Giáo lýThư viện

GIÁO LÝ VIÊN LÀ AI?

GIÁO LÝ VIÊN LÀ AI?

Giáo lý viên là người thi hành một sứ mệnh chính thức, quan trọng và siêu nhiên, được Chúa Kitô ủy thác qua Giáo Hội. Vì vậy các Giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân đều là những giáo lý viên có trách nhiệm thi hành sứ vụ này.

Giáo lý viên không phải chỉ là người dạy, nhưng trước hết phải là một chứng nhân (DGL 9.66), một chứng nhân tình yêu. GLV không phải chỉ là người truyền đạt những kiến thức về Thiên Chúa, nhưng phải là người truyền thông một kinh nghiệm gặp gỡ với Thiên Chúa. Nói cách khác giáo lý viên là người luôn tìm cách khám phá ra tình yêu Chúa trong cuộc đời mình cũng như khám phá ra điều gì Chúa đang chờ đợi nơi mình, để nhờ đó dễ dàng giúp người khác tìm gặp và yêu mến Chúa.

Trong một xã hội đa tôn giáo và văn hóa, giáo lý viên thường gặp khó khăn là phải đối diện với những tư tưởng, những niềm tin khác biệt, và có cả những chống đối bên trong và ngoài Giáo Hội. Nhưng với cái nhìn đức tin, việc dạy giáo lý mang đến một niềm vui lớn lao: đó là niềm vui được cộng tác với Giáo Hội trong việc đem Chúa đến với các tâm hồn; niềm vui được góp phần nhỏ bé của mình trong việc đổi mới lòng con người và niềm vui được đổi mới chính bản thân mình trong đức tin.

Nhưng trước khi dấn thân vào sứ mệnh quan trọng này, giáo lý viên không thể không biết đến những điều căn bản liên quan tới nhiệm vụ phải thi hành. Điều này đòi hỏi giáo lý viên phải được huấn luyện kỹ càng những chiều kích căn bản cho sứ vụ mình. Việc huấn luyện khai tâm và trường kỳ cho giáo lý viên được triển khai theo 4 trục chính sau đây:

1. Phát triển đời sống thiêng liêng : Giáo lý viên là người giúp người khác thăng tiến đời sống làm người và làm con Thiên Chúa trong Giáo Hội theo khuôn mẫu Đức Giêsu. Do đó giáo lý viên phải tìm mọi cách để đào sâu một kinh nghiệm sâu xa về Thiên Chúa.

2. Huấn luyện nhân bản: Đời sống thiêng liêng, kiến thức thần học và việc am tường các quy tắc sư phạm là những yếu tố rất quan trọng trong việc dạy giáo lý. Nhưng nếu có tất cả những điều đó mà thiếu một nền nhân bản cần thiết thì e rằng giáo lý viên sẽ gặp rất nhiều trở ngại trong phận vụ của mình. Việc huấn luyện nhân bản cho giáo lý viên phải liên tục và nghiêm túc. Một số người có thiện chí, nhiệt tình trong sứ mệnh, nhưng vì thiếu các đức tính nhân bản mà đã vô tình gây đổ vỡ hoặc làm cản trở cho những người thiện chí khác.

3. Trau dồi những kiến thức thần học: Việc trau dồi kiến thức thần học dựa trên sự hiểu biết, lắng nghe và thi hành Lời Chúa. Lời Chúa giúp hiểu các Mầu nhiệm đức tin, chân lý về Thiên Chúa, về con người và về số phận của con người một cách sinh động và riêng tư. Việc huấn luyện này không nhằm phát triển những kiến thức trừu tượng, nhưng là đón nhận ánh sáng của mạc khải và minh họa ra bằng cuộc sống cụ thể. Những kiến thức thần học sau khi được học hỏi, phải được truyền đạt bằng những ngôn từ đơn giản, chính xác và cụ thể.

4. Huấn luyện sư phạm: Việc huấn luyện sư phạm giúp giáo lý viên dạy giáo lý có hiệu qủa. Nhờ việc ứng dụng các phương pháp, các nguyên tắc sư phạm, các quy luật tâm lý và suy luận mà giáo lý viên dễ dàng truyền đạt nội dung của giáo lý hơn.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!