Giáo lý viên cần thiết phải làm và phải có những gì?
NHỮNG CÂU HỎI CỦA GIÁO LÝ VIÊN GIÁO XỨ TÂN PHÚ (SAIGON) VỀ SƯ PHẠM GIÁO LÝ VÀ NHỮNG CÂU TRẢ LỜI CỦA LM. Pr. NGUYỄN VĂN HIỀN, TRƯỞNG BAN GIÁO LÝ TGP. SAIGON, NGÀY 2.8.2017
SƯ PHẠM GIÁO LÝ – 30 CÂU HỎI – ĐÁP
I. VỀ VIỆC DẠY GIÁO LÝ
1. Hỏi: Mục đích của việc dạy giáo lý là gì?
Đáp: Mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý là giúp cho học viên gặp gỡ và kết hợp mật thiết vói Chúa Giêsu, nhờ Chúa Giêsu kết hợp với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, tức kết hợp với Ba Ngôi Thiên Chúa.
2. Hỏi: Giáo lý viên cần thiết phải làm và phải có những gì?
Đáp: Những điều cần thiết GLV phải làm là thông truyền Mặc khải và giáo dục đức tin. Mặc khải duy nhất và trọn vẹn là Chúa Giêsu nên thông truyền Mặc khải là loan báo Chúa Giêsu. Giáo dục đức tin là giúp cho con người mở lòng đón nhận Chúa Giêsu để nên giống và nên một với Người. Vì thế, những điều cần thiết GLV phải có là biết Thiên Chúa và biết con người.
3. Hỏi: Điểm đến của việc dạy giáo lý là gì?
Đáp: Điểm đến cuối cùng khi dạy giáo lý là học viên nhận biết, yêu mến, nên giống và nên một với Chúa Giêsu (Thiên Chúa), nhờ đó yêu mến, phục vụ tha nhân và môi trường, cách riêng là giúp họ nhận biết Chúa để được cứu rỗi. Nói cách khác, việc dạy giáo lý nhắm đến hiệp thông mang tính truyền giáo.
4. Hỏi: Chúng ta phải làm gì để sống kết hiệp với Chúa?
Đáp: Để sống kết hiệp với Chúa Kitô, chúng ta phải gặp gỡ Người bằng cách lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa để ở lịa trong tình yêu của Người – nghĩa là ra khỏi chính mình và trở nên gần gũi hơn với Thiên Chúa đồng thời làm cho Thiên Chúa nên gần gũi hơn với mọi người.
II. VỀ GIÁO LÝ VIÊN
5. Hỏi: Giáo lý viên là ai?
Đáp: Là chứng nhân, là người làm chứng cho Tin Mừng, là thầy dạy, người giúp cho học viên biết sự thật này là Thiên Chúa yêu thương họ và đã cho Con Một của Người chết trên Thánh giá để được cứu độ, và là sứ giả, người được Chúa kêu gọi để ở lại với Người và sai đi loan báo Tin Mừng.
6. Hỏi: Giáo lý viên tốt là người thế nào?
Đáp: Giáo lý viên tốt là người sống hiệp thông với Chúa và có khả năng dẫn người ta đến sự hiệp thông với Chúa, với tha nhân và môi trường.
7. Hỏi: Yếu tố quan trọng nhất của giáo lý viên là gì?
Đáp: Theo ĐTC Phanxicô, giáo lý viên phải luôn trở về với lời loan báo Tin Mừng đầu tiên “Chúa yêu bạn”, để cảm nghiệm sâu xa tình yêu của Thiên Chúa cũng như để cho tình yêu ấy thúc bách mình ra khỏi chính mình và đến với anh chị em hầu làm cho họ nên gần gũi với Chúa (xem Sứ điệp ĐTC gửi cho Đại hội Quốc tế về Giáo lý tại Buenos-aires, Argentine từ 11-14/7/2017).
8. Hỏi: Giáo lý viên trau dồi kiến thức giáo lý ở đâu?
Đáp: Nội dung giáo lý chứa đựng trong sách GLHTCG, gồm 4 phần: tín lý, phụng vụ, luân lý và cầu nguyện. Nội dung này được thâu tóm trong cuốn Toát Yếu GLHTCG và được làm cho dễ hiểu trong bản Hỏi-Thưa GLHTCG. Bạn có thể tìm để tự học hoặc tham dự các lớp đào tạo giáo lý viên của BGL.TGP, tại một trong năm cơ sở sau: Sài Gòn (TTMV), An Nhơn, Tân Hương, Bùi Môn và Tam Hải.
9. Hỏi: Băn khoăn vì “không sống đúng những điều mình dạy”, giáo lý viên phải làm thế nào?
Đáp: Băn khoăn của bạn là một băn khoăn thánh thiện. Tuy nhiên, nếu đợi cho đến khi mình hoàn thiện, thì đến khi nào chúng ta mới có thể giúp đỡ người khác. Vì thế, khi dạy giáo lý, chúng ta cần khiêm tốn và tối thiểu có ý muốn ngay lành; đó là cố gắng tuân giữ những điều mình dạy, dù chưa thể thực hiện trọn vẹn ở đây và lúc này.
III. VỀ SƯ PHẠM GIÁO LÝ
10. Hỏi: Sư phạm giáo lý là gì?
Đáp: Là đường lối hay cách thức truyền đạt chân lý đến với người tìm kiếm Chúa. Thông thường có hai cách truyền đạt: một là cách đi xuống; hai là cách đi lên. Đi xuống là lối đi từ chân lý đến kinh nghiệm, từ nguyên tắc đến áp dụng, từ Sách Thánh đến cuộc sống (diễn dịch). Đi lên là lối đi từ cuộc sống đến Sách Thánh, từ những áp dụng cụ thể đến những nguyên tắc chung, từ kinh nghiệm đến chân lý hay giáo thuyết (quy nạp). Trong việc dạy giáo lý, chúng ta thường sử dụng cách đi lên, khởi đi từ con người với kinh nghiệm sống của họ.
11. Hỏi: Tại sao giáo lý viên phải đặt trọng tâm nơi người học giáo lý?
Đáp: Để có thể gặp gỡ và tỏ bày tình yêu của Thiên Chúa cho con người, Thiên Chúa đã cử Con Một của Người đến trong trần gian làm người và nên giống con người mọi sự, ngoại trừ tội lỗi, để có thể nói với con người bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ.
Vì thế, muốn con người nhận biết và đón nhận tình thương của Thiên Chúa thì giáo lý viên không có cách nào khác hơn. Giáo lý viên phải hiểu tâm lý, hoàn cảnh, khả năng và nhu cầu của học viên để có thể truyền đạt không chỉ bằng môi miệng nhưng từ trái tim đến trái tim. Phải tôn trọng học viên vì họ là chủ thể của công cuộc giáo dục, là yếu tố chính yếu quyết định thành quả của giáo dục.
12. Hỏi: Giáo lý viên có nên khảo thuộc lòng bài cũ đầu giờ không?
Đáp: Việc khảo bài cũ ở đầu giờ khiến các em sợ hãi và làm mất hứng khởi ngay từ đầu buổi gặp gỡ giáo lý. Nên chăng cho các em chia sẻ việc thực hiện quyết tâm trong tuần, rồi cho các em nhắc lại nội dung chính của buổi gặp gỡ trước (có thể dùng những câu hỏi thưa của buổi gặp gỡ trước). Sau đó, giáo lý viên chuyển sang đề tài mới để có sự liên tục và tiếp nối giữa các buổi gặp gỡ giáo lý.
13. Hỏi: Muốn dạy giáo lý bằng câu chuyện Thánh Kinh, phải làm thế nào?
Đáp: Dạy giáo lý bằng cách kể chuyện Thánh Kinh là cách dạy giáo lý tuyệt hảo. Tuy nhiên, để có thể khám phá và trình bày được thông điệp của câu chuyện hay bản văn Thánh Kinh, bạn cần phải học cách chú giải hay giải thích một bản văn Thánh Kinh.
Thông thường, người ta dùng sự tương phản giữa khởi đầu và kết cuộc của câu chuyện, để tìm kiếm lý do của sự chuyển biến hay sự thay đổi này. Lý do ấy khám phá thông điệp của bản văn. Ví dụ, khi Chúa Giêsu đến thăm bà mẹ vợ ông Phêrô, bà bị sốt nặng, nằm trên giường, buồn vì chẳng làm được gì cho Ngài, nhưng kết cuộc bà đã trỗi dậy và phục vụ Ngài. Vì sao có chuyển biến này? Thưa vì Chúa Giêsu đã bước đến gần, cầm lấy tay bà, đỡ dậy và cơn sốt dứt, bà vui vẻ phục vụ Ngài. Sứ điệp: Qua câu chuyện này, thánh Mác-cô như muốn nói với chúng ta: Chúa Giêsu thật tốt lành và quyền năng!
14. Hỏi: Các bạn ngoài Công giáo hiểu chưa đúng về Cựu Ước, chẳng hạn về trình thuật sáng tạo, về sự giáng phạt của Thiên Chúa vv… thì phải làm thế nào?
Đáp: Bạn hãy giúp cho người ấy hiểu mối tương quan giữa Cựu ước và Tân ước. Cựu ước (giao ước cũ) chuẩn bị và mở đường cho Tân ước (giao ước mới) và Tân ước hoàn thiện Cựu ước. Vì thế, chân lý được tỏ bày trong Cựu ước chưa hoàn hảo, cần được hoàn thiện và làm cho hoàn hảo bởi Tân ước nghĩa là bởi giao ước mới được ký kết trong máu của Chúa Giêsu.
15. Hỏi: Làm thế nào để quân bình giữa việc dạy giáo lý và sinh hoạt giáo lý?
Đáp: Vấn đề ở đây không phải là quân bình, nhưng là sự tương hỗ giữa nội dung giáo lý và hình thức trình bày. Để giúp cho học viên lĩnh hội được nội dung giáo lý thường mang tính trừu tượng, giáo lý viên phải dùng một hoạt động nào đó (activity) để giúp học viên hình thành khái niệm trước. Nhờ đó, khi tiếp cận với nội dung giáo lý, họ sẽ “ngộ” hay hiểu ra ngay. Ví dụ: giáo viên nhạc thường hướng dẫn cho học viên vỗ tay và đếm số để giúp họ hình thành khái niệm; nhờ đó, hiểu được trường độ của dấu tròn kéo dài bằng hai dấu trắng, bằng bốn dấu đen và tám dấu móc đơn.
16. Hỏi: Giáo lý viên phải triển khai một bài giáo lý thế nào?
Đáp: Khi triển khai một buổi học giáo lý, giáo lý viên cần có bốn bước trọng tâm; đó là các bước:
a/ Công bố Lời Chúa
b/ Quan sát và tìm hiểu ý nghĩa của bản văn Lời Chúa
c/ Nội tâm hóa hay đón nhận Lời Chúa: học viên thinh lặng, sinh hoạt và đối thoại mục vụ với giáo lý viên.
d/ Cầu nguyện giữa giờ và quyết tâm sống Lời Chúa.
– Để dẫn vào 4 bước này, glv có thể thêm phần tiếp đón + cầu nguyện đầu giờ + chia sẻ thực hiện quyết tâm tuần trước + kinh nghiệm sống để dẫn vào chủ đề mới.
– Để kết 4 bước này, glv có thể thêm phần củng cố + ghi nhớ (học thuộc lòng) + cầu nguyện kết thúc.
Giáo lý viên cần tiến hành nhanh gọn các bước trước và sau, để dành thời gian cho các bước trọng tâm.
17. Hỏi: Phương pháp dạy giáo lý nào là phương pháp tốt nhất?
Đáp: Phương pháp tốt nhất là phương pháp đem lại hiệu quả cao nhất.
18. Hỏi: Làm thế nào để giúp các em tập trung sự chú ý vào nội dung giáo lý?
Đáp: Các em không thể tập trung lâu và theo kịp những lý luận dài. Vì thế, cần đi thẳng vào trọng tâm, nên dùng câu vắn và đơn giản. Tốt nhất là giáo lý viên đối thoại với các em và dùng các câu hỏi gợi mở (gợi ý và mở đường) để giúp các em dễ theo dõi. Có thể dùng trò chơi, câu đố, ô chữ, màn hình, xếp giấy,… như những hoạt động (activity) để hình thành khái niệm trước khi giúp các em tiếp cận nội dung giáo lý. Ví dụ: Giáo lý viên cho các em nhắm mắt một lúc rồi cho các em mở mắt ra và chia sẻ những cảm nhận khó chịu khi ở trong bóng tối để giúp các em hình dung được phần nào nỗi khó khăn của người khiếm thị và niềm vui của họ khi được sáng mắt.
19. Hỏi: Phải ứng xử thế nào với các em hiếu động và thụ động trong lớp?
Đáp: Hãy khích lệ các em thụ động tham gia và giao việc cho em hiếu động. Hãy học cách ứng xử của Chúa Giêsu với đám đông xô đẩy người phụ nữ ngoại tình xuống trước mặt Ngài. Để cho đám đông “hiếu động” trầm tĩnh lại, Chúa Giêsu chẳng nói gì, chỉ âm thầm cúi xuống, viết trên đất. Rồi khi họ thúc Chúa Giêsu phải trả lời, thì Ngài chỉ nói một câu vắn rồi ngồi xuống tiếp tục viết trên đất để tạo cơ hội cho họ suy nghĩ và chọn lựa một giải pháp thích hợp.
Còn đối với người phụ nữ “thụ động”, Chúa Giêsu hỏi han và khích lệ chị can đảm bước vào đời sống mới.
20. Hỏi: Phải làm thế nào để không nóng giận trong khi đứng lớp?
Đáp: Nóng giận là cảm xúc (tình cảm + bức xúc) nên khi đã bộc lộ thì khó mà ngăn cản được, dẫu có ngăn được thì bạn có thể bị ức chế.
Vì thế, bạn cần dự phòng hay phòng bị từ xa bằng cách thay đổi cách nghĩ, tránh nghĩ tiêu cực theo kiểu “bó tay.com”, trái lại nên có suy nghĩ lạc quan và tích cực; nhờ đó, tâm tình tiêu cực được hóa giải. Khi cảm thấy bức xúc, b ạn nên thở sâu và chậm lại, để điều tiết xúc cảm của mình.
Nói tóm lại, bạn cần chữa tính nóng giận bằng cách nghĩ tích cực, thậm chí phải biết đùa hay tiếu lâm, để giải tỏa bầu khí căng thẳng gây nóng giận. Ví dụ: Khi họ đạo mở tiệc mừng 50 năm thành lập, một nhóm trong họ đạo đòi bày cỗ hẳn hoi vì trong các vị ân nhân có nhiều bậc vị vọng, nhóm khác chủ trương mỗi người một hộp, vừa đơn giản vừa tránh lãng phí do không biết đích xác số người tham dự. Cả hai nhóm quay sang cha xứ quyết định thế nào? Cha xứ cười và bảo: “Xem ra học thần học còn dễ hơn quyết định ăn cách nào!”. Mọi người cười rộ lên. Trong bầu khí này, cha xứ mới đề nghị một giải pháp khả dĩ cả hai phía đều có thể chấp nhận.
21. Hỏi: Giáo lý viên cần có kiến thức nào để dạy cho học sinh năm 3?
Đáp: Bạn không rõ năm ba của bộ giáo lý nào? Nếu là bộ giáo lý Hiệp thông thì năm ba là năm cuối của giáo lý thiếu nhi 1 (9 tuổi). Trong năm học này, các em chuẩn bị lãnh nhận bí tích Hòa Giải và Thánh Thể. Do đó, giáo lý viên cần nắm vững giáo lý về điều răn mới và th ập điều răn cũng như giáo lý về hai bí tích này.
IV. VỀ KỸ NĂNG
22. Hỏi: Làm thế nào để dạy giáo lý…
a) … hấp dẫn, cuốn hút, các em thích và ham học giáo lý?
b) … sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng?
c) … sao cho các em gần gũi với Chúa, thánh thiện và ngoan hiền hơn?
Đáp: Câu này có hơn 20 anh chị đặt câu hỏi.
a) Phần a) liên quan đến những việc cần làm trước giờ giáo lý.
b) Phần b) liên quan đến những việc cần làm trong giờ giáo lý.
c) Phần c) liên quan đến tác động hoặc ảnh hưởng sau giờ giáo lý.
Muốn hấp dẫn và lôi cuốn các em đến với giáo lý, thì trước hết giáo lý viên phải có khả năng dạy giáo lý vui tươi, sinh động. Muốn dạy giáo lý cách vui tươi và sinh động thì giáo lý viên tránh độc thoại hay thuyết trình, trái lại, nên tiến hành đối thoại với các em bằng cách đặt những câu hỏi gợi mở và đơn giản, nghĩa là tạo điều kiện cho các em tham gia qua những hoạt động giáo lý như truyện kể, câu đố, ô chữ, xếp hình, hình vẽ, trò chơi… Tuy nhiên, các hoạt động này phải hỗ trợ cho việc trình bày nội dung giáo lý.
Muốn cho việc học giáo lý của các em có ảnh hưởng tích cực trên gia đình, trường học, khu xóm… giáo lý viên phải dạy theo hướng giáo dục toàn diện bằng cách hoàn tất ba việc này: “thông tin (inform), huấn luyện (form) và biến đổi (transform)”. Giáo lý viên không dừng lại ở “ý chính và tâm tình” mà còn lưu ý đến “hành động” (làm gì sau buổi gặp gỡ giáo lý?). Việc dạy giáo lý phải giúp học viên vừa mở trí và mở lòng, vừa mở rộng đôi tay và mở rộng tương giao. Giáo dục là “toàn diện” (integrated) khi tác động trên các yếu tố làm nên con người; “toàn vẹn”(hollistic) khi tác động trên cả bản thân lẫn môi trường sống (bản thân, gia đình, khu xóm, trường học…).
V. VỀ VIỆC DẠY GIÁO LÝ THIẾU NIÊN
23. Hỏi: Phải dạy giáo lý thiếu niên thế nào?
Đáp: Các em ở tuổi thiếu niên (13 – 15, 16 – 18) lớn hơn các em thiếu nhi (7 – 9; 10 – 12) trên bình diện thể lý, trí tuệ, tình cảm, tương giao và kinh nghiệm sống. Vì thế, cần thích ứng trong cả nội dung và hình thức trình bày giáo lý.
Nội dung giáo lý tuổi thiếu niên phải hỗ trợ các em trong tiến trình hình thành nhân cách (tôi là ai?) của lứa tuổi này và phương thức trình bày phải tạo điều kiện cho các em tham gia, cho các em trải nghiệm. Phương pháp thích hợp đối với tuổi này là phương pháp Xem-Xét-Làm. Xem là nhìn vào kinh nghiệm. Xét là suy nghĩ dưới ánh sáng của lý trí và đức tin (Lời Chúa). Làm là hành động để giải quyết vấn đề hay sống đức tin trong hoàn cảnh cụ thể.
24. Hỏi: Giáo lý viên cần biết những gì về tâm lý của tuổi thiếu niên?
Đáp: Tuổi này là tuổi mơ mộng, mơ cả ban ngày (daydream) và sống thiên về tình cảm. Do đó, các em sẽ không thích nghe thuyết giảng nhưng muốn khám phá và học hỏi từ những trải nghiệm của mình.
Tuổi này tỏ ra ngang bướng, bất cần nhưng tận đáy lòng rất cần ta giúp đỡ và mang trong lòng những khát vọng về cuộc sống có ý nghĩa và trách nhiệm.
Đừng ra lệnh và quyết định thay nhưng tạo điều kiện để các em trải nghiệm và khám phá các giá trị cần thiết để lớn lên. Bao dung với các em nghĩa là chấp nhận cho các em sai lầm và có cơ hội học từ những sai lầm của mình. Đừng tìm thắng thua với trẻ nhưng là cảm thông và hướng dẫn.
25. Hỏi: Điều giáo lý viên cần làm và cần tránh khi dạy giáo lý cho thiếu niên?
Đáp: Tránh giáo điều, độc đoán và quy kết vì các em yêu thích tự do. Hãy là người hướng dẫn mà các em yêu thương và tín nhiệm, cảm thông và nâng đỡ.
Tránh thành kiến, dán nhãn, xếp loại các em và trói chặt các em trong các khung – nhãn – loại ấy. Phải chân nhận rằng ai cũng có thể trở nên tốt; các em hôm nay xấu, nhưng mai vẫn có thể trở nên tốt, nhờ đó nhân hậu, nhẫn nại, bao dung và luôn cho các em cơ hội để trở nên tốt hơn.
Tránh coi các em là con nít, cũng đừng vội coi các em là người lớn; đơn giản là các em đang lớn lên. Các em cũng có những khó khăn trong giai đoạn chuyển tiếp này. Hãy yêu thương và tôn trọng các em là những con người có phẩm giá và tự do, là hình ảnh của Thiên Chúa luôn mang tận đáy lòng khát khao chân thiện mỹ.
26. Hỏi: Làm thế nào giúp cho các em thiếu niên có đủ hành trang sống đức tin trong xã hội tôn thờ cái tôi và vật chất?
Đáp: Ngay cả các linh mục và tu sĩ là những người đã được huấn luyện nhiều năm trước khi ra đi phục vụ. Thế mà nhiều vị vẫn không thoát khỏi ảnh hưởng của chủ nghĩa hưởng thụ và ích kỷ, vênh vang và tự đắc. Điều này giúp ta bao dung và nhẫn nại hơn với các em thiếu niên. Tập sống chậm lại, sống giản dị, biết quan tâm giúp đỡ người khác, khổ chế và hy sinh từ những cái nhỏ bé trong đời sống hằng ngày là những cách ứng phó hữu hiệu với lối sống hưởng thụ ích kỷ. Cần giúp các em khám phá ra giá trị của hồng ân sự sống, để biết sống có ý thức và trách nhiệm. Hãy giúp các em khám phá các giá trị để biết hy sinh và cống hiến bởi yêu mến và cảm phục. Các em sẵn sàng hy sinh và khổ chế vì đón nhận một giá trị lớn hơn.
VI. VỀ NỘI DUNG GIÁO LÝ
27. Hỏi: Làm sao biết và sống theo thánh ý Chúa?
Đáp: Trước hết, Thiên Chúa dựng nên con người để được sống và sống với Chúa. Vậy tất cả những gì nghịch lại sự sống của con người, ngăn cản họ sống với Thiên Chúa đều nghịch lại thánh ý của Thiên Chúa.
Thánh ý của Thiên Chúa trong Cựu Ước được thể hiện qua lề luật, đặc biệt là thập điều khắc ghi trên hai bia đá, nhưng trong Tân Ước, Chúa Giêsu là “con đường, là sự thật và là sự sống”, chính Ngài là lề luật. Điều Ngài dạy là thánh ý Thiên Chúa. Nếu không làm điều Chúa Giêsu dạy là nghịch lại thánh ý Chúa.
Tuy nhiên, để có thể sống như Chúa Giêsu dạy trong từng hoàn cảnh, chúng ta phải học “phân định” (discerment) để biết đâu là thánh ý Chúa dành cho ta ở đây và lúc này. Thánh Y Nhã Chúa giúp cho chúng ta những cột mốc để phân định: có cái tốt, tốt hơn và tốt nhất. Giữa điều xấu và điều tốt, phải chọn điều tốt; trong những điều tốt, phải chọn điều tốt hơn; trong những điều tốt hơn, phải chọn điều tốt nhất là điều giúp chúng ta chịu sỉ nhục với Đức Kitô.
28. Hỏi: Nguồn gốc của tội là gì?
Đáp: Sau khi nguyên tổ phạm tội, con người mất đi sự thánh thiện và công chính nguyên thuỷ. Thay vì qui hướng về Thiên Chúa như căn nguyên và cùng đích của mình, thay vì hướng về và làm điều lành, con người hướng về v à l àm điều dữ. Nguyên tội làm cho con người bị suy yếu và dễ nghiêng chiều và làm điều dữ, nghịch lại với Thiên Chúa.
Hơn nữa, Thiên Chúa còn dựng nên thiên thần: thần lành giúp người ta phụng sự Thiên Chúa, thần dữ xúi giục con người chống lại Thiên Chúa. Tuy nhiên, con người vẫn có tự do để ưng thuận và từ chối làm hay không làm điều ma quỷ xúi giục.
Tội được hiểu như việc con người nghe theo lời xúi giục của ma quỷ, lạm dụng tự do mà bất tuân cùng Thiên Chúa, làm điều nghịch lại Thiên Chúa.
29. Hỏi: Chúng ta đã có đức tin, sao vẫn sống như người không có đức tin?
Đáp: Vì đức tin vừa là hồng ân, vừa là một trách nhiệm. Đức tin phải được nuôi dưỡng và vun trồng bởi lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa, lãnh nhận các bí tích và tham gia vào đời sống cộng đoàn.
30. Hỏi: Phải trả lời thế nào trước lập luận “đạo nào cũng tốt”?
Đáp: Nếu lương tâm ngay thẳng của người ấy tin như thế, thì bạn khuyên họ cứ sống như vậy. Tuy nhiên, khi lương tâm người ấy mách bảo có một thứ đạo tốt hơn hoặc tốt nhất thì họ đừng át đi tiếng lương tâm, nhưng hãy can đảm lên đường tìm kiếm thứ đạo ấy, thứ đạo dẫn chúng ta ra khỏi sự ích kỷ của bản thân, mở chúng ta ra với thế giới và dẫn chúng ta đến một cuộc sống đầy ý nghĩa và ngập tràn hạnh phúc thật, đời này lẫn đời sau. Nếu người ấy muốn tìm hiểu niềm tin Kitô giáo, bạn hãy sẵn đồng hành với họ.