Góc tư vấn

“Hành là chính”: lề thói phục vụ đi ngược lại công ích!

“Hành là chính”: lề thói phục vụ đi ngược lại công ích!

 

 

“Hành là chính” là câu nói mỉa mai của người dân mỗi khi phải có việc đến các cơ quan công quyền. Câu nói này cũng ám chỉ tới tệ quan liêu đang làm tha hóa một bộ phận không nhỏ các nhân viên công chức nhà nước, dẫn tới tình trạng lạm quyền và lộng quyền ngày càng gia tăng.

Trăm phương ngàn kế bẩn

Sự kiện người dân “bị hành” mỗi khi đến cơ quan công quyền đã trở thành một nan đề xã hội và đã được báo chí đề cập đến từ rất lâu. Tuy nhiên, dường như, tệ nạn này không hề suy giảm, trái lại, ngày càng tinh vi và đôi khi khó hiểu.

hành dân.jpg
Ảnh minh họa: sưu tầm
Câu chuyện “hành dân nổi tiếng nhất” mà báo chí từng nêu lên như một ví dụ tiêu biểu và khó hiểu về lương tâm của người cán bộ khi hành dân là câu chuyện của chị Thanh Hoa, công dân của phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội. Chị cho biết, khoảng 9h sáng 19.7.2017, chị đến UBND phường Văn Miếu làm thủ tục xin giấy cấp khai tử cho bố đẻ để kịp làm thủ tục mai táng tại nhà tang lễ lúc 13h ngày 20.7. Tại đây, cán bộ tên Hiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn chị đến 14h đến trụ sở UBND phường để lấy giấy khai tử với lý do “sếp đang đi họp”. Đúng hẹn chị lên nhưng vẫn không có ai giải quyết. Chị Hoa ngồi chờ đến 15h nhưng vẫn chưa nhận được giấy nên về nhà để lo công việc gia đình. Sau đó, sự việc trở nên căng thẳng hơn khi chị Hoa quay lại và hai bên có những lời qua tiếng lại gay gắt.

Câu chuyện của chị Hoa trên đây chỉ là một trong hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện “hành dân” xảy ra tại các “cơ quan hành là chính”. Khi hành dân, các cán bộ đưa ra nhiều lý do “xếp bận họp”, “áp lực công việc”… để ngâm giấy tờ hồ sơ mà mục tiêu chính là để “vòi vĩnh đòi bôi trơn”.

“Hành chính” là phục vụ

Học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo luôn nhìn nhận rằng “tự bản chất mọi công việc đều là phục vụ”. Vì thế, tệ quan liêu, xét về bản chất là sự tha hóa quyền lực của cơ quan công quyền. Tệ quan liêu, dù dưới bất kỳ hình thức nào, thì cũng đều đáng bị lên án và cần phải thay đổi.

Nói cách khác, tự bản chất, nhiệm vụ của các công chức nhà nước là phục vụ công ích, nên, trong công việc, họ phải ưu tiên tìm kiếm lợi ích của cộng đồng, và phải thực hiện chức năng chính trị được ủy thác cho mình theo các tiêu chuẩn đạo đức. Quản lý tốt mang lại lợi ích lớn lao. Quản lý tốt phục vụ cho công ích. Trái lại, mọi sự quan liêu đều vi phạm nguyên tắc công ích, nguyên tắc chủ đạo trong quản lý xã hội, và làm cho xã hội băng hoại.

Vì thế, tệ quan liêu, dù dưới bất kỳ hình thức nào, phải bị lên án, vì một mặt, sự quan liêu thái quá thường gây ra nhiều bất lợi cho những người thấp cổ bé miệng, những thường dân, vì họ không xoay sở nổi trước tính phức tạp của các thủ tục quan liêu hành chính.

Mặt khác, sự quan liêu thái quá có thể làm cho những ai thực hành nó cũng mất đi tính người, tệ hơn, nó biến con người thành những mắt xích, những công chức và những nhân viên văn phòng vô cảm trong cỗ máy hành chính (x. Docat #210).

Kết luận

Tệ quan liêu bao cấp hay lề lối phục vụ “hành là chính” không chỉ đi ngược lại với bản chất của quyền bính chính trị là phục vụ công ích, mà nó còn tước đi quyền được phục vụ và phục vụ của mọi người, biến con người thành những công chức và những nhân viên văn phòng vô cảm trong cỗ máy hành chính.​

 st

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!