I – TÔMA TÁI KHÁM PHÁ TRIẾT HỌC TỰ NHIÊN CỦA ARISTOTE
Thánh Tôma Aquinô (1224 – 1274) dạy thần học trong khuôn viên Tòa Thánh và tại các Đại Học ở Naples và Paris. Các tác phẩm hàn lâm của ngài đáp ứng thử thách mà triết lý Aristote đã gây nên cho Giáo hội. Trước thế kỷ XIII, thần học gia có khuynh hướng nghiêng về truyền thống của thánh Augustinô, và bi quan về khả năng bản tính tự nhiên của con người có thể đạt đến ơn cứu rỗi hay hoàn hảo luân lý bên ngoài phạm vi của ân sủng. Trong triết học, các học giả này dùng cách tiếp cận của Platô, vốn thân thiện hơn với niềm tin về sự bất tử của linh hồn và tạo dựng của vũ trụ (Aristote cho rằng vũ trụ có sẵn từ muôn đời). Ngoài các sáng tác về logic, Aristote ít được biết đến trong thế giới Tây phương. Trong cuối thế kỷ XII và đầu thế kỷ XIII, tri thức về Aristote được phục hồi, khởi đầu từ các tiếp xúc với Hồi giáo (Islam) và qua những bản dịch trực tiếp từ tiếng Hy-lạp sau đó. Điều này đã tạo nên một làn sóng hưng phấn mới, đặt biệt là về kỳ vọng mà triết học tự nhiên Aristote sẽ mang lại cho sự phát triển của khoa học; thế nhưng, cùng lúc đó cũng có những nỗi ưu tư về khả năng phù hợp của học thuyết này với niềm tin Kitô giáo. Tôma đã thay đổi vài điểm quan trọng trong triết lý Aristote vốn làm cho nó không chỉ phù hợp với thần học, mà thực tế còn cung cấp một luận cứ vững chắc hơn cho các chủ đề tôn giáo cổ điển.
Một quy tắc có thể giúp cho việc nắm bắt tư tưởng của Tôma là: Ân sủng không tiêu hủy nhưng lại bồi đắp thêm cho bản tính tự nhiên. Mặc dù Tôma chấp nhận khái niệm nguyên tội, nhưng ngài không có cái nhìn bi quan về sự tổn thương gây cho tri thức và ý chí của con người như các học giả thuộc trường phái Augustinô. Ngược lại, điểm khởi đầu của Tôma là sự tương đồng kỳ diệu tồn tại giữa bản tính tự nhiên của con người và bản tính thần linh của Thiên Chúa. Trong hai chức năng lý trí và ý chí, con người phản ánh nguồn gốc thần linh của mình một cách gần gũi hơn mọi loài khác trong vũ trụ. Đây là một cách nhìn lạc quan về bản tính tự nhiên của con người. Cho dù con người phải gánh chịu phần nào sự mờ mịt về tri thức và yếu đuối về ý chí, nhưng vẫn còn nền tảng thiện hảo căn bản – tuy không thể tự mình đạt ơn cứu rỗi nhưng đủ để phát huy các nhân đức tự nhiên như khôn ngoan, can đảm, tiết độ và công bằng. Ân sủng thần linh cần cho ơn cứu rỗi thì được xem như là sự chữa lành và hỗ trợ các khuynh hướng nội tại tìm về mục đích của hạnh phúc tối hậu của con người.
Thánh Tôma phân biệt bốn loại quy luật: luật vĩnh cửu, thiên luật, luật tự nhiên, và nhân luật hay luật xã hội. Luật tự nhiên ám chỉ sự ràng buộc luân lý (khác với xu hướng hay nhu cầu mù quáng), đặc thù đối với các thụ tạo qua lý trí tham dự vào luật vĩnh cửu mà Thiên Chúa dùng để điều khiển thế giới. Với những loài vô tri, Thiên Chúa đã đặt để một sự phác họa mà qua đó chúng đạt đến hầu hết cùng đích của chúng mà không cần phải có sự chọn lựa. Lý trí con người có khả năng biện phân các tiêu chí do Thiên Chúa tạo nên, vốn được ghi khắc vào trong bản tính con người hầu để lôi cuốn con người chọn cuộc sống phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa và mang lại hạnh phúc cho mình.
Trên nguyên tắc, Thiên luật ám chỉ mạc khải cụ thể về các ràng buộc luân lý mà cá nhân có thể hiểu, qua sự biện phân về luật tự nhiên. Mạc khải cụ thể này giúp làm soi sáng những kẻ còn hoài nghi, không có đủ thời gian hay khả năng nắm bắt về các ràng buộc luân lý của luật tự nhiên. Các luật về nghi thức đặc thù như phụng tự hay thanh tẩy tuy có nguồn gốc thần linh, nhưng lại không có sự ràng buộc luân lý. Nhân luật mới thật sự là do lý trí và ý chí con người tạo nên, nhưng muốn có sự ràng buộc lương tâm thì nhân luật cần đạt các chỉ tiêu căn bản của luật: phải là một mệnh lệnh hợp lý, được ban hành chính thức bởi nhà cầm quyền, và mang lại lợi ích cho cộng đoàn. Hầu hết các phán đoán của loại luật này đến từ quyền lực ban hành, chứ không phải do bản tính tự nhiên của chúng.
Tôma khẳng định quy luật (đặc biệt là luật tự nhiên) là khía cạnh thiết yếu của một học thuyết luân lý, nhưng còn các yếu tố khác nữa. Đạo đức học cần phải xem xét khả năng rèn luyện nhân đức (tư cách sẵn sàng để thi hành điều tốt và đúng với sự sung mãn của con người), và huấn luyện lương tâm (phản ứng tự nhiên như hợp lý giữa khía cạnh thiện và ác của một hành vi). Ngoài ra còn có các yếu tố như tình huống luân lý, áp lực hợp pháp của cộng đồng trên hành vi cá nhân về những gì là phù hợp và mang lại lợi ích cho cộng đoàn. Là con người, sống trong thân xác yếu đuối, lý trí và ý chí của chúng ta cần sự trợ giúp thần linh để cho bản tích tự nhiên được hoàn thành và trở nên hoàn hảo hơn. Đây là yếu tố ân sủng của đạo đức học luật tự nhiên.
II – TÔMA PHÂN BIỆT CÁC MỨC ĐỘ CỦA LUẬT TỰ NHIÊN
Đối với Tôma, đạo đức học thì luôn tiềm tàng một mệnh lệnh căn bản: Hãy tìm kiếm sự thiện và lánh xa sự dữ. Thế nhưng, bản tính con người thường bị lôi cuốn bởi những gì có vẻ tốt lành và hay chống lại những gì xuất hiện xấu xa từ bên ngoài. Do đó, nguyên tắc đạo đức trên đây cần phải được cụ thể hóa chi tiết hơn sao cho phù hợp với bản tính tự nhiên của con người. Theo nhãn quan của Tôma, vì con người được Thiên Chúa trang bị cho những khuynh hướng tự nhiên vốn tìm kiếm hạnh phúc và sự thiện hảo tối hậu, thì luật tự nhiên phải được hiểu như là mệnh lệnh “hoàn thành bản tính tự nhiên của mình”. Nếu Thiên Chúa đã muốn cho con người đạt hạnh phúc qua bản tính tự do của mình, thì con người cần phải chọn lựa hành động như thế nào để bản tính này được phát huy và đạt đến cùng đích tối hậu. Nhưng vì con người còn bị chi phối bởi nhiều xu hướng tự nhiên khác nhau, do đó cần phải có một triến trình lý luận giúp lý trí thẩm tra khuynh hướng nào vốn sẽ thật sự giúp ta đạt đến hạnh phúc thật sự và khuynh hướng nào sẽ gây nên sự thiếu hụt, thái quá hay hỗn loạn vốn sẽ đưa đến sự khuất tất. Đây là khía cạnh tập luyện các nhân đức.
Tôma phân biệt ba loại khuynh hướng tự nhiên, và mỗi loại cho ta thấy mức độ ràng buộc khác nhau của luật tự nhiên. Trước tiên, có những khuynh hướng mà loài người cùng chia sẻ với mọi loài thụ tạo khác, tiêu biểu là khao khát muốn tiếp tục duy trì sự sống. Mệnh lệnh luân lý phù hợp trong trường hợp này bao gồm các cấm đoán về tự vẫn, giết người, hủy hoại cơ thể và bổn phận phải làm những điều giúp cho cá nhân và tha nhân tiếp tục tồn tại.
Có những khuynh hướng mà loài người cùng chia sẻ với các loài động vật, tiêu biểu là ước muốn được phát triển, duy trì nòi giống và dùng sức mạnh của mình để cảm thức và di chuyển. Các mệnh lệnh luân lý phù hợp ở đây bao gồm: bổn phận chăm sóc con cái, cũng như sự cấm đoán về các hành vi đe dọa hay ngăn trở sự duy trì nòi giống.
Cuối cùng, có những khuynh hướng đặc thù cho con người vì chúng ta sở hữu lý trí và ý chí, như sự khao khát muốn hiểu biết và đời sống tập thể trong cộng đoàn xã hội. Các mệnh lệnh luân lý phù hợp sẽ bao gồm sự cấm đoán về gian dối và gây tổn hại cho những kẻ sống chung với chúng ta, cùng với bổn phận phải tôn trọng bậc lão thành và phát huy tài năng của chúng ta.
Ngoài ra, lý trí con người còn có thể phân biệt giữa những ràng buộc tích cực (bắt buộc) và tiêu cực (cấm đoán). Mệnh lệnh cấm đoán thì được xem như là phổ quát và ràng buộc cho tất cả mọi người và mọi nơi. Mặt khác, mệnh lệnh bắt buộc chỉ đòi hỏi cá nhân phải tuân giữ tùy theo tình huống và khả năng của mình. Ví dụ, trong khi tôn trọng sự thật, chúng ta không buộc phải nói ra tất cả các sự thật mà chúng ta biết; trái lại, chúng ta không được nói dối hay cố ý đánh lừa người có quyền biết sự thật. Cũng thế, chúng ta không buộc phải ăn hay luôn có khả năng cho kẻ khác ăn, nhưng chúng ta không được cố ý tuyệt thực hay bỏ đói kẻ khác.
Như thế, các mệnh lệnh thứ cấp của luật tự nhiên cho thấy tự lý trí con người có thể suy ra những đòi hỏi luân lý dựa trên bản tính tự nhiên của mình. Chúng ta có thể tiếp tục khai triển các mệnh lệnh thứ cấp ở mức độ chính xác và chi tiết hơn về những gì có thể giúp hay ngăn trở con người đạt đến hạnh phúc tối hậu. Luật tự nhiên không cần tính toán với mức độ chính xác ngang nhau cho mọi tình huống, nhưng cho ta một cách biện phân đáng tin cậy để đạt mức độ khách quan, phổ quát và khả tri về các chủ đề luân lý. Một nhận định về luân lý đòi hỏi không chỉ tri thức về những gì là tốt và đúng, mà còn cả các yếu tố giúp đặt con người vào tư thế sẳn sàng cho để chọn các điều đó, như thói quen tập luyện nhân đức, luật pháp và tập quán xã hội, trách nhiệm về các chọn lựa cá nhân, cùng với sự trợ giúp thần linh qua ân sủng của các nhân đức siêu nhiên nữa.
III – OCKHAM: LUẬT TỰ NHIÊN DỰA VÀO THÁNH Ý THIÊN CHÚA
Trong thế kỷ XIV, có nhiều phản ứng tiêu cực về hợp đề của Thánh Tôma, tiêu biểu là quan điểm duy danh siêu hình của triết gia William Ockham (1290 – 1349). Học thuyết duy danh chối bỏ hoàn toàn sự tồn tại của các “loại tự nhiên” trong vũ trụ vốn là nền tảng siêu hình cho chủ thuyết duy thực ôn hòa của Tôma. Từ quan điểm duy danh siêu hình, Ockham đề xướng phương pháp “dao cạo”, một công cụ giúp khoa học tránh những giả định không cần thiết. Ông dùng nguyên tắc tằn tiện này như một con dao hai lưỡi, vừa cắt bỏ những gì không cần thiết mà cũng vừa biện hộ cho các yếu tố mà thiếu chúng thì không thể giải thích đầy đủ về hiện tượng. Thế nhưng, liệu “dao cạo Ockham” có thể cắt bỏ hoàn toàn các bản thể phổ quát, nếu chúng ta muốn giải thích cách trọn vẹn về các ý nghĩa và trách nhiệm luân lý của con người trong cuộc sống? Chúng ta không nhất thiết phải chấp nhận quan điểm của Platô về sự tồn tại của một thế giới độc lập gồm các ý niệm như kiểu vật liệu có sẵn dùng để xây nên một căn nhà. Thế nhưng, làm sao chúng ta có sự hiểu biết về các thực thể riêng biệt là phần tử của một loài tự nhiên nào đó, trừ khi chúng ta có trước một nguyên tắc cơ cấu, tức là bản thể hay yếu tính phổ quát của mọi phần tử thuộc về loài đó?
Trong khi Ockham loại bỏ hoàn toàn yếu tố bản thể, thì một cách nghịch lý, ông vẫn giải thích luật tự nhiên qua ba ý nghĩa khác nhau. Trong nghĩa thứ nhất, Ockham dùng nó để nói về những mệnh lệnh bất biến của lý trí, ví dụ “không bao giờ được ngoại tình” nhưng không cho biết nguyên tắc đó được khám phá như thế nào nếu chúng ta chỉ dừng lại ở nét giống nhau của các sự kiện. Như thế, hoặc là Ockham thiếu thống nhất trong phương pháp suy tư; hoặc là ông nghĩ rằng nơi con người, có một sự soi sáng thần linh về các nguyên tắc luân lý thâm sâu trong bản tính tự nhiên của mình. Đây là một vấn nạn triền miên cho chủ thuyết duy danh, không chỉ trong thần học mà còn trong các phạm vi thế tục sau này. Trong giai đoạn Cận Đại, Hobbes sẽ giải thích sự ràng buộc luân lý mà không cần nại đến khả năng nắm bắt bản thể hay yếu tính của bất cứ thứ gì.
Ý nghĩa thứ hai của luật tự nhiên dựa trên sự công bằng có trước biến cố “Sa Ngã”. Ockham lý luận rằng, do tội lỗi, quyền tự do phổ quát và sở hữu tài sản chung của mọi người đã bị thay thế bằng nhu cầu tư sản và chế độ nô lệ, do đó con người cần tuân phục ý Chúa để tìm về hạnh phúc bị đánh mất. Đây là một loại đạo đức học tự nguyện, lấy ý muốn của Thiên Chúa làm nền tảng cho luân lý. Ockham cho rằng luật tự nhiên ràng buộc con người chỉ vì Thiên Chúa muốn như thế, và không gì có thể giới hạn được quyền năng hay tự do của Thiên Chúa. Bình thường Thiên Chúa sẽ không thay đổi luật tự nhiên, tuy nhiên không gì có thể ngăn cản việc Ngài dùng quyền năng tuyệt đối của mình để làm việc đó. Ngay cả việc ngoại tình cũng có thể đúng, và phán đoán dựa trên lý trí thì không thể giới hạn Thiên Chúa được.
Ý nghĩa thứ ba của luật tự nhiên bao gồm các nguyên lý xuất phát từ nhân luật hoặc thực trạng của xã hội con người. Ockham gọi đây là “luật tự nhiên từ định đề” (ius naturale ex supposition). Đó là những quy luật mà chúng ta phải thi hành như thể chúng là tự nhiên. Ví dụ, mọi công dân có bổn phận phải đồng thuận với ý muốn của nhà cầm quyền chính thức. Ý tưởng này tuy loại bỏ hoàn toàn ý nghĩa truyền thống của luật tự nhiên, nhưng đã mở ra phạm vi lý luận vốn sẽ là nền tảng diễn giải cho đạo đức vị lợi trong thời Cận Đại.
IV – THẦN HỌC BAROQUE DỰA TRÊN LUẬT TỰ NHIÊN
Thần học gia Francisco Suarez (1548 – 1617) cố gắng kết nối quan điểm duy lý của Tôma với nhãn quan đạo đức học tự nguyện của Ockham. Suarez lý luận rằng, trật tự tự nhiên (Tôma) mà qua đó lý trí con người khám phá ra luật tự nhiên, thì chính nó phản ánh ý muốn của Thiên Chúa. Nếu tất cả lề luật thuộc vào mệnh lệnh của quyền năng cao hơn nó, thì ý muốn của Thiên Chúa (Ockham) là nền tảng cho sự ràng buộc của luật tự nhiên nơi lương tâm con người, cho dù lý trí ý thức hay không ý thức về ý định của Thiên Chúa về việc tuân giữ chúng. Ví dụ, chúng ta có thể không biết Thiên Chúa đã cấm thề gian hay làm chứng dối, nhưng chúng ta vẫn có thể tự hiểu ra rằng xã hội con người không thể tồn tại nếu việc làm chứng dối hay thề gian được phép tiếp tục.
Suarez nêu ra một vấn đề nhức nhối cho đạo đức học tự nguyện dựa trên thuyết duy danh. Nếu chúng ta chấp nhận Thiên Chúa không thể ra lệnh cho chúng ta ghét bỏ Ngài, thì liệu chúng ta có đang chối bỏ tính toàn năng của Thiên Chúa không? Để giải thích giả định của đạo đức học tự nguyện về Thiên Chúa có thể loại bỏ luật tự nhiên nếu Ngài muốn, Suarez đã bỏ công chú giải các đoạn Kinh Thánh về việc Thiên Chúa ra lệnh cho Abraham hiến tế Isaac, hoặc việc Thiên Chúa sai ngôn sứ Hôsê quan hệ tình dục với cô gái điếm. Đây là những tình huống mà qua đó mệnh mệnh của Thiên Chúa đối nghịch với bản chất tự nhiên của hành vi mà Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta phải tuân phục.
Cuối cùng, Suarez nhận ra trong bản tính tự nhiên có một nền tảng kết nối tính hợp pháp của nhà cầm quyền với luật pháp quốc tế. Khác với quan điểm của Tôma cho rằng “ius gentium” (luật quốc tế) là hiệu quả của luật tự nhiên, Suarez giải thích các luật quốc tế được đặt trên nền tảng đồng thuận giữa các quốc gia có luật pháp và chính quyền chính thức. Ở đây, chúng ta nhận thấy bắt đầu có sự thay đổi trong cách những gì “tự nhiên” thì được hiểu như là tập hợp các nguyên lý phổ quát mà các nền văn hóa đang công nhận rộng rãi, bởi vì chúng phản ánh phần nào khao khát tự nhiên của các quốc gia tìm kiếm sự bình an và hạnh phúc chung. Như thế, qua sự đồng thuận về nhu cầu và lợi ích kinh tế hay chính trị, “ius gentium” mở ra một hình thức mới cho đạo đức học luật tự nhiên trong thời Cận Đại.
KẾT
Nếu đạo đức học luật tự nhiên bao hàm một mệnh lệnh căn bản: “Hãy hoàn thành sự thiện hảo sẵn có cách tự nhiên trong con người”, thì cả ba triết gia trên đây đã diễn giải rất phong phú về nhiều khía cạnh của mệnh lệnh đó. Thánh Tôma cho thấy nhu cần phát huy việc tập luyện nhân đức, giáo dục lương tâm và trợ giúp của ân sủng thần linh để sự thiện hảo mà Thiên Chúa đặt để trong bản tính tự nhiên trở thành hiện thực trong hành trình tìm về hạnh phúc tối cao chính là Thiên Chúa. Ockham tuy không phân tích bản tính tự nhiên của con người, nhưng nhắc nhở chúng ta rằng đời sống luân lý không chỉ thuộc về phạm vi lý trí mà phần lớn là động lực của ý chí, và hướng hành trình tìm kiếm hạnh phúc của con người về cùng đích tối cao đó là ý muốn của Thiên Chúa. Suarez qua khái niệm “ius gentium đã mở rộng phạm vi sự thiện hảo có sẵn nơi cá nhân thành ý muốn tốt lành của cộng đồng quốc tế”, như thế đã đóng góp vào sự chuyển hướng của ngôn ngữ lề luật qua ngôn ngữ quyền lợi trong tiến trình phát triển của đạo đức học thời Cận Đại.
Tài liệu tham khảo:
-Joseph Tân Nguyễn, OFM. Đạo Đức Học Phổ Quát. NXB Đồng Nai, 2021.
-Thomas Aquinas. Tổng Lược Thần Học, Prima Secundae, Các Nguyên Tắc Luân Lý.
– Francisco Suárez. Theory of Law. Conimbricenses Encyclopedia,2019.
Nguồn: https://stellamaris.edu.vn