mình và nhu cầu hoán cải luôn mãi.

Phải nhận thức sự cao cả của hồng ân Thiên Chúa ban cho ta trong Bí tích Rửa tội, ta mới thấy tội lỗi là điều không thể

chấp nhận được với những ai “đã mặc lấy Đức Kitô”, đã được mời gọi nên thánh. Chúa Giêsu kêu gọi sám hối. Lời kêu gọi này là một phần chủ yếu của việc loan báo Nước Trời.

“Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội thì ta tự lừa dối mình và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi thì Thiên Chúa, Đấng trung thành, công

chính sẽ tha tội cho chúng ta, và thanh tẩy ta sạch mọi điều bất chính. Nếu chúng ta nói mình không phạm tội thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối và lời Người không ở trong chúng ta” (1Ga 1,8-10). Khi hối nhân tỏ lòng thống hối xưng thú với linh mục và quyết tâm sửa đổi đời sống, thì chắc chắn họ sẽ nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa qua thừa tác vụ của linh mục.

Tội lỗi là xúc phạm đến Thiên Chúa, cắt đứt hiệp thông với Người, đồng thời tội lỗi cũng gây tổn thương cho sự hiệp thông với Hội thánh, với anh em. Vì thế khi trở lại, hối nhân nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa và được hiệp thông với Hội thánh. Có 2 thứ tội là tội trọng và tội nhẹ. Phạm tội trọng là khi cố tình lỗi phạm một điều luật nặng, mà đã kịp suy biết tỏ tường. Khi thiếu một trong ba yếu trên là tội nhẹ.

Việc xưng tội không nhằm tạo nên âu lo nhưng tạo cơ hội cho cá nhân hồi tâm nghĩ lại những sai lỗi của mình với Thiên Chúa và tha nhân, là lúc thuận tiện bày tỏ sự hối tiếc về những lỗi lầm và an tâm đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Với các em nhỏ, chúng ta đừng vội cho rằng trẻ em chưa có nhận thức về việc xấu và không cần nói lời xin lỗi (lỡ tay đánh vỡ cái đĩa và cố ý ném cái đĩa vào đầu chị mình thì hoàn toàn khác nhau).

  1. Cầu nguyện:

Lạy Chúa là Cha nhân từ, con đã phạm tội phản nghịch cùng Cha. Con không đáng được gọi là con Cha nữa. Xin Cha thương tình tha thứ và cứu chữa con.

III. Câu hỏi thảo luận:

  1. Khi ta thống hối là Thiên Chúa tha tội, vậy Bí tích Hòa giải có cần không? Tại sao?
  2. Muốn lãnh Bí tích Hòa giải phải làm mấy việc? Đâu là việc quan trọng nhất?
  3. Tại sao lại phải xưng tội với một Linh mục?
  4. Sinh hoạt:
  5. Phong trào: LỊCH SỬ PHONG TRÀO

Phong trào lấy tinh thần của hội cầu nguyện: tự nguyện giữ các điều sau:

+ Mỗi ngày thinh lặng 1 giờ dâng cho Chúa, chơi 1 lần ngay thẳng hoàn toàn để cầu nguyện theo ý Đức giáo Hoàng.

+ Rước lễ chủ nhật để cầu nguyện cho Đức giáo Hoàng.

+ Mỗi tối ghi vào sổ tay những việc đã làm như cầu nguyện, hãm mình, dự lễ, rước lễ, giúp đỡ cha mẹ,…

  1. Trò chơi : Đầu có tóc, đầu trọc

Chuẩn bị mỗi em 1 khăn mouchoir hay khăn quàng. Tập họp vòng tròn, đếm số thứ tự cho mỗi em. Trưởng vẽ 1 vòng tròn ở giữa. Trưởng bắt đầu gọi số (bất kỳ). Vd: 2,4,6… hay 5,10,15,20… hay chẵn, lẻ… Khi các em đúng số được gọi sẽ chạy vào đứng trong vòng tròn, cột khăn lên đầu để làm đầu trọc, rồi chạy trở về chỗ mình. Khi đã gọi số xong, trưởng sẽ đếm từ 1-10, em nào chưa cột được (nút đơn) trên đầu mình là bị loại ra ngoài.

Tập cho các em làm nút đơn nhanh nhẹn.

  1. Chuyên môn : ĐI CHỢ  (tiếp theo)

Tôm, tép : Khi chọn phải coi vỏ tôm còn rắn, sáng và còn nguyên vẹn, màu thịt trong. Tôm chết, ươn thì đầu rời ra, có chấm đen ở đầu, ở bụng, ở chân khi nấu thịt tôm bị mủn, có mùi khai ăn không ngon.

Trong trường hợp nếu mua tôm ướp đá thì chọn tôm có vỏ cứng, không bị gẫy đầu, thịt trong. Tôm gẫy đầu và xuất hiện các vệt đen là tôm ươn. Chọn tép cũng tương tự như chọn tôm.

Chọn cua: Phải chọn loại cua chắc. Muốn biết cua có chắc không thì lật ngửa con cua ra, dùng ngón tay cái bấm vào yếm vào ức. Nếu thấy cứng là cua chắc. Yếm càng lớn cua càng ngon. Chọn cua gạch cũng chọn cua có yếm lớn. Cua cái yếm tròn, cua đực yếm nhỏ và nhọn. Muốn ăn cua thịt nên chọn cua đực vì cua đực nhiều thịt hơn cua cái.

Chọn cua cũng nên theo mùa trăng, người ta nói ”Trăng sáng cua không chịu kiếm ăn” vì mải chơi. Vậy, từ ngày 11 đến 19 âm lịch cua thường gầy; từ 25 đến 07 âm lịch không có trăng cua sẽ ngon hơn.

Cá mực: Có hai loại cá mực.

– Mực nang : là mực có hình bầu dục, mình dẹp, vỏ trong (nang mực) được cấu tạo từ chất vôi xốp (chim yến rất thích ăn).

– Mực ống: là mực có hình tròn, dài.

Khi chọn mực nang nên chọn con nào tươi sáng và dầy, thịt trắng như miếng cơm dừa là mực ngon; còm mực ống nên chọn con có màu ửng đỏ, chưa bể túi đen. Nên chọn con có kích thước vừa phải, không nên chọn con lớn vì con lớn hay bị dính mực đen không ngon.

Ếch: Ếch to, có da màu vàng tươi là ếch ngon. Chỉ làm thịt ếch khi bắt đầu nấu ăn, làm sớm thịt ếch sẽ nhạt và mất ngon.

 

———————————————————————————————————————————————————

Bài 7

ĐỜI SỐNG MỚI TRONG CHÚA KITÔ

Anh em đã nghe luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người, ai giết người thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình thì đáng bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc thì đáng bị đưa ra trước thượng hội đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt. Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh. Thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.

(Mt 5,21-24)

  1. Bài học:

Thánh Ambrôsiô nói về hai sự trở lại trong Hội thánh như sau: “Có nước và những giọt nước mắt: nước của phép Rửa tội và những giọt nước mắt của sám hối”. (1P 4,8)

Sự sống mới mà Kitô hữu nhận được nhờ Bí tích Rửa tội

đã không dẹp bỏ sự mong manh yếu đuối của bản tính loài người và sự hướng chiều về tội lỗi. Vì vậy, họ phải chiến đấu với sự trợ giúp của ân sủng. Phải chiến đấu để hối cải hầu đạt được sự thánh thiện và cuộc sống vĩnh cửu mà Chúa Kitô không ngừng mời gọi; đáp lại tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa là Đấng đã yêu thương chúng ta trước. Sự trở lại của Thánh Phêrô sau ba lần chối Chúa, của biết bao vị Thánh… làm chứng cho điều này.

Liệu một việc nào đó không làm hại đến ai, có là tội không ? Không thể nào bạn phạm một “tội” mà lại chẳng làm thương tổn một ai đó, ngay cả ai đó là chính bạn. Nạn ô nhiễm môi trường là hậu quả của những việc trước đó được xem như vô hại. Tội cũng có thể làm méo nó, lệch lạc hay nhiễm độc tất cả những gì là thiện hảo.

Sao Thiên Chúa lại bị xúc phạm vì tội lỗi của tôi? Thiên Chúa không bị “xúc phạm” như cách ta bị người khác lăng nhục. Tội lỗi làm tê liệt mọi khả năng nhận thức khiến chúng ta không còn sẵn sàng đáp lại tiếng gọi yêu thương của Thiên Chúa. Hậu quả là bắt đầu ta sống xa cách Ngài, đi ngược lại những gì Ngài mong muốn cho ta. Khi nhìn con cái làm hỏng những cơ hội trong cuộc đời, cha mẹ đâu có bị con cái xúc phạm nhưng buồn vì chúng để những cơ hội đó vụt mất.

Hoa quả của Thần khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ. Ai theo Thần khí mà gieo điều tốt, thì sẽ gặt được kết quả của Thần khí là sự sống đời đời. Khi làm điều thiện chúng ta đừng nản chí vì đến mùa chúng sẽ được gặt, nếu không sờn lòng. Vậy bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy gắng làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đại gia đình Hội thánh.

  1. Cầu nguyện: Kinh hòa bình

Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng. Để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem ủi an đến chốn u sầu.

Lạy Chúa xin hãy dạy con: tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân,
vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. Ôi thần linh thánh ái xin mở rộng lòng con. Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí: Ơn an bình.

III. Câu hỏi thảo luận:

  1. Thế nào là sám hối chân thành? Thế nào là xưng tội chẳng nên?
  2. Đời sống Kitô hữu phải chăng chỉ là cố tránh phạm tội, tránh làm điều xấu, điều ác? Chúa còn muốn người Kitô hữu sống như thế nào?
  3. Sinh hoạt:
  4. Trò chơi : Bắt chim

Vẽ 2 vòng tròn: 1 vòng làm tổ chim, 1 vòng làm lồng chim. Mỗi đội cử 2 em làm thợ săn. Vạch mức đến cách 2 vòng tròn 5m làm ranh giới rừng. Các em mỗi đội chia đều: cứ 2 em chọn cho mình tên một loài chim. Tên phải thống nhất trong các đội, tất cả các thợ săn đứng giữa bìa rừng và lồng chim. Trưởng bắt đầu hô: “Đại bàng bay !” – hai em “đại bàng” của mỗi tổ bay nhanh về tổ (vòng tròn đã chỉ định làm tổ). Trong khi đó, số thợ săn cố bắt cho được “đại bàng” nào cũng được. Trưởng hô tiếp: “Họa mi bay !” (Cú mèo, Chào mào…) cho đến khi chim bay về tổ, không còn chim nào kẹt ở rừng nữa. Tổng kết số chim bay về “tổ”. Đội nào về “tổ” nhiều nhất là thắng.

  1. Chuyên môn : Đi chợ (tiếp theo)

                                      Chọn lựa thịt – Đồ hộp

Thịt là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Chúng cung cấp cho cơ thể những acid amin cần thiết. Tuy nhiên, nếu không bảo đảm yêu cầu vệ sinh, thịt có thể truyền bệnh sang người. Thịt của những con vật có bệnh giun, sán, lao, (bệnh than) tuyệt đối không sử dụng. Thịt của những con vật khỏe mạnh vẫn mang bệnh đến cho người do bị nhiễm trùng trong lúc làm thịt hoặc bảo quản không tốt trong khi mua bán, tai hại nhất là do ham lợi cao người bán lại ướp thêm độc chất để giữ thịt khỏi ôi như borat (hàn the) hay các phẩm màu công nghiệp… Vì thế ta phải biết đôi điều về cách chọn thịt.

  1. Thịt heo.

– Thịt tươi, có vẻ ướt, không có mùi gì ngoài mùi thịt.

– Thịt có màu hồng nhạt, thớ thịt săn, da mỏng. (Thịt heo già hoặc heo nái da dầy, màu thịt đỏ thẫm, ít mỡ, thịt nhão).

* Dấu hiệu hư thối, bệnh tật: Thịt bị hư thối là do nhiệt độ bảo quản không thích hợp: ẩm độ cao, kém thoáng gió, dằn vặt nhiều, vi khuẩn xâm nhập vào thịt. Dấu hiệu của thịt hư là có mùi hôi, thịt mềm nhũn, mặt thịt ướt, có từng chỗ bị đen và xanh. Thịt của những con vật bị giun sán là trong thớ thịt có những đốm trắng như hạt gạo; những đốm chấm nhỏ trong gan, bầu dục (trái cật) cũng là dấu hiệu của con vật bị bệnh.

  1. Thịt bò: Nên chọn màu thịt đỏ tươi, thớ thịt khô, mịn; gân trắng dẹp nhỏ như sợi mì len vào giữa thớ thịt, mỡ có màu vàng tươi.

– Thịt bò cái có thớ thịt mịn ; bò đực thớ thịt to, gân tròn.

– Thịt bò non, thịt và mỡ trắng hơn.

– Thịt bò cái và bò non ăn ngon hơn thịt bò đực.

* Dấu hiệu hư thối và bệnh tật : Thịt có mùi hôi, màu thịt tái xanh. Trong thớ thịt có sên.

  1. Đồ hộp: Đồ hộp rất tiện lợi vì đã được chế biến sẵn, có thể ăn ngay được, tuy nhiên khi mua phải để ý :

– Còn hạn sử dụng không ?

– Nắp hộp có bị phồng không ? Bị phồng lên là hư.

– Vỏ hộp có bị sét rỉ không ? Sét rỉ sẽ sinh chất độc.

 

———————————————————————————————————————————————————

Bài 8

BÍ TÍCH XỨC DẦU BỆNH NHÂN

 

Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội thì sẽ được Chúa thứ tha.                                       (Gc 5,14-15)

  1. Bài học:

Bí tích Xức dầu bệnh nhân là Bí tích Chúa Giêsu đã lập để ban ơn nâng đỡ bệnh nhân và người già yếu về phần hồn và phần xác. Bí tích này nói lên quan tâm của Đức Giêsu với những người đau yếu, bệnh tật.

Bệnh tật và đau khổ là những vấn đề nghiêm trọng nhất, mang thử thách cho cuộc sống con người. Khi bệnh tật, con người có kinh nghiệm về sự bất lực, những giới hạn và tính hữu hạn của mình. Bệnh tật hé mở cho ta thấy cái chết.

Bệnh tật có thể dẫn tới lo âu, khép kín mình lại và đôi khi dẫn tới tuyệt vọng và chống đối Thiên Chúa. Bệnh tật cũng có thể khiến con người nên chín chắn hơn, biết phân biệt những gì không chính yếu trong cuộc đời, để hướng về cái chính yếu
(Is 53,11).
 Nhiều khi bệnh tật khiến người ta tìm kiếm Thiên Chúa. Biết bao người được ơn trở lại sau 1 cơn bệnh hiểm nghèo. Vì vậy, khi xuống thế làm người, Chúa Giêsu cảm thông sâu xa nỗi thống khổ của họ: Người cứu chữa và thiết lập bí tích Xức dầu để nâng đỡ họ vào giờ phút chiến đấu cam go có khi là quyết định của cuộc đời và trao cho Hội thánh tiếp tục nâng đỡ họ.

Bí tích Xức dầu bệnh nhân ban những ơn:

– Kết hợp bệnh nhân với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô để sinh ích cho chính mình và cho Hội thánh. Bí tích Xức dầu ban ơn Chúa Thánh Thần: Bình an và sức mạnh.

– An ủi và thêm lòng can đảm giúp họ biết chịu đựng những đau đớn của bệnh tật hoặc tuổi già theo tinh thần Kitô giáo.

– Tha thứ các tội lỗi quên sót hay những tội vì cơn bệnh mà xưng không được.

– Phục hồi sức khỏe phần xác nếu điều này giúp ích cho linh hồn.

– Chuẩn bị cho “cuộc vượt qua” sang cõi sống đời đời.

Bí tích Xức dầu không chỉ dành cho người tín hữu hấp hối. Mọi giáo hữu đến tuổi khôn thấy mình đau nặng hoăc người già nua kiệt sức thì cần lãnh Bí tích Xức dầu không nên trì hoãn.

  1. Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa luôn tỏ lòng thương xót những người khổ đau và sẵn sàng chữa lành họ. Xin cho chúng con cũng có tâm tình như Chúa để sẵn sàng ủi an, giúp đỡ những người bệnh hoạn, tật nguyền… nhất là những người đang hấp hối trên giường bệnh.

III. Câu hỏi thảo luận:

  1. Bí tích Xức dầu cần cho những ai? Được chịu bao nhiêu lần?
  2. Khi đón Linh mục đến ban phép Xức dầu cho một người thân trong gia đình, cần chuẩn bị những gì?
  3. Rước Mình Thánh Chúa như “của ăn đàng” nghĩa là gì?
  4. Sinh hoạt:
  5. Phong trào: LỊCH SỬ PHONG TRÀO

+ Năm 1865, từ Hội Tông Đồ Cầu Nguyện, hai linh mục Léonard Cross và Ramadiere đã quy tụ các em thiếu nhi thành một đoàn thể có tổ chức và mệnh danh là Đạo Quân riêng của Đức Giáo Hoàng với mục đích bảo vệ tâm hồn các em khỏi bị cuốn theo phong trào tục hoá đang lan tràn trong các trường học Công Giáo Pháp lúc bấy giờ.

+ Năm 1910, qua Sắc Lệnh Quam Singulari, Đức Giáo Hoàng PIO X mong muốn và cổ võ các thiếu nhi được rước lễ sớm, Phong Trào Nghĩa Binh Thánh Thể được chính thức thành lập tại Pháp năm 1917 do một cha Dòng Tên là Besssiere. Phong Trào trực thuộc Hội Tông Đồ Cầu Nguyện.

 

  1. Trò chơi : Bắt cá

Kẻ 2 vạch ngang song song làm mức bờ sông, cách 5m, một vòng tròn ở giữa (R = 1m). Chọn ra 2 em làm “ngư phủ”. Tất cả cùng đứng về một bên của bờ sông. Mọi người cùng đọc và vỗ tay theo: “Nước sông trong mát, cá lội cá bơi, vừa hát vừa chơi, ai mà bắt cá”. Khi hát xong, tất cả “cá” trên bờ phải “bơi” ngay qua bờ bên kia. Khi đó, ngư phủ sẽ tìm cách “vồ” cá bỏ vào vó (vòng tròn). Cứ hát tiếp tục và thay đổi bờ. Chơi khoảng 2,3 phút có thể thay đổi “ngư phủ” cho vui nhộn (chọn trong số cá bị vồ).

  1. Chuyên môn : Luộc khoai không cần nước?

Buổi tối ở trại mà có khoai lang luộc, đúng là nhất trên đời (tối có lửa trại ta không ăn khoai luộc mà ăn khoai lang nướng “khoai lùi than”), mà luộc khoai lại không cần nước nữa chứ, bao chất ngọt còn nguyên vẹn trong củ khoai. Bạn làm thử chưa?

Thế này nhé!  Trong cơ thể động vật cũng như thực vật đều có một lượng nước đáng kể, vì thế trong khoai lang “tươi” có rất nhiều nước. Tùy lượng khoai cần luộc mà bạn chọn nồi to hay nhỏ, đừng dùng nồi quá lớn cho lượng khoai quá ít. Sau đó bạn trải đều vài cây đinh vào đáy nồi rồi xếp khoai lên trên, sao cho củ khoai không tiếp xúc trực tiếp đáy nồi. Rồi bạn đậy thật kín vung nồi, bắc lên bếp đun nhỏ lửa. Nhớ là chọn khoai lang tươi để có nhiều nước. Khi gặp nhiệt, các tinh bột sẽ hút nước và trương lên. Vì lượng nước tự do sẵn trong củ khoai có hạn nên đừng để bị thoát hơi nước, nếu không khoai sẽ thiếu nước để chín. Luộc khoai lang kiểu này sẽ ngon hơn khoai luộc có nước.

Mấy cây đinh có tác dụng gì? Có thể thay bằng các vật khác được không? Đinh là một kim loại có tính dẫn nhiệt tốt, do đó có thể thay đinh bằng vật kim loại khác. Nhưng những cây đinh ở đây giống như cái giàn đỡ cho các củ khoai không bị chạm sát vào đáy nồi, sự truyền nhiệt cũng đồng đều hơn các miếng kim loại do đó khoai chín nhanh và đều hơn.

Phương pháp này chỉ áp dụng cho khoai lang thôi, với khoai mì bắt buộc phải luộc có nước vì trong khoai mì chất nhựa của khoai sẽ làm ta say, tốt nhất khoai mì trước khi luộc nên được bóc vỏ, rửa sạch và ngâm trong nước khoảng 30 phút.

Khoai lang héo mang hấp sẽ ngon hơn vì tinh đường trong khoai sẽ thành hình trong quá trình phân giải giữa nước và tinh bột thành đường. Lưu ý: khoai lang héo có mần ăn ngon và ngọt. Nhưng khoai tây khi đã nảy mầm thì không tốt nữa vì trong khoai tây có một chất độc là Solinin thuộc Ancaloit (liều gây chết người là 0,2-0,4mg/1kg thể trọng). Chất độc này có nhiều khi khoai tây bị hư hoặc nảy mầm.

———————————————————————————————————————————————————

Bài 9

CHĂM SÓC BỆNH NHÂN

Một hôm, khi Đức Giêsu giảng dạy, có mấy người Pharisêu và luật sĩ ngồi đó; họ từ khắp các làng mạc miền Galilê, Giudêa và Giêrusalem đến. Quyền năng Chúa ở với Người, khiến Người chữa lành các bệnh tật. Bỗng có mấy người khiêng đến một bệnh nhân bị bại liệt nằm trên giường. Họ tìm cách đem vào đặt trước mặt Người. Nhưng vì có đám đông, họ không tìm được lối đem người ấy vào, nên họ mới lên mái nhà, dỡ ngói ra, thả người ấy cùng cái giường xuống ngay chính giữa, trước mặt Đức Giêsu. Thấy họ có lòng tin như vậy, Người bảo: “Này anh, anh đã dược tha tội rồi”. Các kinh sư và các người Pharisêu bắt đầu suy nghĩ: “Ông này là ai mà nói phạm thượng như thế? Ai có quyền tha tội ngoài một mình Thiên Chúa?” Nhưng Đức Kitô thấu biết họ đang suy nghĩ như thế nên Người lên tiếng bảo họ: “Các ông đang nghĩ gì trong bụng vậy? Trong hai điều, một là bảo: ‘Anh đã được tha tội rồi’; hai là bảo: ‘Đứng dậy mà đi!’ điều nào dễ hơn? Vậy để cho các ông biết: ‘Ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội’”. Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Tôi truyền cho anh hãy đứng dậy vác lấy giường của anh mà đi về nhà”. Ngay lúc ấy, người bại liệt chỗi dậy trước mặt họ vác cái anh đã dùng để nằm, vừa đi về nhà vừa tôn vinh Thiên Chúa.            (Lc 5,17-25)

  1. Bài học:

Sự cảm thương của Chúa Giêsu với các bệnh nhân và việc Ngài dùng quyền chữa lành các bệnh tật là dấu hiệu “Nước Thiên Chúa đã gần đến”. Không những thế, Ngài còn có quyền tha tội nữa: Ngài đến để chữa lành con người toàn diện hồn và xác.

Lòng ưu ái của Chúa đối với người bệnh đã khơi dậy sự quan tâm đặc biệt của các Kitô hữu qua các thế kỷ đối với những người đau khổ thể xác hoặc tâm hồn. Và đây là nguồn gốc của những cố gắng không mệt mỏi để nâng đỡ những người đau khổ. Vì chính Chúa đã đồng hóa mình với những người

anh em đau khổ đó: “Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm Ta”.

Chăm sóc và thăm viếng bệnh nhân là bổn phận của mọi người. Người bệnh do cơ thể đau yếu có thể dẫn đến suy yếu tinh thần, và giảm sút đức tin. Bệnh tật là điều không thể tránh được: sinh ra tất sẽ phải già nua, đau ốm, chết. Nâng đỡ nhau những khi đau yếu là đòi hỏi của đức ái nếu chưa nói là bổn phận vì những liên đới cụ thể trong đời sống.

Người ta thường nhìn bệnh tật như một sự trừng phạt của Thiên Chúa nên họ sợ hãi, chán ghét, chạy trốn,… Nhưng nếu nhìn khía cạnh tích cực: lòng thương xót của Thiên Chúa thì thời gian nằm bệnh, chịu đựng đau khổ là dịp suy nghĩ, kiểm điểm lại cuộc sống. Biết bao vị Thánh được ơn hoán cải nhờ bệnh tật: Inhatio Loyola, Phanxico Assisi, Phaolô,…vì thế dưới cái nhìn đức tin ta có thể nói: bệnh tật là hồng ân Chúa ban.

Người coi sóc bệnh nhân phải lấy lòng bác ái mà săn sóc, lo lắng thuộc thang và lấy đức tin an ủi, khuyên bảo bệnh nhân vui lòng chịu đau đớn để thông phần đau khổ với Chúa Giêsu, khi cơn bệnh trở nên trầm trọng thì báo tin cho Cha sở hay và giúp bệnh nhân dọn mình lãnh các Bí tích.

  1. Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con luôn vui tươi dù có phải lo âu và thống khổ. Xin cho con đừng bao giờ khép lại với chính mình, nhưng biết nghĩ đến những người quanh con; những người, cũng như con, đang cần một người bạn. Nếu con yếu đuối, xin cho con biết yêu thương và sáng suốt hơn, cảm thông và nhân từ hơn. Nếu bàn tay con run rẩy, xin giúp con luôn biết mở ra và cho đi. Cho đi đến giây phút cuối của cuộc đời.

III. Câu hỏi thảo luận:

  1. Tại sao khi chăm sóc bệnh nhân đòi hỏi chúng ta phải có lòng bác ái và kiên nhẫn?
  2. Lý do tại sao người già, người đau bệnh hay tủi thân?
  3. Bệnh tật phải chăng là sự trừng phạt của Thiên Chúa ?
  4. Sinh hoạt:
  5. Phong trào: PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC THIẾU NHI THÁNH THỂ

+ Phong trào dùng 2 phương pháp tự nhiên và siêu nhiên. Dùng những hoạt động tự nhiên của con người và những khung cảnh thiên nhiên thuận lợi thấm nhuần tinh thần Thánh Kinh để giáo dục.

+ Phương pháp vui mà học, học mà vui: Thông qua trò chơi, chuyện kể, bài hát, vũ điệu, chuyên môn trại… các em học được nhiều điếu bổ ích.

+ Phương pháp hàng đội tự trị: giúp trẻ tự quản, giúp nhau tự giáo dục, xây dựng ý thức kỷ luật chung và chịu trách nhiệm.

  1. Trò chơi : Người giữ vườn bắt trộm

Chọn 2 em làm người giữ vườn và tên trộm. Các em còn lại đứng vòng tròn nắm tay nhau. Tên trộm đứng trong vòng tròn. Người giữ vườn đi bên ngoài vòng; hỏi lớn tên trộm: “Ai cho anh vào vườn?” Trộm đáp: “Không ai cả”. Sau đó, trộm sẽ chạy vào, ra, băng qua vòng tròn đủ mọi cách để người giữ vườn đuổi theo bắt chước, kể cả các bộ điệu hài hước của tên trộm lúc chạy.

(Vd: cò cò, bò, đi khập khiễng…). Các em ở ngoài hát bài hát vui để tăng thêm hào hứng

  1. Chuyên môn nút dây

* Nút ghế kép (cách 2)

Cách 2 chắc hơn cách 1, công dụng giống như nút ghế đơn.

 

 

 

 

 

 

* Nút gỗ đơn

Công dụng : công dụng như nút thòng lọng nhưng không chắc lắm nên ít dùng, thường chỉ dùng để cột dây cờ, tháo dễ nhưng dây lúc nào cũng phải căng để nút khỏi tuột.

 

* Nút gỗ kép

Công dụng : rất chắc chắn, thường được dùng thay cho nút thòng lọng khi kéo gỗ (gọi là nút kéo gỗ) hay thay cho nút thuyền chài khi ráp cây chữ thập và chữ nhân.

Cách 1                                       Cách 2                   Cách 3

———————————————————————————————————————————————————

Bài 10

ƠN THIÊN TRIỆU

VÀ BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH

 

Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng thưa Người: “Phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con được gì?” Đức Giêsu đáp: “Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự tòa vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên 12 tòa mà xét xử 12 chi tộc Israel. Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất vì Danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp.

(Mt 19,27-29)

  1. Bài học:

Từ khi lãnh Bí tích Rửa tội, chúng ta được mời gọi nên con Chúa, nên thánh. Đó chính là ơn gọi chung của mọi Kitô hữu, đồng thời được chia sẻ sứ mệnh của Hội thánh là loan báo Tin Mừng cho muôn dân, thánh hóa mình và thánh hóa anh em.

Ơn gọi này không phải Chúa gọi một lần và con người đáp trả một lần là xong, nhưng người Kitô hữu không ngừng tìm  kiếm thánh ý Chúa qua những dấu chỉ thông thường trong đời sống hằng ngày. Được Chúa gọi nhiều cách khác nhau để phục vụ nên mỗi người tự do đáp lại một cách độc đáo tùy hoàn cảnh và khả năng của mình. Mỗi người nỗ lực nên thánh, nên con Chúa ngay trong những công việc, bổn phận đời thường của mình.

Nhưng ơn gọi hay ơn thiên triệu cũng thường được hiểu là tiếng mầu nhiệm Chúa gọi một số người dâng mình cho Chúa trong bậc tu trì hay trong hàng giáo sĩ.

Có ba dấu hiệu để biết mình có ơn thiên triệu:

– Có ý ngay lành.

– Có đủ điều kiện.

– Được bề trên ưng thuận.

Bí tích Truyền Chức Thánh là Bí tích Đức Chúa Giêsu đã lập để thông quyền Linh mục của Người cho những kẻ đã được tuyển chọn, cùng ban ơn cho họ được sống xứng đáng và chu toàn chức vụ mình trong công việc cứu độ loài người.

Bí tích Truyền Chức Thánh được cử hành bằng việc đặt tay cùng với lời nguyện Thánh hiến. Bí tích cũng in dấu ấn thiêng liêng không thể xóa được. Bí tích Truyền Chức Thánh bao gồm ba cấp bậc: Giám mục, Linh mục và Phó tế.

Người tín hữu có bổn phận cầu nguyện, tôn kính, vâng lời các vị chủ chăn trong các điều hợp lẽ đạo. Tích cực cộng tác trong việc xây dựng Nước Chúa, đồng thời cũng phải nâng đỡ các ngài về tinh thần và vật chất.

  1. Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu Linh mục thượng phẩm, Chúa đã tuyển chọn một số người vào chức Linh mục để tiếp tục thờ phượng Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Xin giúp các ngài luôn sống thánh thiện và chu toàn bổn phận của mình trong niềm vui và bình an của Chúa.

III. Câu hỏi thảo luận:

  1. Ơn thiên triệu là gì?
  2. Tại sao linh mục lại sống độc thân?
  3. Chúa Giêsu đã thông quyền Linh mục cho Hội thánh khi nào?
  4. Sinh hoạt:
  5. Trò chơi : Con cóc là cậu ông trời

Chọn 1 em làm cóc, cho cóc ngồi xổm, không được đứng, chỉ được nhảy giữa vòng tròn. Các em vòng ngoài sẽ hát: “Con cóc là cậu ông trời, Ai mà đánh nó thì trời đánh cho”. Rồi vài em sẽ vào tìm cách chọc ghẹo cóc (đập, vỗ nhanh lên vai cóc). Chú ý: đừng để cóc chạm vào mình, nếu bị cóc đụng phải, sẽ trở thành cóc ngay, và ngồi xuống cạnh cóc, nhập bọn. Trò chơi tiếp tục cho đến khi số cóc bằng số người chọc, sẽ đổi thành phần chọc cóc trong số em chưa bị biến thành cóc để tiếp tục chơi.

  1. Chuyên môn nút dây:

* Nút thoát thân: có nhiều kiểu nút thoát thân khác nhau, sau đây là 2 kiểu an toàn nhất:

Cách 1

 

Cách 2 : Nút chân chó cũng được dùng làm nút thoát thân. Làm một nút chân chó ở đầu dây, cột đầu dây ngắn vào một nơi chắc chắn, sau đó cắt đứt sợi dây giữa của nút (sợi dây bị cắt đứt không làm tuột nút). Khi tụt xuống rồi chỉ việc lắc sợi dây ta sẽ thâu lại được sợi dây, dĩ nhiên ta bị thiệt một khúc dây ngắn.

 

(Nút trong vòng tròn) được cột chắc chắn bằng nút thuyền chài hoặc nút gỗ kép.

– Cắt giữa sợi dây chung.

– Hai sợi dây còn lại là dây khóa, cắt lộn dây sẽ tuột.

 

———————————————————————————————————————————————————

Bài 11

BÍ TÍCH HÔN PHỐI

Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội thánh và hiến mình vì Hội thánh; như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội thánh bằng nước và Lời Hằng Sống, để trước mặt Người có một Hội thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ khiếm khuyết nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền, Cũng thế, chồng phải yêu vợ như chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình… Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội thánh. Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng.

(Ep 5,25-28.32-33)

  1. Bài học:

Bí tích Hôn phối là Bí tích Chúa Giêsu đã lập để kết hợp hai người tín hữu một nam, một nữ thành vợ chồng trước mặt Chúa và Hội thánh, cùng ban ơn cho họ sống xứng đáng ơn gọi của mình.

Hôn nhân Công giáo có hai mục đích: Một là vợ chồng yêu thương và giúp đỡ nhau. Hai là cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh sản và giáo dục con cái. Chúa Giêsu dạy phải giữ một vợ một chồng, không được rẫy bỏ nhau và phải sống hòa

thuận với nhau cho đến chết như người đã phán: “Điều gì Thiên Chúa liên kết thì loài người không được phân ly”.

Thiên Chúa sáng tạo con người vì tình yêu, thì cũng kêu gọi con người tới tình yêu, đây là ơn gọi nền tảng của mọi con người. Con người đã được sáng tạo giống hình ảnh của Thiên Chúa:

Tình yêu hôn nhân mà hai người trao cho nhau không chỉ là tác động riêng của vợ chồng mà còn là dấu chỉ tình yêu Chúa Kitô và Hội thánh Người: Tình yêu tuyệt đối và bất diệt mà Thiên Chúa dành cho con người. Tình yêu này tốt lành, rất tốt lành, được Thiên Chúa chúc phúc để trở nên phong nhiêu: “Hãy sinh sôi nảy nở và hãy trở nên nhiều, đầy tràn khắp mặt đất, và hãy làm bá chủ trái đất”.

Hôn nhân là ngôi trường của tình yêu và người ta có thể học nhiều điều từ ngôi trường ấy: Họ có vô số cơ hội để học biết đón nhận nhau, khoan dung và tha thứ cho nhau. Chính khi khám phá ý nghĩa thật của tình yêu và trung tín với tình yêu họ bộc lộ cho người khác tình yêu hy sinh của Đức Kitô. Đó là lý do tại sao Hội thánh Công giáo nhấn mạnh đến chuyện hôn nhân suốt đời

“Đây là xương của tôi, là thịt của tôi”… Vì vậy : ”…người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ và gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ thành một xác thịt”. Vợ chồng phải yêu thương gắn bó với nhau suốt đời vì “sự gì Thiên Chúa liên kết, loài người không được phân ly”.

Con cái là kết quả của tình yêu, là hồng ân Chúa ban; cha mẹ phải là người đầu tiên rao truyền và giáo dục đức tin cho con, dạy con biết cầu nguyện, giúp chúng dần dần khám phá mầu nhiệm Thiên Chúa và đối thoại với Ngài. Bằng lời nói và gương sáng huấn luyện con sống đời Kitô hữu và làm việc tông đồ.

  1. Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, khi đến trần gian thực hiện chương trình cứu rỗi, Chúa đã vui sống trong một gia đình, Chúa đã nâng cao phẩm giá và ơn gọi gia đình. Xin Chúa chúc phúc cho cha mẹ, cho gia đình chúng con, để chúng con biết sống hòa thuận yêu thương nhau.

III. Câu hỏi thảo luận:

  1. Chúa Giêsu dạy thế nào về Bí tích Hôn phối?
  2. “Sự gì Thiên Chúa liên kết, loài người không được phân ly” nghĩa là gì?
  3. Sinh hoạt:
  4. Phong trào: CÁC NGÀNH TRONG PHONG TRÀO TNTT

Phù hợp với tâm sinh lý của trẻ và giúp cho việc giáo dục hiệu quả, Phong trào phân chia các em thiếu nhi ra theo từng nhóm tuổi: Ấu nhi , Thiếu nhi , Nghĩa sĩ, Hiệp sĩ:

+ Ấu nhi  Thánh Thể: từ           7-10 tuổi (Khai  Tâm 1 đến Rước Lễ 2)

+ Thiếu nhi  Thánh Thể :         10-13t    (Thêm Sức 1 đến Bao Đồng 1)

+ Nghĩa sĩ  Thánh Thể   :         13-16t    (Bao Đồng 2 đến Bao Đồng 4)

+ Hiệp sĩ  Thánh Thể    :           17-18t    (Vào đời 1 đến Vào đời  2)

 

  1. Trò chơi : Chơi cút bắt

Tập trung vòng tròn, chọn ra 1 em làm “cú” đi vòng ngoài. Nếu cú vỗ nhẹ lên vai em nào mà nói: “Không phải Cú” thì em đó đứng yên; Còn nếu nói: “Cú đây!” Thì lập tức, em đó phải chạy quanh để “cú” không bắt được, nếu chạy về lại chỗ của mình là thoát; “cú” phải đi tìm một “cú” khác.

  1. Chuyên môn nút dây:

                                      Nút ráp cây (chữ thập)

Những nút ráp cây rất cần thiết khi thám du và trong việc làm thủ công của trại. Khi làm những loại nút này phải thật cẩn thận vì có thể một sinh mạng sẽ bị đe dọa do sự cẩu thả của người thực hiện.

  1. Ráp cây chữ thập:

– Khởi sự bằng nút thuyền chài hay nút gỗ kép.

– Vòng xiết: dùng để níu các vòng dây cuốn giữa hai cây.

– Cuối cùng, kết thúc bằng nút thuyền chài.

Cây cần được vạt khuyết chỗ được ốp vào nhau (H1) hoặc bỏ phần vỏ cây tại chỗ ráp nối.

Những vòng dây được cuốn thứ tự quanh chỗ ráp cây, cứ 1 vòng qua cây ngang đến 1 vòng qua cây dọc (H2).

 

 

 

 

———————————————————————————————————————————————————

Bài 12

CẦU NGUYỆN

Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Chúa Giêsu chỗi dậy đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. Ông Simon và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!” Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó”. Rồi Người đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ và trừ quỷ.     (Mc 1,35-39)

  1. Bài học:

– Thánh Têrêsa hài đồng Giêsu nói: “Cầu nguyện là hướng lòng lên, là một cái nhìn đơn sơ hướng lên trời. Đó là tiếng kêu của lòng tri ân và của tình yêu trong cơn thử thách cũng như trong lúc hưởng niềm vui”.

– Chính Thiên Chúa dạy dân Chúa cầu nguyện bằng 150 Thánh Vịnh.

– Hầu hết những hiểu biết người ta có về cầu nguyện là những gì còn sót lại từ thời thơ ấu. Khi còn bé, cầu nguyện với Chúa chủ yếu là xin thứ nọ thứ kia. Như vậy, Thiên Chúa giống như ông già Noél ở trên trời. Phiền một nỗi là không phải lúc nào ông cũng phát quà. Đó là lý do khiến nhiều người khi lớn lên bỏ cầu nguyện hay cầu nguyện nhưng chỉ giữ lại ít nhiều điều của thời thơ ấu. Họ nghĩ cầu nguyện chủ yếu là năn nỉ ỉ ôi, làm áp lực với Thiên Chúa để Người nhận lời cầu khẩn của họ.

– Chúa Giêsu là gương mẫu cầu nguyện. Người cầu nguyện mọi lúc mọi nơi, nhất là trước khi thực hiện việc quan trọng: chọn các tông đồ, làm phép lạ, trong vườn cây dầu,… người tín hữu phải luôn cầu nguyện như Chúa Giêsu căn dặn: “Anh em phải canh thức và cầu nguyện luôn, kẻo sa chước cám dỗ, vì tinh thần thì hăng say nhưng thể xác lại yếu hèn”. Thiên Chúa là Cha đầy tình yêu thương luôn biết rõ những nhu cầu của ta.

– Lời cầu nguyện chân thành đặt nền trên niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng luôn ở cùng ta. Ngài ở bên ta, cận kề ta và yêu thương ta. Người Công giáo được khích lệ siêng năng cầu nguyện không những ở nhà thờ mà còn ở những nơi khác nữa: ở nhà, khi đi đường hoặc trong một nơi yên tĩnh thích hợp.

– Đọc kinh là một trong những hình thức cầu nguyện; có thể cầu nguyện mà không đọc kinh. Nhưng đọc kinh mà lòng không hướng về Chúa thì không phải là cầu nguyện.

– Nếu chỉ xin ơn thì lời nguyện của ta còn nghèo nàn, cần mở rộng tâm hồn để chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa. Chúc tụng Thiên Chúa là tuyên xưng Ngài toàn hảo, là nhìn nhận các việc Ngài làm thật tốt đẹp.

– Cầu nguyện là thưa chuyện với Chúa. Trung tâm của kinh nguyện là mối tương giao, đơn thuần là muốn ở lại bên Chúa. Vì thế việc cầu nguyện không thể tính hơn thiệt bằng những kết quả được. Nó có giá trị theo cách riêng của nó.

– Cầu nguyện và hành động phải luôn đi đôi với nhau. Chúa không muốn chúng ta quá ỷ vào Ngài rồi sinh ra lười biếng không chịu làm việc. Ngài không phải là máy làm phép lạ, khi cần ta đến bấm nút. Ngài muốn ta cộng tác với Ngài, vừa làm việc, vừa cầu nguyện để làm chủ vũ trụ và kiện toàn chúng theo thánh ý Ngài. Vì thế cầu nguyện còn là một “cuộc chiến”.

– Nhiều gia đình Công giáo Việt Nam có thói quen đọc kinh sáng tối chung trong gia đình, đây là cơ hội rất tốt để mọi người yêu thương nhau hơn, lắng nghe và hiệp nhất với nhau.

  1. Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào, xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng. Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo, xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa để nghe Lời Người. Lạy Chúa, ước gì tinh thần cầu nguyện thấm nhuần vào cả đời con; nhờ cầu nguyện, xin cho con gặp được con người thật của con và khuôn mặt thật của Chúa.

III. Câu hỏi thảo luận:

  1. Tại sao Chúa Giêsu dạy khi cầu nguyện phải kiên tâm?
  2. Có người cho rằng cầu nguyện là “lãng phí thời gian với Thiên Chúa”, bạn nghĩ thế nào?
  3. Sinh hoạt:
  4. Phong trào: Ý NGHĨA CHÂM NGÔN NGHĨA SĨ: CHINH PHỤC

+ Chinh phục là làm cho người khác theo mình, khuất phục mình, chịu thua mình

+ Là Nghĩa sĩ, bạn chinh phục các tâm hồn về cho Chúa, dẫn đưa các tâm hồn về với Chúa. Do đó bạn không dùng mánh khóe. Khí giới, sức mạnh của bạn là Lời Chúa, gương sáng và những việc lành nhất là bằng đời sống dễ mến của bạn.

  1. Trò chơi : Mèo bắt chuột

Cho các em xếp hàng dọc cách nhau 1 sải tay, bắt tay lên vai nhau. Chọn 2 em làm mèo và chuột. Mèo đứng cách chuột khoảng 5 sải tay. Trưởng thổi còi lệnh chơi, tất cả các em quay sang phải và đặt 2 tay lên vai em kế: Mèo đuổi chuột, khi thổi hiệu còi khác, các em lại đổi tay trái và quay ngược lại, mèo vẫn đuổi chuột. Nếu bắt được sẽ thay thế. Nhớ khi đuổi, không được hất tay của em làm thành chắn.

  1. Chuyên môn nút dây
  2. Chữ nhân:

Thực hiện giống như ráp cây chữ nhật, chỉ khác một điều là các vòng dây cuốn đi theo đường chéo góc.

 

  1. Nối cây:

Nút nối cây dùng để nối 2 gậy hay 2 cây thẳng hàng, để thêm chắc chắn, em có thể vạt mỏng bớt phần cây chỗ ráp nối.

Để kết thúc, em kéo mạnh đầu dây A và buộc đầu dây B và A lại bằng một nút dẹt.

Có 2 cách nối thông dụng

———————————————————————————————————————————————————

Bài 13

HỘI THÁNH VỚI CHỨC VỤ TƯ TẾ

 

Nhờ máu Đức Giêsu đổ ra, chúng ta được mạnh dạn bước vào cung thánh… Chúng ta hãy tiếp tục tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta cách vững vàng, vì Đấng đã hứa là Đấng trung tín. Chúng ta hãy để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt. Chúng ta đừng bỏ các buổi hội họp như vài người quen làm; trái lại, phải khuyến khích nhau nhất là khi anh em thấy ngày Chúa đến đã gần.

(Dt 10,19.23-25)

  1. Bài học:

Thiên Chúa dùng Thánh Thần xức dầu và tấn phong Đức Giêsu Kitô làm tư tế, ngôn sứ và vua (Is 61).
Khi lập Hội thánh, Chúa Giêsu cho Hội thánh tham dự vào ba chức năng ấy. Mọi hoạt động của Chúa Kitô ở dưới thế chỉ nhằm một mục đích là hiệp thông vào đời sống riêng của Chúa Kitô và biến ta từ những tội nhân trở nên những người con của Thiên Chúa. Công trình này đã khởi đầu nơi mầu nhiệm nhập thể và đạt hiệu năng trọn vẹn nơi hành vi tế hiến và Phục sinh của Đức Kitô.

Các Tông đồ trong khi rao giảng Phúc âm cho mọi thụ tạo, các ngài loan báo Con Thiên Chúa đã dùng sự chết và sự sống lại của Người hầu giải thoát chúng ta khỏi quyền lực Satan và sự chết. Các ngài thực hiện công việc cứu chuộc mà các ngài loan báo nhờ hiến tế và các Bí tích.

Thờ phượng Thiên Chúa là bổn phận và vinh dự cao quý nhất của Hội thánh. Trong việc thờ phượng này, Hội thánh ngợi khen, cảm tạ, sám hối và khẩn cầu những ơn cần thiết cho mình và cho con cái, nên việc cử hành Phụng vụ là hành vi chí thánh mà không một hành vi nào khác của Giáo hội có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp.

Hội thánh thi hành chức vụ tư tế của mình qua toàn bộ hoạt động Phụng vụ bao gồm hoạt động Bí tích nói riêng và hoạt động Phụng vụ nói chung với chức tư tế chung và chức tư tế thừa tác:

– Chức tư tế chung được ban cho người đã lãnh Bí tích Rửa tội. (Pr 1,2-5.9-10; Kh 1,6: Vương quốc tư tế để phụng sự  Chúa).

– Chức tư tế thừa tác được ban cho một số người qua Bí tích truyền chức. Các vị này nhân danh Chúa Giêsu, hợp với cộng đoàn cử hành hiến tế tạ ơn và dâng lễ vật lên Thiên Chúa Cha.

Hoạt động Phụng vụ của Giáo hội không chỉ là những cử hành Bí tích mà còn là tất cả đời sống “công cộng” của kinh nguyện ngợi khen mà Giáo hội dân lên trong trách vụ thánh hóa con người và tôn vinh Chúa Cha.

Khi gia nhập Dân Thiên Chúa, bằng đức tin và phép rửa, chúng ta dự phần vào ơn gọi tư tế của Dân Chúa:

Mọi hoạt động, kinh nguyện và công cuộc tông đồ; đời sống hôn nhân và gia đình; công ăn việc làm thường ngày, việc nghỉ ngơi thể xác và tinh thần, nếu người tín hữu chu toàn trong Thánh Thần. Ngay cả những thử thách của cuộc sống, nếu kiên trì đón nhận thì tất cả đều trở nên hiến lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu Kitô.

Các bạn trẻ thi hành chức vụ tư tế bằng việc siêng năng tham dự thánh lễ, lãnh nhận các Bí tích và chuyên cần chu toàn bổn phận hằng ngày, sống bác ái, yêu thương và hy sinh từ bỏ.

Tác vụ tư tế của Giáo hội là tác vụ quan trọng nhất nhằm tác sinh sự sống trong Giáo hội. Công đồng Vaticanô II nêu rõ: “Phụng vụ là tột đỉnh mà mọi hoạt động của Giáo hội quy hướng về, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo hội. Thực vậy, các công lao khó nhọc trong việc tông đồ đều nhằm làm cho mọi người, nhờ đức tin và Phép rửa, trở nên con cái Thiên Chúa, cùng nhau quy tụ ngợi khen Chúa giữa lòng Giáo hội, thông phần hiến tế và ăn tiệc của Chúa.

  1. Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con những Linh mục có trái tim thuộc trọn về Chúa, để cũng thuộc về con người. Xin cho chúng con những Linh mục có trái tim biết yêu bằng tình yêu hiến dâng, có trái tim đủ lớn để chứa được mọi người và từng người, nhất là những ai nghèo khổ và bị bỏ rơi.

III. Câu hỏi thảo luận:

  1. Mọi hoạt động của Chúa Kitô nơi trần thế nhằm mục đích gì?
  2. Hội thánh thi hành chức vụ tư tế như thế nào?
  3. Sinh hoạt:
  4. Phong trào: NGHĨA SĨ SỐNG CHÂM NGÔN

Bạn biết lý tưởng của Nghĩa sĩ là chinh phục các tâm hồn cho Chúa, nhưng bằng cách nào ?

+ Bằng đời sống thánh thiện: Chu toàn bổn phận, vui vẻ, quảng đại, nhân ái.

+ Biết quan tâm đến những người chung quanh, tận tình giúp đỡ khi họ cần.

Khi đã hiểu châm ngôn, lý tưởng của Nghia sĩ, bạn hãy nói cho người khác về những thao thức đó của bạn.

  1. Trò chơi : Kết thân

Mỗi người cần phải biết tên nhau trước.

– Trưởng hô                 : “Kết thân” (2 lần).

– Các em hô                : “Thân ai?” (2 lần).

– Trưởng                       : “A thân với F” (A là trưởng).

Sau đó, em (F) sẽ thay trưởng hô ngay: “kết thân”, không được ngập ngừng.

* Lưu ý: không được kết thân 2 lần cho một người.

  1. Chuyên môn:  Nút nối cây (tiếp theo)
  2. Nối cây vuông

 

 

  1. Làm chạc ba

 

Nút đầu tiên được cột bằng nút quai chèo hoặc gỗ kép ở những gậy giữa.Quay gậy giữa đưa chân gậy xuống mặt đất theo hướng mũi tên.

– Đặt 3 gậy theo thế chạc ba, cuốn đầu dây dài quanh chỗ chạc ghép.

– Kết thúc đầu dây cuối bằng nút thuyền chài.

———————————————————————————————————————————————————

Bài 14

HỘI THÁNH VỚI CHỨC VỤ NGÔN SỨ

 

Sau khi sống lại, vào lúc tản sáng ngày thứ nhất trong tuần. Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Maria Macdala, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỉ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin. Sau đó Người tỏ mình ra dưới hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này.

(Mc 16,9-13)

  1. Bài học:

Rao giảng Tin mừng là nhiệm vụ hàng đầu của Hội thánh. Hội thánh không ngừng loan báo Tin mừng cho muôn dân, để mọi người có thể tin và được cứu độ (Mt 28,18). Rao giảng lời Chúa là bổn phận trước hết và trên hết. Như Chúa Kitô, Hội thánh có thể nói với thế giới: “Ta chỉ được sai đến để làm chứng cho chân lý (Ga 18,37). Nhưng Chúa Kitô và Hội thánh có một sự khác biệt chính yếu: Chúa Kitô không chỉ đem đến chân lý mà Người còn là chân lý. Hội thánh không phải và cũng không thể thêm gì vào mạc khải của Chúa Kitô. Tuy nhiên Hội thánh có vai trò bảo tồn nguyên vẹn và chuyển giao mạc khải cho thế giới “Vào thời thuận lợi hay không thuận lợi”.

Hội thánh không ôm giữ một mớ văn tự chết nhưng là chuyển giao một chân lý sống để họ được sống; nên Thánh truyền dù là mầu nhiệm trung tín cũng là mầu nhiệm sự sống và tăng trưởng.

Chính Thánh Thần là nguyên lý sống của Thánh truyền, giúp cho Hội thánh vừa phiên dịch chân lý vừa làm cho chân lý luôn mới mẻ sâu xa. Hội thánh chu toàn chức vụ này nhờ hàng giáo phẩm và giáo dân.

Hàng giáo phẩm gồm có Đức Giáo Hoàng và các Giám mục hiệp thông với ngài. Các Linh mục và Phó tế là cộng sự viên của Đức Giám mục để thi hành nhiệm vụ ngôn sứ.

Huấn quyền bảo vệ dân Chúa khỏi những sai lạc và khiếm khuyết, đồng thời bảo đảm cho dân khả năng khách quan để tuyên xưng không sai lầm đức tin đích thực. Để hoàn thành nhiệm vụ này, Chúa Kitô đã ban cho các mục tử đặc sủng không sai lầm về đức tin và phong hóa. Đặc sủng này có thể được sử dụng dưới nhiều dạng khác nhau.

Người Giáo dân thi hành chức vụ ngôn sứ trước hết bằng đời sống đức tin vững mạnh, đức ái nồng nhiệt… Họ còn phải tìm dịp  đào sâu đức tin, nỗ lực loan truyền Đức Kitô bằng lời nói. Bởi vậy, người Giáo dân phải trau dồi kiến thức tôn giáo. Những Giáo dân có khả năng và được huấn luyện có thể cộng tác trong việc hướng dẫn Giáo lý. Đặc biệt, cha mẹ phải là những giáo lý viên đầu tiên cho con cái.

  1. Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con lên đường phục vụ: nhẹ nhàng và thanh thoát, không cậy dựa vào khả năng bản thân hay những phương tiện trần thế. Xin giúp chúng con đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa.

Thế giới thật bao la mà vòng tay chúng con quá nhỏ bé, xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau mà tin tưởng lên đường, thật nhẹ nhàng và thanh thoát.

III. Câu hỏi thảo luận:

  1. Tại sao nói rằng: “Rao giảng Tin Mừng là nhiệm vụ hàng đầu của Hội thánh”?
  2. Những ai được ơn “không thể sai lầm”?
  3. Sinh hoạt:
  4. Phong trào: VIỆC QUẢN TRỊ ĐOÀN

+ Việc quản trị đoàn là do Linh mục tuyên úy ủy quyền, chứ không theo nguyên tắc chính trị hay xã hội đời, vì quyền chủ chăn thuộc cơ cấu phẩm trật của Hội thánh Công giáo. Theo nội qui Tổng liên đoàn: các linh mục tuyên úy có thể ủy quyền điều hành cho huynh trưởng và nhận trách vụ lãnh đạo chung, giám sát, cố vấn và làm những việc thuộc phạm vi đạo đức, thiêng liêng.

+ Huynh trưởng chỉ làm những gì trong trách nhiệm của mình mà nội qui hay tập tục ấn định và theo tinh thần thống nhất trong các buổi họp. Khi có những việc chưa được ấn định. Huynh trưởng phải xin ý kiến tuyên úy hay Ban quản trị đoàn.

  1. Trò chơi : Nhảy ngựa

Mọi người cùng hát: “Nào đoàn ta tiến, theo vết bao đấng anh hùng. Liều mình xông pha, băng mình qua chốn đạn tên”.

– Trưởng hô       : “Quân ta !”   – Tất cả : “Xông pha”

– Trưởng hô       : “1 tay”                           – Tất cả : “1 tay”.

Vẫn tiếp tục hát và nắm tay lại đưa lên khỏi đầu và rút xuống vai theo điệu của bài hát. Lần thứ hai sẽ hô thêm “2 tay” và làm cả hai tay. Lần ba hô: “1 chân”, dậm thêm một chân. Lần bốn hô: “2 chân”, nhảy đổi chân và cả hai tay vận động (thụt thò).

  1. Chuyên môn: Nút trang trí

 

Nút hoa 4 cánh:

– Làm dây đeo còi

– Dây xâu chìa khóa…

———————————————————————————————————————————————————

Bài 15

HỘI THÁNH VỚI CHỨC VỤ VƯƠNG GIẢ

Đức Giêsu gọi các môn đệ lại và nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em. Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”.                        (Mt 20,25-28)

  1. Bài học:

Chúa Kitô không chỉ là chân lý và là sự sống, Người còn là đường (Ga 14,6). Công đồng Trento nói: “Người không chỉ là Đấng Cứu Thế mà ta đặt tin tưởng, Người còn là nhà lập pháp mà ta phải phục tùng” (D.831). Chúa Kitô hành xử vương quyền của mình khi thu hút

mọi người lại với Ngài bằng cái chết và sự Phục sinh của Ngài. Đức Kitô, Vua và Chúa vũ trụ đã hạ mình làm đầy tớ mọi người, vì Ngài đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người.

Chúa đã thi hành vương quyền của Người khi chữa lành bệnh nhân, khi chiến thắng Satan, tội lỗi và sự chết. Người đã làm gương bằng cả cuộc đời tận tụy tìm kiếm các chiên lạc về cho Thiên Chúa, Người không ngần ngại cúi xuống rửa chân cho các môn đệ.

Hội thánh phục vụ bằng việc rao giảng lời Chúa giúp người ta thoát khỏi những tổ chức phi nhân, phát triển những cơ cấu phục vụ con người, bảo vệ cô nhi, thai nhi (những hoạt động bác ái của Mẹ Têrêsa Calcutta…). Hội thánh được vinh dự tham gia chức năng vương giả của Chúa Kitô: “Ta sẽ dành sẵn Nước Trời cho các con, và các con sẽ ngồi trên ngai tòa mà xét xử 12 chi tộc Israel” (Lc 22,29). Tính cách cai trị của Hội thánh cũng là phục vụ như Lời Chúa dạy: “Vua chúa trần gian thì dùng uy thế mà thống trị, phần các con không như thế. Trái lại, kẻ trọng nhất phải ở như kẻ rốt hết và kẻ cai trị phải ở như kẻ hầu hạ”. Hội thánh phục vụ Nước Chúa bằng lời rao giảng chân lý Phúc âm, để mọi người thoát ách nô lệ tội lỗi, xây dựng Nước Chúa trong ân sủng, thánh thiện, công lý, tình yêu và hòa bình.

Người Giáo dân thi hành chức vụ vương giả bằng hai cách:

– Làm chủ bản thân: như lời Thánh Ambrôsiô nói: “Ai khuất phục thân xác mình và cai trị được tâm hồn mình: không để chìm đắm trong đam mê, người đó đáng gọi là vua vì đã có khả năng cai quản con người mình, người đó tự do và độc lập không để mình bị lôi cuốn vào vòng nô lệ tội lỗi”. Muốn biết mình  phải tự kiểm, tập luyện các nhân đức, yêu mến một lý tưởng.

– Đàng khác, các Giáo dân hãy hợp lực để lành mạnh hóa các cơ chế và các điều kiện sống trong xã hội để chúng nên phù hợp với các luật lệ và sự công chính. Cộng tác với các chủ chăn để phục vụ cộng đoàn Hội thánh. Cập nhật hóa cuộc sống qua việc Phúc âm hóa và truyền giáo. Cảnh giác với thuyết: Thế gian hóa (suy tôn tiền của..) – Tục hóa (không chấp nhận giá trị hy sinh) – Chính trị hóa (đề cao một xu hướng chính trị)….

  1. Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin dạy con biết sống quảng đại, biết phụng sự Chúa cho xứng với uy linh Ngài, biết cho đi mà không tính toán, biết chiến đấu không ngại thương tích, biết làm việc không tìm an nghỉ, biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào ngoài việc biết mình đã chu toàn Thánh Ý Chúa. Amen.

III. Câu hỏi thảo luận:

  1. Chức vụ vương giả mà Chúa trao cho Hội thánh thi hành là điều gì?
  2. Hội thánh bao gồm những ai?
  3. Sinh hoạt:
  4. Phong trào: LỜI HỨA THIẾU NHI THÁNH THỂ

Thiếu Nhi Thánh Thể nhận không có một lời hứa chung nào khác ngoài việc giữ theo tôn chỉ: Cầu nguyện, Rước lễ, Hy sinh, Làm tông đồ. Nhưng có lời hứa riêng cho mỗi đơn vị.

Là Nghĩa sĩ, bạn đã hứa: Tìm hiểu, yêu mến và phụng sự Chúa suốt đời. Hứa trung thành với Đức tin. Hứa làm chứng nhân cho Chúa trước mặt mọi người.

Để thi hành lời hứa, bạn phải sống Thánh lễ mỗi ngày. Nỗ lực để chiến thắng chính mình: thắng tính ích kỷ, lười biếng, nhát đảm,… để rèn mình thành chiến sĩ Chúa Kitô.

  1. Trò chơi : “Trứng thối”

Đứng vòng tròn. Một em cầm trái banh đứng giữa, tung lên cao, đồng thời gọi tên một em (bất kỳ em nào). Em đó phải chạy ra chụp banh không để banh rớt xuống đất. Các em khác tan hàng chạy trốn. Khi bắt được banh, em đó hô: “Stop” – Tất cả  phải đứng lại tại chỗ. Em cầm banh được phép bước 3 bước tới chỗ bất kỳ em nào và ném banh. Em bị ném phải né để khỏi trúng banh, nhưng không được rời chỗ. Nếu bị trúng, sẽ là “Trứng thối” và sẽ là người tung banh thay thế. Nếu né được, tất cả các em trở về vòng tròn và chơi tiếp tục.

  1. Chuyên môn : Mật thư

Từ cấp này em bắt đầu học những loại mật thư khó, vì thế để dễ dàng tiếp thu các bài mới em hãy ôn lại các bài sau:

* Học ôn Morse và cách viết “Quốc ngữ điện tín” trong tập Giáo lý Thêm sức I. (Các bài : 7; 12; 14; 16).

* Mật thư đơn giản trong tập Giáo lý Rước lễ II (bài 28), tập Giáo lý Thêm sức II (bài 4; 16).

Nếu coi thường các bài trên em sẽ không hiểu gì về các bài mới. Vd : Hãy thử dịch mật thư sau : “20-8-2-1-2-1-1 ; 3-8-1 ; 3-15-14; 44-1-24 ; 44-1-23-3 ; 20-15-15-9-26 ; 22-15-23-9-19 ; 20-18-15-23-9-17 ; 22-1-17 ; 22-15-23-9-19 ; 3-8-1”.

Bật mí : 44 = Đ ; 44-1-24 = ĐÃ.

Nếu không hiểu thì em hãy học ôn đi !

———————————————————————————————————————————————————

Bài 16

CÁC CÔNG CUỘC BÁC ÁI

Trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả:

Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa mà không có đức mến thì tôi chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến thì cũng chẳng ích gì cho tôi.

Đức mến thì nhẫn nhục hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn. Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri củng có hạn. Khi cái hoàn hảo tới thì cái có ngần, có hạn sẽ biến đi. Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.

(1Cor 12,31-13,10.13)

 

  1. Bài học:

Giáo hội hình thành từ trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu. Phêrô được chọn làm thủ lãnh Giáo hội và được chất vấn về lòng yêu mến: “Simon con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không ?

Truyền giáo là sứ vụ của tình thương và phục vụ. Việc truyền giáo bao gồm: việc làm chứng tá cho những giá trị Tin Mừng, đấu tranh cho sự giải phóng con người, cho sự thăng tiến nhân phẩm, cho những quyền lợi căn bản của con người, cho sự công bằng, tự do, tình huynh đệ, cho đối thoại và hòa bình… Hội thánh đã nỗ lực thể hiện lời dạy sồng yêu thương của Chúa Kitô :

– Cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc… Hội thánh đã có những tổ chức quốc tế để cứu trợ như Caritas, Missio, CCFD,…

– Tôn trọng phẩm giá con người: không những cứu trợ, Hội thánh còn giúp người ta có phương thế để sinh sống nhờ những trung tâm dạy nghề, những tổ chức giúp người hoàn lương, chuộc kẻ làm tôi, những trường nuôi dạy trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi, những người già. Hội thánh xây dựng hoặc góp phần xây dựng những bệnh viện, dưỡng viện săn sóc những người mắc bệnh nan y như: lao, cùi, sida,…

– Nâng cao kiến thức, văn hóa: bên cạnh mỗi nhà thờ thường có một trường học. Hội thánh góp phần vào việc duy trì những di sản văn hóa, nâng cao dân trí. Các đại học đầu tiên và lớn nhất trên thế giới là những công trình của Hội thánh. Biết bao những trí thức Công giáo đã góp phần vào việc xây dựng đất nước (Cha Đắc Lộ, Nguyễn trường Tộ, Pétus Ký), xây dựng thế giới…

– Đấu tranh cho những quyền lợi căn bản của con người: Giáo hội có nhiều văn phòng, ủy ban để bênh vực cho công lý và hòa bình, giúp hòa giải các dân tộc, bảo vệ quyền sống và phát triển của con người. Vì Giáo hội ý thức rằng: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô”.

  1. Cầu nguyện:

                          Kinh mười bốn mối

Thương người có 14 mối,

Thương xác bảy mối:

Thứ nhất        :         cho kẻ đói ăn.

Thứ hai          :         cho kẻ khát uống.

Thứ ba           :         cho kẻ rách rưới ăn mặc.

Thứ bốn         :         viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc.

Thứ năm        :         cho khách đỗ nhà.

Thứ sáu          :         chuộc kẻ làm tội.

Thứ bảy         :         chôn xác kẻ chết.

Thương linh hồn bảy mối:

Thứ nhất        :         lấy lời lành mà khuyên người.

Thứ hai          :         mở dạy kẻ mê muội.

Thứ ba           :         yên ủi kẻ âu lo.

Thứ bốn         :         răn bảo kẻ có tội.

Thứ năm        :         tha kẻ khinh dể ta.

Thứ sáu          :         nhịn kẻ mất lòng ta.

Thứ bảy         :         cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

III. Câu hỏi thảo luận:

  1. Những việc bác ái Hội thánh thực hiện nhằm mục đích gì?
  2. Những ai cần phải thực hiện lời mời gọi sống yêu thương của Chúa Kitô? Thực hiện cách nào?
  3. Sinh hoạt

 

  1. Trò chơi: Thức tỉnh

Ngồi vòng tròn. Trưởng cầm 1 chuông nhỏ. Bắt một bài hát vui và đưa chuông cho một em. Chuông cứ được lắc leng keng liên tục và chuyền cho nhau đến khi ngừng hát. Trưởng nên cho hát nhiều bài liền nhau. Em nào để chuông đứng yên (không lắc) là bị loại – Vì em đó “mê ngủ”.

  1. Chuyên môn:  Mật thư thay thế
  2. Mật thư thay thế là gì ?

Là mật thư thay chữ bằng số hay bằng một ký hiệu nào đó và từ những con số và ký hiệu đó người ta lại biến đổi đi để làm thành những mật thư khác. (Xem bản thứ tự chữ và số ở bài 28 sách Giáo lý Rước lễ II).

Ví dụ :          * Chữ và số : A =1 ; M = 13 ; Z = 26.

* Chữ và hình vẽ :

  1. Bản khóa : AB CD  EF                                          ST

GH   IJ   KL                           WX                         YZ

MN   OP  QR                                         UV

  1. Cách viết mật thư :

= T   C   L   Q   Y

 

 

 

 

 

 

 

———————————————————————————————————————————————————

Bài 17

HỘI THÁNH DUY NHẤT

Đức Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha… để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong Chúng Ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con. Phần Con, Con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho Con, để họ được nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để họ được hoàn toàn nên một, như vậy thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai Con và yêu thương họ như đã yêu thương Con.  (Ga 17,1.21-23)

  1. Bài học:

Trong kinh Tin Kính ta tuyên xưng: “Tôi tin có Hội thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”. Đây là bốn đặc điểm của Hội thánh do Chúa Kitô thiết lập.

+ Hội thánh duy nhất vì những lý do sau:

– Do nguồn gốc: Hội thánh bắt nguồn từ Chúa Ba Ngôi (khuôn mẫu và nguyên lý của Hội thánh).

– Do ý định của Chúa Cha (muốn quy tụ mọi người tin thành một dân tộc), được thực hiện bởi Chúa Con (Đấng dùng thập giá hòa giải nhân loại thành một dân duy nhất), được kiện toàn nhờ Chúa Thánh Thần (Đấng thánh hóa và nối kết tín hữu trong Chúa Kitô).

– Do việc thiết lập: Đức Kitô chỉ thiết lập một Hội thánh trên nền tảng Phêrô và các Tông đồ.

Giáo hội từ căn nguyên là mầu nhiệm hiệp thông mọi người với Thiên Chúa trong Chúa Kitô, nên tính duy nhất phản ánh sự sống và hoạt động của chính Giáo hội.

+ Đâu là những sợi dây của sự hiệp nhất? Trên hết đó là đức ái, sợi dây của sự trọn lành. Nhưng sự hiệp nhất của Hội thánh lữ hành cũng đuợc bảo đảm bởi những sợi dây hữu hình của niềm hiệp thông (nhờ ba mối dây liên kết):

– Cùng tuyên xưng một đức tin duy nhất nhận được từ các Tông đồ.

– Cùng cử hành việc phụng tự nhất là các Bí tích.

– Sự kế vị Tông đồ nhờ Bí tích Truyền chức Thánh, duy trì sự hòa hợp anh em trong gia đình của Thiên Chúa.

+ Người tín hữu tăng cường hiệp nhất trong Hội thánh bằng cách :

– Canh tân đời sống đạo, hối cải thật lòng: ngày càng sống đúng theo Tin Mừng hơn.

– Tham dự các giờ cầu nguyện chung.

– Hiệp thông trong tình bác ái huynh đệ.

– Tích cực tham gia các sinh hoạt Giáo xứ, Giáo phận.

Đặc điểm duy nhất cũng như những đặc điểm khác của Giáo hội vừa là ơn Chúa vừa là trách vụ của con người: là ơn Chúa vì được bảo đảm bởi Chúa Thánh Thần, là trách vụ của con người đang lữ hành nên sự duy nhất vẫn ẩn chứa những bất toàn. Trong nghĩa này, phải nói đến duy nhất như một bổn phận

  1. Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người nhận mình là anh em của nhau, liên đới với nhau và chịu trách nhiệm về nhau, sống chung cùng một hành tinh và một bầu trời – biết chia sẻ và trao đổi cho nhau nụ cười và tình yêu Chúa.

Xin cho mỗi người chúng con thấy được Chúa qua nụ cười trao nhau trên hè phố, trong những hy sinh vô vi lợi, và cả nơi những thao thức của ai đó, muốn xây dựng một thế giới huynh đệ hơn.

III. Câu hỏi thảo luận:

  1. Hợp nhất và đồng nhất khác nhau như thế nào? Chúa Giêsu đã cầu xin điều gì cho Hội thánh?
  2. Bạn nghĩ điều gì thường gây nên chia rẽ trong gia đình, trong Hội thánh? Bạn có thể làm gì để tạo sự hợp nhất?
  3. Sinh hoạt:
  4. Phong trào : TNTT LÀ ĐOÀN THỂ CÔNG GIÁO TIẾN HÀNH

+ Phong trào giúp thăng tiến và thực hành sống đạo cho các em thiếu nhi

+ Phong trào lấy tinh thần Đạo Binh Thánh Giá thời Trung cổ: thay vì bảo vệ Thánh địa vật chất thì bảo vệ và tô điểm đền thờ thiêng liêng là tâm hồn các em với vũ khí là Cầu nguyện, Rước lễ, Hy sinh và làm tông đồ.

  1. Trò chơi : “Quản trò tài hoa”

Trưởng chuẩn bị nhiều “hình phạt vui”, ghi mỗi hình phạt vào một mẩu giấy và gấp lại. Bắt đầu chơi: cất một bài hát vui, cho các em đi theo vòng tròn, vừa đi vừa chuyền một mẩu giấy. Khi hết bài hát, tất cả dừng lại, mẩu giấy ở tay ai, em đó mở ra, đọc to, và thi hành “lệnh” trong mẩu giấy đó.

  1. Chuyên môn: Mật thư thay thế (biến đổi)
  2. Từ mật thư thay thế (bài 16) ta biến đổi đôi chút để thành loại mật thư khác.

Ví dụ :          Thay vì A = 1, ta cho A = 3. Tất cả thứ tự của các chữ khác cũng thay đổi theo, như thế: A = 3; B = 4….; Y = 1; Z = 2.

A    B    C                              J        K    L                    S   T   U

D   E     F                               M    N   O              V   W   X

G   H    I                                P    Q    R                       Y        Z

 

= A                                          = E                                                          = I

 

= L                                          = N                                                          = O

 

= T                                          = Y                                                          = Z

———————————————————————————————————————————————————

Bài 18

HỘI THÁNH THÁNH THIỆN

 

“Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội thánh và hiến mình vì Hội thánh. Như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội thánh bằng nước và Lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội thánh xinh đẹp, lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền”.

(Ep 5,25-27)

  1. Bài học:

Thiên Chúa là Đấng thánh nên những gì liên kết với Thiên Chúa được gọi là thánh. Hội thánh là thánh vì Hội thánh liên kết với Thiên Chúa. Ta gọi Hội thánh là thánh thiện vì:

– Thiên Chúa, tác giả của Hội thánh, là Đấng rất thánh.

– Chúa Giêsu, vị sáng lập Hội thánh, là Đấng thánh, và Phúc âm Người trao cho Hội thánh cùng với Thánh Thần thánh hóa mọi sự.

– Mục đích của Hội thánh là thánh hóa mọi người trong Chúa Kitô để ngợi khen Thiên Chúa. Chân lý và lề luật Người truyền cho Giáo hội rao giảng là Thánh.

– Hội thánh có tất cả phương tiện giúp người ta nên thánh: Lời Chúa, các Bí tích, Phụng vụ…

– Trong Hội thánh luôn phát sinh những hoa trái thánh thiện và tinh tuyền.

Tuy nhiên, đối với các phần tử trong Hội thánh thì sự thánh thiện này chưa đạt được mà mỗi người phải nỗ lực nên thánh. Hơn nữa, Hội thánh hằng ấp ủ trong mình các tội nhân, nên Hội thánh không ngừng được mời gọi thanh tẩy cho đến ngày tận thế. Hội thánh gồm những tội nhân vẫn không làm giảm thiểu bản chất thánh thiện của Giáo hội, vì tội không nằm trong thực chất của Giáo hội. Tội không cản trở Giáo hội là thánh mà chỉ cản trở Giáo hội nên thánh. Sự thánh thiện vẹn toàn chỉ có ở Giáo hội trên trời.

Bác ái là con đường tuyệt hảo để nên thánh: “Quả thật, bác ái là sợi dây ràng buộc sự thánh thiện và sự trọn hảo của lề luật” cho nên bác ái điều khiển mọi phương thế thánh hóa.

Để nêu gương cho các tín hữu sống thánh và để có những vị bầu cử đắc lực trước mặt Thiên Chúa, Hội thánh tuyên dương các phần tử đã thực hiện các nhân đức cách anh hùng, đã sống trung thành với ơn Chúa. Đứng đầu danh sách này là Đức Maria

Hội thánh là thánh thiện, vậy có cần canh tân?

– Dẫu là thánh thiện, Hội thánh vẫn canh tân vì canh tân là dấu chỉ Hội thánh có Chúa Thánh Thần – Mùa xuân của Hội thánh, luôn làm cho Hội thánh tươi trẻ.

– Vì là thánh, Hội thánh phài tự canh tân để lớn lên trong ân sủng và tình nghĩa với Thiên Chúa.

– Để Hội thánh mãi là thánh, các thành viên phải khai thác ngay trong lòng Giáo hội những phương dược tái tạo.

  1. Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, xin nâng con lên, vượt qua những thèm muốn chiếm đoạt, để biết tự hiến trong yêu thương. Xin đừng để con phung phí sức lực vào những chuyện tình cảm chóng qua, nhưng giúp con tự rèn luyện để gánh vác cuộc sống Chúa mời gọi. Như đóa sen trong đầm lầy, xin giữ thân xác con thanh khiết.

III. Câu hỏi thảo luận:

  1. Hội thánh thánh thiện tại sao phải luôn thanh tẩy ?
  2. Người Kitô hữu sống thánh là sống thế nào ?
  3. Sinh hoạt
  4. Phong trào: Khung Cảnh Thánh Kinh

Khung Cảnh Thánh Kinh là khoảng không gian và thời gian lịch sử, nơi chốn diễn ra những việc Thiên Chúa đã làm cho nhân loại; những lời Thiên Chúa đã nói với nhân loại, và sau này được ghi lại trong Thánh Kinh.

Lời Chúa trong Thánh Kinh là nền tảng và là chất liệu giáo dục thiếu nhi. Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể xây dựng trên nền tảng Thánh Kinh; Đường lối, Tôn chỉ, Phương pháp đều dựa vào và bén rễ trong Lời Chúa. Lời Chúa bao trùm mọi hoạt động của Phong trào. Phong Trào hoạt động trong Khung Cảnh Thánh Kinh. (Trong lãnh vực tôn giáo, khung cảnh linh thiêng phải được diễn ra liên tục để nuôi dưỡng đức tin).

  1. Trò chơi: Chạy – Đi – Chạy

Các đội chia đều nhau, xếp hàng thẳng ở đầu sân và quay lưng vào sân. Khi có hiệu còi, quay đầu lại và chạy thật nhanh về đầu sân kia. Nhưng đang chạy mà nghe tiếng còi thì phải đứng lại ngay và quay đầu trở lại như ban đầu. Khi nghe hai tiếng còi liền thì quay lại chạy tiếp. Đội nào tới trước và xếp hàng xong trước, đầy đủ là thắng.

  1. Chuyên môn : Mật thư tọa độ

Mật thư tọa độ là mật thư lấy theo dạng chấm tọa độ của bản đồ, lấy thẳng góc chiếu theo 2 đường tung độ và hoành độ. Ta đặt đường tung độ bằng số, hoành độ bằng chữ hoặc ngược lại. Các chữ số có thể viết xuôi hay viết ngược nhưng phải theo thứ tự.

Ư4Ê5Ê5Ă3Đ2 – Ă3Â4Â3Â3 – Â2Ê3Ê3 – Đ5Â3E4Â5Đ3

Chìa khóa : Ă3E3Ê3Ă4 = TÔI

Có nhiều cách để biến đổi mật thư, nhưng để cuộc chơi hào hứng, mật thư cần vừa sức người chơi, nếu không họ dễ nản chí. Từ những gợi ý trên, bạn hãy sưu tầm và sáng tác thêm.

———————————————————————————————————————————————————

Bài 19

HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

“Tôi chính là Mục Tử nhân lành! Tôi biết chiên của Tôi và chiên của Tôi biết Tôi, như Chúa Cha biết Tôi, và Tôi biết Chúa Cha, và Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về, chúng sẽ nghe tiếng Tôi. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một mục tử”.

(Ga 10,14-16)

  1. Bài học:

Ngay từ những thế kỷ đầu, Thánh Ignaxiô thành Antiochia là người đầu tiên dùng chữ “Công giáo” để chỉ Hội thánh Chúa Kitô. “Công giáo” có nghĩa là phổ quát, là mở rộng cửa đón nhận mọi người, ở mọi thời đại, thuộc mọi chủng tộc.

Nhưng Công giáo không chỉ dựa trên số lượng người theo đạo mà nhất là trên phẩm chất kẻ sống đạo. theo nghĩa ấy Hội thánh được gọi là Công giáo vì hai lý do :

  1. Trong Hội thánh có đức tin chân chính đầy đủ, có đời sống Bí tích trọn vẹn, nghĩa là có đủ phương tiện để giúp người ta nên thánh, để cứu rỗi mọi người.
  2. Hội thánh được sai đến với mọi dân tộc: “Các con hãy ra đi thâu nạp môn đồ ở khắp muôn dân” (Mt 28,19). Hội thánh có nhiệm vụ quy tụ toàn thể nhân loại dưới quyền thủ lãnh của Chúa Kitô.

Chính Chúa Giêsu lúc sinh thời đã hướng tới chư dân: như gặp gỡ phụ nữ ngoại giáo bên bờ giếng Giacob (Ga 4,7-42), đề cao người Samaritanô nhân hậu (Lc 10, 29), đi tới vùng đất dân ngoại. Và Chúa cũng sai các Tông đồ đến với muôn dân.

Đặc tính Công giáo của Hội thánh cũng được thể hiện ngay ở các Giáo hội địa phương: mỗi vùng có truyền thống, có nghi thức Phụng vụ, có di sản thần học và văn hóa riêng được Hội thánh đón nhận, duy trì và làm cho thăng tiến. Các sắc thái riêng biệt này nói lên tính Công giáo của Hội thánh. Hội thánh ẩn chứa nơi mình một khả năng phát triển và thích nghi với mọi không gian và thời gian, với mọi nền văn hóa và trình độ văn minh mà không bị vong thân.

Mọi người ở mọi thời đều được mời gọi vào Hội thánh: không những các tín hữu Công giáo mà cả những người tin Chúa Kitô, tất cả những người được ơn thánh kêu gọi tiến tới phần rỗi. Hội thánh thỏa mãn được những khát vọng và hoài bão chính đáng của con người: cá nhân cũng như tập thể, trong một thế quân bình kỳ diệu. Mọi tín hữu chia sẻ sứ mạng thừa sai của Giáo hội, là làm cho muôn dân hợp nhất trong một đàn chiên dưới sự lãnh đạo của một mục tử.

  1. Cầu nguyện:

“Như Cha đã sai Con đến thế gian, thì Con cũng sai họ đến thế gian. Con xin thánh hiến chính mình Con cho họ, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến. Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào Con, đề tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong Chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con. Phần Con, Con ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho Con, để họ được nên một như chúng ta là một”. (Ga 17,18-22)

III. Câu hỏi thảo luận:

  1. “Ngoài Hội thánh không có ơn cứu độ”. Chúng ta phải hiểu đúng là như thế nào?
  2. Tại sao nói rằng: “Truyền giáo, là một đòi hỏi do tính Công giáo của Hội thánh?
  3. Sinh hoạt:
  4. Phong trào: KHUNG CẢNH THÁNH KINH (tiếp theo)

Khung cảnh đạo đức thật cần thiết. Để giáo dục các em nên những Kitô hữu trưởng thành, Phong trào đã tạo lại những khung cảnh Thánh kinh cho các em. Khung cảnh sẽ in sâu, tác động nơi tâm trí, giúp các em gặp gỡ Chúa, nuôi dưỡng tâm tình yêu mến,… Niềm tin của trẻ sẽ được củng cố giữa khung cảnh linh thiêng đạo đức.

Khung cảnh Thánh Kinh, áp dụng cho sinh hoạt Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể và cho việc giáo dục đoàn sinh từng lứa tuổi, chính là cuộc đời Chúa Giêsu.

  1. Trò chơi : Xách nước

Trang bị mỗi đội 2 xô: 1 xô đựng nước và 1 xô không. Vạch mức đến cách 10m.

Cho các em xếp hàng dọc theo đội. Tất cả các xô không có nước đều để ở mức đến. Sau hiệu lệnh, mỗi em đầu của đội xách xô nước từ đội mình lên đổ vào xô không ở mức đến, rồi xách xô không về trao cho em thứ hai. Em này lên và đổ xô có nước vào xô mình, rồi xách về trao cho em thứ ba; em đó lại tiếp tục lên đổ… Cứ một em xách xô nước, một em xô không.

Đội nào xong trước và nước còn nhiều là thắng cuộc.

  1. Chuyên môn: Cách pha mầu  (để vẽ và để in)

Ngày nay, màu vẽ cũng như màu in được chọn pha rất đa dạng, mỗi màu được mang một con số để làm tên phân biệt giữa các màu. (Ví dụ : màu xanh lá với màu xanh lá non; màu vàng nghệ với màu vàng chanh; màu đỏ tươi với màu đỏ bầm, v.v…). Tuy nhiên khi muốn dùng màu lẻ ta phải pha màu theo ý muốn của mình, vì màu không bán lẻ với số lượng quá nhỏ.

Trong bài này ta không có tham vọng tìm hiểu trọn vẹn cách pha mầu của hội họa hay in ấn, chỉ xem xét những điều thật cơ bản rồi từ đó các em cố gắng thực hành và tìm hiểu thêm.

Có 5 màu chính được dùng để pha trộn với nhau: Xanh dương – Vàng – Đỏ – Trắng – Đen.

Xanh dương                       Vàng                   ®            Xanh lá

Xanh dương               <          Vàng                   ®            Vàng chanh

Xanh dương               <          Đỏ                        ®            Đỏ huyết

Xanh dương                       Đỏ                        ®            Tím

Vàng                           <          Đỏ                        ®            Đỏ cà-rốt

Vàng                                   Đỏ                        ®            Cam

Đỏ                                <          Trắng                  ®            Hồng

Đỏ                                >          Đen                      ®            Nâu

Trắng                          >          Đen                      ®            Xám

Muốn màu pha thiên về màu gì, thì màu chính phải nhiều hơn màu phụ.

Ví dụ : Xanh dương pha với vàng cho ta màu Xanh lá, nhưng muốn có màu Xanh lá mạ ta phải tăng màu Vàng.

Pha màu không phải là chuyện đơn giản, nó đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm thực hành cộng với sự cần cần cù, tỉ mỉ. Nhưng “Không có gì khó, chỉ e lòng không bền”.

Chúc các em thành công.

———————————————————————————————————————————————————

Bài 20

HỘI THÁNH TÔNG TRUYỀN

 

Vậy, anh em không còn phải là người xa lạ, hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông đồ, và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Kitô Giêsu. Trong Người, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí                                      (Ep 2,19-22)

  1. Bài học:

Tông truyền là do các Tông đồ truyền lại. Nếu tính Công giáo cho thấy sự hiện diện của Hội thánh ở khắp nơi thì tính tông truyền cho thấy sự hiện diện ấy được tiếp nối qua mọi thời đại. Nghĩa là tất cả những yếu tố chính yếu từ Chúa Kitô qua các Tông đồ đến với chúng ta được bảo đảm bằng một chuỗi kế thừa liên tục có thể kiểm chứng được qua Giáo lý, Phụng tự, nếp sống,…

Hội thánh là Tông truyền vì:

  1. Hội thánh được thiết lập trên nền tảng các Tông đồ (Ep 20,2), là những nhân chứng được chính Chúa Giêsu Phục sinh huấn luyện và sai đi (Mt 18,19).
  2. Niềm tin của Hội thánh nhờ Chúa Thánh Thần trợ giúp, Hội thánh gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ kho tàng đức tin trọn vẹn và lời giảng dạy lành thánh từ các Tông đồ (2Tm 1,13-14).

Tính Tông truyền được thể hiện trong Hội thánh cho tới ngày Chúa Giêsu lại đến:

– Đức Giáo Hoàng kế vị Thánh Phêrô là Chủ chăn của toàn thể Hội thánh có quyền thật, đầy đủ, tối cao và rộng khắp.

– Các Đức Giám mục kế vị các Tông đồ, liên kết chặt chẽ với nhau và hiệp nhất với Đức Giáo Hoàng làm thành Giám mục đoàn. Giám mục đoàn có quyền đầy đủ và
tối cao trên Hội thánh khi hiệp thông với Đức Giáo Hoàng.

– Các Đức Giám mục khi thi hành nhiệm vụ coi sóc Hội thánh địa phương (Giáo phận) với sự cộng tác của Linh mục đoàn và các phó tế.

Cả bốn đặc điểm của Hội thánh đan xen với nhau làm thành một khối không thể tách rời. Tuy nhiên, mỗi thời tùy theo nhu cầu Hội thánh làm nổi bật đặc điểm này hay đặc điểm khác. Cả bốn đặc điểm là điều kiện cần thiết cho sứ mạng Hội thánh trên trần gian và là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong Hội thánh.

  1. Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã xây dựng Hội thánh Chúa trên nền tảng các Thánh Tông đồ, để Hội thánh luôn tỏ ra là Hội thánh do Chúa thiết lập. Xin Chúa tăng thêm đức tin cho chúng con để chúng con biết nhìn nhận và đón nghe các lời giảng dạy của Đức Giáo Hoàng và của các Đức Giám mục như lắng nghe chính lời dạy của các Tông đồ.

III. Câu hỏi thảo luận:

  1. Hội thánh tông truyền nghĩa là gì?
  2. “Tính tông truyền được thể hiện qua phẩm trật”, bạn biết gì về phẩm trật của Hội thánh?
  3. Sinh hoạt:
  4. Phong trào: NGÀY THÁNH THỂ

+ Sáng: dâng ngày cho Chúa, vui vẻ chu toàn bổn phận

+ Đêm: xét mình, xin Chúa tha thứ lỗi lầm, hứa sống tốt hơn.

+ Trong ngày luôn nhớ đến Chúa trong mọi biến cố vui buồn.

+ Tham dự thánh lễ và siêng năng viếng Chúa.  

  1. Trò chơi : Rước đèn

Các đội xếp hàng dọc, em đứng đầu của mỗi đội cầm một ngọn nến nhỏ cháy sáng. Vạch mức đến cách 10m. Sau hồi còi hiệu lệnh, các em đầu mỗi đội đi nhanh đến vạch mức rồi trở về trao cho em kế tiếp. Cứ như vậy chuyền cho đến em cuối cùng. Đội nào xong trước, đèn vẫn sáng là thắng. Nếu bị tắt, có thể cho đốt lại 2 lần. Lần thứ ba bị tắt nữa, coi như đội đó bỏ cuộc.

  1. Chuyên môn: Cổng trại – Hàng rào

“Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp” (Ga 10,1).

Trong các cuộc cắm trại: trại huấn luyện, trại thi đua, trại hè… đều phải làm cổng trại (Trừ trại thám du vì là trại có tính di chuyển không cắm cố định nên không có cổng trại), có cổng trại cho toàn đoàn, toàn khóa và cho đội. Đã có cổng thì phải có hàng rào, tuy hàng rào thật đơn giản như giăng dây, ngáng bằng cọc nhưng tất cả mọi trại sinh có ý thức không bao giờ vượt qua các hàng rào tượng trưng đó (đọc Ga 10,1).

 Cổng trại đội không nên quá cầu kỳ (cải lương), nơi cổng phải có “số nhà” – nghĩa là phải có tên đội; cổng trại đội tuy đơn giản nhưng phải chắc chắn, đừng làm hời hợt quá vừa đụng nhẹ là sập, gió hiu hiu là đổ. Làm cổng trại các bạn phải sử dụng rất nhiều nút ghép cây, chữ nhân, chữ thập, ráp cây.

– Cổng đừng cao quá sẽ khó chắc chắn.

– Đừng thấp quá sẽ khó ra vào.

– Chuẩn bị sẵn những cái mẹt, sàng gạo để vẽ tên đội.

– Cờ đội cũng được cắm ở cổng đội.

(Nếu không có tiêu chuẩn thi đua, bạn nên dự bị sẵn trước từ nhà).

Một vài mẫu cổng đội để các em tham khảo:

Nếu không hiểu thì em hãy học ôn đi !

———————————————————————————————————————————————————

Nghi thức TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

(Sau bài giảng, các em tiến lên cung thánh, đứng quanh bàn thờ, tay cầm nến sáng nhận từ tay phụ huynh với ý nghĩa là chuyển giao đức tin)

  1. ƯỚC NGUYỆN DẤN THÂN VÀ NHẬN SÁCH THÁNH

+ Chủ tế         : Chúng con thân mến, chúng con đi tìm ai ?

– Các em        : Thưa Cha, chúng con đi tìm Chúa để theo Người.

+ Chủ tế         : Chúng con hãy đến ! Chúa đang chờ chúng con. Người là Đường đưa tới Chúa Cha. là Sự Sống và là Ánh Sáng của thế giới. Nếu chúng con muốn theo Người thì phải biết
và yêu mến Người. Lời của Người trong Thánh Kinh sẽ giúp chúng con tìm thấy Sự Sống và Ánh Sáng thật. Vậy Cha hỏi chúng con : “Chúng con có sẵn sàng học hỏi và tuân giữ Lời Chúa để theo Người không ?”

– Các em        : Thưa Cha, chúng con sẵn sàng.

+ Chủ tế         : Chúng con hãy đến và nhận lấy Sách Thánh này, để từ nay chúng con đọc và suy niệm, hiểu và sống Lời Chúa trọn vẹn hơn.

(Huynh trưởng phụ trách xướng tên các em. Các em đáp lại: “TẠ ƠN CHÚA”; rồi tiến lên trước Cha Linh Hướng để nhận  Sách Thánh và hôn kính).

  1. LẬP LẠI LỜI HỨA KHI CHỊU PHÉP RỬA TỘI

+ Chủ tế       : Chúng con thân mến, mười mấy năm trước đây, khi chúng con mới sinh, cha mẹ và người đỡ đầu đã thay mặt các con xin Thiên Chúa, qua Giáo hội, ban cho chúng con Đức tin và Bí tích Rửa tội. Nhờ ơn Thiên Chúa, nhờ công ơn dạy dỗ của Giáo hội và của cha mẹ, nay chúng con đã khôn lớn, đã hiểu biết Thiên Chúa và Lời của Ngài hơn. Giáo hội muốn các con bày tỏ sự tự do lựa chọn và công khai tuyên xưng đức tin chân thành của chúng con.

Vậy trong thánh lễ long trọng này, trước mặt cộng đoàn tín hữu hiện diện nơi đây, chúng con chính thức nói lên niềm tin và lòng trung thành gắn bó với Thiên Chúa trong Giáo hội.

+ Chủ tế         : Để sống trong tự do của con cái Thiên Chúa, chúng con có từ bỏ ma quỷ không ?

– Các em        : Thưa, con từ bỏ.

+ Chủ tế         : Để khỏi làm nô lệ tội lỗi, chúng con có từ bỏ những quyến rũ bất chính không ?

– Các em        : Thưa, con từ bỏ.

+ Chủ tế         : Chúng con có từ bỏ ma quỷ là kẻ gây ra và cầm đầu tội lỗi không ?

– Các em        : Thưa, con từ bỏ.

+ Chủ tế         : Chúng con có tin kính Thiên Chúa là Cha toàn năng, đấng tạo thành trời đất không ?

– Các em        : Thưa, con tin.

– Chủ tế          : Chúng con có tin kính Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, Chúa chúng ta, sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, đã chịu khổ hình và mai táng, đã sống lại từ cõi chết và đang ngự bên hữu Chúa Cha không ?

– Các em        : Thưa, con tin.

+ Chủ tế         : Chúng con có tin kính Đức Chúa Thánh Thần, tin Hội thánh Công giáo, tin các Thánh thông công, tin phép tha tội, tin xác sống lại và sự sống vĩnh cửu không ?

– Các em        : Thưa, con tin.

+ Chủ tế         : Đó là đức tin của chúng ta, đó là đức tin của Hội thánh. Chúng ta hãnh diện tuyên xưng đức tin ấy trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta.

Giờ đây, chúng con hãy nói lên ước nguyện của chúng con trước mặt cộng đoàn.

III. TUYÊN HỨA

– Tôi …………………… hân hạnh tuyên xưng đức tin của tôi.

– Tôi muốn sống theo đức tin mà tôi đã nhận được ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội.

– Tôi muốn cùng các tín hữu khắp thế giới đi theo Chúa Giêsu và làm chứng cho Ngài.

– Tôi xin hứa sẽ luôn luôn trung thành yêu mến và vâng lời Giáo hội, cùng quyết tâm phục vụ Thiên Chúa trong anh em đồng loại.

+ Chủ tế         : Xin thiên Chúa toàn năng là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho chúng con ơn trung thành với lời hứa hôm nay. Xin Ngài gìn giữ chúng con trên mọi nẻo đường đời, để chúng con trở nên những chứng nhân trung thực cho tình yêu Chúa giữa mọi người. Xin Ngài đổ tràn đầy ơn phúc trên tất cả chúng con và ban cho chúng con được sống đời đời trong Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta.

– Tất cả          : AMEN.

(Chủ tế rảy nước thánh trên các em)

Thánh lễ tiếp tục, không đọc kinh Tin Kính.

 

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!