Phụng vụSuy niệm ngày thường

GƯƠNG KHIÊM NHƯỜNG

GƯƠNG KHIÊM NHƯỜNG

(CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM B)

 

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Lễ Lá, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã muốn cho Đấng Cứu Thế mang thân phận người phàm và chịu khổ hình thập giá, để nêu gương khiêm nhường cho thiên hạ noi theo. Xin Chúa cho chúng ta biết đón nhận bài học Người để lại trong Cuộc Thương Khó, và thông phần Vinh Quang Phục Sinh với Người.

Đức Giêsu là mẫu gương khiêm nhường thực thi thánh ý Chúa Cha, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thư gửi tín hữu Hípri đã tường thuật lại: Đức Kitô nói: Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền. Rồi Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới.

Đức Giêsu đã trở nên hiền lành và khiêm nhường, để nâng chúng ta lên, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Anrê Cơrêta đã nói: Người là Đấng hiền lành, đã vượt lên trên phía mặt trời lặn, tức là lên trên thân phận yếu hèn của chúng ta. Người vui mừng vì trước kia đã tỏ cho chúng ta thấy Người hiền lành như thế, nên đã tới chung sống với chúng ta, để nhờ dây thân thích với chúng ta, Người nâng chúng ta lên và đưa chúng ta đến với Người.

 

Đức Giêsu là Người Tôi Trung của Thiên Chúa đã khiêm nhường chấp nhận tất cả, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Isaia cho thấy: Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô cũng đã cho thấy Đức Giêsu đã đi đến cùng của mầu nhiệm tự hủy: Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.

Người Tôi Trung của Thiên Chúa đã khiêm nhường chấp nhận mọi sỉ nhục, khinh chê, như trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 21, vịnh gia đã cho thấy: Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao? Thân sâu bọ chứ người đâu phải, con bị đời mắng chửi dể duôi. Thấy con ai cũng chê cười, lắc đầu bĩu mỏ buông lời mỉa mai: “Nó cậy Chúa, mặc Người cứu nó! Người có thương, giải gỡ đi nào!” Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay cũng cho thấy sự tự khiêm tự hạ của Người: Vì chúng ta, Đức Kitô đã tự hạ, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu.

Trong bài Tin Mừng, thánh Máccô tường thuật lại Cuộc Thương Khó của Đức Kitô. Quyết định của Chúa, ai dò cho thấu. Đường lối của Người, ai theo dõi được. Tại sao Chúa lại chọn cách thức khiêm nhường, tự hủy, để biểu tả tình yêu của Người? Đây là một mầu nhiệm. Đức Giêsu ngồi trên lưng lừa để vào thành thánh Giêrusalem. “Ngựa” được dùng để chiến đấu ngoài sa trường, biểu tượng cho sự mạnh mẽ, oai hùng, còn “lừa” được dùng để chỉ sự khiêm nhường, ôn nhu. Đức Giêsu đích thực là vị Vua Hòa Bình, mang bình an đến cho nhân loại. Noi gương Đức Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, chúng ta hãy lấy hết lòng khiêm nhường, trí khiêm hạ, và hoàn toàn khoét rỗng chính mình, để dọn đường: đón Đức Giêsu đi vào tận sâu thẳm tâm hồn chúng ta. Ước gì chúng ta biết cởi bỏ những chiếc áo, đính đầy những quyến luyến lệch lạc của thú vui trần thế, để mặc lấy Đức Kitô, Đấng đã chấp nhận bị lột trần trụi trên thập giá, để che đậy sự tủi hổ mà tội lỗi đã mang lại cho chúng ta. Ước gì được như thế!  Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!